Nghệ An: Kết quả hoạt động phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng năm 2017

25/01/2018
Thực hiện Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 04/7/2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Công An, Bộ Quốc Phòng, Bộ Tài Chính, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và Kế hoạch hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành trong hoạt động tố tụng tỉnh Nghệ An năm 2017, công tác phối hợp liên ngành về TGPL trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã đạt được những kết quả tốt, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động TGPL.

                                                           

Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An  với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng của tỉnh ngay từ đầu năm  đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định kiện toàn thành viên Hội đồng và tổ giúp việc; Ban hành Kế hoạch hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành năm 2017. Xây dựng và thực hiện kế hoạch kiểm tra công tác phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng tại các cơ quan tiến hành tố tụng thành phố Vinh, Trại Tạm giam Công an tỉnh và các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Tân Kỳ, Thị xã Thái Hòa, huyện Anh Sơn, Con Cuông. Cơ quan thường trực đã xây dựng và tổ chức triển khai việc phối hợp với từng thành viên là các cơ quan tiến hành tố tụng, thường xuyên chỉ đạo Trung tâm TGPL tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng như việc lắp bảng tin, hộp tin về TGPL, phối hợp với các hội, đoàn thể để truyền thông về hoạt động TGPL, cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư là cộng tác viên của Trung tâm tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho người được TGPL. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã quán triệt cán bộ của ngành mình phải chủ động giải thích cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam, bị can, bị cáo biết về quyền được TGPL nếu họ thuộc đối tượng được TGPL.
Các cơ quan tiến hành tố tụng từ cấp tỉnh đến cấp huyện đã thực hiện nghiêm túc việc niêm yết công khai bảng thông tin về TGPL do Trung tâm TGPL Nhà nước cung cấp theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT; cấp phát miễn phí tờ gấp pháp luật, mẫu đơn yêu cầu TGPL để nhân dân tiếp cận khi cần thiết; thực hiện việc giải thích cho người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo và những người có liên quan khác hiểu rõ về quyền được TGPL. Bên cạnh đó, các cơ quan tiến hành tố tụng đã liên hệ trực tiếp với Trung tâm TGPL và đoàn luật sư hoặc có công văn yêu cầu cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư là cộng tác viên của Trung tâm tham gia tố tụng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người được TGPL.
Một số thành viên hoạt động tích cực như Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương  phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý, các chi nhánh thực hiện trợ giúp pháp lý cho các đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng hình sự với tổng số người bị bắt, bị tạm giữ, bị can bị tạm giam là: 4.196 người. Trong đó số đối tượng bị bắt là 2.853 đối tượng.Số người được giải thích, hướng dẫn về TGPL là  4.196 người. Số người bị tạm giữ, tạm giam được Điều tra viên, Cán bộ điều tra giải thích và hướng dẫn về TGPL khi giao Quyết định tạm giữ, Quyết định khởi tố bị can là: 4.196 người. Cơ quan điều tra công an cấp 295 “Giấy chứng nhận bào chữa” cho Trợ giúp viên pháp lý và Luật sư là Cộng tác viên để bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can. Thực hiện việc Thông báo  về thời gian, địa điểm xét hỏi người bị tạm giữ, bị can cho người thực hiện TGPL để bào chữa 562 lần. Không có trường hợp nào cơ quan điều tra từ chối cung cấp hay thu hồi “Giấy chứng nhận người bào chữa”. Trong phạm vi chức trách của mình Cơ quan điều tra Công an tỉnh và Cơ quan điều tra Công an huyện đã cấp 876 tài liệu, văn bản tố tụng hình sự cho người thực hiện TGPL.
Để thực hiện tốt hoạt động phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong tố tụng ngay đầu năm 2017 Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 215  ngày 12/01/2017 chỉ đạo các Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, thành phố, thị xã tăng cường công tác tuyên truyền về Luật TGPL. Các văn bản pháp luật liên quan và Thông tư liên tịch số 11/2013 cho toàn thể cán bộ và Kiểm sát viên.
Với việc kiểm sát nhà tạm giam, nhà tạm giữ theo định kỳ các kiểm sát viên đã chú trọng đến việc niêm iết bảng thông tin trợ giúp pháp lý tại nơi giam giữ bị can bị cáo. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho trợ giúp viên pháp lý, luật sư, cộng tác viên tiếp xúc với người bị giam giữ, tạm giam. Đã ban hành được 16 văn bản kiến nghị yêu cầu khắc phục thiếu sót trong việc niêm yết bảng thông tin trợ giúp pháp lý.
Năm 2017, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã thụ lý: 2.611 vụ án/ 4.515 bị can. Số vụ án có đối tượng thuộc diện TGPL: 1.139 vụ. Đã được hướng dẫn về quyền được TGPL 853 người. Tổng số vụ án dân sự đã thụ lý: 6.306 vụ, việc.           Số vụ, việc có đối tượng thuộc diện TGPL: 627 vụ, việc, đã được hướng dẫn về quyền được TGPL 93 vụ việc.
