Bộ trưởng Lê Thành Long quyết tâm đưa triển khai Ngày Pháp luật thành nhiệm vụ thường xuyên

19/03/2018
Bộ trưởng Lê Thành Long quyết tâm đưa triển khai Ngày Pháp luật thành nhiệm vụ thường xuyên
Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) là một trong những lĩnh vực công tác trọng tâm của Bộ, ngành Tư pháp. Vì vậy, tại phiên họp 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra sáng 19/3 dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, nhiều Đại biểu Quốc hội đã quan tâm nêu rất nhiều câu hỏi đối với lĩnh vực này khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.

Cần sự đồng hành của các cơ quan, ban, ngành
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang Nguyễn Thanh Thủy cho rằng, pháp luật đã quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong truyên truyền, PBGDPL. Tuy nhiên, Đại biểu Thủy đề nghị Bộ trưởng làm rõ hơn về công tác phối hợp trong công tác này và đâu là giải pháp khắc phục những bất cập hiện nay.
Trả lời Đại biểu Thủy, Bộ trưởng Lê Thành Long, công tác PBGDPL thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, tác động trực tiếp vào ý thức của con người. Kết quả tích cực này thể hiện trên nhiều mặt, trong đó có cố gắng của cả hệ thống chính trị, của từng cơ quan.
Riêng về thiết chế Hội đồng phối hợp PBGDPL, theo Bộ trưởng, đây là thiết chế điều phối, tham mưu làm tốt hơn công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành ở Trung ương và địa phương. Đánh giá cao những cố gắng trong hoạt động của Hội đồng phối hợp thời gian qua, Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra một số công việc phải tiếp tục nỗ lực hơn trong phối hợp của Hội đồng.
Theo đó, chưa phát huy đầy đủ vai trò của từng thành viên Hội đồng, ở đây là vai trò tham mưu, là lực lượng nòng cốt của cơ quan mình, địa phương mình trong phối hợp với các bộ, ngành với nhau. Ngoài ra, phiên họp Hội đồng nhiều lúc không đi đầy đủ, khi thành viên Hội đồng có 16 lãnh đạo cơ quan, ban, ngành song chỉ 1-2 lãnh đạo cơ quan, ban, ngành đi họp thì rõ ràng về mặt kỷ luật hành chính là hạn chế. Đồng thời, một số đề án chưa được phối hợp thực hiện tốt. Bộ trưởng nhấn mạnh đã nhìn nhận những bất cập này để xác định giải pháp khắc phục phù hợp nhằm tăng cường hiệu quả phối hợp.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh ý nghĩa của Ngày Pháp luật Việt Nam và cho rằng cần tổ chức thêm nhiều hoạt động để mọi người hiểu hơn về Ngày Pháp luật.
Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, Ngày Pháp luật là quy định được thể hiện tại Luật PBGDPL nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật và quan niệm đây là quy định thành công nhất của năm. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, hàng năm Bộ Tư pháp đều có văn bản hướng dẫn thực hiện Ngày Pháp luật với nhiều hình thức đa dạng, mỗi năm một chủ đề để các bộ, ngành địa phương tùy theo thực tế của bộ, ngành mình tổ chức thực hiện.
Thực tiễn cho thấy nhiều bộ, ngành địa phương làm tốt Ngày Pháp luật như TP HCM, Bộ Công an hay Bộ Tư pháp cũng tổ chức thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến cho học sinh… Bên cạnh đó, cũng có một số bộ, ngành chưa thực hiện rốt ráo Ngày Pháp luật. Tới đây, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục tuyên truyền nhiều hơn về Ngày Pháp luật trên phương tiện truyền thông, đẩy mạnh hướng dẫn thực hiện Ngày Pháp luật, nhân rộng mô hình hay, cách làm mới và lựa chọn các chủ đề phù hợp, được dư luận quan tâm… để làm sao đưa việc triển khai Ngày Pháp luật trở thành nhiệm vụ thường xuyên, chứ không phải chỉ làm trong vài ngày cao điểm.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thị Kim Bé nhận thấy một số chương trình PBGDPL còn chồng chéo, lãng phí và muốn biết quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này.
Bộ trưởng Lê Thành Long cũng thẳng thắn cho rằng nhận định như vậy có cơ sở, bởi qua rà soát, chỉ tính về mặt số lượng thì triển khai Chương trình PBGDPL giai đoạn 2012-2016 do Thủ tướng Chính phê duyệt có 8 đề án, còn giai đoạn 2017-2021 tiếp tục triển khai có 5 đề án. Ngoài ra còn có các chương trình của các bộ, ngành, địa phương theo thẩm quyền.
