Toàn Ngành Tư pháp nỗ lực hưởng ứng lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

08/06/2018
Toàn Ngành Tư pháp nỗ lực hưởng ứng lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Những ngày này, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang háo hức tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2018). Hòa chung không khí sôi nổi ấy của cả nước, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Trần Tiến Dũng xung quanh các hoạt động thiết thực của Bộ, Ngành Tư pháp hưởng ứng đợt kỷ niệm quan trọng này.

* Thưa Thứ trưởng, ông có thể cho biết Bộ, Ngành Tư pháp đã tổ chức triển khai các hoạt động nào để kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc?
- Xác định năm 2018 là năm có nhiều hoạt động thi đua đặc biệt, ngay từ đầu năm, Bộ trưởng, Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch phát động phong trào thi đua đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Ngành để hướng tới Kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, thiết thực lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn, những sự kiện quan trọng của đất nước và của Bộ, Ngành, tạo khí thế thi đua quyết tâm hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác tư pháp.
Bộ, Ngành Tư pháp bám sát nhiệm vụ chính trị được giao năm 2018, phát huy truyền thống 72 năm xây dựng và phát triển, ra sức thi đua, quyết tâm phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ với các phong trào thi đua: “Toàn Ngành Tư pháp tiếp tục đổi mới lề lối làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao năm 2018”; “Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới”; “Cán bộ Tư pháp đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; “Cả nước chung sức vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”. Đặc biệt, việc triển khai các phong trào thi đua của Bộ, Ngành, bên cạnh bám sát các nhiệm vụ về chuyên môn, chính trị, còn được gắn kết chặt chẽ với thực hiện Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp (do Bộ Tư pháp ban hành năm 2012).
Ngoài ra, Bộ còn ban hành Kế hoạch phát động phong trào thi đua theo Chuyên đề với chủ đề “Cơ quan tư pháp địa phương đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, thi đua đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp năm 2018”. Trong đó tập trung vào công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; công tác hộ tịch, chứng thực…
 Thực hiện các Kế hoạch phát động trên, hầu hết cơ quan, đơn vị, Cụm, Khu vực thi đua trong toàn Ngành đã nỗ lực phấn đấu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác. Nổi bật là đã tham mưu cho Chính phủ và tổ chức triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức thi hành pháp luật; hoàn thành, hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu, nhiệm vụ về thi hành án dân sự 6 tháng đầu năm 2018; thực hiện tốt các công tác về hộ tịch, chứng thực, các hoạt động bổ trợ tư pháp trong toàn Ngành…
Bộ cũng đã tiến hành chọn cử 02 điển hình tiên tiến của Ngành có nhiều năm đạt danh hiệu thi đua hình thức cao tham dự Lễ Kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc do Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương tổ chức vừa qua.
Cùng với đó, thực hiện Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch phát động đợt thi đua đặc biệt chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc.
* Như Thứ trưởng vừa đề cập, Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch phát động đợt thi đua đặc biệt chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Xin Thứ trưởng chia sẻ thêm về mục đích, nội dung của đợt thi đua đặc biệt này?
- Bộ Tư pháp mong muốn thông qua đợt thi đua sẽ nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong Ngành về vị trí, vai trò, tác dụng của phong trào thi đua và công tác khen thưởng theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động hội nhập quốc tế. Đồng thời, đẩy mạnh công tác phát hiện, xây dựng, bồi dưỡng, tuyên truyền, nêu gương và nhân rộng điển hình tiên tiến; kịp thời biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình, tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Ngành Tư pháp phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn được giao.
Với đợt thi đua đặc biệt này, Bộ phát động tiếp tục triển khai có hiệu quả 03 phong trào thi đua trọng tâm, nòng cốt trong các phong trào thi đua, yêu nước giai đoạn hiện nay. Theo đó, phong trào “Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới” tập trung thúc đẩy hoàn thành các tiêu chí về xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020;
Với phong trào “Cán bộ Tư pháp tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” thì đẩy mạnh quán triệt, học tập Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 27/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản liên quan để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động nhận thức sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, vận dụng thực hiện trong thực thi nhiệm vụ, công vụ và trong đời sống xã hội hiện nay.
