Hiện thực hóa nhu cầu tiếp cận thông tin của doanh nghiệp khởi nghiệp

12/06/2017
Trong giai đoạn hiện nay, nhu cầu tiếp cận thông tin của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng đang thực sự trở nên cấp thiết, đóng vai trò quan trọng, quyết định đến quá trình phát triển của mỗi doanh nghiệp. Do vậy, Nhà nước cần đẩy mạnh thực thi các cơ chế bảo đảm, thúc đẩy quyền tiếp cận thông tin của cộng đồng doanh nghiệp được hiệu quả, thực chất .
1. Khái quát thực trạng hiện nay
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 05 năm qua có 380.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ được thành lập, vượt cao so với mục tiêu là 350.000[1]. Hiện nay, khối này đóng góp khoảng 45% GDP, 31% tổng số thu ngân sách và chiếm khoảng 35% vốn đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp nói chung, thu hút hơn 5 triệu việc làm và đóng góp gần 50% vào tốc độ tăng trưởng kinh tế quốc gia hằng năm[2]. Theo đánh giá của các chuyên gia thì khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ đã góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng trong xã hội, ổn định tình hình chính trị - kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương. Song, qua theo dõi cho thấy, doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện rất khó khăn trong tiếp cận nguồn lực về đất đai, vốn, khoa học công nghệ, năng lực tài chính và quy mô đầu tư nhỏ lẻ, “thiếu” thông tin chính thức để xem xét, quyết định đầu tư... Trong khi đó, việc công khai và cung cấp thông tin của các cơ quan nhà nước mới chỉ đáp ứng được một phần, trong đó không ít trường hợp thiếu sự chủ động, không đầy đủ khi cung cấp, nhất là các thông tin liên quan đến kế hoạch (như ngân sách, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, các chính sách ưu đãi đầu tư…). Theo khảo sát của VCCI thì mối quan hệ cá nhân giữa doanh nghiệp với cơ quan nhà nước tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong khả năng tiếp cận thông tin, tài liệu quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp[3]. Vấn đề này sẽ dẫn tới nhiều hệ quả không mong muốn đối với nền kinh tế, đó là nhiều doanh nghiệp phải đầu tư nguồn lực và thời gian để phát triển các mối quan hệ cá nhân với các cơ quan quản lý nhà nước, thay vì sử dụng các nguồn lực đó để phát triển sản xuất - kinh doanh một cách hiệu quả. Đồng thời, đây có thể coi là một phần nguyên nhân dẫn tới canh tranh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là giữa các doanh nghiệp lớn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp. .
2. Một số giải pháp[4]
Thực trạng nêu trên đòi hỏi Nhà nước phải chung tay, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, nhất là đối với khối doanh nghiệp khởi nghiệp để thực hiện những giải pháp thiết thực, hỗ trợ tối đa khả năng tiếp cận thông tin, cụ thể như sau:
Một là, bảo đảm sự kịp thời, đầy đủ các chính sách, pháp luật về hỗ trợ cung cấp thông tin cho doanh nghiệp. Điều này hết sức cần thiết đối với việc tiếp cận thông tin của doanh nghiệp khởi nghiệp. Một hệ thống chính sách, pháp luật rõ ràng, đầy đủ, minh bạch chính là cơ sở, tiền đề pháp lý vững vàng cho mọi loại hình doanh nghiệp có thể bước vào thị trường. Trên cơ sở các quy định của Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Nhà nước cần ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật để quy định chi tiết và tạo lập đầy đủ cơ chế bảo đảm thực thi các quy định đó trên thực tế.
Hai là, cần đẩy mạnh cơ chế phối hợp giữa Nhà nước và doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin pháp lý theo hướng tạo sự chủ động cho doanh nghiệp[5]. Để thực hiện tốt các cách thức cung cấp thông tin như quy định hiện nay, chúng tôi cho rằng Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ cung cấp thông tin cho doanh nghiệp khởi nghiệp cụ thể hơn, chú trọng đến việc nâng cao các dịch vụ hỗ trợ pháp lý hiện nay. Ngoài các hình thức tư vấn trực tiếp, có thể cân nhắc xây dựng mô hình tư vấn online. Trong bối cảnh Chính phủ khuyến khích xu hướng đầu tư khởi nghiệp, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp khởi nghiệp những hiểu biết pháp luật ở mức cơ bản, giúp họ hiểu rõ quyền và nghĩa vụ pháp lý của mình ngay từ khi thành lập cho đến khi tham gia một quan hệ pháp luật cụ thể trong quá trình gia nhập vào nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ba là, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục cung cấp thông tin cho doanh nghiệp. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, một khuôn pháp lý về tiếp cận thông tin hiệu quả phải ưu tiên đảm bảo lợi ích chung, theo đó thông tin phải được công bố ngay cả khi có thể gây thiệt hại cho lợi ích của cá nhân hay nhóm. Đương nhiên, Nhà nước phải quy định cụ thể những trường hợp thông tin thuộc bí mật nhà nước mà các tổ chức, cá nhân không được quyền tiếp cận hoặc nếu được quyền tiếp cận thì bắt buộc phải tuân theo quy trình, thủ tục nghiêm ngặt đã được pháp luật quy định[6].
Bốn là, nâng cao năng lực, kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ giải quyết thủ tục pháp lý cho doanh nghiệp khởi nghiệp; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện thủ tục pháp lý cho doanh nghiệp. Mọi vấn đề tiêu cực có thể phát sinh từ đây và gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Để khuyến khích các doanh nghiệp mới, đòi hỏi cơ quan, người có thẩm quyền phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, hướng dẫn, tạo điều kiện tối đa cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận với quá trình đưa doanh nghiệp vào vận hành một cách thuận lợi, nhanh chóng và đúng pháp luật.
Năm là, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, bố trí nguồn lực phục vụ cho việc cung cấp thông tin cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Tiếp cận pháp luật là nhu cầu không chỉ của doanh nghiệp mà của mọi đối tượng, do đó mỗi địa phương, cơ quan, tổ chức cần chủ động bố trí, đầu tư để nâng cao chất lượng cung cấp thông tin của địa phương, cơ quan mình. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp mới có thể tiếp cận thông tin liên quan đến loại hình doanh nghiệp của mình một cách dễ dàng và thuận tiện. Hệ thống cung cấp thông tin càng đơn giản và thuận tiện thì việc tiếp nhận thông tin, thỏa mãn nhu cầu được thông tin của người dân, doanh nghiệp càng nhanh chóng và hiệu quả, tiết kiệm chi phí phát sinh không cần thiết.
Sáu là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật liên quan đến hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Bên cạnh hình thức cung cấp thông tin theo yêu cầu thì các doanh nghiệp hoàn toàn có thể tiếp cận thông tin qua hình thức công khai thông tin của các cơ quan nhà nước. Bởi vậy, việc đẩy mạnh mô hình tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khởi nghiệp là một cách thức tương đối hiệu quả. Việc này sẽ đáp ứng phần nào nhu cầu thông tin cho doanh nghiệp, cũng như có tác động nhất định đến việc khuyến khích, củng cố tinh thần khởi nghiệp của các tổ chức, cá nhân đang có nhu cầu kinh doanh./.
 
Hồ Quang Huy - Trần Phương Thảo
 
[1] Ngày 07 tháng 9 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1231/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2011- 2015. Trên cơ sở đó, Kế hoạch đưa ra các mục tiêu cụ thể về số doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập mới giai đoạn 2011 - 2015 dự kiến đạt 350.000 doanh nghiệp.
[2] Theo Báo cáo tổng kết Kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2011-2015 của Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
[3] PCI năm 2016.
[4] Ngày 23/01/2017, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 108/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành và lĩnh vực trọng tâm của Bộ Tư pháp năm 2017. Trong đó, lĩnh vực trọng tâm, liên ngành được xác định là theo dõi tình hình thi hành pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, mà tập trung vào theo dõi tình hình thi hành các quy định của pháp luật về tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong việc tiếp cận, khai thác các nguồn lực về vốn, khoa học kỹ thuật, đất đai, lao động.
[5] Điều 25 Luật Tiếp cận thông tin quy định hình thức cung cấp thông tin theo yêu cầu gồm: (i) Trực tiếp tại trụ sở cơ quan cung cấp thông tin và (ii) Qua mạng điện tử, dịch vụ bưu chính, fax.
[6] Điều 6 Luật Tiếp cận thông tin quy định về thông tin không được tiếp cận.