Chính phủ cho ý kiến về đề nghị xây dựng Luật SĐ, BS một số điều của các Luật về ĐT, KD

02/08/2016
Chính phủ cho ý kiến về đề nghị xây dựng Luật SĐ, BS một số điều của các Luật về ĐT, KD
Chiều nay, tại Phiên họp thường kỳ tháng 7/2016, Chính phủ đã thảo luận, cho ý kiến về đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về đầu tư, kinh doanh.
Tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã trình bày Tờ trình của Bộ Tư pháp về đề nghị xây dựng dự án Luật nêu trên. Theo Tờ trình của Bộ Tư pháp, mục tiêu tổng quát của việc xây dựng Luật này là nhằm tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng thuận lợi, minh bạch, bình đẳng, an toàn và thân thiện cho mọi người dân, doanh nghiệp. Mục tiêu cụ thể tạo thuận lợi cho việc gia nhập thị trường và bảo đảm thực hiện đầy đủ, nhất quán quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp; tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp về tính an toàn, thân thiện của môi trường đầu tư, kinh doanh và tính hấp dẫn và ổn định trong hệ thống chính sách ưu đãi đầu tư nói riêng; đảm bảo tính liên thông, đồng bộ giữa thủ tục đầu tư với thủ tục về đất đai, xây dựng, môi trường và các thủ tục có liên quan khác...và hoàn thiện cơ chế phân cấp giữa các cơ quan trung ương và cơ quan địa phương trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Với nguyên tắc và quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật là tập trung sửa đổi các quy định về thủ tục hành chính cản trở hoạt động của nhà đầu tư, doanh nghiệp; các quy định chồng chéo, mâu thuẫn giữa các luật liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư, kinh doanh; bãi bỏ một số ngành, nghề hoặc một số điều kiện kinh doanh bất hợp lý hoặc bổ sung một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện để đáp ứng yêu cầu quản lý, dự án Luật này chỉ sửa đổi, bổ sung một số quy định của 10 Luật hiện hành, bao gồm: (1) Luật đầu tư; (2) Luật doanh nghiệp; (3) Luật đất đai; (4) Luật xây dựng; (5) Luật bảo vệ môi trường; (6) Luật quản lý thuế; (7) Luật quảng cáo; (8) Luật nhà ở ;(9) Luật điện ảnh; (10) Luật khoáng sản. Bộ Tư pháp đã xin ý kiến của Chính phủ về 03 vấn đề là mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật; phạm vi điều chỉnh và vấn đề áp dụng luật trong trường hợp thành lập doanh nghiệp.
Phát biểu tại Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự chuẩn bị của Bộ Tư pháp về đề nghị xây dựng dự án Luật này. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, các chính sách sửa đổi các Luật về đầu tư, kinh doanh phải thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ về kiên quyết loại bỏ các rào cản kinh doanh, tạo động lực cho cộng đồng doanh nghiệp tham gia hoạt động đầu tư, kinh doanh. Hệ thống pháp luật của Nhà nước ta hiện nay chưa thực sự đồng bộ, thống nhất nên đã tạo ra rào cản lớn, ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh. Do vậy, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung cho hoàn thiện, nhưng việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp phải kết hợp hài hòa với yêu cầu quản lý nhà nước, không buông lỏng quản lý nhà nước. Về phạm vi sửa đổi, bổ sung, Thủ tướng Chính phủ nhất trí với các nguyên tắc mà Bộ Tư pháp đề xuất là chỉ tập trung sửa đổi các quy định về thủ tục hành chính cản trở hoạt động của nhà đầu tư, doanh nghiệp; các quy định chồng chéo, mâu thuẫn giữa các luật liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư, kinh doanh; bãi bỏ một số ngành, nghề hoặc một số điều kiện kinh doanh bất hợp lý hoặc bổ sung một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện để đáp ứng yêu cầu quản lý. Trên cơ sở các nguyên tắc này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát kỹ để xác định các luật cần phải sửa đổi, bổ sung, quan trọng là phải bảo đảm chất lượng, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, không nên sửa quá nhiều luật không cần thiết, dàn trải. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp tiếp tục chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các bộ và các Ủy ban của Quốc hội có liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để hoàn thiện hồ sơ đề nghị, báo cáo Thường trực Chính phủ xem xét, quyết định trước khi trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung dự án Luật này vào Chương trình năm 2016, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2.
Li Mi