Quốc hội thông qua Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước sửa đổi, Luật Trợ giúp pháp lý sửa đổi

20/06/2017
Quốc hội thông qua Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước sửa đổi, Luật Trợ giúp pháp lý sửa đổi
Sáng ngày 20/6, với 454/458 ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước sửa đổi. Cũng trong buổi sáng, với 458/458 ĐBQH tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Trợ giúp pháp lý sửa đổi.
Bồi thường thiệt hại về tinh thần chỉ trong trường hợp người bị thiệt hại đã chết
Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước sửa đổi có 9 chương 78 điều, quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án; thiệt hại được bồi thường; quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại; cơ quan giải quyết bồi thường; thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường; phục hồi danh dự; kinh phí bồi thường; trách nhiệm hoàn trả; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác bồi thường nhà nước.
Luật quy định nguyên tắc bồi thường của nhà nước được thực hiện kịp thời, công khai, bình đẳng, thiện chí, trung thực, đúng pháp luật; được tiến hành trên cơ sở thương lượng giữa cơ quan giải quyết bồi thường và người yêu cầu bồi thường hoặc theo thủ tục tố tụng. Nhà nước giải quyết bồi thường sau khi có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc kết hợp giải quyết bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật này.
Luật cũng quy định về thời hiệu yêu cầu bồi thường, theo đó, thời hiệu yêu cầu bồi thường là 03 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu bồi thường nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, trừ trường hợp yêu cầu phục hồi danh dự. Thời hiệu yêu cầu bồi thường trong quá trình khởi kiện vụ án hành chính được xác định theo thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính…
Để giải quyết bồi thường cho người bị oan, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hiện hành và dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội đều thống nhất nguyên tắc xác định cơ quan ra quyết định gây oan sau cùng sẽ chịu trách nhiệm thay mặt Nhà nước giải quyết bồi thường, đồng thời bảo đảm nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong từng giai đoạn tố tụng như thể hiện tại các Điều 34, 35 và 36 của dự thảo Luật.
Về bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với người thân thích của người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự, Khoản 4 Điều 27 của dự thảo Luật quy định việc bồi thường thiệt hại về tinh thần chỉ trong trường hợp người bị thiệt hại đã chết. Quy định như vậy là kế thừa quy định của Luật hiện hành, đồng thời phù hợp với quy định tại Điều 591 Bộ luật Dân sự, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng chi trả của ngân sách nhà nước. Hơn nữa, bồi thường thiệt hại về bản chất là bồi thường trực tiếp cho người bị thiệt hại, nhưng trong trường hợp người đó đã chết thì người thừa kế được hưởng.
“Nếu quy định bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với người thân thích của người bị thiệt hại trong trường hợp người đó còn sống thì không hợp lý và dễ phát sinh phức tạp trong quá trình thực hiện. Mặt khác, vấn đề này chưa được tổng kết, đánh giá tác động và nghiên cứu kỹ các nội dung liên quan” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.
Đối với thiệt hại về tinh thần quy định tại Điều 2, việc xin lỗi, cải chính công khai luôn gắn với quyền yêu cầu của người bị thiệt hại. Với tính chất của một quyền nhân thân thì bên có nghĩa vụ chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên có quyền thực hiện quyền yêu cầu của mình.
Quy định cơ quan nhà nước chủ động tiến hành xin lỗi, cải chính công khai mà không cần yêu cầu từ phía người bị oan sẽ làm ảnh hưởng đến quyền tự định đoạt về quyền nhân thân của người bị oan.
Về phục hồi danh dự, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, một số ý kiến đề nghị quy định cơ quan nhà nước có trách nhiệm chủ động tổ chức xin lỗi công khai người bị oan và phục hồi danh dự cho họ, trừ trường hợp người bị oan đề nghị không tổ chức xin lỗi công khai.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội bổ sung Điều 57 quy định về chủ động phục hồi danh dự; đồng thời chỉnh lý lại quy định tại các điều 31, 58 và 59 của dự thảo Luật cho phù hợp.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2018.
Mở rộng diện người được trợ giúp pháp lý
Báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo Luật trợ giúp pháp lý sửa đổi, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho biết: Qua thảo luận, nhiều ý kiến nhất trí với quy định tại Điều 7 của dự thảo Luật. Có ý kiến đề nghị rà soát quy định về trẻ em, người khuyết tật, nạn nhân của hành vi mua bán người cho thống nhất với các luật có liên quan. Có ý kiến đề nghị bổ sung một số đối tượng được trợ giúp pháp lý như: người thuộc hộ cận nghèo là người bị hại, người chấp hành xong án phạt tù, chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, người Việt Nam ở nước ngoài, ...
