Một số vấn đề về việc xây dựng, ban hành văn bản QPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn

09/07/2018

Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản có chứa quy phạm pháp luật (quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính nhất định, do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định trong Luật này ban hành và được Nhà nước bảo đảm thực hiện), được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sau đây gọi là Luật BHVBQPPL). Khác với các văn bản áp dụng pháp luật, VBQPPL có phạm vi tác động và ảnh hưởng lớn đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính nhất định, do vậy, việc xây dựng, ban hành VBQPPL cũng phải tuân theo một trình tự, thủ tục chặt chẽ, bao gồm nhiều công đoạn khác nhau. Về nguyên tắc, một văn bản được coi là VBQPPL, ngoài các yêu cầu về mặt nội dung thì yêu cầu về việc tuân thủ trình tự, thủ tục ban hành văn bản là điều kiện hết sức quan trọng để xác định đó có được coi là VBQPPL hay không. Điều 2 của Luật BHVBQPPL năm 2015 đã quy định: “Văn bản có chứa quy phạm, pháp luật nhưng được ban hành không đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật này thì không phải là VBQPPL”. Luật BHVBQPPL quy định trình tự, thủ tục ban hành VBQPPL tương ứng với từng loại văn bản khác nhau. Nếu phân chia theo loại văn bản thì quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL gồm nhiều loại khác nhau như quy trình xây dựng luật, quy trình xây dựng pháp lệnh, quy trình xây dựng nghị quyết của Quốc hội, quy trình xây dựng nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy trình xây dựng nghị định, quy trình xây dựng quyết định của Thủ tướng Chính phủ… Nếu phân chia theo đặc điểm, tính chất của quy trình thì có thể phân thành 02 loại quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL là quy trình thông thường và quy trình rút gọn.
Trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ phân tích các quy định của Luật BHVBQPPL hiện hành về xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn; đồng thời có những nhận xét, đánh giá sơ bộ về quá trình thực hiện quy định này của Luật và đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện.
1. Quy định của Luật BHVBQPPL năm 2015 về xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn
1.1. Các trường hợp xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn
So với Luật BHVBQPPL năm 2008, Luật BHVBQPPL năm 2015 đã cụ thể hóa và bổ sung một số trường hợp được xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Theo đó, nếu như Điều 75 của Luật BHVBQPPL năm 2008 chỉ quy định 02 trường hợp là: khẩn cấp hoặc cần sửa đổi ngay cho phù hợp với VBQPPL mới được ban hành thì Điều 146 của Luật BHVBQPPL năm 2015 đã cụ thể hóa trường hợp khẩn cấp (trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp); bổ sung 03 trường hợp được xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn (trường hợp đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ; trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn theo quyết định của Quốc hội; trường hợp để ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần của VBQPPL trong một thời hạn nhất định); đồng thời, kế thừa 01 trường hợp của Luật BHVBQPPL năm 2008 (trường hợp cần sửa đổi ngay cho phù hợp với VBQPPL mới được ban hành). Đáng lưu ý, trong số 05 trường hợp nêu trên, có 01 trường hợp (trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn theo quyết định của Quốc hội) chỉ được áp dụng đối với việc xây dựng, ban hành luật, nghị quyết của Quốc hội; còn 04 trường hợp còn lại được áp dụng với tất cả các loại văn bản được xây dựng, ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn quy định tại Điều 147 của Luật BHVBQPPL năm 2015. Trước đó, khi trình Quốc hội dự án Luật BHVBQPPL (Tờ trình số 381/TTr-CP ngày 12/10/2014), Chính phủ đã đề nghị Quốc hội bổ sung quy định cho phép xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn trong trường hợp giải quyết kịp thời những vấn đề cấp bách phát sinh về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, kinh tế - xã hội; và quy định này được áp dụng đối với cả luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
1.2. Phạm vi các loại văn bản được xây dựng, ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn
Theo quy định tại Điều 147 của Luật BHVBQPPL năm 2015, trình tự, thủ tục rút gọn được áp dụng đối với 08 loại văn bản sau đây: (1) Luật; (2) Nghị quyết của Quốc hội; (3) Pháp lệnh; (4) Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; (5) Lệnh của Chủ tịch nước; (6) Quyết định của Chủ tịch nước; (7) Nghị định; (8) Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; (9) Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; (10) Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. So với Luật BHVBQPPL của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân (năm 2004), Luật BHVBQPPL năm 2015 đã mở rộng phạm vi áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn đối với nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Đồng thời, Luật BHVBQPPL năm 2015 cũng thu hẹp phạm vi áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn đối với quyết định của Ủy ban nhân dân theo hướng chỉ áp dụng đối với quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mà không áp dụng đối với quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã. Lý do là vì theo quy định của Luật BHVBQPPL năm 2015, Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã chỉ ban hành quyết định để quy định chi tiết những vấn đề được luật giao nên việc ban hành VBQPPL của hai chủ thể này sẽ bị hạn chế rất lớn về phạm vi so với Luật năm 2004.
