Các vấn đề pháp lý liên quan đến tiêu chuẩn hành nghề luật sư nhìn từ kinh nghiệm một số quốc gia

18/06/2018


         
    Đặt vấn đề
Nghề luật sư là nghề gắn với số phận con người và sự thực thi pháp luật nên pháp luật quy định rất chặt chẽ về tiêu chuẩn và điều kiện để một người có thể trở thành luật sư và hành nghề luật sư. Bên cạnh đó, hoạt động nghề nghiệp của luật sư không chỉ liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức mà còn liên quan đến quản lý nhà nước tại Trung ương và địa phương thể hiện dưới dạng các tổ chức luật sư toàn quốc và ở địa phương. Do đó, việc nghiên cứu các quy định về tiêu chuẩn và điều kiện hành nghề luật sư là quan trọng, trong đó, tiêu chuẩn hành nghề luật sư được thể hiện qua việc Nhà nước cấp thẻ luật sư và Chứng chỉ hành nghề luật sư.
Thẻ luật sư do Liên đoàn luật sư cấp vừa có ý nghĩa công nhận luật sư vừa là giấy phép hành nghề luật sư, bởivì chỉ khi một người đã được cấp thẻ luật sư thì người đó mới được mang danh luật sư và được hành nghề luật sư; trong hoạt động hành nghề luật sư chỉ cần xuất trình thẻ luật sư là đủ mà không cần xuất trình Chứng chỉ hành nghề luật sư. Ở Việt Nam, Điều lệ Liên đoàn luật sư quy định thẻ luật sư là giấy chứng nhận tư cách thành viên của Đoàn luật sư và thành viên của Liên đoàn luật sư[1]. Khác với chứng chỉ hành nghề luật sư – là giấy tờ do nhà nước cấp cho người đủ tiêu chuẩn luật sư, điều kiện về hành nghề luật sư, còn thẻ luật sư là thẻ hội viên, là giấy tờ xác nhận tư cách thành viên của Đoàn luật sư, thành viên của Liên đoàn luật sư, thỏa mãn một điều kiện khác theo Điều 11 Luật luật sư để hành nghề luật sư.
Trong lịch sử pháp luật về luật sư từ Pháp lệnh luật sư năm 2001, Luật luật sư năm 2006 sửa đổi, bổ sung năm 2012 đều quy định người muốn được hành nghề luật sư phải có Chứng chỉ hành nghề luật sư và gia nhập một Đoàn luật sư. Đoàn luật sư cấp Thẻ luật sư cho người được gia nhập theo quy định pháp luật. Quy định này nhằm bảo đảm tính chuyên nghiệp của nghề luật sư, phòng ngừa tình trạng những người không có đủ tiêu chuẩn, điều kiện vẫn thực hiện dịch vụ pháp lý như luật sư. Góp phần bảo vệ lợi ích của cá nhân, tổ chức và xã hội, tăng cường quản lý về hành nghề luật sư[2].
Trên thế giới, nghề luật sư được điều chỉnh bởi các quy tắc do luật định và các quy tắc không do luật định. Nhà nước ban hành các văn bản pháp luật về hành nghề luật sư và những quy tắc do Hội luật sư hướng dẫn. Việc nghiên cứu nội dung pháp luật về tiêu chuẩn hành nghề luật sư tại một số quốc gia trên thế giới góp phần tạo tiền đề học hỏi kinh nghiệm của quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và khu vực, đặc biệt là trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tiêu chuẩn hành nghề luật sư ở Việt Nam.
I. PHÁP LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN TIÊU CHUẨN HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ TẠI MỘT SỐ QUỐC GIA
Theo quy định của nhiều nước trên thế giới, thì điều kiện để một người hành nghề luật sư thì người đó phải được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư và gia nhập một đoàn luật sư hoặc tổ chức luật sư ở trung ương. Như vậy, để được hành nghề luật sư thì điều kiện cần là phải được công nhận là luật sư thể hiện bằng việc được cấp chứng chỉ công nhận luật sư và điều kiện đủ là gia nhập một Đoàn luật sư.
Ở các quốc gia khác nhau có nhiều cách gọi đối với chứng chỉ công nhận luật sư có quốc gia gọi là giấy phép hành nghề luật sư, chứng chỉ hành nghề luật sư... Tùy thuộc vào quy định của mỗi quốc gia cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề cũng có sự khác nhau. Có nước quy định cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ là Tòa án (Anh, Mỹ, Pháp, Singapore, có nước quy định là Bộ Tư pháp (Trung Quốc), có nước lại quy định là Hiệp hội luật sư hoặc Đoàn luật sư (Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc). Bên cạnh đó, đa số các nước quy định việc gia nhập Đoàn luật sư là bắt buộc để được hành nghề luật sư (Singapore, Anh, Pháp, Nhật Bản, Thái Lan, Mỹ, Bỉ).
