Chế định quyền nhân thân trong pháp luật dân sự Việt Nam

06/09/2018
Đặt vấn đề
Quyền nhân thân là quyền của cá nhân đối với các giá trị nhân thân của mình  được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Quyền nhân thân là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân như quyền xác định dân tộc, quyền xác định lại giới tính, quyền chuyển đổi giới tính, quyền kết hôn, quyền được hưởng sự chăm sóc giữa các thành viên trong gia đình, quyền ly hôn, quyền được thay đổi họ, tên, quyền được khai sinh, khai tử, quyền nhận nuôi con nuôi, quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khoẻ, thân thể, quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín và một số quyền nhân thân khác được quy định cụ thể trong pháp luật dân sự qua các thời kỳ từ Bộ luật Dân sự năm 1995 đến Bộ luật Dân sự năm 2005 và gần đây nhất là Bộ luật Dân sự năm 2015.
Trong khoa học pháp lý cũng như trên thực tế, thuật ngữ quyền nhân thân thường bị nhầm với giá trị nhân thân. Giá trị nhân thân là những giá trị tinh thần gắn liền với cá nhân, có từ khi cá nhân sinh ra và không phải mọi giá trị nhân thân đều được xác định là quyền nhân thân mà chỉ những giá trị nhân thân được nhà nước ghi nhận và bảo vệ thông qua việc luật hoá thì mới được coi là quyền nhân thân. Vì vậy, trong phạm vi bài viết này, tác giả đi sâu phân tích về các quyền nhân thân được quy định cụ trong pháp luật dân sự Việt Nam nói chung qua các thời kỳ, đặc biệt là các quyền nhân thân đã được ghi nhận cụ thể trong Hiến pháp năm 2013 - một đạo luật gốc, làm cơ sở, nền tảng cho việc xây dựng các đạo luật chuyên ngành và điều đó đã được cụ thể hoá bằng các quyền nhân thân cụ thể trong Bộ luật Dân sự năm 2015.
1. Khái niệm
Điều 25 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “1.Quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật Dân sự (BLDS) là quyền gắn liền với mỗi cá nhân không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác,
2. Việc xác lập, thực hiện quan hệ dân sự liên quan đến quyền nhân thân của người chưa thành niên người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi được người đại diện theo pháp luật của người này đồng ý theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan hoặc theo quyết định của Toà án.
Việc xác lập, thực hiện quan hệ dân sự liên quan đến quyền nhân thân của người bị tuyên bố mất tích, người đã chết phải được sự đồng ý của vợ, chồng hoặc con thành niên của người đó: trong trường hợp không có người này thì phải được sự đồng ý của cha, mẹ của người bị tuyên bố mất tích, người đã chết, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.
Có rất nhiều cách thức khác nhau để phân loại quyền nhân thân, trong đó cách thức phân loại quyền nhân thân phổ biến là dựa vào đối tượng của quyền nhân thân. Theo cách thức phân loại này thì quyền nhân thân phổ biến là dựa vào đối tượng của quyền nhân thân. Theo cách thức phân loại này thì quyền nhân thân được phân thành 5 nhóm: (1) Nhóm các quyền cá biệt hoá chủ thể (Quyền xác định, xác định lại dân tộc; Quyền xác định lại giới tính); (2) Nhóm các quyền liên quan đến thân thể của cá nhân (Quyền được đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khoẻ, thân thể; Quyền hiến bộ phận cơ thể; Quyền nhận bộ phận cơ thể người); (3) Nhóm các quyền liên quan đến giá trị tinh thần của chủ thể (Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín; Quyền bí mật đời tư); (4) Nhóm các quyền liên quan đến quan hệ hôn nhân và gia đình của cá nhân (Quyền kết hôn, quyền được hưởng sự chăm sóc giữa các thành viên trong gia đình; quyền ly hôn); (5) Nhóm các quyền đối với hình ảnh (Quyền của cá nhân đối với hình ảnh)
Quyền nhân thân gắn liền với mỗi chủ thể nhất định và về nguyên tắc quyền không thể chuyển giao cho các chủ thể khác. Tuy nhiên, trong một số trường hợp luật định thì quyền nhân thân có thể dịch chuyển được, ví dụ: Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 ghi nhận quyền công bố tác phẩm của các tác giả các tác phẩm, các đối tượng sở hữu công nghiệp có thể được chuyển giao sang chủ thể khác mà không phải trong mọi trường hợp tác giả là người công bố.
