Sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án hình sự để khắc phục những bất cập phát sinh trong thực tiễn

08/08/2017
Ngày 17/6/2010, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Thi hành án hình sự, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011. Luật Thi hành án hình sự được ban hành đánh dấu bước phát triển mới của hệ thống pháp luật hình sự Việt Nam, tạo khung pháp lý mới bảo đảm cho bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật được thi hành, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, tính thống nhất của chính sách hình sự, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách hành chính và thể hiện tính nhân đạo xã hội chủ nghĩa.
Thực tiễn thi hành án hình sự thời gian qua cho thấy, về cơ bản các quy định của Luật Thi hành án hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo cơ sở pháp lý phục vụ có hiệu quả công tác thi hành án hình sự. Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 và tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Luật sủa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015.Để bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ giữa các quy định của pháp luật về thi hành án hình sự, nhất trí với đề xuất của Chính phủ tại Tờ trình số 78/TTr-CP về đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, ngày 08/6/2017, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017. Theo đó,tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV sẽ cho ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự. Để phục vụ cho việc nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các quy định của Luật Thi hành án hình sự, thông qua bài viết này, tác giả nhận diện một số bất cập trong các quy định của Luật Thi hành án hình sự trong thực tiễn thi hành qua đó đưa ra đề xuất, kiến nghị hoàn thiện.
Qua hơn 06 năm triển khai thi hành Luật Thi hành án hình sự, cho thấy, hàng vạn người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt, trở về với cuộc sống lương thiện; đồng thời, việc áp dụng Luật này đã có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm hiệu lực của các bản án, quyết định của Tòa án, góp phần giữ vững trật tự kỷ cương và ổn định xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, hệ thống tổ chức và hoạt động thi hành án cũng bộc lộ những mặt hạn chế nhất định.
1. Những hạn chế, bất cập trong hệ thống tổ chức và hoạt động thi hành án hình sự
Thứ nhất, về hệ thống tổ chức thi hành án hình sự
Điều 10 Luật Thi hành án hình sự quy định:
“1. Cơ quan quản lý thi hành án hình sự:
a) Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an;
b) Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng.
2. Cơ quan thi hành án hình sự:
a) Trại giam thuộc Bộ Công an, trại giam thuộc Bộ Quốc phòng, trại giam thuộc quân khu (sau đây gọi là trại giam);
b) Cơ quan thi hành án hình sự Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh);
c) Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện);
d) Cơ quan thi hành án hình sự quân khu và tương đương (sau đây gọi là cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu).
3. Cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự:
a) Trại tạm giam thuộc Bộ Công an, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng, trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh, trại tạm giam cấp quân khu (sau đây gọi là trại tạm giam);
b) Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã);
c) Đơn vị quân đội cấp trung đoàn và tương đương (sau đây gọi là đơn vị quân đội).
4. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết tổ chức bộ máy của cơ quan quản lý thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án hình sự”.
Tại Chương II Luật Thi hành án hình sự quy định công tác thi hành án hình sự do nhiều cơ quan khác nhau thực hiện. Cụ thể, Tòa án xét xử sơ thẩm ra quyết định thi hành án phạt tù, Bộ Công an đảm nhiệm việc thi hành án phạt tù; Bộ Quốc phòng tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án Quân sự; lĩnh vực quản chế, cải tạo không giam giữ, án treo... do chính quyền cơ sở hoặc cơ quan tổ chức nơi người bị kết án cư trú hoặc làm việc đảm nhiệm; việc ra quyết định miễn, giảm hoặc thời hạn chấp hành hình phạt tù do Toà án cấp tỉnh thực hiện. Chính vì thực tế đó cho thấy hoạt động thi hành án do nhiều cơ quan thực hiện đã tạo ra sự thiếu thống nhất trong quản lý thi hành án, thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ thi hành án, do đó ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả của công tác thi hành án.
Thứ hai,về thi hành quyết định thi hành án treo
Điều 62 Luật Thi hành án hình sự quy định:
“1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu có nhiệm vụ triệu tập người được hưởng án treo, người đại diện hợp pháp của người được hưởng án treo là người chưa thành niên đến trụ sở cơ quan thi hành án để ấn định thời gian người được hưởng án treo phải có mặt tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú, đơn vị quân đội nơi người đó làm việc và cam kết việc chấp hành án, lập hồ sơ thi hành án. Hồ sơ bao gồm: 
a) Bản án đã có hiệu lực pháp luật;
b) Quyết định thi hành án treo;
c) Cam kết của người được hưởng án treo. Đối với người được hưởng án treo là người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì bản cam kết của người đó phải có sự xác nhận của người đại diện hợp pháp;
d) Tài liệu khác có liên quan đến việc thi hành án.
2. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày triệu tập người được hưởng án treo, người đại diện hợp pháp của người được hưởng án treo thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu phải giao hồ sơ thi hành án cho Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao nhiệm vụ giám sát, giáo dục người được hưởng án treo. 
