Luật giám định tư pháp năm 2012 và kiến nghị hoàn thiện

18/01/2017
Giám định tư pháp là hoạt động bổ trợ tư pháp, xuất hiện và tồn tại do nhu cầu của hoạt động tố tụng, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không thể thiếu trong bất kỳ nền tư pháp nào. Sự tương tác giữa hoạt động giám định và hoạt động tố tụng là một trong những tiêu chí để đánh giá, là yếu tố phản ánh trình độ phát triển hệ thống tư pháp của mỗi quốc gia. Kết quả của hoạt động giám định tư pháp cung cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng những chứng cứ mang tính khoa học, góp phần giải quyết vụ án được chính xác, khách quan, đúng pháp luật, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
Ở nước ta, giám định tư pháp trong thời gian gần đây được đặc biệt quan tâm trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Không chỉ trong tố tụng hình dân sự, hành chính mà đặc biệt trong tố tụng hình sự, Kết luận giám định pháp y là cơ sở để các cơ quan tiến hành tố tụng làm rõ các tình tiết của vụ án, là cơ sở chứng minh tội phạm, người phạm tội, xác định giá trị thiệt hại (hậu quả) và các vấn đề khác có liên quan đến việc giải quyết vụ án. Luật Giám định tư pháp được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013. Để tổ chức thi hành luật, Chính phủ đã ban hành Nghị định 85/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013 quy định chi tiết biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1549/QĐ-TTg ngày 16/10/2012 về kế hoạch triển khai thi hành Luật Giám định tư pháp, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, khẩn trương đưa luật vào cuộc sống, thúc đẩy hoạt động giám định tư pháp phát triển.
Tuy nhiên, thực tiễn trong thời gian qua cho thấy, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác giám định tư pháp vẫn còn hạn chế, vướng mắc làm ảnh hưởng đến thời gian, tiến độ và kết quả giải quyết vụ án của các cơ quan tiến hành tố tụng. Việc nghiên cứu một cách tổng thể và sâu sắc về giám định tư pháp trong hoạt động tố tụng để đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm tháo gỡ các bất cập dưới đây là một yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Thứ nhất: Hiện nay, về cơ cấu tổ chức hệ thống giám định tư pháp theo tác giả chưa thật sự hợp lý. Cụ thể, theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Luật Giám định tư pháp năm 2012:
-Ở cấp trung ương
+Tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y ở cấp trung ương bao gồm: Viện pháp y quốc gia thuộc Bộ Y tế; Viện pháp y quân đội thuộc Bộ Quốc phòng; Trung tâm giám định pháp y thuộc Viện khoa học hình sự, Bộ Công an.
+Tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y tâm thần bao gồm: Viện pháp y tâm thần trung ương thuộc Bộ Y tế; Trung tâm pháp y tâm thần khu vực thuộc Bộ Y tế.
+Tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự bao gồm: Viện khoa học hình sự thuộc Bộ Công an; Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Quốc phòng.
-Ở cấp tỉnh
+Trung tâm pháp y cấp tỉnh;
+Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh; Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh có giám định viên pháp y thực hiện giám định pháp y tử thi.
Như vậy, ở cấp trung ương thì tồn tại song song “ba bộ” (Viện Pháp y Quốc gia thuộc Bộ Y tế, Trung tâm Giám định Pháp y Viện Khoa học Hình sự thuộc Bộ Công an, Viện Pháp y quân đội thuộc Bộ Quốc phòng). Ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế và Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh. Thực tế cho thấy, tổ chức pháp y ngành y tế tại địa phương xét về nguồn nhân lực đã qua đào tạo bài bản, đủ sức đảm đương hoạt động này, chỉ cần Nhà nước tăng cường thêm cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật thì bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ giám định phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tư pháp tại địa phương. Hơn nữa, cũng có ý kiến cho rằng, ngành công an vừa điều tra vừa thực hiện luôn việc giám định là không phù hợp, dễ dẫn đến việc kết luận giám định không đảm bảo khách quan.Việc đặt cơ quan giám định (bổ trợ tư pháp) dưới sự trực thuộc của cơ quan công an (tư pháp) là trái với nguyên tắc quan hệ độc lập giữa tư pháp với bổ trợ tư pháp.