Còn trong phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” sẽ tập trung vào các hoạt động nghiên cứu, phát huy sáng kiến trong xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các văn bản, đề án, chính sách thực hiện mục tiêu giảm nghèo; tăng cường tổ chức các hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật; hòa giải cơ sở; trợ giúp pháp lý; đăng ký hộ tịch miễn phí cho người nghèo; đóng góp công sức, giúp đỡ cơ sở vật chất cho xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, góp phần hỗ trợ các địa bàn nghèo thực hiện có hiệu quả chính sách, chương trình giảm nghèo.
Bên cạnh đó, đợt thi đua đặc biệt này còn chú trọng thực hiện phong trào “Cơ quan tư pháp địa phương đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, thi đua đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp năm 2018” đã đề ra.
* Một trong những mục đích, yêu cầu của đợt thi đua là đẩy mạnh công tác phát hiện, suy tôn, tuyên truyền, giới thiệu các gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu xuất sắc của Ngành Tư pháp. Theo Thứ trưởng, các đơn vị thuộc Bộ sẽ phải làm những công việc gì để đáp ứng yêu cầu này?
- Công tác phát hiện, suy tôn, tuyên truyền, giới thiệu các gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu xuất sắc là một truyền thống tốt đẹp của Bộ, Ngành Tư pháp. Những năm gần đây, Bộ liên tục đổi mới các hình thức suy tôn, tuyên truyền mà đặc biệt là năm 2017 đã ra quyết định công nhận các điển hình tiên tiến, được biểu dương trong Khối các cơ quan Nội chính Trung ương.
Nối tiếp truyền thống đó, bên cạnh chọn cử 02 điển hình tiên tiến tham dự Lễ Kỷ niệm nêu trên, từ nay đến hết tháng 10/2018, Bộ, Ngành sẽ lựa chọn suy tôn, công nhận 32 điển hình tiên tiến Ngành Tư pháp (gồm 16 tập thể, 16 cá nhân) là các tập thể, cá nhân tiêu biểu, nhiều cá nhân là công chức không phải lãnh đạo đã được cơ quan có thẩm quyền các cấp tặng nhiều danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cao từ các phong trào thi đua giai đoạn năm 2010 đến năm 2017 của Ngành Tư pháp, tổ chức thực hiện tuyên truyền, nêu gương trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài Ngành.
Lãnh đạo Bộ yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Sở Tư pháp, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các cấp ủy, tổ chức Đảng, các tổ chức đoàn thể phổ biến, quán triệt, tổ chức thực hiện phong trào thi đua đặc biệt đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý. Đồng thời, giao Vụ Thi đua - Khen thưởng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra việc tổ chức, triển khai thực hiện phong trào thi đua; tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện phong trào thi đua; lựa chọn suy tôn, công nhận điển hình tiên tiến, tiêu biểu xuất sắc của Ngành Tư pháp để tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài Ngành; tổ chức tổng kết phong trào thi đua bằng hình thức phù hợp, kết hợp hoạt động gặp mặt nêu gương điển hình tiên tiến vào dịp tổng kết phong trào thi đua đặc biệt...
Bộ cũng đã giao Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Báo Pháp luật Việt Nam, Văn phòng Bộ, Nhà xuất bản Tư pháp, Cục Công nghệ thông tin và các cơ quan thông tin, báo chí khác trong Ngành Tư pháp bám sát các hoạt động của các cơ quan, đơn vị trong Ngành để đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phong trào thi đua yêu nước, các gương điển hình tiên tiến, những nhân tố mới, mô hình mới, người tốt, việc tốt làm nòng cốt thúc đẩy phong trào thi đua, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu công tác được giao năm 2018.
* Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Hoàng Thư (thực hiện)