Tại Mỹ, điều kiện trở thành luật sư được từng bang quy định mà không có quy định thống nhất áp dụng cho toàn liên bang. Thông thường điều kiện trở thành luật sư được quy định trong Luật về thẩm phán. Các Tòa án tối cao bang dựa vào các quy định của Hiến pháp, các đạo luật và tham khảo các quy định của Hội Luật gia Hoa Kỳ (ABA) để quy định điều kiện trở thành luật sư của bang mình[3]. Trong đó, ở Mỹ để được công nhận là luật sư, các bang còn quy định về điều kiện cư trú tại bang. Thời gian này yêu cầu không dài, ví dụ ở bang Hawaii thời gian này là một năm.
Toà án Bang là cơ quan có thẩm quyền công nhận luật sư và cho phép hành nghề. Cơ quan này sẽ chứng nhận lời tuyên thệ của người xin công nhận luật sư và ghi tên người đó vào danh sách luật sư. Danh sách này được đăng ký tại phòng hành chính của Toà án. Giấy công nhận luật sư và cho phép hành nghề có giá trị vĩnh viễn trừ khi nó bị thu hồi hoặc đình chỉ. Luật sư có trách nhiệm hàng năm gửi báo cáo về tài chính, công việc, đạo đức nghề nghiệp, khóa học đã tham dự... về Uỷ ban về khiếu nại và kỷ luật luật sư trực thuộc Toà án tối cao Bang. Uỷ ban này có thể gọi là cơ quan chủ quản của luật sư vì hàng năm luật sư phải nộp phí, báo cáo và chịu kỷ luật (nếu có) của Uỷ ban. Việc tham gia các khoá bồi dưỡng kiến thức đối với luật sư là bắt buộc. Trong thời gian một hoặc hai năm luật sư phải tham gia một số khoá học gọi là chương trình đào tạo tiếp tục. Nếu trong vòng một hoặc hai năm này luật sư không tham dự chương trình đào tạo tiếp tục thì Uỷ ban có thể đình chỉ tư cách của luật sư.[4]
Tại Anh, hệ thống án lệ hình thành đã xuất hiện hai nghề luật sư tồn tại song song với chức năng riêng biệt, đó là luật sư biện hộ và luật sư tư vấn.
Đối với luật sư tư vấn. Người muốn được công nhận là luật sư tư vấn phải có đủ điều kiện sau: (1) Có kiến thức pháp luật cơ bản gồm: Tham gia chương trình đào tạo tại các trường đại học để được cấp bằng cử nhân luật hoặc; Thi đỗ kỳ kiểm tra nghề nghiệp nếu người đó có bằng cử nhân chuyên ngành khác hoặc đã có thời gian công tác pháp luật; (2) Qua khóa đào tạo kỹ năng nghề nghiệp (một năm) do Hội luật sư hoặc các trường đại học tổ chức. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, học viên phải qua một kỳ thi để lấy chứng chỉ và tiếp tục tham gia khóa học đào tạo thực tế tại một hãng luật; (3) Hoàn thành hai năm toàn thời gian hoặc bốn năm bán thời gian đào tạo kỹ năng hàng nghề thực tế tại một hãng luật. Những người đủ điều kiện trên có thể nộp đơn tại Hiệp hội luật sư để xin công nhận là luật sư tư vấn. Sau khi được công nhận là luật sư tư vấn, luật sư được ghi tên vào danh sách luật sư tư vấn của Hội luật sư. Tuy nhiên để được phép hành nghề thì luật sư còn phải có Chứng chỉ hành nghề. Chứng chỉ hành nghề được cấp cho người đủ điều kiện sau: Có giấy chứng nhận luật sư tư vấn; Không bị đình chỉ hành nghề; Có đơn được làm theo mẫu quy định; Tuân thủ các quy định về đào tạo; Tuân thủ các nguyên tắc bồi thường[5].
Đối với luật sư biện hộ. Người muốn công nhận là luật sư biện hộ phải có đủ các điều kiện sau: (1) Được công nhận là học viên ở một trong bốn “Inn of Court” (tạm dịch là câu lạc bộ hay lữ quán); (2) Đã qua khóa đào tạo luật sư tranh tụng và đỗ kỳ thi công nhận luật sư tranh tụng; (3) Đã có thời gian thực tế. Có ba giai đoạn đào tạo trước khi được công nhận luật sư biện hộ: Giai đoạn đào tạo lý thuyết; Giai đoạn đào tạo kỹ năng nghề nghiệp (một năm); Giai đoạn đào tạo thực tế (ba năm)[6]. Sau khi được công nhận luật sư phải ghi tên mình vào danh sách luật sư biện hộ tại một Tòa án, danh sách này do Tòa án tối cao quản lý và được lưu giữ tại “Inn of Court”. Để được phép hành nghề luật sư biện hộ phải tuyên thệ tại Tòa án nơi họ hành nghề.
Tại Trung Quốc, theo quy định của Luật về Luật sư, muốn được hành nghề luật sư phải có đủ tiêu chuẩn luật sư (shall acquire qualification as lawyer) và có chứng chỉ hành nghề luật sư (practice certificate).
