Thực tế tại Tòa án kiểm toán Vùng đảo nước Pháp và Phòng Thương mại quốc tế tại Paris

18/09/2018
Thực tế tại Tòa án kiểm toán Vùng đảo nước Pháp và Phòng Thương mại quốc tế tại Paris
Trong Chương trình học tập, nghiên cứu về “Phát triển năng lực lãnh đạo, quản trị nhân sự” của Đề án 165 được tổ chức tại Trường American Graduate School in Paris, trong các ngày 13 - 14/9/2018, Đoàn công tác nghiên cứu, học tập của Đề án 165 do đồng chí Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp làm trưởng đoàn đã đến tìm hiểu thực tế và trao đổi với đại diện Tòa án kiểm toán Vùng đảo nước Pháp (Chambre région des comptes d’Île-de-France) và Phòng thương mại quốc tế (International Chamber Of Commerce - ICC) tại Paris.
1. Tại Tòa án kiểm toán Vùng đảo nước Pháp, Đoàn công tác đã được ông Gilles Bizeul - Phó Chánh án Tòa kiểm toán Vùng đảo nước Pháp và một số thành viên của Tòa án đón tiếp, trao đổi về chức năng, quyền hạn, tổ chức bộ máy và một số kết quả đã đạt được.
Cộng hòa Pháp áp dụng chế độ phân quyền từ trung ương xuống địa phương. Lãnh thổ được chia thành 13 vùng ở lãnh thổ chính quốc và 05 vùng hải ngoại. Trong đó, Vùng đảo nước Pháp gồm Paris và vùng lân cận, gồm 08 tỉnh (tỉnh được chia thành cấp quận (cấp trung gian) và cấp xã). Hệ thống Tòa án kiểm toán được thiết lập ở Trung ương và 12 vùng, Tòa án kiểm toán Vùng đảo nước Pháp có thẩm quyền tại 08 tỉnh này và và 01 đảo hải ngoại.
Trong khi Tòa án kiểm toán trung ương dược thành lập từ năm 1807, thì Tòa án kiểm toán vùng được thành lập từ năm 1982 căn cứ theo luật phân quyền cho chính quyền địa phương. Thẩm phán làm việc tại Tòa án kiểm toán độc lập với nghị viện, chính phủ khi thực hiện chức năng tài phán tài chính. Tòa án kiểm toán vùng có thẩm quyền liên quan đến tất cả tài chính công, ngân sách trung ương cấp cho địa phương; các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước do vùng quản lý; các hiệp hội, các tổ chức sử dụng tài chính công để hoạt động; các công ty, tập đoàn địa phương. Tòa án kiểm toán vùng có thẩm quyền liên quan đến chi tiêu công trong các đơn vị hành chính thuộc vùng (bao gồm cả cấp xã).
Chức năng của Tòa án kiểm toán vùng Đảo nước Pháp được khái quát thành 03 chức năng chính là: Chức năng tài phán: kiểm tra, phán quyết về các báo cáo tài chính công (chức năng này chiếm 15% khối lượng công việc của Tòa án); Chức năng kiểm tra, giám sát quản lý tài chính công của các chính quyền, đơn vị thuộc phạm vi kiểm toán của vùng (chức năng này chiếm 70% công việc); Chức năng kiểm tra, giám sát về ngân sách (trên cơ sở đơn yêu cầu của tỉnh trưởng).


Ngoài ra, Tòa án kiểm toán khu vực còn có chức năng khác về tư vấn, thẩm định… các vấn đề liên quan đến tài chính công. Về nguồn lực, Tòa án kiểm toán Vùng Đảo nước Pháp có 128 nhân viên, trong đó có 01 Chánh tòa, 01 Phó Chánh tòa, 37 thẩm phán, 37 kiểm toán viên, 21 nhân viên phục vụ, 10 nhân viên thư ký. Về tổ chức, Tòa án bao gồm 06 phân tòa (hay Ban kiểm toán), 02 phòng giúp việc, 01 ban kế hoạch.
