Hoàn thiện quy định pháp luật về “Hoãn chấp hành hình phạt tù”

11/04/2018
“Hoãn chấp hành hình phạt tù” (HCHHPT) là một trong những quy định pháp luật mang tính nhân đạo, nhân văn của Nhà nước ta đối với người phạm tội bị xử phạt tù; tuy nhiên, quá trình áp dụng quy định này trong thực tiễn thời gian qua còn phát sinh nhiều bất cập, hạn chế cần sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu công tác cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trong nội dung bài viết này, người viết nêu một số bất cập, hạn chế trong quy định pháp luật về HCHHPT; từ đó đề xuất, kiến nghị hoàn thiện.
1. Quy định về HCHHPT và một số bất cập, hạn chế
a) Quy định về HCHHPT:
Ngày 27/6/1985, Quốc hội khóa VII thông Bộ luật Hình sự (BLHS) đâu tiên của Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây cũng là bộ luật đầu tiên quy định về HCHHPT trong hệ thống pháp luật hình sự; tuy nhiên, quy định về HCHHPT chỉ áp dụng đối với người phạm tội là quân nhân[1]; đồng thời, với việc chưa đưa ra các tình tiết, khái niệm cụ thể nên quy định về HCHHPT có nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau trong hoạt động tố tụng.
Xuất phát từ tính nhân đạo, nhân văn, đảm bảo quyền con người, quyền công dân, khắc phục những hạn chế về cách hiểu, áp dụng quy định HCHHPT tại BLHS năm 1985; Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 1988 ra đời đã mở rộng đối tượng được áp dụng, cũng như quy định rõ ràng các tình tiết, trường hợp được HCHHPT, song lại đặt tên gọi HCHHPT thành “Hoãn chấp hành án phạt tù” (HCHAPT), cụ thể:
“Điều 231. Hoãn thi hành án phạt tù.
Đối với người bị kết án đang được tại ngoại, Chánh án Toà án có thể tự mình hoặc theo đề nghị của Viện kiểm sát, cơ quan công an hoặc người bị kết án, cho hoãn chấp hành hình phạt trong những trường hợp sau đây:
1. Người bị kết án bị ốm nặng được hoãn chấp hành hình phạt cho đến khi sức khoẻ phục hồi;
2. Người bị kết án là phụ nữ có thai hoặc mới sinh đẻ thì được hoãn chấp hành hình phạt từ ba tháng đến một năm;
3. Người bị kết án là người lao động duy nhất trong gia đình nếu ở tù sẽ làm cho gia đình đặc biệt khó khăn, thì có thể được hoãn chấp hành hình phạt đến một năm, trừ trường hợp là phần tử nguy hiểm cho xã hội hoặc bị kết án về tội đặc biệt nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội nghiêm trọng khác;
4. Quân nhân bị kết án về một tội ít nghiêm trọng, nếu do nhu cầu chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu mà được người chỉ huy từ cấp trung đoàn trở lên đề nghị thì có thể được hoãn chấp hành hình phạt từ sáu tháng đến một năm.”.
Đến BLHS năm 1999[2], BLTTHS năm 2003[3], Luật Thi hành án hình sự năm 2010[4] và đặc biệt BLHS năm 2015 (sửa đổi năm 2017 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018), quy định về HCHAPT tiếp tục được hoàn thiện cho phù hợp với Hiến pháp (đảm bảo quyền con người, quyền công dân), tạo cơ sở pháp lý nhằm phân biệt quy định HCHHPT (đang tại ngoại) với “Tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù” (đang chấp hành hình phạt tù) và được đổi tên thành HCHHPT (Khoản 1, Điều 67 BLHS năm 2015); cụ thể: 
 “1. Người bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt trong các trường hợp sau đây:
a) Bị bệnh nặng thì được hoãn cho đến khi sức khỏe được hồi phục;
b) Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi;
c) Là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, được hoãn đến 01 năm, trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
d) Bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ, thì được hoãn đến 01 năm.”.