Quyền nhân thân không xác định được bằng tiền, quyền nhân thân và tiền tệ không phải là những đại lượng tương đương nên không thể trao đổi ngang giá. Trong trường hợp quyền nhân thân của cá nhân bị xâm phạm (xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân…) thì chủ thể chịu trách nhiệm phải bồi thường cho cá nhân một khoản tiền. Bản chất của khoản tiền này là nhằm bù đắp những mất mát, tổn thương đã gây ra cho người bị thiệt hại về danh dự, uy tín, nhân phẩm…mà không phải là việc quy đổi quyền nhân thân bị xâm phạm ra tiền.
Cá nhân tự thực hiện các hành vi để xác lập, thực hiện các quan hệ nhân thân cho chính mình. Đối với người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì việc xác lập, thực hiện quan hệ dân sự liên quan đến quyền nhân thân của người này phải được người đại diện theo pháp luật của người này đồng ý hoặc theo quyết định của Toà án. Ví dụ: Trẻ sơ sinh được cha mẹ hoặc những người thân thích thực hiện việc đăng kí khai sinh, quy định này xuất phát từ việc bảo vệ lợi ích chính đáng của các cá nhân khi mà khả năng nhận thức và làm chủ hành vi của họ không đầy đủ.
Đối với người bị tuyên bố mất tích, người bị tuyên bố là đã chết, việc xác lập, thực hiện quan hệ dân sự liên quan đến quyền nhân thân phải được sự đồng ý của vợ, chồng hoặc con đã thành niên của người đó hoặc cha, mẹ của họ. Những cá nhân bị tuyên bố mất tích hoặc bị tuyên bố là đã chết thì năng lực chủ thể của họ bị tạm dừng hoặc chấm dứt nên những vấn đề liên quan đến nhân thân của những người này không thể thực hiện được thông qua người đại diện giống như những cá nhân không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Bởi vậy, người thân thích trong gia đình sẽ là người quyết định vấn đề xác lập, thực hiện quan hệ dân sự liên quan đến quyền nhân thân của các cá nhân này.
2. Nhóm các quyền nhân thân cụ thể 
Như phân tích ở trên, các quyền nhân thân của cá nhân là một trong những quyền hiến định đã được ghi nhận và quy định cụ thể trong các văn kiện pháp lý quốc tế như: Hiến chương Liên hợp quốc 1945, Tuyên ngôn nhân quyền 1948, Hai Công ước quốc tế về quyền con người năm 1966. Ở Việt Nam, các quyền nhân thân của mỗi cá nhân cũng được ghi nhận cụ thể trong Hiến pháp năm 2013: Điều 19 (Mọi người có quyền được sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật); Điều 36 (Nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn); Điều 42 (Công dân có quyền xác định dân tộc của mình)…Thể chế hoá tinh thần Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Dân sự năm 2015 khá cụ thể, chi tiết các quyền nhân thân của mỗi cá nhân trong đời sống dân sự. Các quyền đó, được tác giả đưa vào các nhóm quyền cụ thể và từ đó đi sâu phân tích.
2.1. Nhóm các quyền cá biệt hoá chủ thể (Quyền xác định, xác định lại dân tộc; Quyền xác định lại giới tính).
Thứ nhất, đối với quyền xác định, xác định lại dân tộc, điều 29 BLDS 2015 quy định:
1. Cá nhân có quyền xác định, xác định lại dân tộc của mình;
2. Cá nhân khi sinh ra được xác định dân tộc theo dân tộc của cha đẻ,mẹ đẻ. Trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau thì dân tộc của con được xác định theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ theo sự thoả thuận của cha đẻ, mẹ đẻ; trường hợp không có thoả thuận thì dân tộc của con được xác định theo tập quán của dân tộc ít người hơn.
Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và được nhận làm con nuôi thì được xác định dân tộc theo dân tộc của cha nuôi hoặc mẹ nuôi theo thoả thuận của cha mẹ nuôi. Trường hợp chỉ có cha nuôi hoặc mẹ nuôi thì dân tộc của trẻ em được xác định theo dân tộc của người đó.
Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và được nhận làm con nuôi thì được xác định theo dân tộc theo đề nghị của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đó hoặc theo đề nghị của người đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ em vào thời điểm đăng ký khai sinh cho trẻ em…”.
