Sôi nổi hưởng ứng Cuộc thi “Sáng tác kịch bản tiểu phẩm pháp luật”

26/09/2018
Sôi nổi hưởng ứng Cuộc thi “Sáng tác kịch bản tiểu phẩm pháp luật”
Bộ Tư pháp vừa ban hành Kế hoạch về việc tổ chức Cuộc thi “Sáng tác kịch bản tiểu phẩm pháp luật” về các lĩnh vực thuộc phạm vi thực hiện Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật giai đoạn 2017-2021” năm 2018.
Tại Hà Nội, sau khi Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch tổ chức Cuộc thi “Sáng tác kịch bản tiểu phẩm pháp luật”, Sở Tư pháp đã ban hành văn bản về việc hưởng ứng Cuộc thi. Theo đó, trên địa bàn TP Hà Nội, Sở Tư pháp - Cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL TP đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã phát động Cuộc thi tại địa phương bằng các hình thức phù hợp, thông tin, tuyên truyền vận động đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và người dân trên địa bàn tích cực tham gia hưởng ứng.
Trên cơ sở văn bản của Sở Tư pháp, được biết nhiều quận, huyện của Hà Nội đã ban hành văn bản thực hiện và quán triệt đến các cán bộ, công chức, viên chức trong ngành mình, đồng thời động viên tham gia Cuộc thi.
Tương tự tại TP HCM, ngay sau khi Sở Tư pháp ban hành văn bản phát động Cuộc thi, các ngành đã vào cuộc, xây dựng văn bản quán triệt đến các đơn vị trong ngành mình. Đơn cử, Sở GD&ĐT TP đã có văn bản gửi đến Trưởng phòng GD&ĐT các quận, huyện, Hiệu trưởng các trường cao đẳng, trung cấp, THPT, Giám đốc các Trung tâm giáo dục thường xuyên, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc yêu cầu phổ biến đến học sinh, giáo viên, người lao động về chủ trương nói trên để tích cực tham gia. Đến nay, nhiều trường trên địa bàn đã tích cực hưởng ứng Cuộc thi này.
Tại Bình Định, Sở Tư pháp - Cơ quan thường trực của Hội đồng PBGDPL tỉnh đã có văn bản đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam và các hội, đoàn thể tỉnh, các sở, ban, ngành của tỉnh; cơ quan TƯ trên địa bàn tỉnh, phòng tư pháp các huyện, thị xã, TP thuộc tỉnh thực hiện phổ biến, thông tin đầy đủ, rộng rãi về Cuộc thi đến cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân bằng các hình thức phù hợp; các cơ quan thông tin đại chúng như Báo Bình Định, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Định tích cực thông tin, truyền thông về Cuộc thi.
Tại Tuyên Quang, Giám đốc Sở Tư pháp ra văn bản gửi Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội, các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, TP thuộc tỉnh, các trường chuyên nghiệp trên địa bàn. Trong đó đề nghị Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội tỉnh tổ chức quán triệt, tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia Cuộc thi, có trách nhiệm hướng dẫn trong quá trình tổ chức Cuộc thi. UBND cấp huyện tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong phạm vi quản lý tham gia Cuộc thi.
Tại Bình Thuận, sau khi Sở Tư pháp phát động Cuộc thi, các ngành trên địa bàn tham gia hưởng ứng nhiệt tình. Chi cục Quản lý thị trường Bình Thuận đã có văn bản gửi các Đội quản lý thị trường, các phòng chuyên môn của chi cục yêu cầu quán triệt văn bản của Sở Tư pháp và vận động cán bộ, công chức tham gia Cuộc thi, sáng tác các kịch bản có nội dung phê phán các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, môi trường, vi phạm giao thông, an toàn thực phẩm, ma túy, các tệ nạn xã hội, đồng thời tôn vinh, cổ vũ các cá nhân, tập thể điển hình trong công tác PBPL.
Với thời gian không dài (được tổ chức từ ngày 20/8/2018 đến ngày 10/10/2018), nhưng có thể nói với sự tham gia hưởng ứng của 51 địa phương trong phạm vi thực hiện Đề án là những hoạt động thiết thực, nhiều ý nghĩa. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, công tác PBPL gặp nhiều khó khăn.
Trong đó, ở nhiều nơi hình thức PBPL đang dập khuôn, theo lối mòn, ít hiệu quả. Do đó, việc hưởng ứng của các ban, ngành ở địa phương không chỉ giới hạn trong khuôn khổ một cuộc thi mà từ đó nhằm tiếp tục tìm kiếm các hình thức góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL trong giai đoạn hiện nay.
 

http://baophapluat.vn