Thứ hai: Theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật Giám định tư pháp năm 2012: “Người yêu cầu giám định có quyền gửi văn bản yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định. Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không chấp nhận yêu cầu thì trong thời hạn 07 ngày phải thông báo cho người yêu cầu giám định bằng văn bản. Hết thời hạn nói trên hoặc kể từ ngày nhận được thông báo từ chối trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định có quyền tự mình yêu cầu giám định”. Căn cứ vào quy định này, trong vụ án dân sự, đương sự có quyền yêu cầu Tòa án thụ lý vụ án trưng cầu giám định và nếu trong trường hợp Tòa án từ chối trưng cầu giám định thì đương sự có quyền tự yêu cầu giám định. Thời gian người có yêu cầu giám định thực hiện quyền tự giám định được quy định tại khoản 4 Điều 22 Luật này: “Người yêu cầu giám định chỉ được thực hiện quyền tự yêu cầu giám định trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm”. Như vậy, điều kiện để đương sự thực hiện quyền tự giám định trong vụ việc dân sự là Tòa án thụ lý vụ án từ chối trưng cầu giám định và việc thực hiện quyền phải trong thời hạn trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, tức là trong thời gian chuẩn bị đưa vụ án ra xét xử.
Tuy nhiên, việc đương sự trực tiếp thực hiện yêu cầu giám định tư pháp có thực sự được chấp nhận hay không là vấn đề cần phải xem xét. Bởi, theo điểm e khoản 1 Điều 80 BLTTDS năm 2015, quy định giám định viên:Không được tự mình thu thập tài liệu để tiến hành giám định, tiếp xúc với người tham gia tố tụng khác nếu việc tiếp xúc đó làm ảnh hưởng đến kết quả giám định; không được tiết lộ bí mật thông tin mà mình biết khi tiến hành giám định hoặc thông báo kết quả giám định cho người khác, trừ Thẩm phán quyết định trưng cầu giám định;
Theo khoản 2 Điều 102 BLTTDS năm 2015: “Theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán ra quyết định trưng cầu giám định.
Như vậy, đối chiếu với quy định tại điểm e khoản 1 Điều 80, khoản 2 Điều 102 BLTTDS năm 2015, việc giám định tư pháp trong các vụ án thuộc phạm vi điều chỉnh của BLTTDS năm 2015 đều phải thông qua quyết định trưng cầu giám định của Tòa án, do Tòa án trực tiếp thưc hiện và các đương sự phải cung cấp chứng cứ, tài liệu để Tòa án chuyển cho giám định viên thực hiện việc giám định. Dễ dàng nhận thấy với trường hợp đương sự tự thực hiện yêu cầu giám định theo tinh thần quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật Giám định tư pháp năm 2012, có thể bị xem là ảnh hưởng đến kết quả giám định, trái với thẩm quyền của tòa án trong việc ra quyết định trưng cầu giám định và nghĩa vụ của giám định viên theo quy định của BLTTDS năm 2015.
Tuy nhiên, nếu áp dụng quy định của BLTTDS như trên sẽ ảnh hưởng đến quyền của đương sự được tự mình yêu cầu giám định tư pháp trước thời điểm Tòa án ban hành Quyết định đưa vụ án ra xét xử được quy định khoản 1 Điều 22 Luật Giám định tư pháp năm 2012. Theo quan điểm của tác giả, việc Luật Giám định tư pháp hiện hành mở rộng quyền đối với đương sự trong việc tự mình thực hiện việc yêu cầu trưng cầu giám định tư pháp là phù hợp với nguyên tắc đương sự có nghĩa vụ chứng minh trong tố tụng dân sự. Mặc dầu có một số quan điểm lo ngại rằng việc giám định viên tiếp xúc với đương sự có thể ảnh hưởng đến kết quả giám định, tuy nhiên, nếu cân nhắc trong một môi trường cạnh tranh lâu dài, việc giám định viên vì các lợi ích nào đó làm sai lệch đến kết quả giám định, không tuân thủ đúng các nguyên tắc nghề nghiệp, tức là việc giám định không được dựa trên các kiến thức khoa học, kỹ năng, trình độ của giám định viên trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ do đương sự cung cấp, thì sẽ ảnh hưởng đến uy tín của họ và sẽ tự đào thải trong quá trình cạnh tranh với các cơ sở giám định khác.
Tuy nhiên, BLTTDS năm 2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016, do vậy, Luật Giám định tư pháp năm 2012 với tư cách là luật chuyên ngành, chắc chắn sẽ phải sửa đổi, bổ sung quy định sao cho tương thích với các quy định của BLTTDS năm 2015 vừa trích dẫn ở trên. Với nội dung này, tác giả đề xuất bổ sung vào khoản 1 Điều 22 Luật Giám định tư pháp hiện hành, nội dung sau: “Việc đương sự tự yêu cầu giám định tư pháp được thực hiện theo quy định tại Luật Giám định tư pháp.