Từ những quy định trên, chúng ta có thể thấy, HCHHPT là quy định nêu cao quyền con người, thể hiện tính nhân đạo sâu sắc của Đảng và Nhà nước ta đối với người phạm tội khi họ có các điều kiện về nhân thân cần phải được HCHHPT; do đó, việc hiểu đúng, áp dụng đúng và hiệu quả các quy định về HCHHPT là hết sức cần thiết trong thực tiễn hiện nay, vì nó góp phần nâng cao tính nghiêm minh của pháp luật, tạo dựng lòng tin của người dân đối với hoạt động tư pháp, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người phạm tội mà Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận.
b) Một số bấp cập, hạn chế:
Theo BLHS năm 1999 và BLHS năm 2015, có 04 trường hợp như bị bệnh nặng; phụ nữ có thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; người lao động duy nhất trong gia đình và bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng nhưng do nhu cầu công vụ thì được HCHHPT. Tuy nhiên, việc hiểu và áp dụng quy định về HCHHPT đối với từng trường hợp cụ thể lại có nhiều vướng mắc, bất cập, nhất là khi áp dụng BLHS năm 2015 kể từ ngày 01/01/2018.
Thứ nhất, theo điểm a Mục 7.1 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (Nghị quyết 01) thì “bệnh nặng” được hiểu là “…bị bệnh đến mức không thể đi chấp hành hình phạt tù được và nếu bắt đi chấp hành hình phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ; do đó, cần thiết phải cho họ được hoãn chấp hành hình phạt tù để họ có điều kiện chữa bệnh; ví dụ: Ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ chướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3 trở lên, suy thận độ 4 trở lên, HIV chuyển giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội và có tiên lượng xấu...” và để có cơ sở pháp lý chứng minh là “bệnh nặng”, người bị xử phạt tù phải có “kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên”; tuy nhiên hiện nay, việc hiểu “kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên” như thế nào còn nhiều cách hiểu khác nhau, có người cho rằng nội dung kết luận có trong bệnh án hoặc kết quả siêu âm, xét nghiệm hoặc cũng có người cho rằng, kết luận này là một văn bản riêng do bệnh viện cấp tỉnh hoặc người có thẩm quyền trong bệnh viện cấp tỉnh cấp. Bên cạnh đó, theo Mục 7.3 Nghị quyết 01 thì “người bị xử phạt tù bị bệnh nặng được hoãn chấp hành hình phạt tù một lần hoặc nhiều lần cho đến khi sức khỏe hồi phục” nhưng lại không có văn bản nào hướng dẫn cụ thể như thế nào là “sức khỏe được hồi phục” và do cơ quan nào xác nhận, đánh giá.
Do chưa có một hướng dẫn, quy định cụ thể nào về 02 vấn đề trên, nên trong thực tiễn có trường hợp người bị xử phạt tù bị bệnh nặng nhưng không được HCHHPT với lý do không cung cấp được “kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên” theo cách hiểu, áp dụng riêng của cơ quan tiến hành tố tụng (đòi có văn bản kết luận riêng, nhưng thực tiễn, cơ quan y tế chỉ cung cấp bệnh án) hoặc có trường hợp người bị xử phạt tù lấy lý do “sức khỏe chưa được hồi phục” (mặc dù đã phục hồi) hoặc tìm kẻ hở của pháp luật (chưa quy định cơ quan xác nhận “sức khỏe được hồi phục”) mà trốn tránh trách nhiệm hình sự chấp hành án phạt tù hết lần này, đến lần khác,… làm cho bản án của Tòa án khó thực thi, quyết định của Tòa án nhân danh Nhà nước thiếu tôn trọng, pháp luật thiếu nghiêm minh và tạo hệ lụy xấu cho các đối tượng phạm tội tương tự.
