Cần nghiên cứu, thay đổi căn bản cơ chế theo dõi, đôn đốc THADS

29/05/2018

 
1. Bấy lâu nay, đội ngũ công chức THADS nói chung, đội ngũ Chấp hành viên nói riêng thường “phàn nàn” về sự thiếu công bằng trong cơ chế đánh giá công chức, xếp hạng đơn vị và bình xét thi đua khen thưởng do các công việc này dựa phần lớn trên cơ sở chế độ thống kê hiện hành. Lý do chính là do các quy định thống kê hiện nay được xây dựng trên cơ sở “chốt” kết quả thi hành án theo năm, từ 01/10 năm trước đến hết 30/9 năm sau. Do đó, nhiều vụ việc được thụ lý vào thời gian cuối năm công tác, đặc biệt là các vụ việc thu hồi các khoản nợ cho các tổ chức tín dụng có giá trị lớn, sẽ bị tính vào “gói” thống kê này dẫn đến việc Chấp hành viên không hoàn thành nhiệm vụ theo chỉ tiêu về việc, tiền được giao từ đầu năm. Điều này là không công bằng bởi các vụ việc mới được thụ lý này thường đang trong giai đoạn xác minh và thực hiện các quy trình nghiệp vụ khác... Cũng cần lưu ý rằng, thời gian thi hành án theo quy trình thông thường tại Việt Nam (tính theo Quy trình thi hành án do Tổng cục THADS ban hành) là trên 150 ngày. Sẽ là không công bằng với người Chấp hành viên nếu 03 Quý đầu năm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhưng “ không may” đến Quý cuối phải thụ lý những vụ việc nên trên.
2. Như một lẽ tự nhiên, một số biện pháp đối phó “bất thành văn” xuất hiện. Khi nộp hồ sơ vào những tháng cuối năm, người dân có thể được “động viên” nộp đơn sau ngày 30/9, cũng vì lý do nêu trên, việc hỗ trợ nộp đơn trực tuyến sẽ có một lực cản lớn khi triển khai trong thực tế do lưu vết lại các thời điểm này. Hiện tượng ủy thác thi hành án dân sự “lòng vòng”, “hối hả” vào tháng cuối năm còn diễn ra. Cá biệt một số địa phương phân loại án có điều kiện và không có điều kiện thi hành có thể có sự thay đổi đột ngột, đáng kể trong khoảng thời gian cuối năm…
3. Có lẽ Việt Nam là một trong không nhiều quốc gia thực hiện theo dõi, đôn đốc, đánh giá kết quả thi hành án của cá nhân công chức thi hành án dựa trên kết quả thống kê. Bởi lẽ, kết quả thống kê chỉ là những con số ở trong “trạng thái tĩnh”, phản ánh kết quả sau một khoảng thời gian dài, như trong THADS là kết quả 12 tháng, qua 12 tháng được gọi là “án chuyển kỳ sau”, do đó, số liệu thống kê được sử dụng để đánh giá nhằm đáp ứng yêu cầu kiểm tra, giám sát việc thực hiện các vấn đề rộng lớn như “chiến lược, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội” (Luật Thống kê) chứ không sử dụng để đánh giá những công việc hàng ngày như THADS.  
4. Tại Thái Lan, Cục thực thi pháp luật Bộ Tư pháp theo dõi, đôn đốc Chấp hành viên thi hành bản án căn cứ vào thời gian do Ngân hàng Thế giới đánh giá tại báo cáo mức tín nhiệm của các nền kinh tế (Doing Business), là 120 ngày. Tức là mỗi Chấp hành viên có một khoảng thời gian định mức là 120 ngày để thi hành xong một phán quyết. Qua một phần mềm thi hành án, nếu phát hiện có trường hợp quá 120 ngày, Cục sẽ đến kiểm tra, nếu do lỗi chủ quan sẽ thay Chấp hành viên khác. Số liệu thống kê chung về thi hành án sẽ do Bộ Tài chính, Chính phủ thu thập trình Quốc hội để tổng hợp phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế xã hội chung của đất nước.      
          5. Chế độ thống kê hiện hành trong hoạt động THADS còn chưa phân định rạch ròi việc theo dõi, đôn đốc, xử lý quá trình xử lý các vụ việc THADS theo một khoảng thời gian nhất định như 150 ngày, 200 ngày, 250 ngày… (theo tính toán của Ngân hàng thế giới, thời gian thi hành một bản án tại Việt Nam là 150 ngày, xếp hạng 6/10 quốc gia ASEAN) mà vẫn bó thành một gói theo đơn vị “năm” nên không có thái độ, biện pháp theo dõi, xử lý dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành nhưng còn kéo dài nhiều năm. Do đó, việc đánh giá công chức THADS theo các số liệu này là chưa thực sự chính xác cũng như chưa thực sự khích lệ, động viên công chức nỗ lực, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.
          6. Để lãnh đạo Ngành Tư pháp, Hệ thống thi hành án dân sự hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao, ngày 05/4/2018, Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp ban hành Nghị quyết số 31-NQ/BCSĐ về lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm thi hành án dân sự, thi hành án hành chính giai đoạn 2018 - 2021. Để bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, Nghị quyết yêu cầu phải “Xây dựng cơ chế đôn đốc, kiểm tra, giám sát đối với những vụ việc có điều kiện thi hành án nhưng còn để kéo dài để tập trung chỉ đạo thi hành dứt điểm”. Trước yêu cầu thúc bách của thực tiễn, cũng như bảo đảm sự công bằng trong đánh giá công chức THADS, đã đến lúc cần nghiên cứu, thay đổi căn bản cơ chế theo dõi, đôn đốc THADS theo hướng tách bạch cơ chế theo dõi, đôn đốc việc thi hành bản án theo đơn vị NGÀY và chế độ thống kê tổng hợp theo đơn vị NĂM./.
                                     
Ths. Nguyễn Xuân Tùng - Chánh Văn phòng Tổng cục Thi hành án dân sự