Bên cạnh đó, theo khoản 2 Điều 22 Luật Giám định tư pháp năm 2012, người yêu cầu giám định có quyền:
a) Yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp trả kết luận giám định đúng thời hạn đã thỏa thuận và theo nội dung đã yêu cầu;
b) Yêu cầu cá nhân, tổ chức đã thực hiện giám định tư pháp giải thích kết luận giám định;
c) Đề nghị Toà án triệu tập người giám định tư pháp đã thực hiện giám định tham gia phiên tòa để giải thích, trình bày về kết luận giám định;
d) Yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định lại; yêu cầu giám định bổ sung theo quy định tại khoản 1[1] Điều 29 của Luật này.”
 Quy định này rất cần thiết nhằm đảm bảo tính minh bạch của kết luận giám định, đồng thời tăng tính thuyết phục của phán quyết của Tòa án. Nhưng trong thực tiễn, nhất là lĩnh vực yêu cầu giám định tư pháp trong xây dựng, đương sự gặp nhiều khó khăn. Mặc dù, Bộ Xây dựng có ban hành Thông tư 04/2014/TT-BXD ngày 22/4/2014 hướng dẫn một số nội dung về giám định tư pháp trong hoạt động đầu tư xây dựng, thay thế Thông tư 35/2009/TT-BXD ngày 05/10/2009 hướng dẫn giám định tư pháp trong xây dựng, nhưng hiện nay rất nhiều địa phương trong cả nước hầu như chưa có tổ chức giám định tư pháp về xây dựng được thành lập theo quy định tại Điều 7 của Thông tư này, do đó, khi Tòa án trưng cầu giám định thì các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng ở địa phương thường cử đơn vị tư vấn xây dựng thực hiện, trong khi về mặt pháp lý đơn vị tư vấn xây dựng không có chức năng giám định tư pháp trong xây dựng. Còn nếu đương sự muốn thực hiện yêu cầu giám định thì cũng không biết phải yêu cầu nơi nào!
Thực tiễn cho thấy, việc để xảy ra tranh chấp phát sinh trong đời sống xã hội là điều không ai mong muốn, nhưng để giải quyết “thấu lý đạt tình” những tranh chấp đó, đòi hỏi cơ quan nhà nước cần sớm hoàn thiện công cụ pháp lý về giám định tư pháp nói chung, giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng nói riêng hiện nay đang là một đòi hỏi cấp thiết trong hoạt động tố tụng, nhằm giải quyết một cách đúng đắn và bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và các lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
Thứ ba: Tùy thuộc vào tính chất, nội dung cần giám định mà cơ quan tiến hành tố tụng có thể trưng cầu tổ chức, cá nhân nào có chuyên môn phù hợp, có chức năng giám định để thực hiện giám định. Trên thực tế, việc cử người làm giám định của các bộ, ngành chuyên môn được trưng cầu thường rất lâu, không kịp thời, có nhiều vụ việc kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí kéo dài hàng năm, làm chậm tiến độ giải quyết vụ án. Một số trường hợp cơ quan, đơn vị được trưng cầu từ chối tiếp nhận trưng cầu giám định với lý do không có chức năng, nhiệm vụ giám định. Nhất là lĩnh vực thuộc quyền sở hữu trí tuệ, hoạt động giám định về quyền sở hữu trí tuệ được quy định tại Điều 201 Luật Sở hữu Trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung  năm 2009). Giám định về sở hữu trí tuệ là việc tổ chức giám định sử dụng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn để đánh giá, kết luận về những vấn đề có liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Trong thực tế, khi cần xác định, kết luận một hành vi trong tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, các cơ quan chức năng (kể cả Toà án) thường sử dụng kết quả giám định làm căn cứ pháp lý để đưa ra quyết định của mình.
Thực tế cho thấy, mặc dù Nhà nước ta đã ban hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), Bộ luật Dân sự năm 2005, Luật Giám định tư pháp năm 2012 và nhiều văn bản dưới luật khác. Song cơ chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên thực tế còn nhiều bất cập. Dưới đây là một trong những trường hợp mà Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đã  “vướng” về giám định tư pháp lĩnh vực quyền tác giả và quyền liên quan.