Đây là nội dung được sự quan tâm của rất nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri; cũng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo xây dựng nhiều phương án để xin ý kiến và tiếp thu, chỉnh lý nhiều lần. Theo đó, diện người được trợ giúp pháp lý trong dự thảo Luật đã bao quát và mở rộng hơn nhiều so với Luật hiện hành, tăng từ 7 nhóm (theo Chính phủ trình) lên 14 nhóm người được trợ giúp pháp lý theo những nguyên tắc đã báo cáo Quốc hội, thể hiện đúng bản chất của trợ giúp pháp lý của Nhà nước, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và cũng đã được đa số các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội tán thành.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tiếp tục mở rộng diện người được trợ giúp pháp lý đối với tất cả trẻ em khi có yêu cầu trợ giúp pháp lý; người dân tộc thiểu số “cư trú” mà không chỉ là “thường trú” ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, như đã được chỉnh lý tại Điều 7 của dự thảo Luật.
Đối với những người chưa được quy định trong Luật này thì vẫn có thể được các tổ chức luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật và tổ chức, cá nhân khác hỗ trợ pháp lý “miễn phí” theo quy định của pháp luật về luật sư, tư vấn pháp luật;  khi điều kiện kinh tế - xã hội cho phép sẽ tiếp tục nghiên cứu để bổ sung những người này vào Luật Trợ giúp pháp lý.
Dự theo luật được thông qua quy định Người được trợ giúp pháp lý gồm: Người có công với cách mạng; Người thuộc hộ nghèo; Trẻ em; Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo; Người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính: Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; Người nhiễm chất độc da cam;  Người cao tuổi; Người khuyết tật; Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự;  Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; Nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người; Người nhiễm HIV.
Chính phủ quy định chi tiết điều kiện khó khăn về tài chính của người được trợ giúp pháp lý quy định tại khoản này phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội.
Về hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý (Điều 14), đăng ký tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý (Điều 15), có ý kiến đề nghị các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật chỉ cần tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan và quy tắc đạo đức nghề nghiệp là có thể thực hiện trợ giúp pháp lý mà không cần phải ký hợp đồng hay đăng ký tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý. Có ý kiến cho rằng quy định việc ký kết hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý dễ tạo cơ chế “xin – cho”. 
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Việc quy định cơ chế ký hợp đồng và đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý về bản chất không phải là vấn đề mới mà là sự kế thừa quy định của Luật Trợ giúp pháp lý hiện hành. Mục đích của chế định hợp đồng, đăng ký thực hiện trợ giúp pháp lý là nhằm thu hút, lựa chọn được các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật có đủ điều kiện năng lực tham gia cùng với Nhà nước thực hiện có chất lượng việc trợ giúp pháp lý cho người dân. Quy định như vậy vừa đáp ứng yêu cầu của người dân, vừa bảo đảm yêu cầu quản lý, nâng cao trách nhiệm của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và sử dụng có hiệu quả kinh phí của Nhà nước.
Có ý kiến đề nghị không giao Sở Tư pháp lựa chọn ký kết hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý mà nên quy định Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước trực tiếp ký kết hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với các tổ chức luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật. Có ý kiến đề nghị rà soát để thể hiện lại các điều quy định về hợp đồng cho rõ ràng, dễ hiểu.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: Sở Tư pháp là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp tại địa phương, được giao nguồn lực tài chính để tổ chức thực hiện, đồng thời có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân được giao thực hiện. Do đó, việc giao Sở Tư pháp lựa chọn, ký kết hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật là phù hợp.
Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho rà soát, nhập các quy định về hợp đồng thành một điều và chỉnh sửa lại cho rõ ràng hơn về chủ thể, đơn giản hơn về điều kiện tham gia ký kết hợp đồng; bỏ điều kiện “có uy tín” trong hành nghề luật sư hoặc tư vấn pháp luật khi tham gia ký kết hợp đồng; bỏ điều kiện chỉ ký kết hợp đồng “trong trường hợp Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước không bảo đảm được nhu cầu trợ giúp pháp lý” như đã thể hiện tại Điều 14 của dự thảo Luật.
