Hội thảo “bạo lực đối với phụ nữ và quyền tiếp cận công lý của phụ nữ”

28/11/2017
Hội thảo “bạo lực đối với phụ nữ và quyền tiếp cận công lý của phụ nữ”
Trong khuôn khổ chương trình hợp tác năm 2017 giữa Bộ Tư pháp với UN WOMEN, vừa qua, tại Quảng Ninh, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo bạo lực đối với phụ nữ và quyền tiếp cận công lý của phụ nữ.
 

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Tiến Châu cho biết, những nghiên cứu của Bộ Tư pháp và UN Women đã thực hiện liên quan đến bạo lực đối với phụ nữ đã chỉ ra những khó khăn, những thách thức trong việc đấu tranh với bạo lực đối với phụ nữ, gồm cả thách thức về chính sách pháp luật, thực thi pháp luật và đặc biệt là thách thức trong vấn đề nhận thức của người dân.
Về vấn đề chính sách pháp luật, trước năm 2015, các nghiên cứu đã chỉ ra một số hạn chế, bất cập của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự. Quy định của BLHS năm 1999 để xử lý nhóm tội xâm hại tình dục đối với phụ nữ còn bị giới hạn trong phạm vi hẹp. Một số quy định của BLTTHS  năm 2013 chưa cụ thể, rõ ràng trong các trình tự, thủ tục tố tụng liên quan đến quy trình giải quyết các vụ án về bạo lực đối với phụ nữ, như vấn đề bảo vệ an toàn và đời tư của nạn nhân; đảm bảo các quyền tranh tụng của nạn nhân, quyền được trợ giúp pháp lý, được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.
Về nhận thức của người dân, các nghiên cứu đều chỉ ra rằng, đây là rào cản lớn nhất trong quá trình giải quyết các vụ việc bạo lực đối với phụ nữ và là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn tới tình trạng nạn nhân của bạo lực không trình báo vụ việc với cơ quan chức năng.

Về những hạn chế trong chính sách pháp luật và trong nhận thức của người dân là hai thách thức cơ bản trong công cuộc đấu tranh với vấn đề bạo lực đối với phụ nữ. Những phát hiện từ các nghiên cứu nêu trên là cơ sở thực tiễn quan trọng, góp phần tích cực vào quá trình sửa đổi, bổ sung BLHS năm 2015 và BLTTHS năm 2015. Những quy định mới của BLHS năm 2015 sẽ cho phép việc xử lý hành vi bạo lực tình dục đối với phụ nữ rộng hơn, bao quát hơn. Bên cạnh đó, BLTTHS 2015 đã có những quy định mới cụ thể, rõ ràng trong việc bảo vệ an toàn thể chất và đời sống riêng tư của nạn nhân với những biện pháp bảo vệ cụ thể, đồng thời, nhiều quy định khác của BLTTHS 2015 nhằm đảm bảo hơn nữa các quyền tố tụng của nạn nhân.
Việt Nam đã là thành viên của Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW) và nhiều Hiệp ước và Công ước quốc tế khác về quyền con người có liên quan đến bạo lực giới, cam kết bảo đảm quyền của người phụ nữ được sống một cuộc sống có phẩm giá và thúc đẩy sự tiếp cận công lý của phụ nữ bị bạo lực. Việt Nam đã và đang từng bước thực hiện tốt những cam kết quốc tế này.  
Các đại biểu tham dự hội thảo còn tập trung thảo luận những khuyến nghị, đề xuất để tăng cường khả năng ứng phó của Việt Nam với vấn đề bạo lực đối với phụ nữ, từ các quy định của pháp luật đến quá trình thực thi những quy định đó nhằm bảo vệ tốt hơn, hiệu quả hơn quyền của phụ nữ nói chung cũng như đảm bảo mọi phụ nữ bị bạo lực đều có quyền tiếp cận với công lý.

Nguyễn Văn Quân, Phòng  PLHC