Thời hiệu thừa kế trong pháp luật dân sự Việt Nam

04/06/2018
Trong giao lưu dân sự, để các quan hệ xã hội ngày càng phát triển và mang tính ổn định cao, pháp luật có quy định các vấn đề về thời hạn để các bên có thể lựa chọn những cách xử sự phù hợp với mục đích và lợi ích của mình cũng như của xã hội. Khi hết thời hạn theo quy định có thể phát sinh hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của chủ thể có liên quan. Pháp luật gọi đó là thời hiệu. Thời hiệu thừa kế cũng không phải là ngoại lệ, nó có thể làm phát sinh hay chấm dứt quyền, nghĩa vụ đối với một hoặc nhiều chủ thể trong các quan hệ với người để lại di sản. Do đó, tìm hiểu về thời hiệu trong thừa kế trong pháp luật dân sự giúp cho các chủ thể có thể lựa chọn cách xử sự phù hợp nhằm bảo đảm lợi ích của mình và những chủ thể khác có liên quan.

1. Khái quát về thời hiệu
1.1. Khái niệm về thời hiệu
Để các quan hệ dân sự phát huy được tác dụng tích cực, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển lành mạnh thì phải tạo sự ổn định cho các quan hệ dân sự, từ đó tạo tâm lý yên tâm cho các chủ thể trong giao lưu dân sự. Do đó, pháp luật quy định các thời hạn để các bên có thể lựa chọn cách xử sự cho phù hợp vì mục đích và lợi ích của mình. Khi kết thúc thời hạn đó có thể làm phát sinh hay chấm dứt quyền, nghĩa vụ của những chủ thể có liên quan, thời hạn đó được gọi là thời hiệu[1].
Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS 2015), thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định (khoản 1 Điều 149 BLDS 2015). Thời hiệu được tính từ thời điểm bắt đầu ngày đầu tiên của thời hiệu và chấm dứt tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hiệu.
1.2. Các loại thời hiệu
Điều 150 BLDS 2015 quy định bốn loại thời hiệu sau đây:
a) Thời hiệu hưởng quyền dân sự:
Thời hiệu hưởng quyền dân sự là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó thì chủ thể được hưởng quyền dân sự.
Thời hiệu hưởng quyền dân sự có tính liên tục từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc, kể cả trong trường hợp việc hưởng quyền dân sự được chuyển giao hợp pháp cho người khác; nếu có sự kiện làm gián đoạn thì thời hiệu phải được tính lại từ đầu, sau khi sự kiện làm gián đoạn chấm dứt. Thời hiệu hưởng quyền dân sự bị gián đoạn khi có một trong các sự kiện sau đây:
- Có sự giải quyết bằng một quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với quyền dân sự đang được áp dụng thời hiệu;
- Quyền dân sự đang được áp dụng thời hiệu mà bị người có quyền, nghĩa vụ liên quan tranh chấp và đã được giải quyết bằng một bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
b) Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự:
Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó thì người có nghĩa vụ dân sự được miễn việc thực hiện nghĩa vụ.
Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự có tính liên tục từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc, kể cả trong trường hợp việc miễn trừ nghĩa vụ dân sự được chuyển giao hợp pháp cho người khác; nếu có sự kiện làm gián đoạn thì thời hiệu phải được tính lại từ đầu, sau khi sự kiện làm gián đoạn chấm dứt. Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự bị gián đoạn khi có một trong các sự kiện sau đây:
- Có sự giải quyết bằng một quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với nghĩa vụ đang được áp dụng thời hiệu;
- Nghĩa vụ dân sự đang được áp dụng thời hiệu mà bị người có quyền, nghĩa vụ liên quan tranh chấp và đã được giải quyết bằng một bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
c) Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự:
Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
d) Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự:
Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là thời hạn mà chủ thể được quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền yêu cầu. Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được tính từ ngày phát sinh quyền yêu cầu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Xác định thời hiệu về thừa kế
Điều 623 BLDS 2015 quy định về thời hiệu thừa kế như sau:
1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:
a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;
b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.
2. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
3. Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế”.
