Một số suy nghĩ về quyền thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm

20/09/2017
Một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết số 42/2017/NQ14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 21/6/2017 chính là cách tiếp cận mới về quyền thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm[1]. Trước yêu cầu xử lý nợ xấu, khơi thông dòng chảy tín dụng, giải quyết nhanh bài toán phát mại tài sản, mà thực tế đang gặp nhiều rào cản, vướng mắc, chúng tôi có một số ý kiến về vấn đề nêu trên như sau:

1. Quyền thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm - Điều cần thiết trong giai đoạn hiện nay
1.1. Xét ở góc độ hợp đồng, trong trường hợp bên bảo đảm không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ được bảo đảm thì bên nhận bảo đảm có quyền xử lý tài sản bảo đảm với thời gian nhanh nhất, ít tốn kém nhất và tuân thủ yếu tố khách quan, trung thực, thiện chí. Xét ở góc độ nghiên cứu thì xử lý tài sản bảo đảm là một trong những “trụ cột” của pháp luật về giao dịch bảo đảm[2]. Trong khi đó, để có thể thực hiện được các thỏa thuận hợp pháp về xử lý tài sản bảo đảm trên thực tế lại phụ thuộc nhiều vào thiện chí, tự nguyện của bên bảo đảm (chủ sở hữu tài sản), từ giao tài sản bảo đảm để xử lý, xác định phương thức xử lý tài sản bảo đảm, giá bán tài sản bảo đảm đến thủ tục chuyển quyền sở hữu cho người mua, người trúng đấu giá tài sản bảo đảm... Hệ quả tất yếu của tình trạng nêu trên là việc xử lý tài sản bảo đảm và khả năng hiện thực hóa các thỏa thuận hợp pháp trở nên “bấp bênh”, mất nhiều thời gian, thủ tục phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của bên nhận bảo đảm, làm phát sinh thêm chi phí xã hội, cũng như “gánh nặng” cho nền kinh tế và cho chính nguồn lực ngân sách nhà nước. Trong khi đó, đánh giá khách quan cho thấy, các quy định về quyền thu giữ, quyền xử lý tài sản bảo đảm… hiện đang bị ràng buộc và hạn chế bởi các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015[3], Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Khuôn khổ pháp lý hiện hành thực sự vẫn chưa đáp ứng được “kỳ vọng” của hoạt động xử lý tài sản bảo đảm ở nước ta[4].
1.2. Theo quy định tại Điều 14 và Điều 15 Hiến pháp năm 2013, Điều 2 và Điều 3 Bộ luật dân sự năm 2015 thì các quyền dân sự được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng. Trường hợp tổ chức, cá nhân tự nguyện dùng tài sản của mình để bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ (giao dịch dân sự) thì sẽ phát sinh nghĩa vụ giao tài sản cho bên nhận bảo đảm để xử lý khi vi phạm nghĩa vụ trả nợ. Hệ quả pháp lý là khi bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ (Điều 299 Bộ luật Dân sự năm 2015) thì quyền thu giữ sẽ phát sinh trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng. Mặt khác, với vai trò là trung gian tài chính, việc tổ chức tín dụng không thu hồi được nợ sẽ ảnh hưởng đến khả năng thanh khoản, khả năng chi trả, thanh toán các khoản tiền gửi đến hạn đã huy động để cho vay trước đây (tiền gửi của cá nhân, tổ chức), từ đó có thể ảnh hưởng đến lợi ích của đa số người gửi tiền, tiềm ẩn rủi ro gây mất an toàn tín dụng, trật tự an toàn - xã hội.
2. Một số công việc cần gấp rút triển khai
2.1. Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 42/2017/NQ14 đòi hỏi các ngành, các cấp phải đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quán triệt nội dung Nghị quyết, trong đó đặc biệt nhấn mạnh những tư tưởng, quan điểm, quy định mới được thể hiện trong Nghị quyết so với các quy định của pháp luật hiện hành. Thực hiện tốt nhiệm vụ này có ý nghĩa quan trọng, góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các cơ quan nhà nước, các tổ chức tín dụng, các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
2.2. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước được giao, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần rà soát kỹ nội dung của Nghị quyết, sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết theo thẩm quyền nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, vững chắc đưa Nghị quyết vào cuộc sống một cách nhanh chóng, toàn diện, đầy đủ[5]. Ví dụ như: Bộ Công an có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo cơ quan Công an các cấp thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự khi tổ chức tín dụng thực hiện quyền thu giữ; Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện thủ tục rút gọn trong khi giải quyết các tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại Tòa án; Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về việc đăng ký thế chấp, đăng ký thay đổi khi mua bán khoản nợ có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất…
2.3. Nghị quyết số 42/2017/NQ14 không phải là “bùa hộ mệnh” trong hoạt động tín dụng, hoạt động cho vay có bảo đảm, do vậy để hạn chế thấp nhất những rủi ro có thể phát sinh, các tổ chức tín dụng cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ pháp chế, cán bộ tín dụng, cán bộ xử lý nợ, cán bộ quản lý… khi xem xét, thẩm định các yếu tố kinh tế, yếu tố pháp lý của hợp đồng bảo đảm, hợp đồng tín dụng.
2.4. Nghị quyết số 42/2017/NQ14 cần được triển khai sâu rộng, cụ thể trong toàn bộ hệ thống của các tổ chức tín dụng, kết hợp với việc các cơ quan có thẩm quyền tăng cường thanh tra, kiểm tra để phát hiện, ngăn chặn, kịp thời xử lý những trường hợp “lợi dụng” hoặc “lạm dụng” Nghị quyết trong quá trình thực hiện việc mua bán, xử lý nợ xấu nhằm trục lợi, trốn tránh hậu quả do vi phạm pháp luật hoặc xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong xã hội.
2.5. Các Bộ, ngành ở Trung ương cần triển khai các giải pháp cụ thể về kinh tế, pháp lý để có thể phát huy và thúc đẩy các giao dịch trên thị trường mua bán nợ được thực hiện an toàn, minh bạch, thu hút sự tham gia tích cực, hiệu quả của các chủ thể trong nền kinh tế, bảo đảm thị trường được vận hành, phát triển bền vững, khai thông hiệu quả “kênh” thu hút vốn đầu tư phục vụ sự phát triển của nền kinh tế đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Cách tiếp cận của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về vấn đề thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm có thể xem là những bước đi đầu tiên của quá trình cải cách pháp luật về giao dịch bảo đảm, phù hợp với những nguyên lý chung của pháp luật về giao dịch bảo đảm hiện đại và các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa./.
                                                                    Hồ Quang Huy              
 
