Thừa Thiên Huế: Một số giải pháp nâng cao việc xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

15/11/2017
Nhằm đánh giá khả năng bảo đảm đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của các xã, phường, thị trấn theo quy định tại Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08 tháng 05 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ, Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với các cơ quan, địa phương tổ chức khảo sát về vấn đề này. Kết quả khảo sát cho thấy, một số chỉ tiêu bảo đảm theo yêu cầu; một số chỉ tiêu còn hạn chế trong thực hiện, cần có giải pháp khắc phục.
Về cơ bản, đa số các xã, phường, thị trấn đều có các chỉ tiêu đạt kết quả cao. Chỉ tiêu có kết quả tốt thuộc về các nhóm việc, như: Ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền; ban hành văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ (Nghị quyết của Đảng ủy hoặc Kế hoạch của Ủy ban nhân dân cấp xã về công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm); giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng trình tự, thủ tục, thời hạn; công khai đầy đủ, kịp thời các thủ tục hành chính; giải quyết các thủ tục hành chính đúng trình tự, thủ tục, thời hạn; tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về thủ tục hành chính; công khai văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính có giá trị áp dụng chung liên quan trực tiếp đến tổ chức, cá nhân trên địa bàn; cung cấp đầy đủ thông tin pháp luật thuộc trách nhiệm cung cấp; tổ chức đối thoại pháp luật; công khai minh bạch các nội dung,… Các nội dung công việc này được pháp luật quy định trách nhiệm thực hiện cụ thể hoặc nhiều nhiệm vụ đã đi vào nề nếp. Do đó, về cơ bản các xã, phường, thị trấn triển khai đảm bảo yêu cầu.
Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu có kết quả đạt tỷ lệ chưa cao hoặc có vướng mắc, hạn chế khi triển khai thực hiện, cụ thể như: Giảm khiếu kiện đông người, khiếu kiện vượt cấp trái phép, kiềm chế, giảm tội phạm và tệ nạn xã hội, không để xảy ra trọng án, tội phạm và tệ nạn xã hội tại một số địa phương; triển khai các hoạt động phổ biến pháp luật cho nhân dân và các hình thức thực hiện (xây dựng, thực hiện chuyên mục thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật qua mạng lưới phát thanh, truyền hình, loa truyền thanh cơ sở theo định kỳ; khai thác tủ sách pháp luật; hoạt động câu lạc bộ pháp luật…); chất lượng hoạt động hòa giải ở cơ sở; thực hiện các hình thức dân chủ ở cơ sở (tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; họp cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình theo quy định, nhân dân tham gia ý kiến, Nhân dân giám sát); bố trí kinh phí cho các nhiệm vụ hầu hết thấp hơn định mức và chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ,…
Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng trên được xác định như sau: Về khách quan, thứ nhất, do sự phát triển kinh tế - xã hội kéo theo sự gia tăng về các vấn đề xã hội (phát triển du lịch, dịch vụ thu hút khách tham quan du lịch, đồng thời phát sinh các vấn đề về tệ nạn xã hội, mất trật tự…); tội phạm ngày càng tinh vi, vi phạm với tính chất và mức độ nguy hiểm. Công tác đấu tranh, bảo đảm an ninh trật tự đòi hỏi phải tăng cường về mọi mặt, trong khi đó, cấp cơ sở còn thiều thốn các điều kiện về nhân lực, vật lực.
Thứ hai, chưa giải quyết toàn diện việc phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho người dân, đặc biệt thanh thiếu niên. Thiếu việc làm, việc làm không ổn định, không đảm bảo đời sống trực tiếp gây ra nhiều vấn đề làm mất trật tự an ninh xã hội. Một bộ phận thanh thiếu niên phải đi làm ăn xa, nhiều người sang nước bạn Lào để làm việc. Sự thiếu kiểm soát từ gia đình, người thân, thêm vào đó thanh niên đang độ tuổi trưởng thành, suy nghĩ chưa đầy đủ, chín chắn, có thể có hành vi vi phạm pháp luật.
Thứ ba, yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao nhưng nguồn lực, kinh phí (ngân sách thu được của địa phương) của các địa phương đa số còn hạn chế, chưa bảo đảm cho việc thực hiện các nhiệm vụ.
Về chủ quan, chủ yếu do nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân chưa đầy đủ, chưa nghiêm túc. Một số trường hợp vi phạm do thiếu hiểu biết pháp luật (thực hiện các thủ tục hành chính, khiếu nại, tố cáo…), một số vi phạm do cố ý (vi phạm pháp luật các lĩnh vực: Giao thông đường bộ, trật tự xã hội, khiếu kiện, đề nghị giải quyết các thủ tục hành chính mà biết rõ là pháp luật không cho phép, không quy định). Công tác triển khai các biện pháp thực hiện dân chủ ở cơ sở chưa hiệu quả.
Giải pháp để nâng cao kết quả xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
Để đảm bảo điều kiện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về thể chế, chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện và đầu tư nguồn lực hợp lý.
Về thể chế, hoàn thiện các quy định pháp luật thuộc các lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực đất đai. Hệ thống pháp luật hiện nay cần được tiếp tục rà soát, hạn chế tình trạng chồng chéo, mâu thuẩn, năng cao hiệu lực, hiệu quả trong điều chỉnh các mối quan hệ. Đây cũng là căn cứ để nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và các công tác khác.
Tạo sự ổn định trong thực hiện các thủ tục hành chính. Thủ tục hành chính ban hành cần có thời gian để triển khai và đi vào cuộc sống. Do đó, khi ban hành các chính sách, văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền bảo đảm tính ổn định lâu dài. Có thể quy định thời hạn nhất định (3 năm hoặc 5 năm) để thực hiện rà soát tổng thể Bộ thủ tục hành chính và ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các thủ tục hành chính.
Tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho nhân dân. Mẫu tờ khai thiết kế dễ hiểu, loại bỏ các giấy tờ không cần thiết trong một số thủ tục hành chính.
Về chỉ đạo, điều hành, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật. Các chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật là tổng hợp tất cả các lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân cấp xã. Về mặt nghiệp vụ, có nhiều lĩnh vực thuộc thẩm quyền chỉ đạo, hướng dẫn của các Sở, ngành. Do đó, cần sự vào cuộc quyết liệt của tất cả các cấp, các ngành nhằm triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ các chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật.
Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể, các cấp. Công tác phối hợp không chỉ trong thực hiện đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật mà còn trong thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn cụ thể, như: Ủy ban nhân dân cấp xã với công an trong xác minh, thực hiện các thủ tục hành chính; với Mặt trận Tổ quốc trong triển khai các nhiệm vụ về hòa giải ở cơ sở, quy chế dân chủ ở cơ sở; với Bảo hiểm xã hội trong cấp thẻ khám chữa bệnh cho trẻ em…
Thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Đây là nhiệm vụ quan trọng của các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện đối với cấp cơ sở trong thực hiện các chỉ tiêu tiếp cận pháp luật. Nhiệm vụ đặc biệt được yêu cầu đối với công tác rà soát, xây dựng, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện các thủ tục hành chính; giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Trong công tác tổ chức thực hiện, cần thông tin, tuyên truyền pháp luật để nhân dân nắm bắt. Nhiệm vụ này đã được thực hiện từ trước đến nay. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành, nhiều quy định pháp luật được sửa đổi, bổ sung, cần triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức thích hợp để phổ biến kịp thời cho nhân dân.
Cần có sự phân loại, chú trọng những trường hợp người dân không biết chữ, người già, người khuyết tật để có giải pháp phù hợp. Yêu cầu này hết sức cấp thiết. Thực tế nhiều địa bàn có tỷ lệ người không biết chữ, người già, người khuyết tật bị hạn chế các điều kiện để tiếp cận thông tin, tiếp cận pháp luật. Do đó, về mặt cơ chế và trong công tác tổ chức thực hiện, cơ quan chức năng và các cấp, các ngành cần quan tâm chú trọng hơn đến những trường hợp này.
Tuyên truyền để người dân chủ động tìm hiểu, nắm bắt thông tin về các thủ tục hành chính. Đa số hiện nay cho thấy, thủ tục hành chính được công khai, niêm yết khá đầy đủ, kịp thời trên các Cổng/trang thông tin điện tử hoặc dán tại Bộ phận “Một cửa” của các địa phương. Tuy nhiên, việc người dân quan tâm, nghiên cứu để thực hiện còn khá ít. Vấn đề này có nhiều nguyên nhân, có thể do người dân còn ngại khi đứng đọc thủ tục tại cơ quan hành chính; khi đến thực hiện thủ tục hành chính thì chỉ lo nộp hồ sơ và nghe cán bộ hướng dẫn; hướng dẫn khó hiểu… Do đó, cần có giải pháp để người dân nắm bắt, hiểu được các thủ tục hành chính để thực hiện thuận lợi, ví dụ như: Niêm yết các thủ tục hành chính ngay tại nhà để xe (sẽ thuận lợi cho người dân để nghiên cứu vì không mất thời gian đi vào trụ sở; tâm lý đỡ ngại hơn so với đứng tại trung tâm); cấp phát tờ rơi, tờ gấp cho từng hộ gia đình.
Tổ chức hướng dẫn người dân về các thủ tục hành chính một cách phù hợp, hiệu quả. Nhiều trường hợp người dân không biết chữ hoặc đọc các hướng dân, các thủ tục hành chính nhưng vấn không hiểu rõ… cần bố trí cán bộ để giải đáp, hướng dẫn những trường hợp này.
Có biện pháp tiếp cận Nhân dân phù hợp, nhất là trong trường hợp thực hiện các hình thức dân chủ ở cơ sở, lấy ý kiến đóng góp của Nhân dân đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội như hiện nay, hình thức tổ chức họp dân có lúc, có nơi không phát huy hiệu quả (thời gian hành chính bận đi làm, buổi tối thì không có thời gian, chở con đi học, dạy con học…); cần nghiên cứu có thêm các hình thức phù hợp khác (có thể phân loại công việc và nhóm việc, việc gì quan trọng, thiết thực họp dân đầy đủ; ứng dụng công nghệ thông tin để triển khai một số việc; loa truyền thanh cơ sở…)
Đầu tư nguồn lực hợp lý, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tăng cường cơ sở vật chất, kinh phí cho các hoạt động. Đối với kinh phí, hướng dẫn các địa phương xây dựng kinh phí đúng trình tự theo quy định của Luật Ngân sách. Trường hợp địa phương không tự cân đối được ngân sách thì đề nghị cấp trên hỗ trợ theo quy định. Việc này nhằm bảo đảm cho kinh phí được bảo đảm đúng quy định.
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ không chỉ về chuyên môn nghiệp vụ mà còn kỹ năng mềm để giải quyết các tình huống, đặc biệt trong trường hợp tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính.
Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện cải cách thủ tục hành chính. Thông tin kịp thời các văn bản, chính sách pháp luật mới không chỉ qua Cổng/Trang thông tin điện tử, mà còn thông tin cho cán bộ có trách nhiệm qua email về việc có thay đổi thủ tục hành chính để cấp cơ sở nắm bắt, triển khai kịp thời./.

Nguyễn Thị Đào – Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế