Xác định thời điểm và địa điểm mở thừa kế theo pháp luật dân sự Việt Nam

01/03/2018
Thừa kế là một hiện tượng xã hội hình thành từ việc một người chết có để lại tài sản và quá trình dịch chuyển tài sản đó cho những người khác, được pháp luật ghi nhận và bảo đảm thực hiện. Thời điểm mở thừa kế và địa điểm mở thừa kế luôn là những quy định không thể thiếu trong chế định pháp luật về thừa kế. Do vậy, việc xác định chính xác thời điểm và địa điểm mở thừa kế có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định người thừa kế, di sản thừa kế, vấn đề hiệu lực của di chúc, xác định thời hiệu khởi kiện về thừa kế cũng như xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Tòa án nhân dân.

 
1. Thời điểm mở thừa kế
1.1. Cách xác định thời điểm mở thừa kế
Khoản 1 Điều 611 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của Bộ luật này”.
Quy định trên đã xác định cái chết của một người theo hai nghĩa: chết về mặt sinh học (cái chết thực tế) và chết về mặt pháp lý (tuyên bố chết).
a) Thời điểm người có tài sản chết
Theo quy định của pháp luật về hộ tịch, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có người chết thì vợ, chồng hoặc con, cha, mẹ hoặc người thân thích khác của người chết có trách nhiệm đi đăng ký khai tử; trường hợp người chết không có người thân thích thì đại diện của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm đi khai tử.
Nội dung khai tử phải bao gồm các thông tin: Họ, chữ đệm, tên, năm sinh của người chết; số định danh cá nhân của người chết, nếu có; nơi chết; nguyên nhân chết; giờ, ngày, tháng, năm chết theo Dương lịch; quốc tịch nếu người chết là người nước ngoài. Do đó, thời điểm người có tài sản chết được xác định theo giấy chứng tử được cơ quan có thẩm quyền cấp.
Nội dung đăng ký khai tử được xác định theo giấy báo tử hoặc giấy tờ thay giấy báo tử do cơ quan có thẩm quyền sau đây cấp:
- Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó chết có trách nhiệm cấp giấy báo tử trong trường hợp thông thường;
- Đối với người chết tại cơ sở y tế thì Thủ trưởng cơ sở y tế cấp giấy báo tử;
- Đối với người chết do thi hành án tử hình thì Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình cấp giấy xác nhận việc thi hành án tử hình thay giấy báo tử;
- Đối với người bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án thay giấy báo tử;
- Đối với người chết trên phương tiện giao thông, chết do tai nạn, bị giết, chết đột ngột hoặc chết có nghi vấn thì văn bản xác nhận của cơ quan công an hoặc kết quả giám định của cơ quan giám định pháp y thay giấy báo tử.
Như vậy, thời điểm chết để xác định thời điểm mở thừa kế phải căn cứ vào giấy báo tử hoặc giấy tờ thay thế giấy báo tử. Và tùy từng trường hợp mà thời điểm mở thừa kế sẽ được xác định theo ngày hoặc có thể chính xác đến giờ, phút cụ thể.
b) Ngày chết được Tòa án xác định trong bản án, quyết định tuyên bố một người là đã chết có hiệu lực pháp luật
Tuyên bố chết trong pháp luật dân sự có ý nghĩa quan trọng, vì trong quan hệ dân sự, mối quan hệ về quyền và nghĩa vụ dân sự giữa các cá nhân gắn bó chặt chẽ với nhau, việc một người vắng mặt ở nơi cư trú trong một thời gian dài mà không có tin tức xác thực rằng người đó còn sống hay đã chết có thể ảnh hưởng trực tiếp tới quyền, lợi ích của các chủ thể liên quan. Do đó, việc xác định một người còn sống hay đã chết là cơ sở cho việc xác định thời điểm phát sinh, chấm dứt nhiều quyền, nghĩa vụ của người đó trong các quan hệ pháp luật. Theo quy định tại khoản 1 Điều 71 Bộ luật Dân sự năm 2015, người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết trong trường hợp sau đây:
- Sau 03 năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;
- Biệt tích trong chiến tranh sau 05 năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;
- Bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau 02 năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực là còn sống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
- Biệt tích 05 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết.
Thời hạn 05 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, kèm theo đơn yêu cầu, người yêu cầu phải gửi tài liệu, chứng cứ để chứng minh người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết thuộc các trường hợp nói trên. Trước khi ra quyết định tuyên bố một người là đã chết thì Tòa án phải ra quyết định thông báo tìm kiếm thông tin về người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết.