Khác với quy định của BLDS 2005, BLDS 2015 đã phân biệt rõ thời hiệu khởi kiện về thừa kế đối với di sản thừa kế là động sản và bất động sản (10 năm đối với động sản và 30 năm đối với bất động sản). Quy định này phù hợp hơn với tính chất quan trọng của từng loại di sản thừa kế và tương thích với quy định về xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu do chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật tại Điều 236 BLDS 2015: “Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.
Việc xác định thời hiệu thừa kế được BLDS 2015 quy định như sau:
* Thời hiệu yêu cầu chia di sản:
Thông thường, nếu các thừa kế thỏa thuận được với nhau về cách thức phân chia di sản thừa kế, không có tranh chấp thì việc phân chia đó được thực hiện theo thỏa thuận. Còn trong trường hợp các bên có tranh chấp, không thỏa thuận được cách thức phân chia di sản thì có quyền làm đơn yêu cầu Tòa án phân chia. Sau thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản kể từ thời điểm mở thừa kế, một trong các bên mới yêu cầu phân chia di sản thừa kế thì Tòa án có quyền từ chối giải quyết, nếu có đương sự yêu cầu xem xét vấn đề thời hiệu khởi kiện.
* Thời hiệu yêu cầu xác nhận quyền thừa kế
Theo quy định của pháp luật về thừa kế, chỉ có những người thuộc diện thừa kế mới có quyền thừa kế. Đó là những người thuộc các hàng thừa kế, người được thừa kế thế vị, giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế quy định tại các điều 651, 652, 653 và 654 BLDS 2015. Do đó, nếu một người không có các căn cứ nêu trên một cách rõ ràng, không được các đồng thừa kế khác công nhận quyền thừa kế thì trong thời hạn 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế, người đó có đơn yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình sẽ được Tòa án giải quyết. Ngoài thời hạn trên mà người đó mới có đơn, nếu một trong các thừa kế yêu cầu xem xét vấn đề thời hiệu khởi kiện thì Tòa án có quyền từ chối giải quyết yêu cầu xác nhận quyền thừa kế.
* Thời hiệu yêu cầu bác bỏ quyền thừa kế
Trường hợp các thừa kế đều có các căn cứ rõ ràng về quyền thừa kế của mình thì các thừa kế có quyền thỏa thuận phân chia di sản. Tuy nhiên, trường hợp một trong các thừa kế có nghi ngờ về “thân phận” hưởng thừa kế của một trong các thừa kế khác thì cũng có quyền làm đơn yêu cầu Tòa án bác quyền thừa kế của người đó. Đơn yêu cầu đó cũng phải được nộp trong thời hạn 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế. Nếu quá thời hạn trên nhưng không có đương sự nào yêu cầu xem xét vấn đề về thời hiệu thì Tòa án vẫn giải quyết theo thủ tục chung.
* Thời hiệu yêu cầu liên quan đến di sản thừa kế
Trường hợp một người khi còn sống có các nghĩa vụ về tài sản theo hợp đồng cũng như nghĩa vụ tài sản ngoài hợp đồng chưa thanh toán thì khi người đó chết, nghĩa vụ tài sản đó không đương nhiên chấm dứt. Các chủ nợ, người bị thiệt hại có quyền khởi kiện trong thời hạn 03 năm kể từ thời điểm mở thừa kế để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại. Theo quy định của BLDS 2015, những người thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ về tài sản đó trong phạm vi di sản của người chết để lại.
Lưu ý: Khi xác định thời hiệu khởi kiện về thừa kế cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
(i) Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện về thừa kế
Việc xác định khoảng thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện sẽ dẫn đến thời hạn từ thời điểm mở thừa kế đến thời điểm hết thời hạn khởi kiện có thể dài hơn 10 năm (đối với di sản là động sản), dài hơn 30 năm (đối với di sản là bất động sản). Điều 156 BLDS 2015 quy định thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là khoảng thời gian xảy ra một trong các sự kiện sau đây:
- Có sự kiện bất khả kháng làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu. Theo quy định của BLDS 2015, sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Như vậy, để được coi là sự kiện bất khả kháng phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
+ Là sự kiện xảy ra một cách khách quan;
+ Không thể lường trước được;
+ Không thể khắc phục được dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
- Có trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu. Theo quy định của BLDS 2015, trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình.
Như vậy, để được coi là có trở ngại khách quan phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
+ Trở ngại phải là khách quan đối với chủ thể bị tác động bởi trở ngại đó;
+ Không thể biết được quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự.
- Chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện, người có quyền yêu cầu là người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
- Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chưa có người đại diện khác thay thế trong trường hợp sau đây:
+ Người đại diện chết nếu là cá nhân, chấm dứt tồn tại nếu là pháp nhân;
+ Người đại diện vì lý do chính đáng mà không thể tiếp tục đại diện được.
Ngoài các trường hợp kéo dài thời hiệu khởi kiện theo quy định tại Điều 156 BLDS 2015, pháp luật còn quy định về vấn đề này như sau:
+ Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 tại Điều 36 quy định:
1. Trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế, người thừa kế có quyền khởi kiện để yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác.
2. Trong thời hạn ba năm, kể từ thời điểm mở thừa kế, cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại, thanh toán các khoản chi từ di sản.
3. Trong trường hợp do trở ngại khách quan mà không thể thực hiện được quyền khởi kiện trong thời hạn quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này thì thời gian bị trở ngại khách quan không tính vào thời hiệu khởi kiện.
4. Đối với các việc thừa kế đã mở trước ngày ban hành Pháp lệnh này thì thời hạn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được tính từ ngày công bố Pháp lệnh này.
Đây là quy định đầu tiên về thời hiệu khởi kiện về thừa kế. Người thừa kế có quyền khởi kiện để yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác trong thời hạn 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế không phân biệt di sản thừa kế là động sản hay bất động sản. Đối với các việc thừa kế đã mở trước khi ban hành Pháp lệnh Thừa kế thì thời hiệu được tính từ ngày công bố Pháp lệnh (tức là ngày 10/9/1990). Nghĩa là, có những vụ việc thừa kế đã mở trước ngày 10/9/1990 nhưng thời hiệu khởi kiện 10 năm không được tính từ thời điểm mở thừa kế mà tính từ ngày 10/9/1990.
+ BLDS 1995 tại Điều 648 cũng có quy định về thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Tuy nhiên, tại Nghị quyết ngày 28/10/1995 của Quốc hội về việc thi hành BLDS 1995 có quy định: “Đối với giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01/7/1991, thì sẽ được thực hiện theo quy định của Quốc hội”.
Từ quy định này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH10 ngày 20/8/1998 để giải quyết các giao dịch dân sự về nhà ở (trong đó có quan hệ thừa kế) được xác lập trước ngày 01/7/1991. Theo quy định tại khoản 2 Điều 17 của Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH10 nói trên thì: “Thời gian từ ngày 01 tháng 7 năm 1996 đến ngày Nghị quyết này có hiệu lực không tính vào thời hiệu trong thủ tục giải quyết các vụ án dân sự đối với giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01 tháng 7 năm 1991” (Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH10 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/1999). Tuy nhiên, riêng giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01/7/1991 mà có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia thì tại khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH10 quy định: “Nghị quyết này không áp dụng đối với giao dịch dân sự về nhà ở thuộc sở hữu tư nhân được xác lập trước ngày 01 tháng 7 năm 1991 mà có người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân, tổ chức nước ngoài tham gia”.
Trên cơ sở quy định tại Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành BLDS 1995, Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH10, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1037/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 27/7/2006 hướng dẫn giải quyết các trường hợp giao dịch về nhà ở (trong đó có quan hệ thừa kế) được xác lập trước ngày 01/7/1991 có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia. Khoản 2 Điều 39 Nghị quyết này quy định: “Thời gian từ ngày 01 tháng 7 năm 1996 đến ngày Nghị quyết này có hiệu lực không tính vào thời hiệu trong thủ tục giải quyết các vụ án dân sự đối với giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01 tháng 7 năm 1991 có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia” (Nghị quyết số 1037/2006/NQ-UBTVQH11 có hiệu lực kể từ ngày 01/9/2006).
Như vậy, đối với giao dịch dân sự về nhà ở nói chung, thừa kế nói riêng được xác lập trước ngày 01/7/1991 mà không có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia thì thời hạn trong thời hiệu khởi kiện phải cộng thêm 02 năm 06 tháng (từ ngày 01/7/1996 đến ngày 01/01/1999); còn nếu có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia thì thời hạn trong thời hiệu khởi kiện phải cộng thêm 10 năm 02 tháng (từ ngày 01/7/1996 đến ngày 01/9/2006).