3. Trước khi hết thời gian thử thách 03 ngày, Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục bàn giao hồ sơ thi hành án cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu để xem xét và cấp giấy chứng nhận đã chấp hành xong thời gian thử thách. Giấy chứng nhận phải gửi cho người được hưởng án treo, Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục, Tòa án đã ra quyết định thi hành án, Sở Tư pháp nơi Tòa án đã ra quyết định thi hành án có trụ sở.
Như vậy,trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có nhiệm vụ triệu tập người được hưởng án treo, người đại diện hợp pháp của người được hưởng án treo là người chưa thành niên đến trụ sở cơ quan thi hành án để ấn định thời gian người được hưởng án treo phải có mặt tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú và cam kết việc chấp hành án, lập hồ sơ thi hành án.
Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng quy định này luôn gặp nhiều vướng mắc, trở ngại trong công tác thi hành án treo, cải tạo không giam giữ. Thực tế có nhiều trường hợp người bị kết án được hưởng án treo nhưng khi bị triệu tập lên cơ quan công an để làm thủ tục thi hành án thì người bị kết án đã đi khỏi nơi cư trú. Điều đó dẫn đến hậu quả cơ quan công an có thẩm quyền không ấn định được thời gian người phải thi hành án treo và đương nhiên hồ sơ thi hành án treo không được bàn giao cho Ủy ban nhân dân có thẩm quyền để tổ chức thi hành. Về mặt tác động xã hội, cho thấy, người phải chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ không được quản lý, giám sát giáo dục nên vẫn “nhởn nhơ” ngoài xã hội, coi thường pháp luật, từ đó, mục đích, ý nghĩa của biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện (án treo); hình phạt cải tạo không giam giữ mà Bộ luật Hình sự quy định không đạt được.
2. Đề xuất, kiến nghị
Để khắc phục những hạn chế, bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành nêu trên; đồng thời, trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài về hoạt động thi hành án hình sự, tác giả đề xuất một số nội dung như sau:
Thứ nhất, nghiên cứu, chuyển đổi mô hình quản lý và tổ chức thi hành án hình sự phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội hiện nay của đất nước. Cụ thể, cần quy định theo hướng chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thi hành án hình sự phải gắn chặt với tổ chức và hoạt động của các bộ phận cấu thành trong hệ thống các cơ quan hoạt động Tư pháp. Vì vậy, cần phải xác định rõ việc đổi mới tổ chức và hoạt động của cơ quan thi hành án hình sự phải dựa trên cơ sở để đảm bảo cho việc đổi mới hệ thống tư pháp theo định hướng mà Đảng đã đề ra nhằm thực hiện tốt dân chủ XHCN, phát huy đầy đủ vai trò lãnh đạo của Đảng. Ngoài ra, theo phương hướng trong Nghị quyết của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 8 Khóa VII và Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 3 Khóa VIII đã đề ra: “Kiện toàn các tổ chức thi hành án, bảo đảm thi hành đầy đủ, nhanh chóng các bản án và quyết định của Tòa án; chấn chỉnh các trại giam để giáo dục, cải tạo tốt phạm nhân” và phù hợp với định hướng của Đảng thể hiện trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị đó là việc “chuẩn bị các điều kiện về cán bộ, cơ sở vật chất để thực hiện việc chuyển giao tổ chức và công tác thi hành án cho Bộ Tư pháp”.
Kinh nghiệm nước ngoài về vấn đề này cho thấy, tại một số nước như Liên bang Nga, Bungari hay Hungari các cơ quan quản lý và thực hiện thi hành án hình sự đều được chuyển giao từ Bộ Nội vụ (tức là Bộ Công an) sang Bộ Tư pháp. Việc chuyển giao này nhằm đảm bảo tính độc lập, khách quan trong thi hành hình phạt, bảo vệ quyền của các phạm nhân, bị can, bị cáo. Bởi một cơ quan vừa làm công tác điều tra lại vừa làm công tác thi hành án, quản lý các cơ sở tạm giữ sẽ không khách quan.
Thứ hai, nghiên cứu sửa đổi Luật Thi hành án hình sự theo hướng quy định bổ sung thêm thẩm quyền của cơ quan thi hành án hình sự cấp huyện có quyền ra lệnh áp giải thi hành án đối với những người phải chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ bỏ trốn hoặc cố tình trốn tránh không đến cơ quan thi hành án làm việc theo giấy triệu tập; bổ sung thêm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho Cơ quan thi hành án cấp huyện và Công an cấp xã khi những người này cố tình không đến Cơ quan thi hành án để làm việc theo giấy triệu tập. Đồng thời, bổ sung các quy định về thời hiệu thi hành bản án theo quy định tại khoản 5 Điều 60 Bộ luật Hình sự năm 2015 theo hướng rõ ràng hơn, chặt chẽ hơn, đối với những trường hợp không chấp hành bản án được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ do trốn tránh (bỏ địa phương đi nơi khác) mà trên thực tế các cơ quan chức năng cũng không ra lệnh truy nã, thì không được áp dụng thời hiệu thi hành bản án./.
 
Thịnh Anh