Phải chủ động tham gia xây dựng quy định xử phạt vi phạm hành chính

15/11/2017
Phải chủ động tham gia xây dựng quy định xử phạt vi phạm hành chính
Đây là yêu cầu của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu khi chủ trì cuộc họp lần thứ nhất Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 110/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã và Nghị định số 67/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 110 diễn ra chiều nay 14/11.

Tăng mức phạt hay bổ sung thêm hình phạt?
Đại diện đơn vị được giao chủ trì xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế, Phó Chánh Thanh tra Đoàn Văn Hường cho biết, nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu của Dự thảo Nghị định bao gồm 5 lĩnh vực có quy định thay thế (luật sư, đấu giá tài sản, đăng ký giao dịch bảo đảm, lý lịch tư pháp, trợ giúp pháp lý), bổ sung 3 lĩnh vực chưa có trong Nghị định 110 (tiếp cận thông tin, thừa phát lại, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước) và một số hành vi vi phạm phát hiện qua thanh tra, kiểm tra chưa được quy định tại Nghị định. Liên quan đến phạm vi sửa đổi, bổ sung này, ông Hường cho biết hiện có 2 loại ý kiến. Cụ thể, loại ý kiến thứ nhất lý giải Nghị định 110 đang quy định xử phạt hành chính đối với 17 lĩnh vực, trong đó có tới 6 lĩnh vực cần có quy định thay thế (thêm công chứng) và 3 lĩnh vực cần xây dựng mới nên tán thành việc xây dựng Nghị định thay thế để đảm bảo các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý của Bộ được toàn diện, đồng bộ, thống nhất, thuận lợi trong áp dụng.
Còn loại ý kiến thứ hai cho rằng, có nhiều lĩnh vực của Nghị định 110 không có thay đổi về quy định pháp luật là cơ sở để quy định xử phạt và thực tiễn nhiều lĩnh vực hầu như không có xử phạt. Mặt khác, có một số lĩnh vực cần sửa đổi ngay để phù hợp với quy định pháp luật về mặt nội dung và nâng mức xử phạt, bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả để bảo đảm tính răn đe. Ngoài ra, Bộ  Tư pháp cũng đã ban hành Kế hoạch tổng kết Luật Xử lý vi phạm hành chính để đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật này. Vì thế, theo loại ý kiến này, chưa cần thiết xây dựng Nghị định thay thế mà trước mắt chỉ cần xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung tập trung vào lĩnh vực bổ trợ tư pháp.
Cũng theo ông Hường, trong quá trình thảo luận, Tổ biên tập nhận được nhiều góp ý hoàn thiện Dự thảo Nghị định. Chẳng hạn, đối với lĩnh vực dự kiến bổ sung mới là trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, có ý kiến đề nghị phải xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức phạt tiền tối đa cho lĩnh vực này vì Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện nay chưa quy định mức phạt tiền tối đa với lĩnh vực trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Hay trong lĩnh vực phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, có kiến nghị tách nội dung này ra khỏi Dự thảo Nghị định và chuyển về TANDTC quy định riêng để đảm bảo tính khả thi…
Đặc biệt, vấn đề tăng hay giảm mức phạt tiền luôn thu hút sự chú ý của dư luận. Trên cơ sở tổng kết thi hành Nghị định 110, đa số các đại biểu đều đề nghị tăng mức phạt tiền để đáp ứng yêu cầu thực tế, tăng tính răn đe. Ngược lại, một số ý kiến thận trọng yêu cầu phải có đánh giá, khảo sát cụ thể nếu tăng mức phạt tiền. Đối với một số lĩnh vực không nhất thiết phải quy định tăng mức phạt tiền, chỉ nên quy định thêm các hình phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn.
Không “khoán trắng” cho Thanh tra Bộ
Nhất trí với việc xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế bởi sẽ thuận lợi hơn trong tra cứu, áp dụng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế Nguyễn Hồng Hải đưa ra nhiều nội dung khác cần tiếp tục nghiên cứu. Theo đó, cân nhắc bổ sung các hành vi vi phạm về chuyển đổi giới tính; quy định triệt để hơn các hành vi vi phạm trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm; gắn kết với nghị định riêng về thừa phát lại đang trong quá trình xây dựng bởi xã hội đang quan tâm vấn đề này… Ngoài ra, ông Hải cho biết, hiện chính sách dân số đã thay đổi thì hành vi lợi dụng ly hôn để tránh vi phạm chính sách dân số có nên tiếp tục đặt ra hay không.
Ông Trương Khánh Hoàn (Vụ Pháp luật hình sự hành chính, Bộ Tư pháp) phân tích, do Luật Tiếp cận thông tin không giao Chính phủ quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiếp cận thông tin nên cần xem xét quy định xử phạt trong lĩnh vực này. Hơn nữa, nếu có quy định xử phạt hành chính thì cũng không thể đưa vào Dự thảo Nghị định vì lĩnh vực tiếp cận thông tin không thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp…

Đồng tình với phát biểu của ông Hoàn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) Nguyễn Phước Thọ cũng nhận thấy Luật Tiếp cận thông tin không giao quản lý nhà nước về lĩnh vực này cho bất kỳ bộ, ngành nào. Nghiên cứu bước đầu, ông Thọ đề xuất Dự thảo Nghị định nên có quy định “đón” những quy định trong một số Luật liên quan sắp được thông qua. Riêng về mức phạt, ông Thọ nhấn mạnh phải đủ sức răn đe, không để tình trạng phạt cho tồn tại hoặc sẵn sàng vi phạm khi mức phạt thấp.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu chỉ đạo chung, việc soạn thảo Dự thảo Nghị định phải bám sát định hướng sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính và các quy định của pháp luật “nội dung”. Tổng hợp các ý kiến, Thứ trưởng đề nghị nghiên cứu thấu đáo một số lĩnh vực mới như thừa phát lại, hòa giải thương mại, thi hành án hành chính, trách nhiệm bồi thường nhà nước… Nhất trí với đề xuất phải tăng mức phạt tiền bởi chế tài hiện nay nhẹ, nhưng phải tùy từng trường hợp cụ thể và lưu ý đến quy định về mức phạt tối đa, thẩm quyền xử phạt. Quan niệm đây là văn bản liên quan đến các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, Thứ trưởng chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ phải chủ động tham gia xây dựng Dự thảo Nghị định, không “khoán trắng” cho Thanh tra Bộ.