2. Tại Phòng thương mại quốc tế, Đoàn công tác đã được bà Gabriele Ruscalla - Chánh Tòa quốc tế phụ trách châu Âu và các thành viên của Phòng Thương mại quốc tế giới thiệu về tổ chức và hoạt động của Phòng Thương mại quốc tế và Tòa án Trọng tài quốc tế là một cơ quan giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế của Phòng Thương mại quốc tế.
Phòng Thương mại quốc tế có 11 ủy ban với ba chức năng chính là: thiết lập quy tắc, giải quyết tranh chấp và vận động chính sách. Phòng Thương mại quốc tế hiện có 180 thành viên, thường tổ chức các cuộc họp 02 kỳ/năm (mùa thu, mùa xuân). Các hoạt động ưu tiên hàng đầu của tổ chức này hiện nay là xây dựng chương trình nghị sự của tổ chức; hỗ trợ mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc và phát triển thương mại toàn cầu.
Các quy tắc của Phòng Thương mại quốc tế chi phối hoạt động kinh doanh, thương mại toàn cầu. Mặc dù các quy tắc này là tự nguyện nhưng chúng được kiểm soát, đánh giá và được đa số các quốc gia trên thể giới vận dụng và đã trở thành một phần của thương mại quốc tế. Phòng Thương mại quốc tế hỗ trợ công việc của Liên hiệp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và nhiều tổ chức liên chính phủ, tổ chức quốc tế và khu vực, như G20, G7. Cuối năm 2016, Tổ chức thương mại thế giới (WTO) đã trao cho Phòng Thương mại quốc tế vai trò là người giám sát thường trực tại WTO.
Về Tòa án Trọng tài quốc tế (International Court of Arbitration), đây là tổ chức trọng tài quốc tế trong Phòng Thương mại quốc tế có trụ sở chính tại Paris và có những văn phòng đặt tại Braxin, New Yord, Hồng Kông, Sao Pa Lo, Singapore… Từ khi thành lập đến nay, Tòa án Trọng tài quốc tế đã có 07 quy tắc (gần nhất là tháng 3/2017) điều chỉnh thủ tục và quy trình giải quyết tranh chấp bằng trọng tài của Tòa án Trọng tài quốc tế từ bắt đầu cho đến khi kết thúc.
Tòa án Trọng tài quốc tế có nhân sự từ nhiều nguồn khác. Trọng tài viên là những luật sư, giáo sư luật học, trưởng khoa các khoa luật chuyên về thương mại quốc tế. Tòa án có 01 Chủ tịch Trọng tài và 15 phó chủ tịch, 145 thành viên. Việc tổ chức các phiên họp diễn ra: 1 tuần tổ chức phiên họp hẹp (các nhóm) vào thứ năm và họp phiên toàn thể 1 tháng/ lần. Trọng tài viên được chỉ định phải tuyên thệ về ứng xử khách quan, vô tư, độc lập. Tòa án Trọng tài quốc tế giám sát bằng 02 cơ chế: Quyền thay đổi trọng tài viên; miễn trách nhiệm trọng tài viên và thay thế bằng trọng tài viên khác.
Bên cạnh tính độc tập của Trọng tài, Hội đồng trọng tài giải quyết vụ việc, trong quy tắc hoạt động, Tòa án Trọng tài quốc tế có thẩm quyền kiểm tra toàn bộ trình tự thủ tục trọng tài cho đến khi ra phán quyết (thẩm quyền quản lý hành chính). Các bên tranh chấp giải quyết theo hình thức trọng tại có thể tiến hành thủ tục trọng tài đặc biệt giải quyết vụ việc khẩn cấp (với mức phí 40.000 usd /1 trường hợp). Thủ tục trọng tài rút gọn được áp dụng đối với các vụ việc có giá trị tranh chấp dưới 02 triệu USD (từ sau ngày 01/3/2017) - nó chiếm 32% vụ việc trọng tài tại đây hoặc xuất phát từ yêu cầu của các bên tranh chấp khi: Trong điều khoản hợp đồng có quy định áp dụng thủ tục rút gọn; các bên có thỏa thuận áp dụng thủ tục rút gọn khi có tranh chấp. Từ khi có quy định trong bộ quy tắc trọng tài này, có 01 bên Việt Nam đã giải quyết bằng thủ tục này.
Trần Hoàng Hưng