Quy định mới về xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền dân sự theo Bộ luật dân sự năm 2015

25/04/2017
Kế thừa, sửa đổi, bổ sung Bộ luật dân sự năm 2005, Bộ luật dân sự năm 2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017) đã bổ sung một chương riêng quy định về xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền dân sự (Chương II) với 8 điều, từ Điều 8 đến Điều 15.
Theo đó, Chương II của Bộ luật dân sự năm 2015 đã quy định cụ thể về căn cứ xác lập, giới hạn việc thực hiện quyền dân sự và các phương thức bảo vệ quyền dân sự, nổi bật như sau:
Cá nhân, pháp nhân không được lạm dụng quyền dân sự của mình gây thiệt hại cho người khác
Cá nhân, pháp nhân không được lạm dụng quyền dân sự của mình gây thiệt hại cho người khác, để vi phạm nghĩa vụ của mình hoặc thực hiện mục đích khác trái pháp luật. Trường hợp cá nhân, pháp nhân không tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều 10 Bộ luật dân sự năm 2015 thì Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác căn cứ vào tính chất, hậu quả của hành vi vi phạm mà có thể không bảo vệ một phần hoặc toàn bộ quyền của họ, buộc bồi thường nếu gây thiệt hại và có thể áp dụng chế tài khác do luật quy định.
Cá nhân, pháp nhân thực hiện quyền dân sự theo ý chí của mình nhưng không được trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và không được vượt quá giới hạn thực hiện quyền dân sự được quy định tại Điều 3 và Điều 10 của Bộ luật dân sự năm 2015. Việc cá nhân, pháp nhân không thực hiện quyền dân sự của mình không phải là căn cứ làm chấm dứt quyền, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Sửa đổi về phương thức bảo vệ quyền dân sự
Theo Bộ luật dân sự năm 2005, nội dung của phương thức bảo vệ quyền dân sự được quy định trong nguyên tắc tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự, nay được tách ra thành phương thức bảo vệ quyền dân sự. Cụ thể, khi quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân bị xâm phạm thì chủ thể đó có quyền tự bảo vệ theo quy định của Bộ luật dân sự, luật khác có liên quan hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền: Công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của mình; buộc chấm dứt hành vi xâm phạm; buộc xin lỗi, cải chính công khai; buộc thực hiện nghĩa vụ; buộc bồi thường thiệt hại; hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền; yêu cầu khác theo quy định của luật.
Để thống nhất trong điều chỉnh pháp luật về phương thức bảo vệ quyền và để tạo cơ chế pháp lý cho cá nhân, pháp nhân lựa chọn phương thức bảo vệ quyền dân sự, Bộ luật dân sự năm 2015 quy định cụ thể hơn, khi quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân bị xâm phạm thì chủ thể đó có quyền tự bảo vệ theo quy định của Bộ luật dân sự, luật khác có liên quan hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thực hiện các biện pháp theo quy định của luật. Trường hợp cá nhân, pháp nhân lựa chọn phương thức tự bảo vệ quyền dân sự thì việc tự bảo vệ quyền phải phù hợp với tính chất, mức độ xâm phạm đến quyền dân sự đó và không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự (Điều 3); cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm được bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng
Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác có trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân. Trường hợp quyền dân sự bị xâm phạm hoặc có tranh chấp thì việc bảo vệ quyền được thực hiện theo pháp luật tố tụng tại Tòa án hoặc trọng tài. Việc bảo vệ quyền dân sự theo thủ tục hành chính được thực hiện trong trường hợp luật quy định. Quyết định giải quyết vụ việc theo thủ tục hành chính có thể được xem xét lại tại Tòa án. Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Đồng thời, Bộ luật dân sự năm 2015 đã quy định chặt chẽ trong trường hợp Tòa giải quyết các vụ việc dân sự khi chưa có luật quy định thì áp dụng tập quán, áp dụng nguyên tắc tương tự, không có tương tự thì áp dụng án lệ, không án lệ thì trên cơ sở lẽ công bằng để giải quyết (Điều 5 và Điều 6 Bộ luật dân sự) như đã phân tích ở trên.