Thứ hai, yêu cầu đối với người bị xử phạt tù phải có “kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên” là bị “bệnh nặng” mới được HCHHPT trong một số trường hợp cụ thể lại rất khó thực thi; ví dụ như : Người bị xử phạt tù đang trong thời gian chờ thi hành án không may bị tai nạn giao thông hoặc đột quỵ, bị tai biến mạch máu não nằm một chỗ, lại không còn người thân, gia đình rất khó khăn về tài chính, không thuộc đối tượng bảo hiểm y tế chi trả, từ gia đình đến bệnh viện tuyến tỉnh hàng trăm km thì việc nằm viện tuyến tỉnh là rất khó; nhưng nếu không nằm tuyến tỉnh thì không có điều kiện HCHHPT. Đây là một vấn đề tưởng chừng hy hữu nhưng lại xảy ra trong thực tế.
Thứ ba, hiện nay xung quanh quy định: “Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi” (tại điểm b Khoản 1 Điều 67 BLHS năm 2015) có 03 quan điểm áp dụng không thống nhất giữa các địa phương và cơ quan tiến hành tố tụng, gây khó khăn cho công tác theo dõi thi hành án phạt tù:
- Có người cho rằng, đây là quy định cho phép phụ nữ bị xử phạt tù được phép HCHHPT từ lúc có thai đến lúc con của họ được 36 tháng tuổi;
- Ngược với quan điểm trên, có người lại cho rằng, cần tách 02 nội dung “có thai” và “nuôi con dưới 36 tháng tuổi” để thấy hiểu quy định này một cách công bằng; đó là quy định việc HCHHPT đối với trường hợp “ có thai” riêng và “đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi” riêng; vì cho rằng trong thực tiễn có trường hợp người phụ nữ bị xử phạt tù lúc đầu có thai, song sau đó vì lý do nào đó bị sảy thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng đột nhiên con chết (không còn điều kiện để được HCHHPT); do đó, nếu quy định như quan điểm thứ nhất thì thiếu tính chặt chẽ, đôi khi buông lỏng, thiếu công bằng, người phạm tội lẫn trách nhiệm chịu hình phạt tù trong khi họ có điều kiện chấp hành hình phạt tù.
- Ý kiến khác lại cho rằng, vẫn áp dụng như quan điểm thứ nhất; tuy nhiên, Tòa án cần cho phép HCHHPT từng năm một cho đến khi con của người được HCHHPT được 36 tháng tuổi để tiện theo dõi, quản lý công tác thi hành án phạt tù (trường hợp này vẫn khắc phục được những vướng mắc như quan điểm thứ hai đã nêu).
Với quan điểm người viết, thì ý kiến thứ hai có nhiều điểm phù hợp; bởi vì, theo quan điểm thứ nhất và thứ ba, không thể khắc phục được tình trạng người phụ nữ bị xử phạt tù lợi dụng “có thai” và “nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi” để được HCHHPT nhiều lần như: Trường hợp người phụ nữ lúc bị xử phạt tù “có thai” (được HCHHPT); tuy nhiên, sau đó sảy thai lại tiếp tục “có thai” (tiếp tục được HCHHPT) hoặc trường hợp “nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi” (được HCHHPT) thì con chết lại tiếp tục “có thai” và “nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi” (tiếp tục được HCHHPT).
Thứ tư, khái niệm về “lao động chính” (hiểu là có nhiều người lao động, nhưng có một người lao động mang lại thu nhập chính cho gia đình)  và “lao động duy nhất” (hiểu là chỉ có một người lao động và chỉ người lao động này mang lại thu nhập cho gia đình mà không còn người nào khác) tuy khác nhau, nhưng vì chưa được quy định cụ thể, rõ ràng trong pháp luật hình sự cho nên một số nơi vẫn cố tình hiểu hai khai niệm này là một, tạo cơ hội cho một số người phạm tội né trách trách nhiệm hình phạt tù.