Người muốn được công nhận là đủ tiêu chuẩn luật sư phải thi đỗ kỳ thi quốc gia công nhận đủ tiêu chuẩn (khả năng hành nghề) luật sư được tổ chức mỗi năm một lần. Bộ Tư pháp là cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm tổ chức kỳ thi này và thực hiện việc công nhận đủ tiêu chuẩn (khả năng hành nghề) luật sư cho những người thi đỗ.
Theo Điều 8 Luật về luật sư Trung Quốc: Chứng chỉ hành nghề luật sư được cấp cho những người tán thành Hiến pháp nước CHND Trung Hoa và đáp ứng đủ các yêu cầu sau đây: a) Đã được công nhận đủ tiêu chuẩn (khả năng hành nghề) luật sư; b) Đã qua thời gian tập sự hành nghề một năm tại một Văn phòng luật sư; c) Có phẩm chất đạo đức tốt. Chứng chỉ hành nghề luật sư do Sở Tư pháp tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc Trung ương cấp trong thời hạn 30 ngày[7], kể từ ngày nhận được hồ sơ xin cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư.[8]
          Có thể thấy, Luật về luật sư năm 1996 của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, sửa đổi ngày 28/10/2007 quy định khá cụ thể về các trường hợp bị thu hồi giấy phép hành nghề luật sư.
Tại Điều 9 quy định trong một số trường hợp sau đây, cơ quan hành chính tư pháp của tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc Trung ương – Cơ quan có thẩm quyền kỷ luật luật sư[9], thu hồi quyết định về việc cấp giấy phép hành nghề luật sư và thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư cho người có đơn đăng ký hành nghề được cấp khi:
(1) Trường hợp người xin cấp chứng chỉ hành nghề luật sư thông qua gian lận, hối lộ hoặc các phương tiện bất hợp pháp khác; hoặc là
(2) Trường hợp người nộp đơn không đủ điều kiện theo quy định của Luật này.[10]
          Bên cạnh đó, Luật còn quy định cụ thể tại Chương VI – Trách nhiệm pháp lý (Legal liability) theo kiểu phân loại các chế tài xử phạt, trong đó có việc thu hồi giấy phép hành nghề luật sư khi họ có hành vi vi phạm liên quan đến tham nhũng, tiết lộ bí mật quốc gia, đạo đức và tiêu chuẩn nghề nghiệp,…[11] Hình thức xử lý vi phạm đối với luật sư bao gồm: cảnh cáo, đình chỉ hành nghề, huỷ bỏ Chứng chỉ hành nghề.
          Ở Nhật Bản, để trở thành luật sư, sau quá trình đào tạo khắt khe, người đó phải đăng ký tên trong danh sách luật sư do Liên đoàn luật sư Nhật Bản tổ chức.[12] Việc đăng ký tên vào Danh sách luật sư của Liên đoàn luật sư được thực hiện thông qua Đoàn luật sư địa phương, nơi luật sư dự định gia nhập. Nếu ba tháng sau khi nhận được yêu cầu đăng ký hoặc chuyển đăng ký, một hiệp hội luật sư không chuyển yêu cầu đến Liên đoàn luật sư Nhật Bản thì sẽ được coi là việc chuyển giao các yêu cầu đó bị từ chối và người yêu cầu có thể khiếu nại theo Đạo luật kháng cáo Hành chính (Administrative Appeal Act - Act No. 160 of 1962).
          Người muốn trở thành luật sư phải thi đỗ kỳ thi tư pháp quốc gia và hoàn thành chương trình đào tạo 12 tháng (trước đây là 24 tháng, sau là 18 tháng) tại Trường đào tạo các chức danh tư pháp của Tòa án tối cao. Chương trình đào tạo có các môn học như sau: xét xử dân sự, xét xử hình sự, kiểm sát, luật sư, nghiệp vụ theo lựa chọn và học tập trung. Thời gian mỗi môn học là 2 tháng.
Khá tương tự với Việt Nam, Luật về hành nghề luật sư số 205 năm 1949 của Nhật Bản, sửa đổi ngày 24/6/2011; quy định những trường hợp thu hồi thẻ liên quan đến việc bị kỷ luật, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức hay nghiệp vụ nghề nghiệp,…[13] Luật này không quy định chi tiết về các hành vi vi phạm và thực tế cũng không dễ dàng liệt kê những trường hợp nào luật sư bị coi là có vi phạm. Tuy nhiên có thể nêu một số tiền lệ sau:
- Trường hợp luật sư phạm tội hình sự như biển thủ tiền gửi của khách hàng;
- Trường hợp luật sư cho phép những người không phải là luật sư hành nghề luật sư tại văn phòng của mình;
- Trường hợp luật sư cố tình khai báo hoặc cung cấp chứng cứ giả mạo cho Tòa án;
- Trường hợp luật sư không đóng hội phí trong một thời gian dài mà không có lý do chính đáng[14].