1.3. Thẩm quyền quyết định việc xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn
Về nguyên tắc, chủ thể có thẩm quyền ban hành VBQPPL thì sẽ có thẩm quyền quyết định việc xây dựng, ban hành văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn. Tuy nhiên, để kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, Điều 147 của Luật BHVBQPPL năm 2015 quy định linh hoạt hơn về thẩm quyền quyết định việc xây dựng, ban hành 08 loại VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn, theo đó bao gồm 05 chủ thể có thẩm quyền sau đây: (1) Ủy ban Thường vụ Quốc hội; (2) Quốc hội; (3) Chủ tịch nước; (4) Thủ tướng Chính phủ; (5) Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; (6) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Với nguyên tắc, chủ thể nào có thẩm quyền ban hành VBQPPL thì sẽ có thẩm quyền quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn thì: (1) Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; (2) Quốc hội quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành luật, nghị quyết của Quốc hội; (3) Chủ tịch nước quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; (4) Thủ tướng Chính phủ quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đối với 03 loại văn bản còn lại là nghị định của Chính phủ, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Luật BHVBQPPL năm 2015 quy định linh hoạt hơn, theo đó cho phép Thủ tướng Chính phủ quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành nghị định của Chính phủ (mà không cần thiết phải Chính phủ quyết định); Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (mà không cần thiết phải Hội đồng nhân dân quyết định); Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (mà không cần thiết phải Ủy ban nhân dân quyết định).
1.4.Trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn
Nếu như việc xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục thông thường phải trải qua rất nhiều giai đoạn khác nhau với các yêu cầu chặt chẽ về các bước phải thực hiện, thời hạn, các loại tài liệu, hồ sơ trình… thì việc xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn được đơn giản hơn một số bước, thời hạn và tài liệu, hồ sơ trình, cụ thể như sau:
Thứ nhất, đơn giản hóa một số bước trong quy trình.
- Ở bước soạn thảo, Luật quy định linh hoạt theo hướng giao cơ quan chủ trì tổ chức việc soạn thảo mà không quy định bắt buộc phải thành lập Ban soạn thảo (đối với luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ).
- Việc lấy ý kiến không phải là thủ tục bắt buộc trong quy trình soạn thảo VBQPPL theo trình tự rút gọn. Theo đó, khoản 2 Điều 147 của Luật BHVBQPPL năm 2015 quy định: “Cơ quan chủ trì soạn thảo có thể tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về dự thảo văn bản”. Trong khi đó, việc lấy ý kiến là thủ tục bắt buộc trong quy trình soạn thảo VBQPPL theo trình tự thông thường.
- Trình tự xem xét, thông qua dự án, dự thảo văn bản theo thủ tục rút gọn được quy định tại khoản 3 Điều 147. Theo đó, trình tự xem xét, thông qua dự án, dự thảo văn bản soạn thảo theo thủ tục rút gọn được thực hiện tương tự như văn bản soạn thảo theo thủ tục thông thường. Tuy nhiên, để bảo đảm văn bản sẽ được ban hành sớm nhất có thể, Luật quy định Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, thông qua các dự án, dự thảo văn bản tại Kỳ họp, Phiên họp gần nhất; Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, ký ban hành lệnh, quyết định ngay sau khi nhận được dự thảo lệnh, quyết định.