Xác định dân tộc tức là việc xác định lần đầu tiên dân tộc cho một cá nhân (áp dụng đối với trẻ sơ sinh khi làm thủ tục đăng ký khai sinh); còn xác định lại dân tộc là việc xác định dân tộc cho những cá nhân đã được thừa nhận một dân tộc trước đó. Chẳng hạn như: Chị Nguyễn Thị Hằng và anh Hoàng Văn Thắng kết hôn với nhau và sinh 1 bé trai đặt tên Hoàng Tuấn Đạt, khi làm thủ tục đăng ký khai sinh cho bé Đạt thì vợ chồng anh chị thoả thuận lựa chọn và xác định dân tộc của bé theo dân tộc của mẹ (dân tộc kinh), khi bé Đạt lên 8 tuổi thì anh chị muốn xác định lại dân tộc cho bé theo dân tộc của cha là dân tộc Tày. Vậy việc xác định dân tộc lần đầu tiên khi đăng ký khai sinh là xác định lại dân tộc, còn việc thay đổi từ dân tộc kinh sang dân tộc tày là việc xác định lại dân tộc.
Quyền xác định dân tộc của cá nhân phát sinh từ khi cá nhân được sinh ra, điều đó được hiện thực hoá trên giấy tờ nhân thân đó là giấy khai sinh và quyền xác định, xác định lại dân tộc là một quyền nhân thân được ghi nhận từ các BLDS trước đó, từ BLDS 1995, được kế thừa trong BLDS 2005 và đến nay là BLDS 2015, các văn bản hướng dẫn thi hành như Nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch và luật chuyên ngành đó là Luật Hộ tịch năm 2014. Quyền xác định lại dân tộc là quyền nhân thân cơ bản của cá nhân, có từ khi cá nhân sinh ra và được áp dụng cho lần xác định dân tộc đầu tiên của một cá nhân (cá nhân chưa có dân tộc nào trước đó). Theo BLDS 2005 thì dân tộc của một cá nhân được xác định theo dân tộc của cha hoặc mẹ, trong trường hợp cha đẻ và mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau thì con sinh ra được xác định theo tập quán hoặc theo thoả thuận. Căn cứ xác định dân tộc theo tập quán hoặc theo thoả thuận được đặt ngang hàng nhau mà không có sự ưu tiên áp dụng trước, sẽ gây ra sự phức tạp nếu có tranh chấp liên quan đến viêc xác định lại dân tộc cho con trong những trường hợp sau này, khắc phục những điểm hạn chế đó, Điều 29 BLDS 2015 đã bổ sung thêm khoản 2 về việc xác định dân tộc đối với trẻ em được ghi nhận làm con nuôi và trẻ em bị bỏ rơi mà chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ.
Thứ hai, đối với quyền xác định lại giới tính, điều 36 BLDS 2005 quy định:
“1. Cá nhân có quyền xác định lại giới tính.
Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính.
2. Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật.
3. Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch, có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được xác định lại theo quy định của Bộ luật này và pháp luật khác có liên quan”.
Giới tính là những điểm riêng biệt tạo nên sự khác biệt giữa nam và nữ. Cá nhân có quyền xác định lại giới tính nếu thoả mãn điều kiện: (1) giới tính của cá nhân bị khuyết tật bẩm sinh; hoặc (2) giới tính của cá nhân chưa định hình chính xác cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ về giới tính.
Văn bản chuyên ngành điều chỉnh việc xác định lại giới tính là Nghị định số 88/2008/NĐ-CP ngày 05/8/2008 của Chính phủ về xác định lại giới tính; Thông tư số 29/2010/TT-BYT ngày 24/5/2010 của Bộ Y tế hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 88/2008/NĐ-CP . Theo các văn bản hướng dẫn chi tiết này thì khuyết tật bẩm sinh về giới tính là những bất thường ở bộ phận sinh dục của một người này từ khi mới sinh ra, biểu hiện ở một trong những dạng như nữ lưỡng tính giả nam, nam lưỡng tính giả nữ hoặc lưỡng giới thật. Giới tính chưa được định hình chính xác là những trường hợp chưa thể phân biệt được một người là nam hay là nữ xét về cả bộ phận sinh dục và nhiễm sắc thể giới tính.