Bộ Tư pháp và các bộ, ngành đều ý thức trong bối cảnh nguồn lực có hạn mà nhiệm vụ PBGDPL rất rộng nên phải trọng tâm, trọng điểm, phải bám sát các đối tượng đặc thù để thiết kế các chương trình phù hợp. Thực tế triển khai đúng là có sự phân tán, nguồn lực không tập trung, tổ chức thực hiện cũng làm chưa tốt và Bộ Tư pháp nhận thức rõ vấn đề.
Cùng các giải pháp đã và đang thực hiện, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục đôn đốc, phát huy vai trò tham mưu của các cơ quan tư pháp; cân đối nguồn lực, tích cực đẩy mạnh vai trò Hội đồng phối hợp trong tham mưu và tổ chức thực hiện công tác PBGDPL. Bộ cũng sẽ kiểm tra và giám sát định kỳ, tính toán cân nhắc kỹ sao cho có thể cùng chia sẻ các chương trình, đề án. Bộ trưởng trân trọng đề nghị Đại biểu, cấp ủy, chính quyền địa phương đồng hành cùng Bộ giảm bớt sự chồng chéo này.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật
Báo cáo 60 của Bộ Tư pháp cho biết, trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã áp dụng nhiều giải pháp để tăng cường công tác tuyên truyền, PBGDPL, tới đây, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục áp dụng các giải pháp đã áp dụng có hiệu quả, chú trọng các giải pháp sau:
Quán triệt đầy đủ, thi hành nghiêm túc Luật PBGDPL và các văn bản hướng dẫn để nâng cao nhận thức của các chủ thể về vị trí, vai trò của công tác tuyên truyền, PBGDPL trong thực thi pháp luật; xác định rõ trách nhiệm pháp lý của cơ quan, tổ chức trong triển khai thực hiện, để công tác này thực sự là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của từng cán bộ, là trách nhiệm của mỗi người dân nhằm phát huy đầy đủ nhất tinh thần tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật của cán bộ và Nhân dân.
Tiếp tục trình ban hành, tổ chức thực hiện hiệu quả các Đề án, Kế hoạch về PBGDPL có trọng tâm, trọng điểm để thúc đẩy công tác PBGDPL tại địa bàn đặc thù; thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn địa phương bảo đảm đủ nguồn lực cho công tác PBGDPL; hướng dẫn, triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến luật, pháp lệnh, chính sách mới ban hành, bảo đảm thường xuyên, liên tục, rộng khắp  sát với từng nhóm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, theo dõi việc thực hiện gắn với triển khai Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL.
Hướng dẫn, triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến luật, pháp lệnh, chính sách mới ban hành, bảo đảm thường xuyên, liên tục, rộng khắp sát với từng nhóm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, theo dõi việc thực hiện gắn với triển khai Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL; chú trọng nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả.
Đặc biệt chú trọng xây dựng các Sổ tay hướng dẫn thi hành luật ngay sau khi luật được ban hành; chuẩn hóa tài liệu PBGDPL; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ; bảo đảm nguồn lực, kinh phí PBGDPL cho đối tượng đặc thù, tại các lĩnh vực, địa bàn có điều kiện khó khăn ít có tổ chức, cá nhân tham gia; nâng cao hiệu quả thực thi công vụ theo Hiến pháp và pháp luật gắn với xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm.
Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về PBGDPL, trong đó có việc tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, ban hành kế hoạch; cung cấp thông tin pháp luật; tiếp tục đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức PBGDPL; làm tốt công tác thông tin về pháp luật gắn với triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện để mọi cá nhân, tổ chức tiếp cận, sử dụng thông tin về pháp luật.
Bảo đảm kinh phí cho công tác PBGDPL; thu hút, huy động các nguồn lực khác thông qua việc thực hiện quy định của Luật PBGDPL về xã hội hóa công tác PBGDPL.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin gắn với trình ban hành, triển khai có hiệu quả Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL giai đoạn 2018-2021 (xây dựng, vận hành Cổng thông tin điện tử PBGDPL; biên soạn bài giảng, ấn phẩm, tài liệu PBGDPL điện tử, Tủ sách pháp luật điện tử; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, giải đáp pháp luật, đối thoại chính sách pháp luật trực tuyến...); cập nhật, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, Bộ Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật…
H.Thư