Ngày 13/6/2011, Công ty Văn hóa M và Công ty TNHH Q ký hợp đồng dịch vụ số 01/2011/HĐKT-QGSVN về việc Công ty Q thiết kế xây dựng và cung cấp website cho Công ty Văn hóa M với giá 35,410 USD (tương đương 700.000.000đ) để phục vụ cho hoạt động kinh doanh trực tuyến mua bán, quảng cáo sách, báo, tạp chí... Trong quá trình thực hiện hợp đồng, đến tháng 6/2012 hai bên xảy tranh chấp về chất lượng sản phẩm, nên Công ty Văn hóa M đã khởi kiện Công ty Q đòi lại số tiền 219.152.490 đồng đã thanh toán cho Công ty Q, ngược lại Công ty Q lại phản tố kiện Công ty Văn hóa M vi phạm trong việc sử dụng sản phẩm phần mềm thuộc bản quyền sở hữu trí tuệ của Công ty Q và để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình, ngày 25/12/2012 Công ty Q yêu cầu trưng cầu giám định đối với phần mềm website mà Công ty Văn hóa M đang sử dụng thuộc bản quyền sở hữu trí tuệ của Công ty Q.
Trên cơ sở yêu cầu phản tố của bị đơn và để phục vụ cho việc giải quyết vụ án, ngày 22/ 01/2013 TAND T.P N có Công văn số 23/CV-TA gởi Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch TP N về việc đề nghị giới thiệu Giám định viên tư pháp thực hiện giám định về hành vi vi phạm quyền tác giả đối với tác phẩm phần mềm. Nhưng ngày 04/02/2013, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch TP N có Công văn số 437 đề nghị TAND T.P N  "phối hợp làm việc với Văn phòng đại diện Cục bản quyền tác giả tại thành phố N. Đây là cơ quan trực thuộc Cục bản quyền tác giả, có chức năng tham mưu, quản lý Nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan". Đồng thời, ngày 31/ 01/2013, TAND T.P N có công văn số 71/CV-TA gởi cho Sở Thông tin và truyền thông TP N cũng đề nghị nội dung giám định như trên. Song Sở Thông tin và truyền thông đã có Công văn số 104 ngày 21/02/2013 đề nghị Bộ Thông tin- Truyền thông "hướng dẫn trình tự thủ tục thẩm định, hoặc giới thiệu tổ chức, cá nhân có năng lực để thực hiện thẩm định". Sau khi nhận được hướng dẫn, ngày 22/3/ 2013 Sở Thông tin- Truyền thông có Công văn 231 trả lời căn cứ Thông tư 15/2012/TT-BVHTTDL ngày 13/12/2012 của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch "việc giám định quyền tác giả, quyền liên quan thuộc thẩm quyền của ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch", nên Sở này đã giới thiệu Tòa án liên hệ Cục bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch.
Sự việc cứ lòng vòng chưa có cơ quan nào đứng ra giải quyết, nên Tòa án tiếp tục ban hành Công văn 162/CV-TA ngày 05/4/ 2013, Công văn số 223/CV-TA ngày 08/5/2013 và Công văn số 275/CV-TA ngày 28/5/2013 gửi Cục Bản quyền tác giả về việc giám định sở hữu trí tuệ. Mãi đến ngày 04/6/ 2013, Cục Bản quyền tác giả mới có Công văn số 142/BQTG-QTG trả lời: "đến nay chưa có tổ chức giám định quyền tác giả", mà Tòa án có thể trưng cầu Hội đồng giám định.
Sự việc lại quay về ban đầu, ngày 09/7/2013, TAND T.P N đề nghị Sở Thông tin và truyền thông TP N giới thiệu Giám định viên tư pháp thực hiện giám định. Đến lúc này, Sở Thông tin và truyền thông  mới giới thiệu những chuyên gia cụ thể để giám định (Công văn số 706/STTTT-CNTT ngày 19/8/ 2013) và mãi cho đến ngày 11/0 2/2014 Hội đồng giám định mới chính thức có kết luận giám định về vấn đề này[2].
Mặc dù, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đã ban hành Thông tư số 15/2012/TT-BVHTTDL hướng dẫn hoạt động giám định quyền tác giả, quyền liên quan có hiệu lực từ ngày 01/02/2013. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có tổ chức giám định về quyền sở hữu trí tuệ được thành lập và cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về việc giám định sở hữu trí tuệ. Hiện nay chỉ mới có duy nhất Viện khoa học sở hữu trí tuệ Việt Nam (Vietnam Intellectual Property Research Institute – VIPRI) có chức năng giám định sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực quyền sở hữu công nghiệp. Đối với các lĩnh vực quyền tác giả và quyền liên quan và giám định về quyền đối với giống cây trồng thì vẫn chưa có tổ chức nào có đủ thẩm quyền để có thể tiến hành hoạt động giám định trong các lĩnh vực này. Thực tế này gây nhiều khó khăn cho công tác giải quyết các tranh chấp phát sinh tại Tòa án, từ đó, ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi ích hợp pháp của đương sự.