Mặt khác, một số trường người bị xử phạt tù là “lao động duy nhất” được HCHHPT một lần hoặc nhiều lần nhưng tổng thời gian hoãn đã quá một năm nhưng họ có con duy nhất đã thành niên bị tâm thần, gia đình không còn người thân thích nào khác để giao nuôi dưỡng, chăm sóc; nếu không cho phép tiếp tục HCHHPT thì con duy nhất đã thành niên bị tâm thần của người bị xử phạt tù phải như thế nào, trong khi quy định về trách nhiệm, thẩm quyền của cơ quan, tổ chức cũng như thủ tục thực hiện việc đưa người bị bệnh tâm thần đã thành niên vào Trung tâm Bảo trợ xã hội chưa được luật hóa hay hướng dẫn và dẫn đến người bị xử phạt tù cũng không yên tâm chấp hành án.
Thứ năm, quy định “do nhu cầu công vụ” thì người bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng được HCHHPT; tuy nhiên, việc hiểu, áp dụng trường hợp “do nhu cầu công vụ” rất khác nhau ở các địa phương, có nơi lạm dụng điều này để người phạm tội né trách hình phạt tù.
2. Một số kiến nghị hoàn thiện:
Một là, đối với trường hợp HCHHPT với lý do bệnh nặng (điểm a Khoản 1 Điều 67 BLHS năm 2015): Có văn bản quy định cụ thể, rõ ràng“kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên” đối với “bệnh nặng” là phải bằng văn bản riêng hoặc liệt kê cụ thể các loại giấy tờ chứng minh “bệnh nặng” và trong trường hợp đặc biệt như bị tai biến, đột quỵ, tai nạn giao thông nằm một chỗ, không có điều kiện kinh tế đến bệnh viện tuyến tỉnh thì chấp nhận“kết luận của bệnh viện cấp huyện” là điều kiện được HCHHPT; đồng thời, người được HCHHPT với lý do “bệnh nặng” cần phải được theo dõi, khám bệnh tại bệnh viện cấp tỉnh định kỳ 03 hoặc 06 tháng 01 lần để theo dõi“sức khỏe được hồi phục” như thế nào và kết quả xác nhận của bệnh viện là căn cứ để chấm dứt hoặc tiếp tục thực hiện việc HCHHPT.
Hai là, đối với trường hợp HCHHPT là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi: Nên quy định cụ thể và tách riêng 02 giai đoạn, đó là: HCHHPT đối với phụ nữ có thai và HCHHPT đối với phụ nữ nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi. Việc tách ra 02 gia đoạn này nhằm tăng cường công tác theo dõi thi hành án phạt tù, tránh trường hợp người bị xử phạt tù hết điều kiện HCHHPT vẫn được hưởng chế độ HCHHPT.
Ba là, đối với trường hợp HCHHPT là người lao động duy nhất trong gia đình: Quy định rõ thế nào là “lao động duy nhất” để phân biệt với “lao động chính” nhằm áp dụng thống nhất điểm c Khoản 1, Điều 67 BLHS năm 2015; đồng thời, quy định trách nhiệm, thủ tục đưa người thành niên bị tâm thần vào Trung tâm Bảo trợ xã hội khi người “lao động duy nhất” hết thời hạn HCHHPT theo quy định nhằm giúp cho người bị xử phạt tù an tâm chấp hành án.
Bốn là, cần quy định rõ trường hợp “do nhu cầu công vụ” nào thì người bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng được HCHHPT nhằm áp dụng thống nhất điểm d Khoản 1, Điều 67 BLHS năm 2015 trong hoạt động tố tụng và thi hành công vụ.
Năm là, những trường hợp được HCHHPT nhiều lần, kéo dài nhiều năm theo quy định thì nên  xem xét miễn chấp hành toàn bộ hoặc miễn chấp hành phần còn lại của hình phạt kèm theo các điều kiện như: Có nhiều thành tích trong công tác, xã hội, không còn nguy hiểm cho xã hội, trong thời gian được HCHHPT chấp hành tốt đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, không vi phạm pháp luật./.
Phạm Thanh Quang
 
 
[1] Xem Điều 69 BLHS năm 1985
[2] Xem Điều 61 BLHS năm 1999
[3] Xem Điều 262, 263 BLTTHS năm 2003
[4] Xem Điều 23, 24 Luật Thi hành án hình sự năm 2010