Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác theo dõi thi hành pháp luật

16/05/2016
Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định nguyên tắc thượng tôn Hiến pháp, pháp luật, cũng như bảo đảm các điều kiện nhằm tổ chức thi hành các quy định của pháp luật. Trong bối cảnh đó, vấn đề kiểm soát và cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua hoạt động theo dõi thi hành pháp luật là một trong những nhiệm vụ cấp bách, cần có những giải pháp đổi mới cơ bản và toàn diện nhằm bảo đảm thực thi pháp luật trong giai đoạn hiện nay[1]. Qua nghiên cứu, đánh giá thực trạng công tác theo dõi thi hành pháp luật, trước những yêu cầu của thực tiễn, chúng tôi mạnh dạn đề xuất một số giải pháp như sau:
I. Giải pháp lâu dài
1. Gắn theo dõi thi hành pháp luật với kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo đảm thực thi quyền con người, quyền công dân theo đúng tinh thần của Hiến pháp năm 2013
Theo dõi thi hành pháp luật phải là một “kênh” quan trọng để kiểm soát quyền lực nhà nước, góp phần bảo đảm thực thi quyền con người, quyền công dân trong đời sống xã hội. Vì vậy, một trong những yêu cầu đặt ra là cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thi hành pháp luật; tăng cường công tác quản lý nhà nước, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là vi phạm trong giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân; tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, các cơ quan báo chí và của người dân đối với công tác tổ chức thi hành pháp luật.
2. Gắn theo dõi thi hành pháp luật với xây dựng và hoàn thiện pháp luật
Thi hành pháp luật phải là một yếu tố cấu thành của hệ thống pháp luật, chứ không thuần túy chỉ là một công cụ, giải pháp thực hiện pháp luật. Việc theo dõi thi hành pháp luật phải được thực hiện ngay từ khi luật, pháp lệnh được ban hành. Để thực hiện được yêu cầu này, hoạt động theo dõi thi hành pháp luật phải từng bước chuyển từ đánh giá theo quy trình sang đánh giá theo tiêu chí tác động đầu ra (tức là đánh giá dựa trên kết quả). Các hoạt động theo dõi thi hành pháp luật giúp đánh giá toàn diện, đầy đủ hiệu lực, hiệu quả của một văn bản quy phạm pháp luật cụ thể, của từng ngành luật cụ thể, cũng như của toàn hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm sử dụng hợp lý, hiệu quả, nhanh chóng, thiết thực các kết quả của hoạt động theo dõi thi hành pháp luật trong hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật và thực thi luật pháp.
3. Nghiên cứu xây dựng, ban hành Luật về tổ chức thi hành pháp luật hoặc Luật về theo dõi thi hành pháp luật
Luật về tổ chức thi hành pháp luật hoặc Luật về theo dõi thi hành pháp luật có vai trò quan trọng trong việc xác định phương thức, nội dung, địa vị pháp lý của từng chủ thể trong hoạt động theo dõi thi hành pháp luật; quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và mọi công dân trong việc thi hành pháp luật và theo dõi việc thi hành pháp luật. Nghiên cứu việc thành lập tổ chức bộ máy chuyên trách làm nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật từ Trung ương đến địa phương. Việc xây dựng Luật được xác định là một giải pháp lâu dài, có ý nghĩa quan trọng đối với mục tiêu đổi mới công tác theo dõi thi hành pháp luật. 
II. Giải pháp trước mắt
1. Nghiên cứu, sửa đổi Nghị định số 59/2012/NĐ-CP nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật
Quá trình tổng kết, đánh giá việc thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP đã giúp chỉ ra những hạn chế, vướng mắc, từ đó hình thành những quan điểm, luận cứ khoa học để tiếp tục hoàn thiện pháp luật về theo dõi tình hình thi hành pháp luật trước yêu cầu của thực tiễn. Do vậy, khi sửa đổi, bổ sung Nghị định nêu trên cần tập trung giải quyết các nội dung sau:
- Xác định rõ hơn đối tượng, phạm vi theo dõi thi hành pháp luật;
- Địa vị pháp lý của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật, trong đó tập trung vào các nội dung như  quy định về tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan theo dõi thi hành pháp luật;
- Trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch UBND cấp tỉnh trong việc trực tiếp chỉ đạo công tác theo dõi thi hành pháp luật trong phạm vi quản lý nhà nước ở Bộ, nghành, địa phương; thẩm quyền xử lý;
- Vai trò của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp trong việc giúp Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện theo dõi chung về tình hình thi hành pháp luật, theo dõi vụ việc cụ thể, là điểm nóng trong áp dụng pháp luật;
- Trách nhiệm của chủ thể là đối tượng của hoạt động theo dõi (cung cấp hồ sơ, chứng cứ, giải trình…);