Nguyên tắc xác định lại giới tính, bảo đảm mỗi người đều được sống đúng với giới tính thật của mình, việc xác định lại giới tính phải được thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện, khách quan, trung thực, khoa học và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc xác định lại giới tính; giữ bí mật về các thông tin liên quan đến người được xác định lại giới tính, trừ trường hợp có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu cung cấp hồ sơ phục vụ cho việc kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xet xử liên quan đến việc xác định lại giới tính.
Thủ tục đề nghị xác định lại giới tính được thưc hiện, người đề nghị xác định lại giới tính gửi hồ sơ để xác định lại giới tính đến cơ sở khám, chữa bệnh được phép và cơ sở khám, chữa bệnh phải trả lời lại đơn theo thời hạn luật định. Cơ sở khám, chữa bệnh đã thực hiện việc can thiệp y tế xác định lại giới tính cấp giấy chứng nhận y tế sau khi đã xác định lại giới tính cho người được can thiệp y tế. Giấy chứng nhận y tế là căn cứ để đăng ký hộ tịch cho người đã được xác định lại giới tính. UBND cấp huyện có trách nhiệm giải quyết việc đăng ký hộ tịch cho người đã được xác định lại giới tính theo quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch.
BLDS 2015 đã tạo điều kiện cho việc ổn định và hoà nhập cuộc sống của những người xác định lại giới tính thông qua việc quy định họ có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch, có quyền nhân thân phù hơp với giới tính đã được xác định lại Ví dụ, cá nhân sau khi xác định lại giới tính thì giới tính thật là nam hoặc nữ có quyền thay đổi tên hiện có là nam giới hoặc nữ giới để phù hợp với cuộc sống, sinh hoạt, có quyền kết hôn với người nam hoặc người nữ khác theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.
2.2. Nhóm các quyền liên quan đến thân thể của cá nhân (Quyền sống, quyền được đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khoẻ, thân thể; Quyền hiến bộ phận cơ thể; Quyền nhận bộ phận cơ thể người).
Thứ nhất, đối với quyền sống, quyền được đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khoẻ, thân thể, điều 33 BLDS 2015 quy định: “Cá nhân có quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, thân thể quyền được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật…”.
Tính mạng, sức khoẻ, thân thể của cá nhân là những yếu tố quan trọng hàng đầu và vô giá đối với mỗi con người. Do đó, quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khoẻ, thân thể của cá nhân là quyền nhân thân cơ bản, được ưu tiên quan tâm bảo vệ từ phía nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền.
Quyền sống là một quyền nhân thân đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013, điều 19 “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bi tước đoạt tính mạng trái luật”. Thể chế hoá tinh thần của Hiến pháp năm 2013, BLDS 2015, điều 33 đã quy định “Cá nhân có quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, thân thể, quyền được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”. Giữa quyền sống và quyền bất khả xâm phạm về tính mạng có mối liên quan mật thiết với nhau. Một cá nhân có quyền sống thì đương nhiên loại trừ các hành vi xâm phạm đến tính mạng, vi phạm đến quyền sống của cá nhân; ngược lại, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng là cơ sở, điều kiện quan trọng để cá nhân được bảo đảm quyền sống. Mọi cá nhân trong xã hội, không phân biệt giới tính, giàu nghèo, địa vị xã hội đều được bình đẳng trước pháp luật trong việc bảo vệ tính mạng, thân thể, sức khoẻ của mình. Việc xâm phạm đến những yếu tố này gây ra thiệt hại cho người bị xâm phạm là cơ sở phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của người có hành vi xâm phạm. Ví dụ, theo điều 590 và 591 BLDS 2015, khi một người gây thiệt hại trái pháp luật đến sức khoẻ, tính mạng của người khác thì có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp hành vi gây thiệt hại có tính chất nguy hiểm cho xã hội, đã đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì người gây thiệt hại còn phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi của mình.
Thứ hai, đối với quyền hiến bộ phận, quyền nhận bộ phận cơ thể người, điều 35 BLDS 2015 quy định:
“1. Cá nhân có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc hiến mô, bộ phận cơ thể, hiến xác của mình sau khi chết vì mục đích chữa bệnh cho người khác hoặc nghiên cứu y học, dược học và các nghiên cứu khoa học khác.