Tùy từng trường hợp nêu trên mà Tòa án xác định ngày chết của người bị tuyên bố là đã chết[1]. Quyết định của Tòa án tuyên bố một người là đã chết phải được gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người bị tuyên bố là đã chết để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
1.2. Cách xác định thời hạn trong thời điểm mở thừa kế
a) Thời hạn, thời điểm tính thời hạn:[2]
- Trường hợp các bên có thỏa thuận về thời hạn là một năm, nửa năm, một tháng, nửa tháng, một tuần, một ngày, một giờ, một phút mà khoảng thời gian diễn ra không liền nhau thì thời hạn đó được tính như sau:
+ Một năm là ba trăm sáu mươi lăm ngày;
+ Nửa năm là sáu tháng;
+ Một tháng là ba mươi ngày;
+ Nửa tháng là mười lăm ngày;
+ Một tuần là bảy ngày;
+ Một ngày là hai mươi tư giờ;
+ Một giờ là sáu mươi phút;
+ Một phút là sáu mươi giây.
- Trường hợp các bên thỏa thuận về thời điểm đầu tháng, giữa tháng, cuối tháng thì thời điểm đó được quy định như sau:
+ Đầu tháng là ngày đầu tiên của tháng;
+ Giữa tháng là ngày thứ mười lăm của tháng;
+ Cuối tháng là ngày cuối cùng của tháng.
- Trường hợp các bên thỏa thuận về thời điểm đầu năm, giữa năm, cuối năm thì thời điểm đó được quy định như sau:
+ Đầu năm là ngày đầu tiên của tháng một;
+ Giữa năm là ngày cuối cùng của tháng sáu;
+ Cuối năm là ngày cuối cùng của tháng mười hai.
b) Thời điểm bắt đầu thời hạn:[3]
- Khi thời hạn được xác định bằng phút, giờ thì thời hạn được bắt đầu từ thời điểm đã xác định.
- Khi thời hạn được xác định bằng ngày, tuần, tháng, năm thì ngày đầu tiên của thời hạn không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề ngày được xác định.
- Khi thời hạn bắt đầu bằng một sự kiện thì ngày xảy ra sự kiện không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề của ngày xảy ra sự kiện đó.
c) Kết thúc thời hạn:[4]
- Khi thời hạn tính bằng ngày thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn.
- Khi thời hạn tính bằng tuần thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày tương ứng của tuần cuối cùng của thời hạn.
- Khi thời hạn tính bằng tháng thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày tương ứng của tháng cuối cùng của thời hạn; nếu tháng kết thúc thời hạn không có ngày tương ứng thì thời hạn kết thúc vào ngày cuối cùng của tháng đó.
- Khi thời hạn tính bằng năm thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày, tháng tương ứng của năm cuối cùng của thời hạn.
- Khi ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày làm việc tiếp theo ngày nghỉ đó.
- Thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn vào lúc hai mươi tư giờ của ngày đó.
1.3. Ý nghĩa của việc xác định thời điểm mở thừa kế
Việc xác định chính xác thời điểm mở thừa kế có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định quyền lợi, nghĩa vụ của người thừa kế cũng như các chủ thể liên quan. Cụ thể:
- Thời điểm mở thừa kế là mốc thời gian để xác định người thừa kế của người chết. Bởi vì, theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, người thừa kế nếu là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế; nếu người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế; nếu người thừa kế là cá nhân sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế thì phải đã thành thai trước khi người để lại di sản chết (Điều 613).
- Xác định thời điểm có hiệu lực của di chúc (nếu người chết có để lại di chúc). Khoản 1 Điều 643 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định rõ: “Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế”.
- Xác định khối di sản của người chết để lại. Thời điểm mở thừa kế là mốc thời gian để xác định khối di sản hiện còn của người chết (thực tế có nhiều trường hợp khối di sản theo di chúc đã lập khác với khối di sản tại thời điểm mở thừa kế do tài sản bị mất, tiêu hủy hoặc có trường hợp tăng thêm). Do vậy, chỉ những tài sản nào thuộc sở hữu của người đã chết hiện còn vào thời điểm mở thừa kế mới được coi là di sản của người chết để lại cho những người thừa kế.
- Điều 614 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định: “Kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại”. Vì vậy, xác định thời điểm mở thừa kế là căn cứ để xác định thời điểm phát sinh quyền và nghĩa vụ của người thừa kế. Những người thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Xác định người quản lý di sản, quyền và nghĩa vụ của họ. Chỉ khi một người chết đi thì mới đặt ra yêu cầu xác định khối di sản để lại và phát sinh chủ thể “người quản lý di sản”. Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế và người quản lý di sản theo di chúc cũng chính thức có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.