Tại Thái Lan, một người muốn trở thành luật sư thì phải nộp đơn đăng ký với Uỷ ban điều hành của Hiệp hội luật sư (Chủ tịch danh dự của Hiệp hội luật sư là Bộ trưởng Bộ Tư pháp). Sau khi xem xét hồ sơ nếu Uỷ ban điều hành thấy người nộp đơn có đầy đủ các tiêu chuẩn trên thì có thể thực hiện việc đăng ký và cấp cho người nộp đơn giấy phép hành nghề. Trong trường hợp Uỷ ban điều hành từ chối việc đăng ký sẽ phải đưa ra lý do. Trong trường hợp này người nộp đơn có thể khiếu nại tới Chủ tịch danh dự của Hiệp hội luật sư là Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Trong trường hợp Uỷ ban điều hành của Hiệp hội luật sư phát hiện ra luật sư không đủ điều kiện như quy định ở trên hoặc phát hiện ra người đó rơi vào trường hợp không được hành nghề luật sư thì người đó sẽ bị Uỷ ban điều hành thu hồi lại giấy phép và xoá tên ra khỏi danh sách thành viên của Đoàn. Nếu một người bị xoá tên ra khỏi danh sách là luật sư thì phải sau 5 năm người đó mới có quyền được đăng ký làm luật sư. Trong trường hợp luật sư bị xoá tên khỏi danh sách của Hiệp hội luật sư có quyền khiếu nại tới Chủ tịch danh dự của Hiệp hội luật. Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp sẽ là quyết định cuối cùng về quyền kháng cáo này.
Luật sư vi phạm những quy định về đạo đức nghề nghiệp luật sư sẽ bị xử lý theo các hình thức sau:
-  Hình thức có điều kiện;
- Đình chỉ hành nghề trong thời hạn không quá 3 năm;
- Gạch tên khỏi danh sách đăng ký các luật sư.
Một người có quyền gửi đơn tố cáo tới Chủ tịch uỷ ban đạo đức nghề nghiệp về hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp của luật sư. Khi phát hiện ra có vi phạm về đạo đức nghề nghiệp Chủ tịch Uỷ ban về đạo đức nghề nghiệp sẽ lập ra một đội điều tra gồm có 3 uỷ viên của Uỷ ban. Trong trường hợp điều tra mà phát hiện ra có vi phạm và cần thiết phải xem xét tư cách thành viên của Hiệp hội luật sư thì phải có ít nhất 1/2 tổng số uỷ viên của Uỷ ban về đạo đức nghề nghiệp tham gia và được quyết định theo đa số. Chủ tịch của Uỷ ban phải báo cáo với Chủ tịch Hiệp hội luật sư về kết quả việc xem xét tư cách đạo đức trong vòng 30 ngày. Uỷ ban điều hành có quyền xem xét báo cáo và chấp nhận hoặc bác yêu cầu của báo cáo. Quyết định đình chỉ hành nghề hay xoá tên ra khỏi danh sách đối với một luật sư sẽ phải thông báo cho các toà án trong vương quốc và Đoàn luật sư Thái Lan.
Trong trường hợp một luật sư bị toà án ra quyết định phạt tù thì phải thông báo cho Chủ tịch uỷ ban đạo đức nghề nghiệp của luật sư. Trên cơ sở đó uỷ ban đạo đức nghề nghiệp mới quy định có gạch tên hay không gạch tên luật sư đó ra khỏi danh sách đăng ký luật sư. Một luật sư bị phạt tù cũng có thể không bị gạch tên ra khỏi danh sách luật sư nếu hành vi phạm tội của luật sư không phải là hành vi có ảnh hưởng đến sự trung thực, tính liêm chính và phẩm giá của luật sư. Quyết định không gạch tên phải được 2/3 tổng số thành viên của uỷ ban đạo đức thông qua và được uỷ ban điều hành phê chuẩn.
Nếu một luật sư không tuân thủ các quy định của đội điều tra nghĩa là không có mặt khi đội điều tra này yêu cầu, không khai báo hoặc không xuất trình tài liệu, chứng cứ cần thiết nếu không có lý do chính đáng cũng bị phạt tù không quá 1 tháng hoặc bị phạt tiền không quá 1000 bạt hoặc bị áp dụng cả 2 hình thức này.
Ngoài ra trong Luật về luật sư quy định một người không được phép mà hành nghề luật sư có thể bị phạt tù đến 2 năm hoặc bị phạt tiền đến 40.000 bạt hoặc phải chịu cả hai hình phạt đó.[15]
Tại Singapore, thời gian tập sự luật là 6 tháng. Trong thời gian này người tập sự không được phép mở văn phòng riêng của mình hay làm thuê, cộng tác để hành nghề luật dưới bất kỳ hình thức nào trừ khi được Uỷ ban chấp thuận bằng văn bản. Thời hạn tập sự có thể được xét giảm nếu người tập sự là luật sư tư vấn của Anh, Bắc Ai-len hay đã hành nghề luật trong Khối thịnh vượng chung. Những người đã đăng ký tại Uỷ ban và đáp ứng đầy đủ các điều kiện trở thành luật sư phải nộp đơn đến Toà án để được công nhận là luật sư. Đơn đồng thời cũng được gửi đến Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Hiệp hội luật sư Singapore và các cơ quan hữu quan khác. Toà án chỉ xem xét công nhận sau khi đã nhận được ý kiến của các cơ quan này[16].
          Quy trình kỷ luật tại Singapore được quy định trong Đạo luật về hành nghề luật sư ở Singapore được ban hành năm 1967, sửa đổi bổ sung năm 1994. Theo đó, Đoàn luật sư có Hội đồng điều tra. Khi có đơn khiếu nại luật sư, Hội đồng điều tra ngay lập tức sẽ thành lập một Ban xem xét kỷ luật bao gồm Chủ tịch và các thành viên khác và có một chuyên viên pháp luật có ít nhất 10 năm kinh nghiệm. Ban này có trách nhiệm tiến hành điều tra và đi đến kết luận có vi phạm hay không và có báo cáo lên Hội đồng. Nếu hội đồng kết luận là luật sư bị kỷ luật thì sẽ thông báo cho luật sư bằng văn bản[17]
Tại Đức, theo Quy chế luật sư liên bang, người muốn trở thành luật sư phải đỗ hai kỳ thi quốc gia về luật theo quy định của các bang. Trong đó, kỳ thi quốc gia về luật lần thứ nhất là kỳ thi kết thúc khóa học luật sư tại trường đại học, còn kỳ thi thứ hai sẽ do Bộ Tư pháp mỗi bang tổ chức. Các thí sinh đã qua kỳ thi quốc gia thứ hai đều có thể đăng ký làm luật sư. Tại Đức người muốn hành nghề luật sư phải làm đơn xin hành nghề luật sư và nộp tại Bộ Tư pháp bang nơi họ thường trú. Bộ Tư pháp chỉ được phép từ chối trong các trường hợp được Quy chế luật sư quy định. Tại nhiều bang Đoàn luật sư địa phương được cơ quan tư pháp ủy quyền về việc xem xét đơn xin làm luật sư và cho phép làm luật sư tại một Tòa án nhất định. Đoàn luật sư địa phương là Đoàn luật sư nơi mà người làm đơn xin phép hành nghề và tại nơi mà văn phòng luật sư được thành lập. Giấy phép hành nghề có hiệu lực từ khi được trao cho người làm đơn và đồng nghĩa với việc gia nhập Đoàn luật sư của người làm đơn. Sau khi được cấp Giấy phép hành nghề luật sư đương nhiên trở thành thành viên của Đoàn luật sư và được cấp thẻ luật sư. Với thẻ luật sư luật sư có thể hành nghề với các cơ quan, tổ chức, cá nhân mà không phải xuất trình thêm giấy tờ nào khác[18].
Tại Hàn Quốc, Luật hành nghề luật sư số 3594 năm 1982 của Hàn Quốc quy định người nào muốn đăng ký chứng chỉ hành nghề luật sư sẽ nộp đơn đăng ký thông qua hiệp hội luật sư địa phương mà anh ta dự định sẽ liên kết. Hiệp hội luật sư địa phương nhận đơn có thể kèm theo ý kiến bằng văn bản về việc liệu người nộp đơn có đủ tư cách là luật sư hay không. Sau khi nhận được đơn đăng ký, Hiệp hội luật sư Hàn Quốc phải ghi tên người đó vào Danh sách Luật sư của mình và thông báo cho họ.
Không dừng lại đó, nếu Hiệp hội luật sư Hàn Quốc không thực hiện hoặc từ chối thực hiện việc đăng ký sau hai tháng trôi qua kể từ ngày nhận đơn đăng ký thì sẽ được coi là đã đăng ký. Bất kỳ người nào bị từ chối đăng ký chứng chỉ hành nghề luật sư có thể khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tư pháp, chứng minh sự bất công của việc từ chối đăng ký, trong vòng ba tháng sau khi nhận được thông báo. Nếu Bộ trưởng Tư pháp cho rằng việc khiếu nại đó là hợp lý thì sẽ yêu cầu Hiệp hội luật sư Hàn Quốc phải cho người đó đăng ký làm luật sư.
Về vấn đề kỷ luật, luật sư Hàn Quốc khi vi phạm sẽ bị xử lý theo 4 hình thức sau: Trục xuất, tạm đình hành nghề có thời hạn, phạt hành chính và hình sự. Đối với việc thu hồi chứng chỉ và tạm đình chỉ hành nghề, Điều 86 của Luật này cũng quy định nếu có lý do chính đáng để tạm đình chỉ hoạt động, Bộ Tư pháp có thể rút lại chứng chỉ hành nghề một cách chính thức. Hơn thế, Chủ tịch của Hiệp hội Luật sư Hàn Quốc, Tổng công tố hoặc luật sư đang bị đình chỉ lệnh phục vụ, có thể yêu cầu Bộ trưởng Tư pháp thu hồi lệnh đình chỉ hoạt động. Sau khi nhận được yêu cầu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp sẽ rút lại lệnh đình chỉ hoạt động hoặc yêu cầu Ủy ban kỷ luật của Bộ Tư pháp xem xét và nếu Ủy ban kỷ luật của Bộ Tư pháp quyết định thu hồi, Bộ phải rút ngay.
II. CÁC VẤN ĐỀ PHÁP LÝ LIÊN QUAN ĐẾN TIÊU CHUẨN HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ Ở VIỆT NAM VÀ MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ TỪ GÓC ĐỘ SO SÁNH
1. Nội dung pháp luật Việt Nam liên quan đến tiêu chuẩn hành nghề luật sư
Người muốn được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư phải có đủ các điều kiện sau đây:
- Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam;
- Có bằng cử nhân luật;
- Có giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư do cơ sở đào tạo nghề luật sư cấp;
- Qua thời gian tập sự và đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư.
          Khoản  4 Điều 17 Luật luật sư năm 2006 sửa đổi, bổ sung năm 2012 đưa ra những trường hợp không được Cấp chứng chỉ hành nghề luật sư. Điều 18 Luật luật sư quy định về việc thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư. Điều 19 quy định về cấp lại chứng chỉ hành nghề luật sư. Một điểm mới của Luật luật sư năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2012 là quy định tất cả hồ sơ xin cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư nộp tại Sở Tư pháp nhằm nâng cao trách nhiệm của Sở Tư pháp, góp phần giảm thiểu thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các luật sư làm thủ tục ngay tại địa phương.
Theo Điều 20 thì người có chứng chỉ hành nghề luật sư gia nhập một Đoàn luật sư do mình lựa chọn để hành nghề luật sư. Người có chứng chỉ hành nghề luật sư gửi hồ sơ gia nhập Đoàn luật sư đến Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ gia nhập Đoàn luật sư, Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư xem xét, quyết định việc gia nhập đoàn luật sư; Nếu người nộp hồ sơ gia nhập thuộc một trong những trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 17 thì Ban chủ nhiệm từ chối việc gia nhập và thông báo lý do bằng văn bản. Người bị từ chối có quyền khiếu nại theo quy định tại Điều 87 Luật luật sư, cụ thể là khiếu nại lên Ban thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Nếu không đồng ý với quyết định của Ban thường vụ thì có quyền khiếu nại lên Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Người gia nhập Đoàn luật sư được tổ chức luật sư toàn quốc cấp thẻ luật sư theo đề nghị của Đoàn Luật sư. Thời hạn cấp thẻ không quá 30 ngày kể từ ngày gia nhập Đoàn luật sư. Quy định này đã theo hướng đơn giản hóa hồ sơ và thủ tục gia nhập Đoàn luật sư, không phụ thuộc vào nơi cư trú.
Theo khoản 4 Điều 20 Luật Luật sư năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2012 quy định về thời hạn cấp Thẻ luật sư:
“4. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định gia nhập Đoàn luật sư, Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị Liên đoàn luật sư Việt Nam cấp Thẻ luật sư cho người gia nhập Đoàn luật sư. Thời hạn cấp Thẻ luật sư không quá hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Đoàn luật sư.
Thẻ luật sư có giá trị không thời hạn, được đổi khi luật sư chuyển Đoàn luật sư hoặc khi bị mất, hỏng.”
          Đối với vấn đề thu hồi Thẻ luật sư được quy định tại Điều 18 của Luật này:
“1. Người đã được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư mà thuộc một trong những trường hợp sau đây thì bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư:
a) Không còn đủ tiêu chuẩn luật sư quy định tại Điều 10 của Luật này;
b) Được tuyển dụng, bổ nhiệm làm cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;
c) Không còn thường trú tại Việt Nam;
d) Không gia nhập một Đoàn luật sư nào trong thời hạn hai năm, kể từ ngày được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư;
đ) Không thành lập, tham gia thành lập hoặc làm việc theo hợp đồng lao động cho một tổ chức hành nghề luật sư hoặc đăng ký hành nghề với tư cách cá nhân trong thời hạn ba năm, kể từ ngày gia nhập Đoàn luật sư;
e) Thôi hành nghề luật sư theo nguyện vọng;
g) Bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư;
h) Bị xử phạt hành chính bằng hình thức tước quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề luật sư có thời hạn; bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc;
i) Bị kết án mà bản án đã có hiệu lực pháp luật;
k) Mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
2. Bộ trưởng Bộ Tư pháp có thẩm quyền thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư và quy định thủ tục thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư. Trong trường hợp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư thì thông báo cho Liên đoàn luật sư Việt Nam để thu hồi Thẻ luật sư.”