2. Cá nhân có quyền nhận mô, bộ phận cơ thể của người khác để chữa bẹnh cho mình. Cơ sở khám, chữa bệnh, pháp nhân có thẩm quyền về nghiên cứu khoa học có quyền nhận bộ phận cơ thể người, lấy xác để chữa bệnh, thử nghiệm y học, dược học và các nghiên cứu khoa học khác.
3. Việc hiến, lấy mô, bộ phận cơ thể người, hiến, lấy xác phải tuân thủ theo các điều kiện và được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác và luật khác có liên quan”.
Cá nhân được quyền tự quyết đối với cơ thể mình và thi thể của họ sau khi chết. Bên cạnh đó, cá nhân cũng có quyền nhận mô, bộ phận cơ thể của người khác để chữa bệnh cho mình. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, pháp nhân có thẩm quyền về nghiên cứu khoa học có quyền nhận bộ phận cơ thể người, lấy xác để chữa bệnh, thử nghiệm y học, dược học và các nghiên cứu khoa học khác. Nhận mô, bộ phận cơ thể của người khác là quyền nhân thân thể hiện việc cá nhân được quyền chữa bệnh và quyền được sống. Đây còn là quyền nhân thân của cơ sở khám, chữa bệnh, pháp nhân có thẩm quyền về nghiên cứu khoa học. Các tổ chức này nhận bộ phận cơ thể người, lấy xác để thực hiện các hoạt động với mục đích: chữa bệnh, thử nghiệm y học, dược học và các nghiên cứu khoa học khác.
Việc hiến, lấy mô, bộ phận cơ thể người, hiến, lấy xác phải tuân thủ theo các điều kiện và được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác và pháp luật khác có liên quan. Văn bản chuyên ngành điều chỉnh việc hiến bộ phận cơ thể ở người sống hiện nay là Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2007. Luật này quy định chi tiết và đầy đủ các nội dung như điều kiện hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể; quy trình thủ tục tiến hành; quyền lợi, nghĩa vụ của bên hiến và bên nhận; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc thực hiện quyền hiến mô, bộ phận cơ thể cả khi cá nhân còn sống hay khi đã chết đều gặp phải rất nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến tình cảm gia đình, các quan niệm truyền thống của nhân dân.
2.3. Nhóm các quyền liên quan đến giá trị tinh thần của chủ thể (Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín; Quyền bí mật đời tư).
            Thứ nhất, đối với quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, điều 34 BLDS năm 2015 quy định:
“1. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
2. Cá nhân có quyền yêu cầu Toà án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.
Việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể được thực hiện sau khi cá nhân chết theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc con chưa thành niên; trường hợp không có những người này thì theo yêu cầu của cha, mẹ của người đã chết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
3. Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được huỷ bỏ.
4. Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố thông tin đó là không đúng.
5. Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại”.
Danh dự, nhân phẩm, uy tín là những yếu tố nhân thân (quyền nhân thân) phi tài sản gắn liền với mỗi cá nhân cụ thể, con người cụ thể, thể hiện phẩm chất, nhân cách, đạo đức và giá trị của mỗi cá nhân. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của mỗi cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Khi danh dự, nhân phẩm, uy tín của một cá nhân cụ thể nào đó bị xâm phạm thì cá nhân đó có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố bác các thông tin đã gây ảnh hưởng xấu đến cá nhân. Cá nhân không chỉ được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín khi còn sống mà ngay cả khi cá nhân đã chết thì pháp luật vẫn duy trì sự bảo hộ, điều đó được thể hiện bằng việc vợ, chồng hoặc con đã thành niên của người bị xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín; hoặc cha, mẹ của cá nhân này trong trường hợp cá nhân không có vợ, chồng, con đã thành niên.
Những thông tin gây ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó, nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được huỷ bỏ.
Với sự phát triển mạnh mẽ như vũ bão của khoa học, công nghệ thông tin như hiện nay như mạng xã hội facebook, zalo…thì những thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải nhanh chóng và trên bình diện rộng. Tuy nhiên không phải trong trường hợp nào cũng xác định được người đưa tin chẳng hạn như có những người đã lập facebook ảo… thì đối với những trường hợp này, cá nhân bị đưa tin  sẽ căn cứ vào phương thức yêu cầu Toà án tuyên bố thông tin đó là không đúng, trái với sự thật để bảo vệ quyền nhân thân của mình.