Thứ hai, đơn giản hóa thời hạn thực hiện một số bước.
- Trong trường hợp cơ quan chủ trì soạn thảo lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về dự thảo văn bản thì thời hạn lấy ý kiến trong quá trình soạn thảo VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn là không quá 20 ngày. Trong khi đó, thời hạn này theo trình tự, thủ tục thông thường là 60 ngày đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo để lấy ý kiến; cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến bằng văn bản có trách nhiệm góp ý là 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị góp ý (đối với dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ - Điều 57, Điều 91, Điều 97). Đối với dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thời hạn theo trình tự, thủ tục thông thường là 30 ngày đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến bằng văn bản có trách nhiệm góp ý trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị góp ý (Điều 120, Điều 129).
- Thời hạn thẩm định, thẩm tra theo trình tự, thủ tục rút gọn là 07 ngày, kể từ ngày nhận được dự thảo văn bản. Trong khi đó, theo trình tự, thủ tục thông thường thì thời hạn thẩm định là 20 ngày (đối với luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Điều 58), 15 ngày đối với dự thảo nghị định và quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Điều 92, Điều 98), 10 ngày đối với dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (Điều 121, Điều 130).
Thứ ba, đơn giản hóa hồ sơ, tài liệu trình. Theo đó, hồ sơ dự án, dự thảo văn bản gửi thẩm định gồm 02 loại tài liệu là tờ trình và dự thảo (thay vì 06 loại tài liệu([1])hoặc 04 loại tài liệu([2]) như trình tự, thủ tục thông thường); hồ sơ gửi thẩm tra gồm 04 loại tài liệu là tờ trình, dự thảo, báo cáo thẩm định và báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định(thay vì 10 loại tài liệu([3]) hoặc 08 loại tài liệu[4] như trình tự, thủ tục thông thường).
2. Một số vấn đề thực tiễn đặt ra và đề xuất, kiến nghị
Thực tiễn thực hiện quy định của Luật BHVBQPPL năm 2008, Luật BHVBQPPL của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004 và qua gần 2 năm triển khai thực hiện Luật BHVBQPPL năm 2015 cho thấy đã và đang tồn tại một số khó khăn, vướng mắc và tồn tại, hạn chế liên quan đến quy định về xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn cần được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện. Trong số những khó khăn, vướng mắc này, có những vấn đề đã được đặt ra khi xây dựng dự án Luật BHVBQPPL (năm 2015).
2.1. Về trình tự, thủ tục rút gọn trong quy trình xây dựng chính sách
Một trong những điểm mới mang tính chất đột phá của Luật BHVBQPPL năm 2015 là tách bạch quy trình xây dựng chính sách với quy trình soạn thảo VBQPPL, trong đó tập trung vào giai đoạn phân tích, xem xét, thông qua chính sách trước khi bắt đầu soạn thảo. Tuy nhiên, Luật năm 2015 lại chỉ quy định về việc soạn thảo VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn mà không quy định về trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng chính sách. Trong khi đó, xây dựng chính sách và soạn thảo là 02 giai đoạn trong chuỗi quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL vàquy trình lập đề nghị xây dựng VBQPPL là quy trình được Luật quy định rất chặt chẽ, chỉ phù hợp với những trường hợp nội dung văn bản có phạm vi điều chỉnh rộng, phức tạp, quy định những vấn đề quan trọng, có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội, quyền, lợi ích của nhân dân; không phù hợp với tất cả các trường hợp VBQPPL phải lập đề nghị theo quy định của Luật năm 2015. Do vậy, việc không áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong giai đoạn lập đề nghị xây dựng văn bản khiến quy trình xây dựng, ban hành văn bản trở nên cứng nhắc, không tạo điều kiện cho việc xử lý những trường hợp cần phản ứng nhanh nhạy, thích ứng với hoàn cảnh thực tế, đặc biệt là một số nghị định của Chính phủ, nghị quyết của HĐND cấp tỉnh.