(ii) Bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện thừa kế
Điều 157 BLDS 2015 quy định về bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự cụ thể trong trường hợp sau đây:
- Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;
- Bên có nghĩa vụ thừa nhận hoặc thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;
- Các bên đã tự hòa giải với nhau.
Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại kể từ ngày tiếp theo sau ngày xảy ra sự kiện nêu trên.
(iii) Áp dụng thời hiệu khởi kiện về thừa kế theo sự lựa chọn của đương sự
Theo quy định tại khoản 2 Điều 149 BLDS 2015, khoản 2 Điều 184 BLTTDS 2015 thì:
Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ, việc.
Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ”.
Như vậy, theo quy định trên, vụ án thừa kế sẽ không tính thời hiệu theo quy định tại Điều 623 BLDS 2015 nếu không có bên đương sự nào đưa ra yêu cầu áp dụng trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ án đó. Vì vậy, Tòa án không được căn cứ vào việc thời hiệu khởi kiện vụ án thừa kế đã hết để đình chỉ giải quyết vụ án mà phải tiến hành giải quyết tranh chấp bình thường. Nếu có đương sự đưa ra yêu cầu áp dụng thời hiệu về thừa kế trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc thì Tòa án phải xem xét giải quyết yêu cầu này. Nếu đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh vụ án thừa kế đã hết thời hiệu thì Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 217 BLTTDS 2015[2].
(iv) Cách tính thời hiệu về thừa kế
BLDS 2015 đã định nghĩa thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định (khoản 1 Điều 149). Do vậy, để tính được thời hiệu về thừa kế thì cần thiết phải xác định các “thời hạn do luật quy định”, tức là xác định về khoảng thời gian trong thời hạn, thời điểm để tính bắt đầu, kết thúc thời hạn.
Thời hạn là một khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác, có thể được xác định bằng phút, giờ, ngày, tuần, tháng, năm hoặc bằng một sự kiện có thể xảy ra. BLDS 2015 cũng quy định rõ thời hạn được tính theo dương lịch, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
* Thời hạn, thời điểm tính thời hạn:[3]
- Trường hợp các bên có thỏa thuận về thời hạn là một năm, nửa năm, một tháng, nửa tháng, một tuần, một ngày, một giờ, một phút mà khoảng thời gian diễn ra không liền nhau thì thời hạn đó được tính như sau:
+ Một năm là ba trăm sáu mươi lăm ngày;
+ Nửa năm là sáu tháng;
+ Một tháng là ba mươi ngày;
+ Nửa tháng là mười lăm ngày;
+ Một tuần là bảy ngày;
+ Một ngày là hai mươi tư giờ;
+ Một giờ là sáu mươi phút;
+ Một phút là sáu mươi giây.
- Trường hợp các bên thỏa thuận về thời điểm đầu tháng, giữa tháng, cuối tháng thì thời điểm đó được quy định như sau:
+ Đầu tháng là ngày đầu tiên của tháng;
+ Giữa tháng là ngày thứ mười lăm của tháng;
+ Cuối tháng là ngày cuối cùng của tháng.
- Trường hợp các bên thỏa thuận về thời điểm đầu năm, giữa năm, cuối năm thì thời điểm đó được quy định như sau:
+ Đầu năm là ngày đầu tiên của tháng một;
+ Giữa năm là ngày cuối cùng của tháng sáu;
+ Cuối năm là ngày cuối cùng của tháng mười hai.
* Thời điểm bắt đầu thời hạn:[4]
- Khi thời hạn được xác định bằng phút, giờ thì thời hạn được bắt đầu từ thời điểm đã xác định.
- Khi thời hạn được xác định bằng ngày, tuần, tháng, năm thì ngày đầu tiên của thời hạn không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề ngày được xác định.
- Khi thời hạn bắt đầu bằng một sự kiện thì ngày xảy ra sự kiện không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề của ngày xảy ra sự kiện đó.
* Kết thúc thời hạn:[5]
- Khi thời hạn tính bằng ngày thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn.
- Khi thời hạn tính bằng tuần thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày tương ứng của tuần cuối cùng của thời hạn.