Cá nhân bị thông tin xấu làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm có quyền yêu cầu người vi phạm cải chính, công khai xin lỗi và bồi thường thiệt hại (nếu có). Bên cạnh các chế tài dân sự ( bồi thường thiệt hại, buộc xin lỗi) thì trong trường hợp mà hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân có tính chất nguy hiểm cho xã hội, người có hành vi xâm phạm còn có thể phải gánh chịu những chế tài của pháp luật hình sự.
Thứ hai, đối với quyền bí mật đời tư, điều 38 BLDS năm 2015 quy định:
“1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
2. Việc thu thập, lưu trữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
3. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.
Việc bóc, mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật định.
4. Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thoả thuận khác”.
Quyền riêng tư là quyền của cá nhân đối với đời sống của mình mà không chịu bất kỳ sự can thiệp nào từ những người xung quanh khác; còn “bí mật cá nhân, bí mật gia đình” là những thông tin, tư liệu mà cá nhân không muốn công khai, bộc bạch, được giữ kín bằng các biện pháp thông thường hoặc biện pháp kỹ thuật khác nhau.
Việc thu thập, lưu trữ, sử dụng công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được bản thân cá nhân đó đồng ý. Quy định này hoàn toàn phù hợp với mọi cá nhân trong đời sống, xã hội thể hiện sự tôn trọng pháp luật đối với đời sống riêng tư, bí mật đời tư của cá nhân.
2.4. Nhóm các quyền liên quan đến quan hệ hôn nhân và gia đình của cá nhân (Quyền kết hôn, quyền được hưởng sự chăm sóc giữa các thành viên trong gia đình, quyền ly hôn).
Điều 39 BLDS 2015 quy định:
“1. Cá nhân có quyền kết hôn, ly hôn, quyền bình đẳng của vợ chồng, quyền xác định cha, mẹ, con, quyền được nhận làm con nuôi, quyền nuôi con nuôi và các quyền nhân thân khác trong quan hệ hôn nhân, quan hệ cha mẹ và con và quan hệ giữa các thành viên gia đình.
Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha, mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha, mẹ của mình.
2. Cá nhân thực hiện quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình theo quy định của Bộ luật này, Luật Hôn nhân và gia đình và luật khác có liên quan.
Đối với quan hệ hôn nhân, cá nhân có quyền kết hôn và quyền ly hôn. Trong đời sống gia đình, cá nhân có quyền bình đẳng của vợ chồng; quyền xác định cha, mẹ, con; quyền nuôi con nuôi…
Thứ nhất, quyền kết hôn, là quyền nhân thân của cá nhân được pháp luật thừa nhận, là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn. Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây: (a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên; (b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định; (c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự’ (d) Việc kết hôn không thuộc một trong những trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 2 Điều 5 của Luật Hôn nhân và gia đình. Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện. Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành, nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.
Việc kết hôn giữa những người cùng giới tính, hiện trên thế giới cũng mới chỉ có khoảng gần 20 quốc gia và vùng lãnh thổ công nhận quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính (Pháp, Đan Mạch, Hà Lan, Canada và một số Bang của Hoa Kỳ…). Những quốc gia này trước khi công nhận việc kết hôn giữa những người đồng tính cũng đã có lộ trình từ lâu khi quy định cho phép kết hợp dân sự, chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính (Ví dụ: Hà Lan từ năm 1998, đến năm 2001 mới chính thức công nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính; Cộng hoà Pháp thừa  nhận quyền chung sống giữa những người cùng giới tính từ năm 1999, đến năm 2013 mới thừa nhận hôn nhân của họ…). Ở châu Á thì chưa có quốc gia nào công nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính, tuy nhiên thì Trung Quốc (năm 1997), Ấn Độ (2009) đã hợp pháp hoá tình trạng chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính.
Ở nước ta, trước đây, theo khoản 5 Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đã quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính. Quy định này đã dẫn đến những phản ứng gay gắt của nhóm người đồng tính, trong quá trình thực thi đã có nhiều quan điểm khác nhau đối với trường hợp chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính. Hiện nay, khoản 2 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính, mà đặt ra “điều kiện kết hôn” là: các bên kết hôn phải tuân thủ các điều kiện kết hôn, trong đó hai bên kết hôn phải khác giới tính, đó cũng là điều kiện để việc kết hôn là hợp pháp.