- Xác định thời hiệu thừa kế. Theo quy định tại Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì:
+ Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế.
+ Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
+ Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
- Xác định văn bản pháp luật áp dụng trong từng thời kỳ. Thời điểm mở thừa kế có ý nghĩa trong việc áp dụng quy định của Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 đối với vấn đề xác định thời hiệu các vụ thừa kế đã mở trước ngày 10/9/1990; áp dụng Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH10 ngày 20/8/1998 của Ủy ban thường vụ Quốc hội để giải quyết các giao dịch dân sự về nhà ở (trong đó có quan hệ thừa kế) được xác lập trước ngày 01/7/1991; áp dụng Nghị quyết số 1037/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 27/7/2006 của Ủy ban thường vụ Quốc hội hướng dẫn giải quyết các trường hợp giao dịch về nhà ở (trong đó có quan hệ thừa kế) được xác lập trước ngày 01/7/1991 có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia…
2. Địa điểm mở thừa kế
2.1. Cách xác định địa điểm mở thừa kế
Khoản 2 Điều 611 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Địa điểm mở thừa kế là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản; nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ di sản hoặc nơi có phần lớn di sản”.
a) Xác định địa điểm mở thừa kế là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản
Điều 40 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về nơi cư trú của cá nhân như sau:
1. Nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó thường xuyên sinh sống.
2. Trường hợp không xác định được nơi cư trú của cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều này thì nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó đang sinh sống.
3. Trường hợp một bên trong quan hệ dân sự thay đổi nơi cư trú gắn với việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thì phải thông báo cho bên kia biết về nơi cư trú mới”.
Ngoài ra, Bộ luật Dân sự năm 2015 còn quy định về nơi cư trú của người chưa thành niên, của người được giám hộ, nơi cư trú của vợ chồng, của quân nhân và nơi cư trú của người làm nghề lưu động (từ Điều 41 đến Điều 45).
Luật Cư trú năm 2006, được sửa đổi, bổ sung năm 2013 cũng đã quy định tại Điều 12 về nơi cư trú của công dân:
1. Nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú.
Chỗ ở hợp pháp là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật.
Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống thường xuyên, ổn định, không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú.
Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống ngoài nơi đăng ký thường trú và đã đăng ký tạm trú.
2. Trường hợp không xác định được nơi cư trú của công dân theo quy định tại khoản 1 Điều này thì nơi cư trú của công dân là nơi người đó đang sinh sống.
Theo các quy định nêu trên, có thể xác định địa điểm mở thừa kế như sau[5]:
- Đối với cá nhân chỉ sống và sau đó chết tại một nơi cố định thì địa điểm mở thừa kế của người đó là nơi họ đã sống.
- Đối với cá nhân có hộ khẩu thường trú ở một nơi nhưng đồng thời có đăng ký tạm trú ở nhiều nơi thì địa điểm mở thừa kế vẫn được xác định tại nơi người đó đã đăng ký hộ khẩu thường trú dù họ đã chết tại nơi đang tạm trú hoặc ở nơi khác.
- Đối với cá nhân không có hộ khẩu thường trú nhưng họ có đăng ký tạm trú ở nhiều nơi khác nhau thì địa điểm mở thừa kế được xác định tại nơi họ đang tạm trú mà chết.
- Đối với cá nhân đã từng đăng ký hộ khẩu thường trú ở nhiều nơi khác nhau thì địa điểm mở thừa kế được xác định tại nơi họ đăng ký hộ khẩu thường trú cuối cùng.
b) Xác định địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ di sản hoặc nơi có phần lớn di sản
Theo đó, khi không thể xác định được nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản thì địa điểm mở thừa kế được căn cứ theo nơi có toàn bộ di sản hoặc nơi có phần lớn di sản của người chết. Việc xác định địa điểm mở thừa kế theo nơi có toàn bộ di sản hoặc nơi có phần lớn di sản sẽ có nhiều thuận lợi trong việc xác định di sản, kê khai, quản lý di sản và việc phân chia di sản.
2.2. Ý nghĩa của việc xác định địa điểm mở thừa kế
- Xác định địa điểm mở thừa kế để thực hiện các thủ tục liên quan đến di sản thừa kế như khai báo, thống kê các tài sản thuộc di sản của người chết (dù tài sản được để lại ở nhiều nơi khác nhau nhưng đều phải khai báo, thống kê tại nơi có địa điểm mở thừa kế).
