Vĩnh Long: Một số kết quả Tư pháp năm 2017

11/12/2017
Thực hiện Chương trình công tác Tư pháp đã được UBND tỉnh phê duyệt, với 09 nhóm nhiệm vụ được giao trong năm 2017, toàn thể công chức, viên chức và người lao động của ngành nổ lực phấn đấu thực hiện nhiệm vụ đúng tiến độ và hiệu quả đối với các mặt công tác của ngành theo Chương trình công tác đã đề ra, cụ thể:
Đối với công tác xây dựng và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật: Đã thẩm định 52 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; đóng góp 67 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và địa phương; tự kiểm tra 50 văn bản; kiểm tra theo thẩm quyền 90 văn bản. Đồng thời, Sở Tư pháp thực hiện rà soát và nhắc nhở, đôn đốc các Sở, ban, ngành tỉnh và UBND cấp huyện rà soát, hệ thống hoá VBQPPL hiện hành, để kịp thời phát hiện những quy định, trình tự, thủ tục chồng chéo, bất hợp lý, gây khó khăn, cản trở cho người dân, doanh nghiệp;đã thực hiện cập nhật 35 văn bản QPPL vào cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật.
Trong công tác xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật: Tham mưu UBND tỉnh ban hành đã ban hành Kế hoạch thực hiện công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh năm 2017; Kế hoạch thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp pháp luật năm 2017 trên địa bàn tỉnh; báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và công tác theo dõi thi hành pháp luật năm 2017 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long,
Về kết quả thực hiện, năm 2017, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện và thụ lý giải quyết vi phạm hành chính tổng số là 47.357 vụ (tăng 9.513 vụ so với năm 2016), trong đó số vụ đã bị xử phạt là 46.848 vụ, số đối tượng bị xử phạt đối với tổ chức là 405 đối tượng, số đối tượng bị xử phạt đối với cá nhân là 49.215 đối tượng với số tiền phạt thu được là 66.132.276.550 đồng (tăng 17.735.933.660 so với năm 2016).
Công tác kiểm soát thủ tục hành chính: tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hoạt động kiểm soát TTHC năm 2017 và Kế hoạch rà soát, đánh giá TTHC năm 2017. Kết quả thực hiện, năm 2017 tham mưu UBND tỉnh đã ban hành 33 quyết định công bố 578 TTHC; trong đó, công bố mới 471 TTHC; sửa đổi, bổ sung 107 TTHC; bãi bỏ 575 TTHC. Các quyết định và TTHC sau khi được công bố áp dụng đã được cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC đồng thời gửi về Bộ Tư pháp để công khai hoặc không công khai theo quy định.
Đặc biệt, trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã trình UBND Tỉnh ban hành ban hành kế hoạch thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hoà giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở; xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước năm 2017 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long; kế hoạch thực hiện Chương trình phổ biến giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 – 2021 trên địa bàn tỉnh Vĩnh; Công văn số về việc hướng dẫn thực hiện Đề án “Đẩy mạnh phổ biến nội dung cơ bản của Công ước quốc tế và pháp luật Việt Nam về các quyền dân sự, chính trị” năm 2017. Đồng thời, tham mưu Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật ban hành Kế hoạch số 291/KH-HĐPHPBGDPLvề hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh Vĩnh Long năm 2017; kế hoạch số 680/KH-HĐPHPBGDPL về triển khai các văn bản pháp luật mới; kế hoạch số 755/KH-HĐPH về tập huấn văn bản pháp luật mới để tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật Phổ biến giáo dục pháp luật.
Trong năm, đã tổ chức phổ biến trực tiếp được 24.259 cuộc, có 1.627.191 lượt người tham dự; tổ chức 113 cuộc thi tìm hiểu pháp luật có 1.758 lượt người dự thi; phát sóng chương trình PBGDPL trên đài truyền thanh xã được 33.357 lần, thực hiện đăng tải, phát trên phương tiện thông tin đại chúng 4.486 tin, bài phổ biến về pháp luật, trong đó Sở Tư pháp đăng 160 tin, bài trên cổng thông tin của Sở; sinh hoạt “Ngày pháp luật” có 3.606 lượt đơn vị tổ chức được 3.707 cuộc, với 68.597 lượt người dự. Ngoài ra, thực hiện nhiều hình thức phổ biến phong phú, đa dạng khác như: Lồng ghép trong hoạt động hòa giải, các cuộc họp đoàn thể, tư vấn pháp luật, giải thích pháp luật, tin Tư pháp hàng tháng (trong năm đã xuất bản 16.200 quyển).... Nội dung tuyên truyền, phổ biến chủ yếu là Hiến pháp 2013 và các văn bản pháp luật mới ban hành.