So với Bộ luật dân sự năm 2005, đây có thể là coi là một trong những điểm mới cơ bản, nổi bật của Bộ luật dân sự năm 2015. Việc quy định Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng được dựa trên các căn cứ sau đây:
Thứ nhất, quy định này phù hợp với nội dung, tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân (Điều 14); về trách nhiệm của Chính phủ, Tòa án nhân dân trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân (khoản 6 Điều 96, khoản 3 Điều 102), theo đó “Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”;
Thứ hai, theo nội dung, tinh thần của Hiến pháp năm 2013 thì Nhà nước phải có trách nhiệm tạo cơ chế pháp lý đầy đủ để mọi quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân được Hiến pháp, pháp luật công nhận đều được tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện. Vì vậy, việc bổ sung quy định nêu trên là cần thiết nhằm góp phần thực hiện trách nhiệm này của Nhà nước. Mặt khác, trong thời gian qua, do thiếu quy định này của luật nên không ít trường hợp Tòa án đã phải từ chối thụ lý và giải quyết các yêu cầu chính đáng của cá nhân, pháp nhân;
Thứ ba, nguyên tắc áp dụng tập quán và quy định tương tự của pháp luật trong trường hợp không có quy định của luật cũng đã được ghi nhận trong Bộ luật dân sự năm 1995 và Bộ luật dân sự năm 2005. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành lại chưa có quy định về trách nhiệm của Tòa án trong việc áp dụng tập quán và quy định tương tự của pháp luật để giải quyết các vụ việc dân sự. Vì vậy, việc quy định như trong Bộ luật là cần thiết;
Thứ tư, nghiên cứu thực tiễn lập pháp của một số nước cho thấy, trong Bộ luật dân sự của các nước này đều có quy định, theo đó, trong trường hợp không có quy định của luật thì thẩm phán phải vận dụng tất cả các biện pháp hợp để giải quyết yêu cầu của người dân mà không được phép từ chối giải quyết với lý do không có quy định của pháp luật để áp dụng. Chẳng hạn, khoản 2 Điều 1 Bộ luật dân sự Liên bang Thụy Sỹ quy định, trong trường hợp không có luật để áp dụng thẩm phán giải quyết theo tập quán và nếu không có tập quán thì theo quy tắc mà nhà lập pháp sẽ quy định; Điều 4 Bộ luật dân sự Cộng hòa Pháp quy định, thẩm phán nào từ chối xét xử, với lý do luật không quy định, quy định không rõ ràng hoặc không đầy đủ, thì có thể bị truy tố về tội từ chối xét xử.
Khi giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền dân sự, Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác có quyền hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền. Trường hợp quyết định cá biệt bị hủy thì quyền dân sự bị xâm phạm được khôi phục và có thể được bảo vệ bằng các phương thức quy định tại Điều 11 của Bộ luật dân sự. Việc quy định này phù hợp với yêu cầu thực tiễn và đồng bộ với Bộ luật tố tụng dân sự.
Điều 34 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định thẩm quyền của Tòa án đối với quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức như sau:
Khi giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết.
Quyết định cá biệt được hiểu là quyết định đã được ban hành về một vấn đề cụ thể và được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể. Trường hợp vụ việc dân sự có liên quan đến quyết định này thì phải được Tòa án xem xét trong cùng một vụ việc dân sự đó.
Điều 34 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 cũng quy định khi xem xét hủy quyết định cá biệt, Tòa án phải đưa cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền đã ban hành quyết định tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền đã ban hành quyết định phải tham gia tố tụng và trình bày ý kiến của mình về quyết định cá biệt bị Tòa án xem xét hủy.
Thẩm quyền của cấp Tòa án giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp có xem xét việc hủy quyết định cá biệt được xác định theo quy định tương ứng của Luật tố tụng hành chính về thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
Có thể khẳng định rằng, việc quy định cụ thể về xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền dân sự như trên, trong đó có nguyên tắc Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng, là một trong những điểm mới quan trọng, nổi bật của Bộ luật dân sự năm 2015. Quy định này đã thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện quyền dân sự, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của nước ta trong giai đoạn hiện nay./.
ThS. Tạ Đình Tuyên