Thứ tư: Theo quy định của pháp luật tố tụng, kết luận giám định là một nguồn chứng cứ được xem xét, đánh giá cùng với các chứng cứ khác để xác định sự thật khách quan trong quá trình giải quyết vụ án, trong vụ án hình sự trách nhiệm chứng minh thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng có thẩm quyền. Việc xem xét, đánh giá kết luận giám định phải căn cứ vào quy chuẩn chuyên môn; quy trình giám định; phương pháp giám định, phương tiện giám định và khả năng chuyên môn, sự độc lập, khách quan của người giám định. Tuy nhiên, do quy định còn chưa sát với thực tiễn, nên chất lượng kết luận giám định trong một số trường hợp còn chung chung, không rõ ràng, giống như “đánh đố” cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng có thẩm quyền và cả luật sư tham gia vụ án đó, bởi Luật Giám định tư pháp hiện hành không quy định phải viện dẫn quy chuẩn của ngành khi kết luận tỷ lệ % tổn thương cơ thể khi giám định pháp y về thương tích nói riêng và giám định tư pháp nói chung. Theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Luật Giám định tư pháp năm 2012:
“ Kết luận giám định tư pháp là nhận xét, đánh giá bằng văn bản của người giám định tư pháp về đối tượng giám định theo nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định. Kết luận giám định tư pháp phải có các nội dung sau đây:
a) Họ, tên người thực hiện giám định; tổ chức thực hiện giám định;
b) Tên cơ quan tiến hành tố tụng; họ, tên người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định; số văn bản trưng cầu giám định hoặc họ, tên người yêu cầu giám định;
c) Thông tin xác định đối tượng giám định;
d) Thời gian nhận văn bản trưng cầu, yêu cầu giám định;
đ) Nội dung yêu cầu giám định;
e) Phương pháp thực hiện giám định;
g) Kết luận về đối tượng giám định;
h) Thời gian, địa điểm thực hiện, hoàn thành việc giám định.”
Riêng về lĩnh vực giám định pháp y, ngày 31/12/2013 Bộ Y tế ban hành Thông tư 47/2013/TT-BYT về quy trình giám định pháp y, mà theo đó, có 54 quy trình giám định pháp y và hệ thống biểu mẫu bản kết luận giám định pháp y được ban hành kèm theo. Qua nghiên cứu thấy rằng, Luật không bắt buộc trong nội dung bản kết luận giám định phải chỉ ra căn cứ pháp lý để người thực hiện giám định; tổ chức thực hiện giám định dựa vào đó mà đưa ra kết luận. Chính vì vậy, hệ thống biểu mẫu kết luận giám định pháp ý do Bộ Y tế ban hành kèm theo Thông tư 47/2013/TT-BYT cũng không có mục ghi nhận nội dung này. Tuy nhiên, từ thực tiễn giải quyết án gặp không ít vướng mắc không chỉ cơ quan trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định mà cả Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của bị hại sẽ rất khó khăn khi đánh giá chứng cứ vụ án là kết luận giám định, với trường hợp giám định viên vắng mặt tại phiên tòa. Bởi theo quy định, cơ quan được trưng cầu hoặc được yêu cầu giám định chỉ trả kết quả giám định thông qua Bản kết luận giám định, mà không kèm theo văn bản ghi nhận quá trình thực hiện giám định, nên cơ quan tiến hành tố tụng không thể phát hiện sai sót của cơ quan được trưng cầu giám định (nếu có), do vậy, kết luận giám định đó có đủ độ tin cậy không? Có tuân theo quy chuẩn chuyên môn không? Có thực hiện đúng quy trình không?...chỉ có thể được làm rõ thông qua phần xét hỏi tại Tòa. Việc giám định viên vắng mặt tại phiên tòa, không là lý do bắt buộc để Hội đồng xét xử quyết định dừng hoặc hoãn phiên tòa theo quy định của pháp luật tố tụng. Thực tế này hiện là điểm vướng nhiều nhất của các Tòa án địa phương. Dưới đây là một minh chứng cho nhận định vừa nêu: Phần kết luận của bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 260/2015/TgT ngày 24/10/2015 của Trung tâm pháp y – Sở Y tế tỉnh T, ghi:
“-Sẹo vết thương trùng với sẹo mổ hạ sườn trái, sẹo màu hồng nhạt, sẹo lồi, sẹo nằm ngang;
-Tràn dịch màn phổi trái ít. Thủng gan, thủng dạ dày, hiện tại đã phẩu thuật khâu gan, khâu dạ dày;
-Sẹo mổ đường trằng giữa trên rốn;
-Sẹo dẫn lưu bụng trái dường nách trước.
Tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 62%.”
Dù biết rằng kết luận giám định trên, cơ quan giám định dựa vào Thông tư 20/2014/TT-BYT ngày 12/6/2014 của Bộ Y tế quy định tỷ lệ tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần. Đây là quy chuẩn của ngành y tế, nhưng nếu như Luật giám định tư pháp quy định bắt buộc cơ quan giám định phải chỉ ra tỉ lệ % của từng tổn thương được quy định ở mục nào, chương nào của Thông tư này và với trường hợp có nhiều tổn thương khác nhau cần giám định thì phải ghi rõ phương pháp xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể của từng tổn thương theo quy định tại Điều 4 của Thông tư 20/2014/TT-BYT, mà theo đó, việc xác định tỷ lệ % tổn thương cơ thể (TTCT) được tính theo phương pháp cộng như sau: Tổng tỷ lệ % TTCT = T1 + T2 + T3 +…+ Tn
Trong đó:
a) T1: Tỷ lệ % TTCT của tổn thương thứ nhất: T1 được xác định là tỷ lệ % tổn thương nằm trong khung tỷ lệ các TTCT;
b) T2: Tỷ lệ % TTCT của tổn thương thứ hai: T2 = (100 - T1) x tỷ lệ % TTCT thứ 2/100;
c) T3: Tỷ lệ % TTCT của tổn thương thứ ba: T3 = (100-T1-T2) x tỷ lệ % TTCT thứ 3/100;
d) Tn: Tỷ lệ % TTCT của tổn thương thứ n: Tn= {100-T1-T2-T3-…-T(n-1)} x tỷ lệ % TTCT thứ n/100.
Ví dụ: anh Nguyễn Văn H được xác định có 04 tổn thương:
-Sẹo vết thương trùng với sẹo mổ hạ sườn trái, sẹo màu hồng nhạt, sẹo lồi, sẹo nằm ngang, khung tỉ lệ % TTCT từ 11 – 15%;
-Tràn dịch màn phổi trái ít. Thủng gan, thủng dạ dày, hiện tại đã phẩu thuật khâu gan, khâu dạ dày, khung tỉ lệ % TTCT từ 6 – 9%;
-Sẹo mổ đường trằng giữa trên rốn, khung tỉ lệ % TTCT từ 45 – 50%;
-Sẹo dẫn lưu bụng trái dường nách trước, khung tỉ lệ % TTCT từ 10 – 13%
Áp dụng phương pháp nêu trên, tổng tỷ lệ % TTCT của anh Nguyễn Văn H được tính như sau:
- T1 = 13%
- T2 = (100 - 13) x 7/100 % = 7 % (kết quả lấy đến hai chữ số thập phân).
- T3 = (100 - 13 - 7) x 47/100 % = 37,6%
-T4 = (100 -13 -7 – 37,6) x 11/100 % = 4,66%
Tổng tỷ lệ % TTCT của ông Nguyễn Văn H là : 13% + 7 % + 37,6% + 4,66%= 62,26%, làm tròn số là 62%.
Kết luận: Tỷ lệ TTCT của anh Nguyễn Văn H là 62%.
Nếu được như vậy, cho dù giám định viên có vắng mặt tại phiên tòa đi chăng nữa, thì cũng có cơ sở để Kiểm sát viên đối chiếu các văn bản pháp luật có liên quan để kiểm sát việc tuân theo pháp luật của kết luận giám định; Hội đồng xét xử cũng có căn cứ khi nhận định đánh giá chứng cứ là kết luận giám định đó có đủ độ tin cậy không, có phù hợp với các chứng cứ khác không?…Và có như vậy, mới bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng làm cơ sở để người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện quyền năng tố tụng mà pháp luật quy định với loại chứng cứ này nếu thấy cần thiết.