Về công tác hành chính tư pháp đã trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch đăng ký và thống kê hộ tịch trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2017-2024 (kèm Quyết định số 887/QĐ-UBND, ngày 26/4/2017), đồng thời, Sở Tư pháp phối hợp với Trường Trung cấp luật Vị Thanh tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch và cấp Giấy nhận cho 131 công chức làm công tác hộ tịch.
Công tác bổ trợ tư pháp: Tiếp tục đi vào nề nếp và phát huy hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực luật sư, công chứng, đấu giá, quản tài viên..., cụ thể: đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3016/QĐ-UBND ngày 15/12/2016 về việc bố trí trụ sở làm việc cũ của Cục thi hành án Dân sự cho Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Long quản lý, sử dụng. Theo đó, Sở Tư pháp có Công văn số 218/STP-VL ngày 22/3/2017 về việc bố trí vị trí làm việc cho Đoàn Luật sư tỉnh Vĩnh Long và Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản một phần diện tích trong trụ sở cũ của Cục thi hành án để dùng làm nơi làm việc; ban hành Quyết định số 629/QĐ-UBND về việc cho phép chuyển đổi Phòng công chứng số 1 tỉnh Vĩnh Long thành Văn phòng công chứng Tạ Thị Thật; quyết định về việc cho phép chuyển đổi Văn phòng công chứng Khả Quan, Văn phòng công chứng Thiên Lộc từ Văn phòng công chứng có một công chứng viên sang Văn phòng công chứng hợp danh; Quyết định số 3150/QĐ-UBND ngày 28/12/2016 cho phép thành lập Hội Công chứng viên tỉnh Vĩnh Long. Kết quả cụ thể:
- Các tổ chức hành nghề luật sư đã thực hiện 660 vụ việc với tổng doanh thu 698.516.363 đồng, nộp thuế 59.249.907 đồng.
- Các tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện 7.049 việc công chứng, chứng thực 12.243 bản sao và 208 việc chứng thực chữ ký trong các giấy tờ văn bản. Tổng số phí thu được 2.054.902.100 đồng. Nộp ngân sách/thuế 340.492.960 đồng.
- Các tổ chức bán đấu giá đã ký 270 hợp đồng, thực hiện được 437 cuộc bán đấu giá, trong đó có 154 cuộc bán đấu giá thành với giá khởi điểm 225.101.248.070 đồng, giá bán 259.721.759.189 đồng. Tổng số phí đấu giá thu được 732.159.415 đồng, nộp ngân sách 11.088.917.786 đồng.
Trong công tác Trợ giúp pháp lý: Tổ chức các hoạt động hướng tới kỷ niệm 20 năm ngày thành lập tổ chức trợ giúp pháp lý (06/9/1997- 26/9/2017). Tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg ngày 08/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành chính sách Trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo thôn bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 – 2020 và hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình trên địa bàn tỉnh.
Năm 2017, đã tiếp nhận 200 vụ việc trợ giúp pháp lý, kết quả đã hoàn thành 140 vụ việc, chuyển sang kỳ sau 60 vụ việc với tổng số 131 lượt người được trợ giúp pháp lý, đối tượng được trợ giúp chủ yếu là người nghèo, người có công, người khuyết tật, trẻ em không nơi nương tựa, ...
Nhìn chung, công tác tư pháp năm 2017 đã bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân Tỉnh và UBND Tỉnh, Bộ Tư pháp được triển khai toàn diện, có trọng tâm, đạt được nhiều kết quả tích cực. Kịp thời triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tham mưu Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành các Chương trình, Kế hoạch ngay từ đầu năm, đảm bảo về thời hạn cũng như chất lượng nội dung như: Chương trình công tác tư pháp năm 2017, kiểm soát thủ tục hành chính; phổ biến, giáo dục pháp luật; kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2017, Kế hoạch thực hiện công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính năm 2017 trên địa bàn Tỉnh. đảm bảo thực hiện nhiệm vụ được giao đúng thời gian và tiến độ./.
(Thiện -Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Long)