 
[1] Ví dụ như: Theo tài liệu xây dựng Nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ QH về kinh nghiệm quốc tế thì vào cuối năm 2015, số lượng nợ xấu trên bảng cân đối kế toán của các ngân hàng Italia là khoảng 350 tỷ Euro, chiếm 18,1% tổng dư nợ. Nợ xấu của các doanh nghiệp khoảng 250 tỷ Euro, trong đó 154 tỷ xếp loại  nợ xấu nhất.Trong bối cảnh đó, cải cách pháp lý gần đây nhất về quy trình thực thi (2016) là một bước đột pháp khi cho phép áp dụng cơ chế xử lý ngoài tòa đối với các khoản nợ có bảo đảm của doanh nghiệp.Quy trình thực hiện này có tên gọi là “quy định martian” cho phép chủ nợ có thể tịch thu tài sản thế chấp hoặc buộc con nợ phải bán tài sản đó, nhưng con nợ sẽ được nhận lại phần giá trị còn thừa sau khi đã khấu trừ đi khoản nợ. Cải cách này đã tránh được quy trình xử lý kéo dài tại tòa án và rút ngắn thời gian thu hồi nợ kéo dài hàng năm trước kia xuống chỉ còn vài tháng; tạo ra những ưu thế cho các khoản vay có thể chấp bằng động sản mà chủ nợ không nắm giữ với sự linh hoạt trong giao kết và thực hiện và chắc chắn làm tăng khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
[2] IFC: Khuyến nghị của Nhóm Ngân hàng thế giới cho dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi (chế định về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ).
[3] Ví dụ: Điều 301 Bộ luật Dân sự năm 2015 (Giao tài sản bảo đảm để xử lý) quy định: “Người đang giữ tài sản bảo đảm có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm cho bên nhận bảo đảm để xử lý khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 299 của Bộ luật này. Trường hợp người đang giữ tài sản không giao tài sản thì bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác”.
[4] Theo số liệu báo cáo thì “việc bán tài sản bảo đảm bao gồm phát mại, thi hành án để thu hồi nợ của VAMC chỉ đạt 10.990 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 28,9%” (nguồn: VAMC đang quá sức/Toàn cảnh ngân hàng Việt Nam 2017).
[5] Nghị quyết số 42/2017/QH14 có hiệu lực từ ngày 15/8/2017.