- Xây dựng Khung theo dõi và Bộ tiêu chí đánh giá tình hình thi hành pháp luật
- Trách nhiệm giải trình, giải quyết, công bố kết quả xử lý của chủ thể có thẩm quyền đối với vụ việc đã có kết quả theo dõi thi hành pháp luật;
- Quy định về cụ thể về mối quan hệ “02 chiều” giữa các cơ quan của Chính phủ với Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, cũng như cơ chế thu hút tham gia thực chất của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức khác trong hoạt động theo dõi thi hành pháp luật;
- Tiêu chuẩn cộng tác viên theo dõi tình hình thi hành pháp luật;
- Cơ chế tài chính, kinh phí phục vụ hoạt động theo dõi thi hành pháp luật.
2. Tiếp tục kiện toàn và đổi mới về tổ chức, bộ máy làm công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật
Trước yêu cầu của thực tiễn, tổ chức bộ máy làm công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật phải đáp ứng được yêu cầu chuyên nghiệp, hiện đại, kịp thời phản ứng chính sách. Do vậy, trong thời gian trước mắt, các Bộ, ngành ở Trung ương cần bố trí đủ cán bộ chuyên trách về theo dõi thi hành pháp luật tại Vụ Pháp chế, trong khi các địa phương cần thành lập Phòng Pháp chế tại 14 Sở, ngành theo đúng quy định của Nghị định 55/2011/NĐ-CP và tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Phòng Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật tại 63 Sở Tư pháp theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT/BTP-BNV.
3. Tăng cường năng lực cho đội ngũ làm công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật
Việc tăng cường, nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật phải gắn liền với việc bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất đạo đức cho đội ngũ này. Để thực hiện được mục tiêu này thì vấn đề then chốt là Chính phủ phải có chủ trương xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn và dài hạn, nâng cao trình độ chuyên môn cho lực lượng cán bộ làm công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật tại các bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách thỏa đáng để thu hút, đầu tư đầy đủ, toàn diện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hiệu quả quá trình tổ chức thi hành pháp luật.
4. Đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật
Nội dung theo dõi thi hành pháp luật cần tiếp tục được nghiên cứu, rà soát để tránh sự dàn trải, trùng lặp như hiện nay. Bên cạnh đó, các tiêu chí đánh giá cần phải cụ thể, sát với thực tế. Trước mắt cần sớm nghiên cứu, xây dựng Khung theo dõi và Bộ tiêu chí đánh giá tình hình thi hành pháp luật. Nghiên cứu, xây dựng mô hình Cộng tác viên trong lĩnh vực theo dõi thi hành pháp luật nhằm gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng, kiểm tra và theo dõi thi hành pháp luật; thu hút sự hỗ trợ nguồn lực từ các tổ chức quốc tế. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý thông tin về tình hình thi hành pháp luật để kịp thời đề xuất, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đảm bảo việc thực thi pháp luật, cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động theo dõi thi hành pháp luật. 
5. Đổi mới cơ chế phối hợp trong hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật
Với thể chế pháp luật hiện hành, cơ chế phối hợp trong hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật mới chỉ tập trung điều chỉnh quan hệ phối hợp giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước (Bộ, ngành, UBND các cấp), mà chưa thiết lập được cơ chế phối hợp ở tầm vĩ mô giữa các thiết chế trong hệ thống chính trị. Do vậy, Chính phủ với vai trò là chủ thể tổ chức thi hành pháp luật cần thiết lập cơ chế phối hợp chặt chẽ, mang tính “2 chiều” với các chủ thể khác trong hệ thống chính trị (như Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên) trong quá trình triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
Theo dõi thi hành pháp luật phải được đặt trong bối cảnh Đảng ta chuyển hướng chỉ đạo chiến lược trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, với những bước đi quyết liệt và phù hợp nhằm tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức, hành động của các cấp chính quyền, cũng như của đội ngũ cán bộ, công chức và các tổ chức, cá nhân trong quá trình tổ chức thực hiện pháp luật./.
 
Hồ Quang Huy - Nguyễn Thị Thu Thủy
 
[1]Một trong các giải pháp được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kết luận tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp 2016 (Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước) là: “Kiến tạo môi trường kinh doanh, công bằng, thân thiện, khuyến khích đầu tư, bảo đảm thực thi pháp luật”.