Lần đầu tiên UBND thành phố Hà Nội cho phép bán đấu giá cổ vật

10/07/2017
Lần đầu tiên UBND thành phố Hà Nội cho phép bán đấu giá cổ vật
Sáng 10/7, Công ty Cổ phần Đấu giá Số 5 – Quốc gia đã tổ chức họp báo giới thiệu cuộc bán đấu giá “Một sô cổ vật, tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao về lịch sử - văn hóa và Bộ trang sức gắn 02 viên đá Ruby sao Yên Bái, Việt Nam.
Tham dự buổi họp báo có bà Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp, ông Hoàng Thế Ngữ, Chủ tịch Hội Đá quý Việt Nam, đại diện làng nghề Kiêu Kỵ. Ông Quản Văn Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị  Công ty Cổ phần Đấu giá Số 5 – Quốc gia  chủ trì  buổi họp báo.
Bà Lê Việt Nga, Phó Giám đốc Cổ phần Đấu giá Số 5 – Quốc gia cho biết đây là cuộc bán đấu giá cổ vật đầu tiên được UBND thành phố Hà Nội cho phép theo văn bản số 3110/UBND-KGVX ngày 27/6/2017. Các cổ vật Việt Nam được bán đấu giá lần này gồm: 01 chiếc “Bình đồng” của nền văn hóa Đông Sơn B(có niên đại khoảng 2000 năm); 01 chiếc “Thạp gốm hoa nâu” đời nhà Trần (thế kỷ 13-14); 01 “Hộp pháp lam hoàng cung” của thời nhà Nguyễn (giữa thế kỷ 19), đều là những kiệt tác nghệ thuật có giá trị lịch sử, văn hóa lớn thuộc dạng quý hiếm được lưu giữ và bảo quản trong tình trạng tốt.

Tại cuộc đấu giám Công ty Cổ phần Đấu giá Số 5  – Quốc gia cũng sẽ đưa ra bán đấu giá Bộ trang sức gắn hai viên đá quý Ruby sao (start ruby), loại đá quý hiếm nhất trên thế giới và hiện chỉ còn vài nơi trên thế giới, trong đó có mỏ đá quý Tân Hương, tỉnh Yên Bái, Việt Nam. Sự kết hợp giữa hai viên đá quý với kin cương tự nhiên và vàng trắng đã tạo nên bộ trang sức đầy huyền ảo và lộng lẫy. Đặc biệt, hai viên Ruby sao trong Bộ trang sức có những nét đẹp hoàn hảo như màu đỏ tươi hấp dẫn phân bố đều trên cả viên, độ trong cao và những cánh sao cân đối, rõ nét.

Không chỉ có cổ vật và đá quý, cuộc đấu giá còn có những tác phẩm nghệ thuật được làm nên từ nghệ nhân làng nghề làm quỳ vàng Kiêu Kỵ thuộc xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Năm pho tượng Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn dát vàng được đưa ra đấu giá lần này chính là tâm huyết với nghề, là bao công sức với những công đoạn đòi hỏi sự kiên trì cùng những kỹ thuật tỉ mỉ để cho ra đời một bộ sản phẩm hội tụ được những kết tinh của làng nghề Kiêu Kỵ.
Tất cả những tài sản đưa ra bán đấu giá lần này đều được các chuyên gia đầu ngành thẩm định với đầy đủ hồ sơ pháp lý, hồ sơ khoa học do các cơ quan có thẩm quyền cấp để đảm bảo chất lượng và tính hợp pháp của tài sản.
Trao đổi với các phóng viên về các nội dung liên quan đến buổi đấu giá, đại diện Cổ phần Đấu giá Số 5 – Quốc gia khẳng định buổi bán đấu giá lần này không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế cho các bên tham gia, cho Nhà nước mà còn đảm bảo được tính pháp lý với những thông tin chính xác, đảm bảo quyền sở hữu và nguồn gốc của tài sản. Hơn thế nữa, cả ba tài sản được bán đấu giá lần này đề mang giá trị xã hội, văn hóa đặc biệt, có ý nghĩa trong việc tuyên truyền cho giá trị văn hóa Việt Nam và khơi dậy niềm tự hào dân tộc.
P.V