Quyền chuyển đổi giới tính theo quy định của pháp luật dân sự Việt Nam

12/06/2018

Bộ luật Dân sự quy định những vấn đề cơ bản nhất, chung nhất liên quan đến tất cả các lĩnh vực thuộc đời sống dân sự, trong đó khía cạnh quyền nhân thân gắn liền mật thiết với mỗi cá nhân. Mọi sự ngăn cản, bỏ sót việc thực hiện quyền nhân thân nào cũng sẽ gây ảnh hưởng sâu sắc tới việc thực hiện, bảo vệ các quyền dân sự có liên quan khác của cá nhân. Xuất phát từ yêu cầu cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến bảo vệ quyền con người, quyền công dân, Bộ luật Dân sự năm 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 10 ngày 24/11/2015 đã chính thức sửa đổi, ghi nhận thêm một số quyền nhân thân mới, trong đó có quyền chuyển đổi giới tính. Theo đó, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã cho phép công dân được thực hiện chuyển đổi giới tính, công nhận giới tính sau khi chuyển đổi và tạo điều kiện thuận lợi để người chuyển giới thực hiện thay đổi các vấn đề hộ tịch, nhân thân…
Trước đây cũng như hiện nay, ở Châu Á nói riêng và thế giới nói chung, rất ít quốc gia công nhận chuyển đổi giới tính, vì vậy, quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 là một quy định rất tiến bộ trong lịch sử lập pháp của Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của một bộ phận dân chúng, tạo ra hành lang pháp lý cho các vấn đề về chuyển đổi giới tính. Trong phạm vi bài viết này, tác giả đi sâu phân tích về “Quyền chuyển đổi giới tính trong pháp luật dân sự Việt Nam”.
1. Quyền chuyển đổi giới tính ở một số nước trên thế giới
Ở Pháp, tuy chưa có một văn bản riêng biệt về vấn đề xác định giới tính song đã có những quyết định quan trọng của Tòa án Pháp và Tòa án Châu âu về quyền con người, trong đó đề cao vấn đề bảo vệ quyền con người, quyền được sống đúng với giới tính của mỗi cá nhân. Pháp luật của Pháp cho phép cá nhân có quyền chuyển đổi giới tính, chấp nhận việc họ đã phẫu thuật ở nước ngoài và cho phép họ được cải chính lại hộ tịch.
Tại Anh Quốc, Luật Thừa nhận giới tính” quy định các công dân đã chuyển đổi giới tính có thể nộp đơn lên Ủy ban Thừa nhận giới tính xin giấy chứng nhận giới tính mới của họ và được cấp giấy khai sinh mới, được kết hôn và được hưởng những quyền lợi như các công dân bình thường khác.
2. Quyền chuyển đổi giới tính trong pháp luật dân sự Việt Nam
Ở Việt Nam, trước thời điểm Bộ luật Dân sự năm 2015 chưa được Quốc hội thông qua thì pháp luật không thừa nhận quyền thay đổi giới tính mà chỉ công nhận quyền được xác định lại giới tính của cá nhân theo Điều 36 Bộ luật dân sự 2005: “Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ về giới tính”. Để quy định chi tiết Điều 36 Bộ luật Dân sự 2005, Chính phủ ban hành Nghị định 88/2008/NĐ-CP về xác định lại giới tính, trong đó có quy định những hành vi bị nghiêm cấm: “Thực hiện việc chuyển đổi giới tính đối với những người đã hoàn thiện về giới tính”. Như vậy, các quy định của pháp luật hiện hành chưa áp dụng đối với người chuyển giới cũng như không đáp ứng được nhu cầu đa dạng của bản dạng giới trong xã hội hiện nay. Về vấn đề này, khi xây dựng Dự thảo Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có rất nhiều ý kiến trái chiều trong việc thừa nhận hay không thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính. Tuy nhiên có thể thấy, việc thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính cho cá nhân là thực sự cần thiết. Bởi lẽ điều này sẽ là công cụ rất hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người chuyển giới và người chuyển đổi giới tính. Cụ thể:
Thứ nhất, trong xã hội hiện nay, nhóm người có mong muốn chuyển giới là thực tế tồn tại khách quan. Dưới góc độ quyền con người, cá nhân có quyền được sống, trong đó bao hàm quyền được sống là chính mình, có quyền quyết định đối với cơ thể, hình hài của mình. Đây là mong muốn chính đáng của họ. Xã hội càng phát triển, quyền tự do của con người ngày càng được mở rộng và cần được pháp luật tôn trọng, bảo vệ.