Thứ hai, quyền ly hôn: vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Toà án giải quyết ly hôn. Quyền yêu cầu ly hôn là quyền nhân thân của vợ, chồng, chỉ với tư cách là vợ, chồng mới có quyền ly hôn. Điểm cơ bản của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 là quy định bổ sung thêm cha, mẹ, người thân thích khác (cũng) có quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, tinh thần của họ (khoản 2 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014). Quy định này xuất phát từ thực tiễn của đời sống xã hội và với mục đích nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của vợ, chồng là người mất năng lực hành vi dân sự và là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra.
Pháp luật thừa nhận và bảo hộ quyền ly hôn của vợ và chồng. Tuy nhiên, quyền này cũng bị hạn chế trong một số trường hợp cụ thể nhằm bảo vệ quyền lợi của người vợ và người con là trẻ sơ sinh: chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi (khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014). Quy định này xuất phát từ nguyên tắc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà mẹ, trẻ em, phụ nữ có thai và thai nhi. Việc hạn chế quyền ly hôn này chỉ áp dụng với riêng người chồng mà không áp dụng đối với người vợ. Theo quy định trên, dù người vợ đang mang thai hoặc đứa trẻ sinh ra chưa đủ 12 tháng tuổi (tức là đứa trẻ không phải là con của người chồng mà có thể là con của bất kỳ người đàn ông nào) thì người chồng vẫn bị hạn chế quyền yêu cầu ly hôn. Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, trong trường hợp bị Toà án xử bác đơn yêu cầu ly hôn thì người vợ, chồng bị Toà án xử bác đơn yêu cầu ly hôn đó phải đợi sau thời hạn một năm mới được quyền yêu cầu ly hôn.
Thứ ba, đối với quyền bình đẳng giữa vợ, chồng, Điều 17 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp, luật này và các luật khác có liên quan”.
 Nguyên tắc vợ, chồng bình đẳng được ghi nhận đầu tiên trong sắc lệnh số 97 – SL ngày 22/5/1950 của Chủ tịch nước về sửa đổi một số quy lệ và chế định trong dân luật (Điều 5), đồng thời là một trong những nguyên tắc cơ bản của hệ thống pháp luật hôn nhân và gia đình. Nội dung của nguyên tắc này bảo đảm quyền bình đẳng của vợ chồng trong các quan hệ nhân thân và tài sản (được quy định từ Điều 17 đến Điều 50 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014). Các quyền và nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của vợ chồng luôn gắn liền và được thực hiện tương ứng giữa vợ chồng trong suốt thời kỳ hôn nhân; không thể chuyển giao cho người khác và không thể thực hiện bằng nghĩa vụ khác. Theo đó, vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thuỷ, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình; vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thoả thuận khác hoặc do yêu cầu của công việc, nghề nghiệp, học tập, công tác, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, kinh tế, xã hội và lý do chính đáng khác (Điều 19 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014); vợ chồng có quyền lựa chọn nơi cư trú theo thoả thuận, không bị ràng buộc bởi phong tục, tập quán, địa giới hành chính (Điều 20) và các quan hệ về tài sản…
Thứ tư, quyền xác định cha, mẹ, con là quyền nhân thân đươc ghi nhận trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Cụ thể, Điều 90 quy định về quyền nhận cha, mẹ: Con có quyền nhận cha, mẹ của mình, kể cả trường hợp cha, mẹ đã chết; Con đã thành niên nhận cha, không cần phải có sự đồng ý của mẹ; nhận mẹ, không cần phải có sự đồng ý của cha; Điều 91 quy định về quyền nhận con: cha, mẹ có quyền nhận con, kể cả trường hợp con đã chết; Trường hợp người đang có vợ, chồng mà nhận con thì việc nhận con không cần phải có sự đồng ý của người kia. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về nguyên tắc suy đoán pháp lý xác định cha, mẹ con; đặc biệt, Luật đã ghi nhận vấn đề mang thai hộ vì mục đích nhân đạo (từ Điều 94 đến Điều 100), đây là quy định mới trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
Thứ năm, quyền được nhận làm con nuôi và quyền nuôi con nuôi: Nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con giữa người nhận nuôi và người được nhận làm con nuôi (khoản 1 Điều 3 Luật Nuôi con nuôi năm 2010). Việc thực hiện quyền này trên thực tế phải tuân theo các điều kiện, trình tự, thủ tục do Luật Nuôi con nuôi quy định. Luật cũng quy định các nguyên tắc giải quyết việc nuôi con nuôi, thứ tự ưu tiên lựa chọn gia đình thay thế, hệ quả của việc nuôi con nuôi và những căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi.
