Nghệ An: Đánh giá việc thi hành nghị định 110/2013/NĐ-CP và 67/2015/NĐ-CP - Một số vướng mắc và kiến nghị

19/10/2017
Để triển khai hiệu quả Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 29/4/2016 và Nghị định số 67/2015/NĐ-CP ngày 14/8/2015 của Chính phủ , Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp tổ chức triển khai thực hiện, trong đó Sở Tư pháp là cơ quan tham mưu phối hợp với nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, như: tổ chức hội nghị tập huấn, bồi dưỡng; lồng ghép phổ biến trong các hội nghị, cuộc họp, buổi nói chuyện; tuyên truyền trên chuyên trang, chuyên mục báo, tạp chí, Đài PTTH; mua và cấp phát tài liệu pháp luật; in ấn, phát hành tài liệu, tờ gấp; tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở .Vì vậy trong những năm qua, tình hình vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản Doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực.
Nhìn chung các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã đều được cơ quan chức năng phát hiện, lập biên bản và xử lý kịp thời đúng theo quy định của pháp luật hiện hành. Cụ thể từ tháng 11/2013 đến tháng 7/2017 toàn tỉnh đã phát hiện số vụ xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 và Nghị định số 67/2015/NĐ-CP ngày 14/8/2015 của Chính phủ là 387 QĐ xử phạt vi phạm hành chính trên tất cả các lĩnh vực.
 Các lĩnh vực hoạt động xảy ra hành vi vi phạm hành chính là lĩnh vực hôn nhân, gia đình, hộ tịch, chứng thực; công chứng; luật sư, bán đấu giá tài sản, Lĩnh vực chưa phát hiện và xử lý vi phạm là: tư vấn pháp luật, giám định tư pháp, trọng tài thương mại, trợ giúp pháp lý, đăng ký giao dịch bảo đảm. Các hành vi vi phạm phổ biến: hành vi vi phạm về quy định về điều kiện đăng ký kết hôn; hành vi vi phạm đăng ký hộ tịch không đúng thẩm quyền; hành vi sửa chữa, tẩy xóa giấy tờ, làm sai lệch giấy tờ, khai báo không trung thực trong đăng ký hộ tịch; vi phạm đăng ký hộ tịch quá hạn; hành vi sửa chữa, tấy xóa giấy tờ chứng thực; một số sai sót trong nghiệp vụ, trong thông tin báo cáo, đăng báo,  lưu trữ hồ sơ các lĩnh vực công chứng, đấu giá , luật sư.
    Tuy nhiên theo thống kê từ Sở Tư pháp và UBND các huyện, thành phố, thị xã cho thấy kết quả xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp ở địa phương, cơ sở thực hiện chưa nghiêm túc; trong đó có một số huyện chưa xử phạt trường hợp nào; một số huyện, xã đã tiến hành xử phạt nhưng chỉ dừng lại ở hình thức xử phạt cảnh cáo; các hình thức xử phạt vi phạm hành chính nghiêm minh theo quy định chủ yếu do thanh tra Sở Tư pháp thực hiện.
 Trong quá trình thực hiện vẫn còn những khó khăn, vướng mắc sau: một số quy định tại Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 còn bất cập, chưa phù hợp với hoàn cảnh thực tế dẫn đến trong quá trình áp dụng thực hiện việc xử lý vi phạm hành chính còn khó khăn, vướng mắc. Chẳng hạn trường hợp xác định khái niệm và phân biệt hành vi “chung sống như vợ chồng” với hành vi “ngoại tình”; trường hợp cố ý khai báo không trung thực khi yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp cũng chưa được quy định xử phạt trong Nghị định…
 Trong cấp phát bằng, chứng chỉ, các trường đại học, cao đẳng chưa có sự thống nhất về mẫu, màu sắc, kích thước phôi bằng, chứng chỉ nên dễ bị làm giả và rất khó phát hiện, giám định để xử phạt vi phạm hành chính.
 Đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp thì Nghị định 110/2013/NĐ-CP và Nghị 67/2015/NĐ-CP chưa quy định cụ thể các hình thức xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư. Như vấn đề luật sư không trợ giúp pháp lý miễn phí cho đối tượng chính sách; tổ chức luật sư không lưu trữ hồ sơ, hoặc lưu trữ không đầy đủ hồ sơ hoạt động nghiệp vụ nhưng việc áp dụng pháp luật để xử lý vi phạm còn gặp khó khăn.
 Theo quy định tại điểm b, c khoản 1, Điều 48, Nghị định 110/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 01 đến 03 triệu đồng đối với một trong các hành vi “đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác; chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ”. Trên thực tế, để xác định rõ như thế nào là chung sống như vợ chồng để áp dụng xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này là rất khó khăn. Hành vi vi phạm này thường được thực hiện không công khai, không sống chung, không có tài sản chung, có hoặc không có con chung,  hành vi này khác với hành vi “chung sống như vợ chồng”, không thường xuyên ở với nhau hàng ngày, nhưng về hậu quả, tác hại của hai hành vi này là như nhau.
 Biện pháp “hủy bỏ giấy tờ giả” chưa được hướng dẫn trình tự, thủ tục xử lý nên khi phát hiện ra giấy tờ giả còn lúng túng trong khâu xử lý. Việc phát hiện các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng thực bản sao từ bản chính còn hạn chế, nhất là đối với các trường hợp sử dụng giấy tờ, văn bằng chứng chỉ giả. Đối với quản lý về Lý lịch tư pháp: Hành vi khai báo không trung thực khi yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp cũng chưa được quy định trong Nghị định. Một số trường hợp công dân đã khai không đúng sự thật các thông tin về nhân thân, nơi thường trú, quê quán, năm sinh, ảnh hưởng đến việc xác minh tại các cơ quan liên quan hoặc ở những địa phương khác, ảnh hưởng đến công tác phối hợp, trao đổi thông tin, lưu trữ thông tin… và thời gian giải quyết hồ sơ cho công dân.
 Lĩnh vực vực bổ trợ tư pháp đối với hoạt động công chứng: Qua thực tiễn cho thấy, có tổ chức hành nghề công chứng không thực hiện đúng quy định về chế độ làm việc theo ngày, giờ làm việc của cơ quan hành chính, gây phiền hà cho công dân và các tổ chức khi liên hệ giao dịch. Hành vi này trước đây được quy định cụ thể tại điểm đ, khoản 1, Điều 21, Nghị định số 60/2009/NĐ-CP ngày 23/7/2009, nhưng Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 không quy định hành vi này. Trong khi đó, tại khoản 3, Điều 33, Luật Công chứng năm 2014 yêu cầu các tổ chức hành nghề công chứng phải “thực hiện chế độ làm việc theo ngày, giờ làm việc của cơ quan hành chính nhà nước”.
 Từ vướng mắc trên Nghệ An  đề xuất kiến nghị:
 Về quy định hành vi vi phạm: Đề nghị bãi bỏ khoản 1, Điều 27, Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ: Cảnh cáo đối với người có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em mà không thực hiện việc đăng ký đúng thời hạn quy định. Theo đó thì cha, mẹ có trách nhiệm đi khai sinh cho con, nếu không có thể ông, bà hoặc người thân thích khác làm việc này. Vì vậy xác định phạt cảnh cáo đối với người có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em mà không thực hiện việc đăng ký là khó xác định chủ thể vi phạm.
 Đề nghị bổ sung quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp cố tình có hành vi khai báo lý lịch không trung thực để yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp, như: Công dân khai không đúng sự thật các thông tin về nhân thân, nơi thường trú, năm sinh, tiền án, tiền sự…
 Từ thực tiễn trên đề nghị các cơ quan chức năng cần tham mưu sửa đổi bổ sung Nghị định nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tư pháp./.
Nguyễn Quế Anh- PGĐ STP Nghệ An