Thứ hai, nếu pháp luật không thừa nhận quyền được chuyển đổi giới tính thì bản thân người chuyển giới vẫn không từ bỏ niềm khao khát mình là giới tính kia. Vì vậy, xu hướng phẫu thuật chuyển đổi giới tính vẫn ngày càng gia tăng, bất chấp những rào cản về mặt xã hội và pháp lý.
Thứ ba, việc không thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính sẽ ảnh hưởng đến các quyền, lợi hợp pháp của họ như: vấn đề cải chính hộ tịch sau khi cá nhân thực hiện việc chuyển giới; cản trở việc kết hôn, tham gia các quan hệ xã hội như tuyển dụng lao động, việc làm…
Thứ tư, ngược lại, nếu thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính của cá nhân thì cũng không làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người khác, không làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội. Không những vậy, nó còn tác động tích cực trong việc giải quyết các xung đột gia đình, giảm thiểu sự kỳ thị của xã hội, tạo cơ sở pháp lý giải quyết một số vướng mắc trên thực tế hiện nay.
Với những lý do như vậy, Hiến pháp năm 2013 quy định: “các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp, pháp luật” (Điều 14), “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật; không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội” (Điều 16); Thể chế hoá tinh thần của Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được xác định lại theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan" (Điều 36); Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính, có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của bộ luật này và pháp luật khác có liên quan”. Luật Hộ tịch năm 2014 quy định “Xác định lại giới tính đươc ghi vào sổ hộ tịch theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” (Điều 3), “Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có quyền, nghĩa vụ thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch” (Điều 36); Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 có thêm quy định: “Người bị tạm giữ, người bị tạm giam sau đây có thể được bố trí giam giữ ở buồng riêng: người đồng tính, người chuyển giới”.
Thể chế hoá các quy định trên, đảm bảo quyền con người đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013, Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính, có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của bộ luật này và pháp luật khác có liên quan”.
          Tức là, trước đây, pháp luật Việt Nam chỉ thừa nhận việc xác định lại giới tính cho những người bị khuyết tật bẩm sinh về mặt giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác. Việc chuyển đổi giới tính của những người hoàn thiện về giới tính không được pháp luật cho phép. Do đó, những người đã chuyển đổi giới tính rất bấp bênh trong việc bảo vệ quyền của mình. Về mặt hình thể, họ là nam hoặc nữ, nhưng trên giấy tờ nhân thân thì họ lại là nữ hoặc nam. Chính vì vậy, pháp luật Việt Nam không thừa nhận chuyển đổi giới tính nên các cơ quan có thẩm quyền không thể thay đổi về hộ tịch cho những người này theo giới tính hiện tại. Cũng vì lẽ đó, một số quyền nhân thân, quyền tài sản, thậm chí là nhân phẩm, danh dự của những người này bị xâm phạm mà không được pháp luật bảo vệ. Cụ thể, Điều 36 Bộ Luật dân sự 2005 chỉ cho phép trường hợp một người chỉ được quyền yêu cầu xác định lại giới tính của mình khi họ có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa định hình chính xác. Nghị định 88/2008 NĐ-CP hướng dẫn vấn đề này tại khoản 1 Điều 1 và khoản 1, 2 Điều 2. Bên cạnh đó, văn bản này xác định rõ "Cấm" hành vi thực hiện việc chuyển đổi giới tính đối với những người đã hoàn thiện về giới tính, thể hiện quan điểm không chấp nhận trường hợp chuyển đổi giới tính theo mong muốn của chủ thể.