          2. Các vấn đề còn có ý kiến liên quan đến tiêu chuẩn hành nghề luật sư và khuyến nghị cho Việt Nam từ góc độ so sánh

Thứ nhất, đối với điều kiện phải có Thẻ hành nghề của luật sư. Trong quá trình soạn thảo dự án Luật luật sư năm 2006 có hai loại ý kiến khác nhau về việc có phải bắt buộc gia nhập một Đoàn luật sư mới đủ điều kiện hành nghề luật sư, cụ thể là:
- Loại ý kiến thứ nhất đồng ý với quy định về việc một người muốn được hành nghề luật sư thì ngoài điều kiện có Chứng chỉ hành nghề luật sư còn phải gia nhập Đoàn luật sư thể hiện ở việc được cấp Thẻ luật sư;
- Loại ý kiến thứ hai cho rằng, một người có đủ tiêu chuẩn luật sư, được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư thì được gọi là luật sư và được phép hành nghề luật sư. Còn việc gia nhập Đoàn luật sư hay không là trên cơ sở tự nguyện chứ không phải điều kiện bắt buộc để được hành nghề luật sư.
Cuối cùng theo quan điểm của cơ quan chủ trì soạn thảo (thời đó là Vụ Bổ trợ Tư pháp thuộc Bộ Tư pháp) chọn phương án hai, cơ quan chủ trì soạn thảo lập luận rằng việc gia nhập Đoàn luật sư là bắt buộc đối với người hành nghề luật sư. Bởi vì không giống như các nghề nghiệp khác, nghề luật sư là một nghề gắn liền với pháp luật, với bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Cần có cơ chế theo dõi, giám sát, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật, tuân theo các quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư trong hành nghề và có thẩm quyền kỷ luật đối với các luật sư vi phạm của Đoàn luật sư – đây là một trong những chức năng quản lý nghề nghiệp thuộc nội dung tự quản của Đoàn luật sư[19]. Đồng thời tại Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật luật sư số 494/BC-UBTVQH11 ngày 08/5/2006 của Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng khẳng định quy định đăng ký thành viên một Đoàn luật sư là điều kiện bắt buộc để được hành nghề luật sư phù hợp với chủ trương đã được đề cập trong Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị là “tạo điều kiện về pháp lý để phát huy chế độ tự quản của tổ chức luật sư; đề cao trách nhiệm của tổ chức luật sư đối với thành viên của mình”.
Việc quy định như vậy, gần tương tự với quy định tại Singapore, tuy nhiên ở Singapore việc lấy ý kiến là đồng thời tức là khi đó sau khi người đã đăng ký tại Uỷ ban và đáp ứng đầy đủ các điều kiện trở thành luật sư phải nộp đơn đến Toà án, thì phải xin ý kiến đồng thời của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Hiệp hội luật sư Singapore và các cơ quan hữu quan khác. Toà án chỉ xem xét công nhận sau khi đã nhận được ý kiến của các cơ quan này[20]. Đồng thời, ở Đức, tại nhiều bang Đoàn luật sư địa phương được cơ quan tư pháp ủy quyền về việc xem xét đơn xin làm luật sư và cho phép làm luật sư tại một Tòa án nhất định.
          Thứ hai, về việc gia nhập Đoàn luật sư ở địa phương để được cấp thẻ luật sư. Có ý kiến đề nghị quy định người được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư phải gia nhập Đoàn luật sư nơi mình cư trú. Về vấn đề này tại Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật luật sư số 494/BC-UBTVQH11 ngày 08/5/2006 của Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng khẳng định: Quy định người được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư có thể gia nhập bất kỳ đoàn luật sư ở địa phương nào mà không phụ thuộc vào nơi thường trú của người đó là phù hợp với tính chất của nghề luật sư là tự do, các luật sư có thể tự do lựa chọn nơi hành nghề phạm vi toàn quốc và ở nước ngoài. Tuy nhiên để bảo đảm hiệu quả của công tác quản lý về luật sư và hành nghề luật sư từ phía Đoàn Luật sư và các cơ quan quản lý nhà nước, thì luật sư chỉ được tham gia thành lập văn phòng luật sư, công ty luật tại địa phương nơi có Đoàn luật sư mà mình là thành viên và Đoàn luật sư có trách nhiệm giám sát không chỉ đối với những luật sư là thành viên mà còn cả đối với luật sư trong các tổ chức hành nghề luật sư tại địa phương. 
Quy định như vậy, khá tương tự với quy định có liên quan của Đức và Nhật tức là không phụ thuộc vào địa phương nơi cư trú của luật sư, theo đó Đoàn luật sư địa phương ở Đức là Đoàn luật sư nơi mà người làm đơn xin phép hành nghề và tại nơi mà văn phòng luật sư được thành lập và ở Nhật, danh sách luật sư của Liên đoàn luật sư được thực hiện thông qua Đoàn luật sư địa phương, nơi luật sư dự định gia nhập.
Thứ ba, về việc quy định thu hẹp các điều kiện về việc thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư để nới lỏng cơ chế hoạt động cho đội ngũ này trong thời gian tới. Vấn đề này cũng nhận được hai luồng ý kiến.
- Loại ý kiến thứ nhất cho rằng cần giữ nguyên như các trường hợp quy định tại Điều 18 Luật Luật sư năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2012.
- Loại ý kiến thứ hai cho rằng cần thu hẹp các điều kiện này, để tạo điều kiện phát triển đội ngũ luật sư, đồng thời chú trọng việc nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư; nâng cao chất lượng hoạt động nghề nghiệp của luật sư; nâng cao nhận thức về quản lý nhà nước đối với luật sư và hành nghề luật sư.
Tham khảo quy định tại Hàn Quốc, thì Liên đoàn Luật sư cũng có thể can thiệp vào quá trình thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư, theo đó Chủ tịch của Hiệp hội Luật sư Hàn Quốc, Tổng công tố hoặc luật sư đang bị đình chỉ lệnh phục vụ, có thể yêu cầu Bộ trưởng Tư pháp thu hồi lệnh đình chỉ hoạt động khi có căn cứ. Sau khi nhận được yêu cầu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp sẽ rút lại lệnh đình chỉ hoạt động hoặc yêu cầu Ủy ban kỷ luật của Bộ Tư pháp xem xét và nếu Ủy ban kỷ luật của Bộ Tư pháp quyết định thu hồi, Bộ phải rút ngay. Đồng thời tại Thái Lan, có một cơ quan được thành lập để xem xét hành vi của luật sư đó là Uỷ ban về đạo đức nghề nghiệp của luật sư theo đó khi phát hiện ra có vi phạm về đạo đức nghề nghiệp Chủ tịch Uỷ ban về đạo đức nghề nghiệp sẽ lập ra một đội điều tra gồm có 3 uỷ viên của Uỷ ban.