Do vậy, tác giả đề xuất bổ sung thêm nội dung đã đề cập vào khoản 1 Điều 32 Luật Giám định tư pháp năm 2012, trong lần sửa đổi sắp tới. Sau khi sửa đổi, bổ sung, điểm g khoản 1 Điều 32 Luật này, được viết lại như sau: “g) Kết luận về đối tượng giám định phải nêu rõ cơ sở quy chuẩn chuyên môn được áp dụng. Riêng đối với giám định pháp y ghi rõ phương pháp xác định tỉ lệ tổn thương cơ thể trong trường hợp giám định nhiều tổn thương cơ thể;”
Thứ năm: Theo quy định tại Điều 34 Luật Giám định tư pháp năm 2012, các trường hợp giám định viên không được thực hiện giám định tư pháp
“1. Người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì không được thực hiện giám định tư pháp:
a) Thuộc một trong các trường hợp mà pháp luật về tố tụng quy định phải từ chối tham gia tố tụng hoặc bị thay đổi;
b) Được trưng cầu giám định lại về cùng một nội dung trong vụ án, vụ việc mà mình đã thực hiện giám định, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Tổ chức thuộc một trong các trường hợp sau đây thì không được thực hiện giám định tư pháp:
a) Có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, vụ việc theo quy định của pháp luật về tố tụng;
b) Có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng tổ chức này có thể không khách quan, vô tư trong khi thực hiện giám định.”
Theo quy định tại khoản 2 Điều 80 BLTTDS năm 2015, Người giám định phải từ chối giám định hoặc bị thay đổi trong những trường hợp sau đây:
a) Thuộc một trong những trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 52[3] của Bộ luật này và tại Điều 34 của Luật giám định tư pháp;
b) Họ đã tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người phiên dịch trong cùng vụ án đó;
c) Họ đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó với tư cách là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên.
Thực tiễn cho thấy, nhiều vụ việc cần giám định có liên quan đến doanh nghiệp tại địa phương, do đó, để bảo đảm tính khách quan khi giám định tư pháp nhất là trong lĩnh vực tài chính, cơ quan tiến hành tố tụng không trưng cầu giám định viên của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố mà lại trưng cầu giám định viên của Bộ Tài chính, thì lại bị từ chối! Cũng không ít trường hợp do tính chất phức tạp của vụ án liên quan đến các ngân hàng thương mại, cần phải trưng cầu giám định liên quan đến hoạt động tín dụng ngân hàng thuộc nghiệp vụ chuyên môn của ngân hàng Nhà nước nhưng cơ quan tiến hành tố tụng lại vẫn đề nghị Bộ Tài chính cử giám định viên, vậy điều này có vi phạm không? Hoặc người công tác trong ngành tài chính là giám định tư pháp tài chính khi thực thi nhiệm vụ giám định tư pháp tài chính, khiến công tác giám định tài chính trong rất nhiều trường hợp bị kéo dài;… Những vấn đề này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy trình tiếp nhận trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp và cử người thực hiện giám định tư pháp trong một số lĩnh vực phức tạp, như tài chính, xây dựng,…Đồng thời, quy định rõ về nguyên tắc, tiêu chuẩn cử cán bộ, công chức, viên chức tham gia giám định, nghĩa vụ của người tham gia giám định; …
Thứ sáu: Điều 36 Luật Giám định tư pháp năm 2012 có quy định về chi phí giám định tư pháp: “Người trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định có trách nhiệm trả chi phí giám định tư pháp cho cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp theo quy định của pháp luật về chi phí giám định tư pháp.”
Theo khoản 1 Điều 9 Pháp lệnh Chi phí giám định, định giá; chi phí người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng, chi phí giám định được xác định bao gồm:
“ Căn cứ tính chất của đối tượng và nội dung giám định cụ thể, chi phí giám định bao gồm một hoặc một số chi phí sau đây:
a) Chi phí tiền lương và các khoản thù lao cho người thực hiện giám định;
b) Chi phí vật tư tiêu hao;
c) Chi phí sử dụng dịch vụ;
d) Chi phí khấu hao máy móc, phương tiện, thiết bị;
đ) Các chi phí khác theo quy định của pháp luật.”
Ngoài ra, chi phí giám định trong trường hợp người yêu cầu giám định tự mình yêu cầu giám định, Điều 32 của Pháp lệnh này, quy định: Theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp, đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự đã yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định mà không được chấp nhận và tự mình yêu cầu tổ chức, cá nhân thực hiện giám định thì phải nộp tiền tạm ứng chi phí giám định, chi phí giám định theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân thực hiện giám định.”