- Khi thời hạn tính bằng tháng thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày tương ứng của tháng cuối cùng của thời hạn; nếu tháng kết thúc thời hạn không có ngày tương ứng thì thời hạn kết thúc vào ngày cuối cùng của tháng đó.
- Khi thời hạn tính bằng năm thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày, tháng tương ứng của năm cuối cùng của thời hạn.
- Khi ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày làm việc tiếp theo ngày nghỉ đó.
- Thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn vào lúc hai mươi tư giờ của ngày đó.
3. Giải quyết di sản thừa kế hết thời hiệu khởi kiện
Trước đây, khi xác định các vụ án phân chia di sản thừa kế hết thời hiệu khởi kiện là Tòa án thường đình chỉ giải quyết dẫn đến tình trạng di sản thừa kế không biết thuộc về ai. Khắc phục thiếu sót này, ngoài việc quy định chi tiết về thời hiệu thừa kế, BLDS 2015 cũng đã giải quyết khá triệt để vấn đề di sản thừa kế hết thời hiệu khởi kiện. Khi quá thời hạn 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế mà không có yêu cầu chia di sản, hoặc có yêu cầu chia di sản nhưng Tòa án xác định đã hết thời hiệu phân chia di sản theo yêu cầu của một hoặc các bên thì di sản được giải quyết như sau:
- Di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó (trường hợp người quản lý di sản là một trong những người thừa kế).
- Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản thuộc quyền sở hữu của người được xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu do chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật (Điều 236 BLDS 2015). Việc chiếm hữu của người này phải là ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn hưởng quyền.
+ Yếu tố ngay tình đòi hỏi người chiếm hữu này không biết và không buộc phải biết mình là người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật.
+ Yếu tố liên tục đòi hỏi người chiếm hữu không bị gián đoạn về thời gian; nếu có sự kiện làm gián đoạn thì thời hiệu xác lập quyền đó được tính lại từ đầu ngay sau khi sự kiện làm gián đoạn chấm dứt. Khoản 2 Điều 153 BLDS 2015 quy định về thời hiệu hưởng quyền dân sự, miễn trừ nghĩa vụ dân sự bị gián đoạn khi có một trong các sự kiện sau đây:
(i) Có sự giải quyết bằng một quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với quyền, nghĩa vụ dân sự đang được áp dụng thời hiệu;
(ii) Quyền, nghĩa vụ dân sự đang được áp dụng thời hiệu mà bị người có quyền, nghĩa vụ liên quan tranh chấp và đã được giải quyết bằng một bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Thời hiệu cũng được tính liên tục trong trường hợp việc hưởng quyền dân sự, miễn trừ nghĩa vụ dân sự được chuyển giao hợp pháp cho người khác.
+ Yếu tố công khai đòi hỏi việc chiếm hữu phải được thực hiện một cách minh bạch, không che giấu, sử dụng, bảo quản tài sản đúng với tính năng, công dụng vốn có của nó.
- Khi không có người thừa kế đang quản lý di sản hết thời hiệu, không có người được xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu do chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật theo các trường hợp nêu trên thì di sản hết thời hiệu thuộc về Nhà nước.
4. Vấn đề chuyển hóa từ di sản thành tài sản chung
Trong thực tế, nhiều Tòa án tiếp nhận đơn khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế khi đã hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế. Chủ thể có quyền hưởng di sản không thể tự mình xác lập quyền sở hữu vì chủ thể đang chiếm hữu di sản thừa kế không công nhận quyền tài sản cho họ. Tuy nhiên, nhiều trường hợp dù đã hết thời hiệu khởi kiện nhưng các chủ thể có quyền đối với di sản vẫn thừa nhận các quyền của mỗi thành viên và cùng nhau thỏa thuận, thống nhất là tài sản chung của các thừa kế. Kể từ thời điểm các bên thống nhất là tài sản chung thì di sản đó sẽ chuyển hóa từ di sản thừa kế thành tài sản chung của những người thừa kế theo căn cứ về xác lập quyền sở hữu chung theo quy định tại Điều 208 BLDS 2015.
Nếu các bên tự nguyện thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo thỏa thuận thì pháp luật tôn trọng quyền tự định đoạt đó. Trường hợp không tự phân chia, khởi kiện ra Tòa án thì Tòa án giải quyết phân chia tài sản chung khi có đủ căn cứ mà không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế.