Ngô Thu Trang
Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp

 


[1] Nguyễn Văn Thảo, “Tìm một quy trình hợp lý cho việc công nhận luật sư, cấp phép hành nghề luật sư khi sửa đổi Luật luật sư”, Link: liendoanluatsu.org.vn, ngày 17/10/2012.

[2] Tờ trình gửi Quốc hội số 151/CP-XDPL ngày 20/10/2005 của Chính phủ về dự án Luật luật sư

[3] Học viện tư pháp (2017), Giáo trình Luật sư và nghề luật sư, Nxb Tư pháp, Hà Nội, tr 22.

[4] Học viện tư pháp (2017), Giáo trình Luật sư và nghề luật sư, Nxb Tư pháp, Hà Nội, tr 22 - 23.

[5] Học viện tư pháp (2017), Giáo trình Luật sư và nghề luật sư, Nxb Tư pháp, Hà Nội, tr 19.

[6] Học viện tư pháp (2017), Giáo trình Luật sư và nghề luật sư, Nxb Tư pháp, Hà Nội, tr 20.

[7] Bộ phận tiếp nhận đơn phải hoàn thành việc kiểm tra đơn trong vòng 20 ngày kể từ ngày nhận đơn. Sau khi xem xét, trình ý kiến và gửi tất cả các hồ sơ tới cơ quan quản lý hành chính của chính phủ nhân dân tỉnh, khu tự trị thành phố trực thuộc Trung ương để kiểm tra, xác minh trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận được văn bản trình và quyết định về việc cấp giấy phép. Nếu quyết định cấp giấy phép thì phải cấp chứng chỉ hành nghề luật sư cho người nộp đơn; nếu không, cơ quan đó sẽ phải cung cấp cho người nộp đơn các lý do bằng văn bản.

[8] Nguyễn Văn Tuân, Bàn về khái niệm luật sư và thẩm quyền công nhận luật sư, Tạp chí Dân chủ và pháp luật, 2018. Xem thêm: http://tcdcpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/y-kien-luat-su-luat-gia.aspx?ItemID=5 (Truy cập ngày 1/3/2018)

[9] Chengyan Lu, UCLA Pacific Basin Law Journal, Spring 2003, Số 23, trang 300.

[10] Điều 9 Luật về Luật sư của Trung Quốc năm 1996, sửa đổi năm 2007. Xem thêm: http://www.npc.gov.cn/englishnpc/Law/2009-02/20/content_1471604.htm (Truy cập ngày 2/3/2018).

[11] Xem thêm từ Điều 47 đến Điều 51 Luật về Luật sư của Trung Quốc năm 1996, sửa đổi năm 2007. Xem thêm: http://www.npc.gov.cn/englishnpc/Law/2009-02/20/content_1471604.htm (Truy cập ngày 2/3/2018).

[12] Điều 8 Đạo luật về Luật sư của Nhật Bản năm 1949. Xem thêm: http://www.mizogami.gr.jp/english/images/Attorney_Acts_of_Japan.pdf (Truy cập ngày 2/3/2018).

[13] Điều 7 Đạo luật về Luật sư của Nhật Bản năm 1949. Xem thêm: http://www.mizogami.gr.jp/english/images/Attorney_Acts_of_Japan.pdf (Truy cập ngày 2/3/2018).

[14] Học viện tư pháp (2017), Giáo trình Luật sư và nghề luật sư, Nxb Tư pháp, Hà Nội, tr 35.

[15] Bộ Tư pháp, Tổng quan pháp luật một số nước về luật sư, 4/2012, tr.27.

[16] Điều 19, 20 Đạo luật về hành nghề luật sư năm 1984 (được sửa đổi năm 2011) của Singapore. Xem thêm: https://www.mlaw.gov.sg/content/dam/minlaw/corp/Practising%20as%20a%20Lawyer/LegalProfessionAct_2.pdf (Truy cập ngày 3/3/2018).

[17] Vụ Bổ trợ tư pháp – Bộ Tư pháp (2006), Nội dung cơ bản của dự án Luật sư, so sánh với pháp luật một số nước, Nxb Tư pháp, Hà Nội, tr 119.

[18] Học viện tư pháp (2017), Giáo trình Luật sư và nghề luật sư, Nxb Tư pháp, Hà Nội, tr 28.

[19] Vụ Bổ trợ tư pháp – Bộ Tư pháp (2006), Nội dung cơ bản của dự án Luật sư, so sánh với pháp luật một số nước, Nxb Tư pháp, Hà Nội, tr 66 – 67.

[20] Điều 19, 20 Đạo luật về hành nghề luật sư năm 1984 (được sửa đổi năm 2011) của Singapore. Xem thêm: https://www.mlaw.gov.sg/content/dam/minlaw/corp/Practising%20as%20a%20Lawyer/LegalProfessionAct_2.pdf (Truy cập ngày 3/3/2018).