Hiện nay, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã thừa nhận việc chuyển đổi giới tính là một trong những quyền cơ bản của công dân theo đúng tinh thần của Hiến pháp năm 2013. Song song với việc thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính, Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng có những quy định để đảm bảo các quyền nhân thân cho người chuyển đổi giới tính. Những người chuyển đổi giới tính có quyền thay đổi họ, tên, cải chính hộ tịch và những quyền nhân thân khác phù hợp với giới tính như kết hôn, nhận nuôi con nuôi…
Mặc dù pháp luật đã có hướng mở cho việc chuyển đổi giới tính, tuy nhiên thì đây không phải là một quyền dân sự vô hạn như quyền về danh dự, nhân phẩm, uy tín, tính mạng, sức khoẻ, thân thể, hình ảnh và các quyền nhân thân khác. Khi công dân thực hiện chuyển đổi giới tính đều phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật. Các văn bản liên quan phải xác định cụ thể những đối tượng nào được chuyển đổi giới tính, những cơ sở y tế nào được thực hiện chuyển đổi giới tính, cách thức chuyển đổi giới tính như thế nào, tình trạng hôn nhân của công dân ra sao, quy trình thay đổi hộ tịch của công dân sau khi chuyển đổi giới tính được thực hiện như thế nào…
Tuy nhiên, lần đâu tiên pháp luật Việt Nam cho phép công dân được chuyển đổi giới tính, do đó sẽ có nhiều vấn đề phức tạp và nhạy cảm phát sinh, đó là các vấn đề liên quan đến y tế, bảo hiểm, hôn nhân gia đình cũng như các chính sách an sinh xã hội. Chẳng hạn như việc thay đổi tên gọi, xác định lại giới tính trong giấy tờ hộ tịch. Với người chuyển giới, giới tính hiện tại của họ không trùng với giới tính khi sinh ra, các giấy tờ nhân thân trước đó ghi theo giới tính khi sinh ra. Điều này dẫn đến hệ quả khi một người chuyển giới họ phải cải chính thông tin trên giấy tờ nhân thân và các giấy tờ khác có liên quan như văn bằng, chứng chỉ… Đây sẽ là một vấn đề phức tạp đối với một người đã có một quá trình dài lao động, làm việc, có rất nhiều các loại giấy tờ cá nhân do nhiều cơ quan ban hành.
          Một vấn đề khác liên quan đến lĩnh vực hôn nhân gia đình, Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 không thừa nhận hôn nhân đồng giới, nhưng khi Bộ luật Dân sự năm 2015 cho phép chuyển đổi giới tính, có thể nào xảy ra trường hợp một cặp vợ chồng đã kết hôn và có con chung, sau đó người chồng hoặc người vợ chuyển đổi giới tính mà chưa ly hôn, lúc đó sẽ xảy ra trường hợp hôn nhân đồng giới.
          Vì vậy, có thể nói Bộ luật Dân sự năm 2015 đã nâng cao quyền của mỗi cá nhân, trong đó có vấn đề về nhân thân, bình đẳng trong hôn nhân và việc làm, đồng thời cũng bảo đảm tính thận trọng, phù hợp với thông lệ quốc tế và không trái với truyền thống, phong tục tốt đẹp của dân tộc, tạo ra một bước tiến mới trong công cuộc xây dựng pháp luật cũng như giải quyết nhu cầu của một bộ phận công dân trong xã hội. Tuy nhiên, việc chuyển đổi giới tính còn liên quan tới rất nhiều vấn đề về quyền nhân thân (xác định lại giới tính, quyền kết hôn, thay đổi lại họ tên và nhiều giấy tờ, thủ tục liên quan: Căn cước công dân, các loại giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu, các loại văn bằng chứng chỉ, giấy khai sinh và các giấy tờ nhân thân khác.
          Để quyền chuyển đổi giới tính đi vào thực tiễn và không có những vướng mắc, khó khăn gì trong quá trình thực hiện thì cần phải xây dựng và ban hành một đạo luật riêng, quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, điều kiện chuyển đổi giới tính, đồng thời, những thủ tục pháp lý liên quan đòi hỏi phải thay đổi theo khi luật mới có hiệu lực. Vấn đề đặt ra ở đây là các chủ thể tiến hành chuyển đổi giới tính, các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thế nào với những thay đổi này, cũng như thủ tục thực hiện như thế nào thì cũng vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập. Vì vậy, quy định chuyển đổi giới tính sẽ gặp khó khăn trong quá trình áp dụng trong thực tiễn bởi phải thay đổi nhiều thủ tục hành chính. Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ quy định khái quát về xác định lại giới tính và chuyển đổi giới tính, vì vậy cần có các văn bản hướng dẫn thi hành quy định chi tiết để giải quyết những vướng mắc về vấn đề chuyển giới như việc đăng ký kết hôn cho những người chuyển giới, công tác tạm giữ tạm giam, thi hành án hình sự đối với người đã thực hiện phẫu thuật nhưng chưa tiến hành cải chính hộ tịch … có như vậy thì quyền chuyển đổi giới tính mới được thực thi sớm và đi vào thực tế.
            ThS. Đoàn Thị Ngọc Hải
 
 
          Tài liệu tham khảo
          1. Hiến pháp năm 2015;
          2. Bộ luật Dân sự năm 2005;
          3. Bộ luật Dân sự năm 2015;
          4. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;
          5. Luật Hộ tịch năm 2015;
          6. Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015.