Căn cứ pháp lý của việc không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế được quy định tại Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình. Theo đó, tại tiểu mục 2.4 Mục I của Nghị quyết nêu trên quy định:
2.4. Không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế
a) Trường hợp trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết và cần phân biệt như sau:
a.1) Trường hợp có di chúc mà các đồng thừa kế không có tranh chấp và thoả thuận việc chia tài sản sẽ được thực hiện theo di chúc khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo di chúc.
a.2) Trường hợp không có di chúc mà các đồng thừa kế thỏa thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo thoả thuận của họ.
a.3) Trường hợp không có di chúc và các đồng thừa kế không có thoả thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về chia tài sản chung.
b) Trường hợp người chết để lại di sản cho các thừa kế nhưng các thừa kế không trực tiếp quản lý, sử dụng mà di sản đó đang do người khác chiếm hữu bất hợp pháp hoặc thuê, mượn, quản lý theo ủy quyền... thì các thừa kế có quyền khởi kiện người khác đó để đòi lại di sản.
Như vậy, căn cứ để chuyển hóa từ di sản thành tài sản chung (dù còn thời hiệu thừa kế hay không) là:
- Thứ nhất, các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia;
- Thứ hai, sự thỏa thuận của các đồng thừa kế phải thể hiện bằng văn bản, có xác nhận của các đồng thừa kế.
Như vậy, khi có đủ các điều kiện và căn cứ nêu trên, theo yêu cầu của đương sự, Tòa án không tiến hành phân chia di sản thừa kế mà tiến hành phân chia tài sản chung.
ThS. Nguyễn Văn Huy
 
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
 
1. PGS.TS. Nguyễn Văn Cừ - PGS.TS. Trần Thị Huệ (đồng chủ biên, 2017), Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2015 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội.
2. PGS.TS. Trần Thị Huệ (2012), Di sản thừa kế theo pháp luật dân sự Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn (Sách chuyên khảo), Nxb. Tư pháp, Hà Nội.
3. ThS. Nguyễn Văn Huy (2017), Thừa kế trong pháp luật dân sự Việt Nam, Nxb. Tư pháp, Hà Nội.
4. Tưởng Duy Lượng (2017), Thời hiệu, thừa kế và thực tiễn xét xử, Nxb. Tư pháp, Hà Nội.
5. PGS.TS. Phùng Trung Tập (2016), Chế định thừa kế trong Bộ luật Dân sự năm 2015, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Số chuyên đề triển khai thi hành Bộ luật Dân sự năm 2015, Nxb. Tư pháp, Hà Nội.
6. PGS.TS. Phùng Trung Tập (2016), Luật Dân sự Việt Nam - Bình giải và áp dụng: Luật Thừa kế (sách chuyên khảo), Nxb. Hà Nội, Hà Nội.
7. TS. Nguyễn Minh Tuấn (chủ biên, 2016), Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2015, Nxb. Tư pháp, Hà Nội.
8. TS. Nguyễn Minh Tuấn (chủ biên, 2016), Bình luận khoa học những điểm mới của Bộ luật Dân sự năm 2015, Nxb. Tư pháp, Hà Nội.
9. PGS.TS. Phạm Văn Tuyết (chủ biên, 2017), Hướng dẫn môn học Luật Dân sự - Tập 1, Nxb. Tư pháp, Hà Nội.
10. PGS.TS. Phạm Văn Tuyết (chủ biên, 2017), Hướng dẫn môn học Luật Dân sự - Tập 2, Nxb. Tư pháp, Hà Nội.
11. PGS.TS. Phạm Văn Tuyết - TS. Lê Kim Giang (2017), Pháp luật về thừa kế và thực tiễn giải quyết tranh chấp, Nxb. Tư pháp, Hà Nội.
 
[1] Tưởng Duy Lượng (2017), Thời hiệu, thừa kế và thực tiễn xét xử, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, tr. 460.
[2] Điều 217. Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự
1. Sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp sau đây:

e) Đương sự có yêu cầu áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ án và thời hiệu khởi kiện đã hết;
[3] Điều 146 BLDS 2015.
[4] Điều 147 BLDS 2015.
[5] Điều 148 BLDS 2015.