Ngày 14/8/2014 Chính phủ ban hành Nghị định 81/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng. Mà theo đó, tại Chương II, Mục 1 của Nghị định này có quy định chi phí giám định (từ Điều 3 đến Điều 8). Thời gian qua Bộ Tài chính đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật như Thông tư 138/2013/TT-BTC ngày 09/10/2013 hướng dẫn một số nội dung của Luật Giám định tư pháp và Nghị định 85/2013/NĐ-CP; Thông tư 137/2014/TT-BTC ngày 18/9/2014 hướng dẫn lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí chi trả tiền bồi dưỡng giám định tư pháp của các cơ quan tiến hành tố tụng theo quy định tại Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg; Nghị định 81/2014/NĐ-CP ngày 14/8/2014 quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh chi phí giám định, định giá, chi phí cho người làm chứng, phiên dịch; Thông tư 35/2014/TT-BTC ngày 21/3/2014 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí giám định pháp y tâm thần;… Tuy nhiên, trong nhiều lĩnh vực giám định tư pháp như tài chính, xây dựng, quyền tác giả, quyền liên quan,…chi phí giám định chưa được quy định cụ thể, nên chưa tạo sự thống nhất chung khi áp dụng.
Từ đó, tác giả đề xuất Bộ Tài chính cần sớm tập hợp lại các Thông tư đã quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí giám định tư pháp trong từng lĩnh vực hiện còn đang áp dụng và quy định bổ sung mức phí chi phí giám định tư pháp trong những  lĩnh vực hiện chưa được quy định thành một văn bản chung có phạm vi điều chỉnh bao quát là rất cần thiết, nhằm tránh sự tản mạn, rãi rác của các quy định hiện đang còn hiệu lực, đồng thời giúp người dân và các cơ quan có liên quan cũng thuận lợi hơn việc tra cứu và áp dụng.
Thứ bảy: Thực tế hiện nay, đội ngũ giám định viên trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, giao thông, môi trường, tài nguyên… ngày càng phát triển, góp phần đáng kể vào giải quyết các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn. Đặc biệt, thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp, hiện đã có một văn phòng giám định tư pháp được UBND TP Hồ Chí Minh cấp phép thành lập, chuyên thực hiện giám định ở lĩnh vực tài chính - kế toán phục vụ cho hoạt động tố tụng. Trước tình hình tội phạm gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng với những thủ đoạn tinh vi có chiều hướng gia tăng, các vụ việc tranh chấp dân sự cũng xuất hiện ngày càng nhiều, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm ban hành các văn bản hướng dẫn các quy định của pháp luật về tố tụng, trưng cầu giám định; việc đánh giá, sử dụng kết quả giám định chưa được áp dụng thống nhất trong hoạt động tố tụng ở các cấp.
Để góp phần giải quyết những “vướng mắc” từ thực tiễn đặt ra, thiết nghĩ cần xây dựng cơ chế thông tin rõ ràng giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với tư cách là một bên trong hoạt động giám định tư pháp với các bộ, ngành chủ quản, cơ quan quản lý nhà nước về giám định tư pháp và các cơ quan, tổ chức thực hiện giám định.Việc phối hợp, nhất là giữa UBND cấp huyện với các cơ quan tố tụng cấp huyện, bệnh viện đa khoa cấp huyện trong công tác giám định tư pháp. Khi sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp hiện hành, nên có quy định về thời hạn giám định trong từng lĩnh vực. Chẳng hạn, đối với nội dung giám định tư pháp đơn giản thì từ 10 đến 15 ngày; phức tạp thời hạn từ 02 đến 03 tháng, có thể gia hạn nhưng không quá 06 tháng. Có như vậy giám định viên tích cực làm việc hơn và người quản lý sẽ dựa vào đó để có cơ chế quản lý, chế tài phù hợp, tránh trường hợp có những vụ án phải tạm đình chỉ, chờ kết quả giám định trong thời gian dài, thậm chí tới hàng năm ảnh hưởng đến thời hạn điều tra, truy tố, xét xử, đặc biệt là với các vụ án tham nhũng đang được dư luận và Nhà nước quan tâm.
 
Phạm Thị Hồng Đào  .
 
[1] Việc giám định bổ sung được thực hiện trong trường hợp nội dung kết luận giám định chưa rõ, chưa đầy đủ hoặc khi phát sinh vấn đề mới liên quan đến tình tiết của vụ án, vụ việc đã được kết luận giám định trước đó. Việc trưng cầu, yêu cầu giám định bổ sung được thực hiện như giám định lần đầu.
 
[2] ://vksdanang.gov.vn/index.php?language=vi&nv=news&op=print/tintuckhac
[3] Điều 52. Những trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi người tiến hành tố tụng
Người tiến hành tố tụng phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi trong những trường hợp sau đây:
1. Họ đồng thời là đương sự, người đại diện, người thân thích của đương sự;
3. Có căn cứ rõ ràng cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.