Một số ý kiến đề nghị bỏ quy định điều kiện đăng ký tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý của tổ chức hành nghề luật sư là phải “có ít nhất 01 luật sư làm việc thường xuyên tại tổ chức” cho thống nhất với các văn bản luật khác. Có ý kiến đề nghị bỏ điều kiện “có cơ sở vật chất phù hợp” đối với các tổ chức tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý. Có ý kiến đề nghị cần quy định ký kết hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với cả tổ chức tư vấn pháp luật không có luật sư nhưng có tư vấn viên pháp luật nhiều kinh nghiệm cho phù hợp với thực tế.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bỏ điều kiện đối với tổ chức hành nghề luật sư “có ít nhất 01 luật sư làm việc thường xuyên tại tổ chức” khi ký hợp đồng hoặc đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý để tránh quy định trùng lặp với quy định của Luật Luật sư; đồng thời, quy định tổ chức tư vấn pháp luật được ký kết hợp đồng trợ giúp pháp lý khi “có ít nhất 01 tư vấn viên pháp luật có 02 năm kinh nghiệm tư vấn pháp luật trở lên hoặc 01 luật sư làm việc thường xuyên tại tổ chức” (điểm b khoản 2 Điều 14).
Đối với quy định về “điều kiện cơ sở vật chất phù hợp”, mặc dù khi thành lập, tổ chức phải bảo đảm cơ sở vật chất theo quy định, nhưng trên thực tế có những trường hợp trong quá trình hoạt động không còn duy trì được điều kiện này, gây ra khó khăn cho người được trợ giúp pháp lý có nhu cầu tiếp cận với tổ chức; do đó, cần thiết phải quy định về điều kiện này.
Về Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý (khoản 2 Điều 11), cơ bản, các ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với quy định về Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước như trong dự thảo Luật. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng việc quy định thành lập mới Chi nhánh sẽ làm tăng biên chế, không phù hợp với Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Từ thực tiễn tổng kết thi hành Luật, theo đề nghị của Chính phủ, nhằm tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác trợ giúp pháp lý, dự thảo Luật quy định phải rà soát, sắp xếp lại, sáp nhập hoặc giải thể các Chi nhánh đã được thành lập, bảo đảm hiệu quả hoạt động (khoản 4 Điều 48); việc thành lập mới Chi nhánh phải đáp ứng những yêu cầu rất chặt chẽ. Trong trường hợp thực sự cần thiết để đáp ứng nhu cầu của nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập mới Chi nhánh trên cơ sở cân đối biên chế được giao của địa phương (khoản 2 Điều 11). Việc quy định như vậy sẽ không làm phát sinh thêm biên chế ở địa phương, bảo đảm phù hợp với Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Đồng thời, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã ghép Điều quy định về Chi nhánh vào nội dung Điều về Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cho logic và rà soát, chỉnh lý về mặt kỹ thuật như được thể hiện tại Điều 11 của dự thảo Luật.
 Về quyền và nghĩa vụ của người thực hiện trợ giúp pháp lý (Điều 18): Có ý kiến đề nghị cân nhắc không quy định trong Luật vấn đề phụ cấp nghề nghiệp, bồi dưỡng vụ việc và chi phí thực hiện trợ giúp pháp lý mà để Chính phủ quy định phù hợp với những đổi mới về chính sách tiền lương.
Tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý vấn đề này như được thể hiện tại điểm d khoản 2 Điều 18 của dự thảo Luật.
Có ý kiến đề nghị cần làm rõ cơ chế bồi thường, bồi hoàn trong trường hợp Trợ giúp viên pháp lý gây thiệt hại trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: Trợ giúp viên pháp lý là viên chức của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước; trách nhiệm bồi thường, việc xác định mức hoàn trả của viên chức trong các trường hợp như đại biểu Quốc hội nêu đã được quy định tại Điều 55 của Luật Viên chức.
Về tiêu chuẩn của Trợ giúp viên pháp lý (Điều 19): Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về tiêu chuẩn Trợ giúp viên pháp lý là phải có thời gian công tác hoặc tham gia công tác pháp luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, dự thảo Luật đã quy định Trợ giúp viên pháp lý phải có thời gian làm việc tại Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, đã được đào tạo nghề luật sư (12 tháng), tập sự trợ giúp pháp lý (12 tháng). Tất cả quá trình, thời gian làm việc, đào tạo, tập sự như trên đều gắn với hoạt động trong lĩnh vực pháp luật. Do đó, không cần quy định tiêu chuẩn về thời gian công tác hoặc tham gia công tác pháp luật đối với người được bổ nhiệm làm Trợ giúp viên pháp lý.
Luật Trợ giúp pháp lý sửa đổi có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2018                    
Thu Hằng