2.5. Nhóm các quyền đối với hình ảnh (Quyền của cá nhân đối với hình ảnh).
          Điều 32 BLDS 2015 quy định:
“. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
Việc sử dụng hình ảnh cuả cá nhân phải được người đó đồng ý.
Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác….”.
          Quyền của cá nhân đối với hình ảnh là quyền nhân thân gắn liền với mỗi cá nhân được pháp luật ghi  nhận và bảo vệ, theo đó cá nhân được phép sử dụng hình ảnh và cho phép người khác sử dụng hình ảnh của mình. Liên quan đến tính chất tài sản và phi tài sản của quyền này thì trên thực tế đang có nhiều quan điểm khác nhau: (1) Có quan điểm cho rằng, quyền của cá nhân đối với hình ảnh là quyền nhân thân gắn với tài sản vì thông qua việc cho phép sử dụng hình ảnh mà cá nhân thu được các lợi ích vật chất nhất định, chẳng hạn những người nổi tiếng như diễn viên, ca sĩ…thường cho các nhãn hàng sử dụng hình ảnh của mình để quảng bá sản phẩm; (2) Luồng ý kiến khác lại cho rằng, quyền của cá nhân đối với hình ảnh có thể là quyền nhân thân gắn với tài sản hoặc là quyền nhân thân không gắn với tài sản, điều đó tuỳ thuộc vào mục đích khai thác hình ảnh của cá nhân. Nếu việc khai thác hình ảnh gắn với lợi ích vật chất thì đây là quyền nhân thân gắn với tài sản; còn nếu việc khai thác hình ảnh không gắn với lợi ích vật chất thì đây là quyền nhân thân gắn với tài sản.
          Cá nhân là người có quyền đối với hình ảnh của mình, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được sự đồng ý của người đó. Tuy nhiên, trong một số trường hợp thì pháp luật cũng quy định thì một chủ thể được quyền sử dụng hình ảnh của cá nhân mà không cần sự đồng ý của người có hình ảnh: (1) Việc sử dụng hình ảnh cá nhân vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng “Hình ảnh của lãnh tụ, danh nhân văn hoá được sử dụng nhằm quảng bá cho dân tộc, cho đất nước Việt Nam”; (2) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng: Hội nghị, hội thảo, biểu diễn nghệ thuật, thi đấu thể thao và các hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân có hình ảnh.
Như vậy, chế định quyền nhân thân trong pháp luât dân sự là một trong những chế định cơ bản, quan trọng song song cùng với các chế định khác như chế định về thừa kế, chế định vê tài sản, chế định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng…Tuy nhiên, chế định quyền nhân thân có điểm riêng biệt, nó gồm các quyền nhân thân chỉ gắn liền với mỗi cá nhân cụ thể mà khi con người sinh ra đương nhiên đã có, mọi cá nhân đều có quyền bình đẳng về quyền nhân thân của mình, không phân biệt giới tính, dân tộc, tôn giáo; đó là những quyền không thể chuyển giao cho người khác và nó gắn liền với suốt cuộc đời của mỗi cá nhân cụ thể. Quyền nhân thân của mỗi cá nhân đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và được thể chế hoá cụ thể từng quyền cơ bản trong các luật chuyên ngành như Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Nuôi con nuôi và một số văn bản pháp lý khác.
ThSĐoàn Thị Ngọc Hải
 
 
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hiến chương Liên hợp quốc 1945;
2. Tuyên ngôn nhân quyền 1948;
3. Hai Công ước quốc tế về quyền con người năm 1966;
4. Hiến pháp năm 2013;
5. Bộ luật Dân sự năm 2015;
6. Luật Nuôi con nuôi năm 2010;
7. Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014;
8. Luật Hộ tịch năm 2014;
9. Bình luận khoa học BLDS năm 2015 của PGS.TS Nguyễn Văn Cừ - PGS.TS Trần Thị Huệ, NXB Công an nhân dân;
10. Nghị định số 88/2008/NĐ-CP ngày 05/8/2008 của Chính phủ về xác định lại giới tính; Thông tư số 29/2010/TT-BYT ngày 24/5/2010 của Bộ Y tế hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 88/2008/NĐ-CP.