 Tòa án nhân dân tỉnh thực hiện việc niêm yết danh sách Trợ giúp viên và Cộng tác viên là luật sư, các biểu mẫu về trợ giúp pháp lý  tại TAND cấp huyện và TAND tỉnh.
 Tạo điều kiện cho đội ngũ  Trợ giúp viên và Luật sự cộng tác viên của Trung tâm trong quá trình tham gia tố tụng. Không có trường hợp nào từ chối cấp hay thu hồi giấy chứng nhận tham gia tố tụng.  Một số Tòa  án đã thực hiện việc thông báo bằng văn bản lịch xét xử cho tổ chức thực hiện TGPL, người thực hiện TGPL ít nhất 10 ngày trước khi xét xử. có 314 trường hợp được  hưởng trợ giúp pháp lý ở giai đoạn xét xử, trong đó hình sự là 299, Dân sự là 11, hành chính là 4; Hướng dẫn người thuộc diện TGPL tiếp cận tổ chức TGPL 388 trường hợp. Số đối tượng thuộc diện TGPL được hưởng TGPL là: 314 đối tượng, trong đó: người chưa thành niên 80, người dân tộc thiểu số 263, người nghèo 44, người có công với cách mạng 14, người thuộc diện TGPL khác là 20.
Trung tâm TGPL nhà nước đã chú trọng và làm tốt công tác tuyên truyền về Luật TGPL, quyền được TGPL trong hoạt động tố tụng thông qua lồng ghép trong các đợt TGPL lưu động và truyền thông về trợ giúp pháp lý. Trong năm Trung tâm đã thực hiện 14 đợt TGPL lưu động và tuyên truyền cho 1045 lượt người (trung bình 73 người/đợt). Kịp thời xem xét, thụ lý, quyết định cử  người tham gia tố tụng khi nhận được sự giới thiệu vụ việc TGPL từ các cơ quan tiến hành tố tụng.
Trong năm, Trung tâm TGPL nhà nước đã thụ lý 515 vụ việc bào chữa, đại diện. Trong đó:  43,3 %số vụ việc được sự giới thiệu từ phía cơ quan tiến hành tố tụng so với năm 2016 tăng 16,3% (năm 2016 là 27%).  Hình sự:  470 vụ việc; Dân sự : 34 vụ việc; Hành Chính: 11 vụ việc. Luật sư - cộng tác viên thực hiện: 116 vụ việc; Trợ giúp viên: 399 trường hợp.  Thực hiện nghiêm túc việc đánh giá chất lượng vụ việc tham gia tố tụng của đội ngũ trợ giúp viên, luật sư - cộng tác viên đảm bảo chất lượng TGPL. Chất lượng TGPL tham gia tố tụng ngày càng được nâng lên. Trong năm, không có trường hợp vi phạm.
Để phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục những hạn chế còn tồn tại, trong năm 2017 và những năm tiếp theo,
Với sự quan tâm của các cấp, các ngành và với tinh thần chủ động, tích cực triển khai thực hiện đồng bộ công tác phối hợp trong hoạt động TGPL của các thành viên trong Hội đồng đã giúp cho hiệu quả hoạt động cũng như nhận thức về vị trí, vai trò của công tác TGPL nói chung và công TGPL trong hoạt động tố tụng nói riêng được nâng lên đáng kể. Đồng thời, củng cố hơn nữa mối quan hệ phối hợp giữa tổ chức thực hiện TGPL với các cơ quan tiến hành tố tụng; nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người tiến hành tố tụng, người thực hiện TGPL khi tham gia tố tụng; bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL, góp phần bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội trong tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên vẫn còn những hạn chế khó khăn vướng mắc: Số đối tượng được thụ hưởng chính trách TGPL miễn phí trong tố tụng còn thấp so với tổng số bị can, bị cáo, người tham gia tố tụng thuộc diện TGPL theo quy định tại Điều 10 Luật TGPL. Sự hiểu biết và phối hợp của cơ quan tiến hành tố với tổ chức trợ giúp pháp lý còn nhiều hạn chế có lúc, có nơi thiếu đồng bộ, thiếu sự phối hợp chặt chẽ.  Việc tuyên truyền, phổ biến Luật TGPL cho người dân chưa thực sự hiệu quả. Hệ thống pháp luật về trợ giúp pháp lý còn nhiều bất cập, các văn bản quy phạm pháp luật về trợ giúp pháp lý thiếu đồng bộ và chưa có sự thống nhất với các văn bản pháp luật khác có liên quan, chưa điều chỉnh toàn diện các mối quan hệ phát sinh trong hoạt động trợ giúp pháp lý.
Một số nhiệm vụ giải pháp 2018 :  Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan thành viên Hội đồng tiếp tục tổ chức nghiên cứu, quán triệt Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT và Thông tư thay thế Thông tư 11/2013 khi có hiệu lực thi hành cho đội ngũ cán bộ, điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán và thư ký thuộc ngành mình. Thực hiện hiệu quả các nội dung phối hợp theo Thông tư liên tịch số 11/2013 và Thông tư thay thế Thông tư số 11/2013 khi có hiệu lực trong quá trình tiến hành tố tụng tại các cơ quan tiến hành tố tụng .
Lắp đặt mới Bảng thông tin, tờ thông tin về trợ giúp pháp lý, cung cấp Danh sách Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư Cộng tác viên  và các loại biểu mẫu theo Luật Trợ giúp pháp lý 2017 tại các cơ quan tiến hành tố tụng cấp tỉnh và cấp huyện.
Tập trung tuyên truyền Luật trợ giúp pháp lý năm 2017 tới người dân. Tăng cường sự phối hợp giữa Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước và các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn, phấn đấu 100% đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý là người bị tạm giữ, tạm giam, bị cáo, nguyên đơn… có nhu cầu tiếp cận và được hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý.   Nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp và tổ giúp việc. Kiểm tra liên ngành công tác phối hợp về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tại các cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện.
 
   Nguyễn Quế Anh – STP NA