- Là nơi thực hiện việc quản lý di sản, xác định cơ quan có thẩm quyền quản lý di sản của người chết trong trường hợp chưa xác định được người thừa kế và di sản chưa có người quản lý để ngăn chặn việc phân tán hoặc chiếm đoạt tài sản trong khối di sản.
- Là nơi để xác định Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết khi có tranh chấp thừa kế xảy ra. Đây là thẩm quyền xét xử của Tòa án theo lãnh thổ.
 ThS. Nguyễn Văn Huy
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
 
1. TS. Nguyễn Văn Cừ (2008), Chế độ tài sản của vợ chồng theo pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam, Nxb. Tư pháp, Hà Nội.
2. PGS.TS. Nguyễn Văn Cừ - PGS.TS. Trần Thị Huệ (Đồng Chủ biên, 2017), Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2015 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội.
3. Học viện Tư pháp (2016), Giáo trình Kỹ năng cơ bản của Luật sư tham gia giải quyết các vụ việc dân sự, Nxb. Tư pháp, Hà Nội.
4. PGS.TS. Trần Thị Huệ (2012), Di sản thừa kế theo pháp luật dân sự Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn (Sách chuyên khảo), Nxb. Tư pháp, Hà Nội.
5. ThS. Nguyễn Văn Huy (2017), Thừa kế trong pháp luật dân sự Việt Nam, Nxb. Tư pháp, Hà Nội.
6. Đào Thị Lan Hương (2014), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về thừa kế thế vị, Luận văn Thạc sỹ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội.
7. Tưởng Duy Lượng (2017), Thời hiệu, thừa kế và thực tiễn xét xử, Nxb. Tư pháp, Hà Nội.
8. Vũ Thị Thanh Nga (2012), Quyền và nghĩa vụ của người thừa kế theo pháp luật trong Bộ luật Dân sự Việt Nam, Luận văn Thạc sỹ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội.
9. Tạp chí Dân chủ và Pháp luật (2016), Số chuyên đề: Triển khai thi hành Bộ luật Dân sự năm 2015, Nxb. Tư pháp, Hà Nội.
10. PGS.TS. Phùng Trung Tập (2016), Chế định thừa kế trong Bộ luật Dân sự năm 2015, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Số chuyên đề triển khai thi hành Bộ luật Dân sự năm 2015, Nxb. Tư pháp, Hà Nội.
11. PGS.TS. Phùng Trung Tập (2016), Luật Dân sự Việt Nam - Bình giải và áp dụng: Luật Thừa kế (sách chuyên khảo), Nxb. Hà Nội, Hà Nội.
12. TS. Nguyễn Minh Tuấn (Chủ biên, 2016), Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2015, Nxb. Tư pháp, Hà Nội.
13. TS. Nguyễn Minh Tuấn (Chủ biên, 2016), Bình luận khoa học những điểm mới của Bộ luật Dân sự năm 2015, Nxb. Tư pháp, Hà Nội.
14. PGS.TS. Phạm Văn Tuyết (Chủ biên, 2017), Hướng dẫn môn học Luật Dân sự - Tập 1, Nxb. Tư pháp, Hà Nội.
15. PGS.TS. Phạm Văn Tuyết (Chủ biên, 2017), Hướng dẫn môn học Luật Dân sự - Tập 2, Nxb. Tư pháp, Hà Nội.
16. PGS.TS. Phạm Văn Tuyết - TS. Lê Kim Giang (2017), Pháp luật về thừa kế và thực tiễn giải quyết tranh chấp, Nxb. Tư pháp, Hà Nội.
 
[1] Trước đây, tại khoản 2 Điều 91 Bộ luật Dân sự năm 1995 quy định: “Tùy từng trường hợp, Toà án xác định ngày chết của người bị tuyên bố là đã chết; nếu không xác định được ngày đó, thì ngày mà quyết định của Toà án tuyên bố người đó là đã chết có hiệu lực pháp luật được coi là ngày người đó chết”. Tuy nhiên, cả BLDS 2005 và BLDS 2015 không còn quy định về cách xác định ngày chết của một người bị Tòa án tuyên bố là đã chết theo ngày mà quyết định của Toà án tuyên bố người đó là đã chết có hiệu lực pháp luật.
[2] Điều 146 BLDS 2015.
[3] Điều 147 BLDS 2015.
[4] Điều 148 BLDS 2015.
[5] Xem thêm: PGS.TS. Phạm Văn Tuyết - TS. Lê Kim Giang (2017), Pháp luật về thừa kế và thực tiễn giải quyết tranh chấp, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, tr. 44.