Do vậy, việc xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn cần được thực hiện ở cả giai đoạn xây dựng chính sách và soạn thảo thì mới bảo đảm được việc ban hành VBQPPL được nhanh gọn, kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và thể hiện đúng mục đích, ý nghĩa của việc rút gọn trình tự, thủ tục.
2.2. Vềcác trường hợp xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn
Mặc dù Luật BHVBQPPL năm 2015 đã cụ thể hóa và bổ sung một số trường hợp được xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn. Tuy nhiên, quy định này của Luật năm 2015 vẫn chưa bao quát được hết các trường hợp thực tế xảy ra, có quy định chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế đặt ra. Cụ thể như sau:
2.2.1. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, Việt Nam đã tham gia và trở thành thành viên của nhiều cam kết quốc tế. Theo đó, từ năm 2005 đến nay, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007 và ký kết nhiều hiệp định quan trọng như Hiệp định đối tác kinh tế (EPA) với Nhật Bản 2008; Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) 2001; Hiệp định FTA (Hiệp định Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA), Hiệp định Khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) và Hiệp định Khu vực thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA)). Việt Nam và ASEAN cũng đã ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP), Hiệp định khu vực thương mại tự do ASEAN - Ôt-xtrây-lia - Niu Di Lân (AANZFTA), ASEAN - Ấn Độ (AIFTA). Việt Nam đã tích cực tham gia đàm phán song phương với các đối tác khác như Chile, Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á - Âu, EFTA,... cũng như đàm phán Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đồng thời hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tư pháp đã được đẩy mạnh thông qua việc ký kết các điều ước quốc tế song phương, từng bước tham gia các thiết chế đa phương, khu vực về tương trợ tư pháp, giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư. Khi tham gia và trở thành thành viên của các cam kết quốc tế thì một trong các nghĩa vụ của quốc gia thành viên là phải thực hiện việc rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các VBQPPL để phù hợp với thông lệ quốc tế và các điều ước quốc tế mà mình là thành viên. Việc nội luật hóa các cam kết quốc tế bảo đảm tính kịp thời chính là thể hiện ý thức tuân thủcủa Nhà nước Việt Nam đối với các cam kết quốc tế.
Liên quan đến vấn đề này, Luật BHVBQPPL năm 2015 quy định,một trong các căn cứ để đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung VBQPPL là cam kết trong điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên (Điều 32, Điều 33, Điều 84...). Theo quy định tại Điều 9 của Luật Điều ước quốc tế thì để chuẩn bị cho việc đàm phán điều ước quốc tế, cơ quan đề xuất đã đánh giá sơ bộ tác động chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế - xã hội và các tác động khác của điều ước quốc tế; đồng thời, rà soát sơ bộ quy định của pháp luật hiện hành và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên trong cùng lĩnh vực, so sánh với nội dung chính của điều ước quốc tế dự kiến đàm phán.Do vậy, việc đặt ra trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành VBQPPL nhằm kịp thời thực hiện các cam kết quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên là cần thiết và hợp lý.
2.2.2. Về việc xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn trong trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, như đã phân tích ở phần 1.1 của bài viết, quy định này chỉ áp dụng đối với việc xây dựng, ban hành luật, nghị quyết của Quốc hội mà không áp dụng đối với các loại VBQPPL còn lại. Thực tế cho thấy, khi xảy ra những vấn đề cấp bách về an ninh – quốc phòng, kinh tế - xã hội thì không chỉ Quốc hội mà trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các chủ thể khác như Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cũng cần phải phản ứng chính sách một cách linh hoạt, thể hiện sự nhanh nhạy trong quản lý, điều hành. Do vậy, cần thiết phải nghiên cứu để sửa đổi quy định tại khoản 1 Điều 146 của Luật BHVBQPPL năm 2015 theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng trường hợp xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn (cho phép áp dụng đối với pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cả đối với thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ).
2.3. Về phạm vi các loại VBQPPL được xây dựng, ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn
Theo quy định của Luật năm 2015, việc xây dựng, ban hành thông tư thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Theo đó, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm về tiến độ ban hành và chất lượng của thông tư do mình ban hành. Tuy nhiên, Luật năm 2015 không quy định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn đối với việc xây dựng, ban hành thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Do vậy, thực tiễn công tác xây dựng, ban hành thông tư gặp một số khó khăn như sau:
- Trường hợp văn bản cơ quan nhà nước cấp trên được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn và có hiệu lực sớm hơn 45 ngày kể từ ngày thông qua hoặc kể từ ngày ký ban hành, trong đó giao các bộ ban hành thông tư để quy định chi tiết thì các Bộ sẽ không có đủ thời gian ban hành thông tư để bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm với văn bản giao quy định chi tiết;
- Trường hợp ngưng hiệu lực đối với thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, nhất là các thông tư mới được ban hành, chưa có hiệu lực, nhưng cần phải ngưng hiệu lực của một số điều, khoản để có thêm thời gian chuẩn bị thi hành hoặc sửa đổi;
- Trường hợp cần ban hành VBQPPL để bãi bỏ toàn bộ một hoặc nhiều văn bản khác thì vẫn phải tuân theo trình tự, thủ tục tương tự như trình tự, thủ tục ban hành VBQPPL mới.
Do vậy, cần thiết phải nghiên cứu để mở rộng việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn đối với việc xây dựng, ban hành thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
2.4. Về thẩm quyền quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành luật, nghị quyết của Quốc hội
Theo quy định của Luật BHVBQPPL năm 2015 thì Quốc hội sẽ quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành luật, nghị quyết của Quốc hội (khoản 1 Điều 147). Tuy nhiên, Quốc hội chỉ họp mỗi năm 02 kỳ họp, một kỳ vào tháng 5 và một kỳ vào tháng 10. Do vậy, nếu thực hiện theo đúng quy trình là Quốc hội quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành luật, nghị quyết rồi mới tiến hành việc soạn thảo thì sẽ không bảo đảm tính kịp thời. Thực tế thời gian qua cho thấy, một số dự án luật, nghị quyết của Quốc hội đã được cơ quan chủ trì soạn thảo chủ động xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn, sau đó báo cáo Quốc hội về quy trình này để Quốc hội xem xét đồng thời với việc trình dự án luật, nghị quyết. Do vậy, để bảo đảm tính linh hoạt, tăng cường khả năng phản ứng chính sách thì cần nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 147 của Luật BHVBQPPL năm 2015 theo hướng giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành luật, nghị quyết của Quốc hội theo trình tự, thủ tục rút gọn và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Tóm lại, quy định về việc xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn là công cụ pháp lý hữu hiệu nhằm tăng cường khả năng phản ứng chính sách của các chủ thể có thẩm quyền, thông qua đó nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước. Việc tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định của Luật BHVBQPL năm 2015 về trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành VBQPPL là hết sức cần thiết. Theo Nghị quyết số 57/2018/QH14 ngày 08/6/2018 của Quốc hội về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 thì dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHVBQPPL đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, trình Quốc hội khóa XIV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (dự kiến tháng 10/2019)./.
Nguyễn Thị Phương Liên, Phó Trưởng phòng Chính sách pháp luật, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp
 
 
[1] Khoản 2 Điều 58, khoản 2 Điều 92, khoản 2 Điều 98 của Luật BHVBQPPL năm 2015.
[2] Khoản 2 Điều 121 và Điều 130 của Luật BHVBQPPL năm 2015.
[3] Khoản 1 Điều 64 của Luật BHVBQPPL năm 2015.
[4] Khoản 2 Điều 124 của Luật BHVBQPPL năm 2015.