Nhiều điểm sáng trong công tác tư pháp khu vực phía Nam

19/06/2017
Nhiều điểm sáng trong công tác tư pháp khu vực phía Nam
Kế thừa các thành công của Hội nghị giao ban từ những năm trước; đề nghị của các địa phương và tình hình thực tế qua công tác theo dõi tình hình tư pháp trong khu vực phía Nam (Khu vực), ngày 16/6/2017, Cục Công tác phía Nam đã phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội nghị giao ban về công tác tư pháp Khu vực năm 2017. Tham dự Hội nghị có đại diện Lãnh đạo một đơn vị thuộc Bộ và Cục trưởng Thi hành án dân sự tỉnh Ninh Thuận, đại diện Lãnh đạo Sở, Lãnh đạo Văn phòng của 25 Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong Khu vực. Thứ trưởng Phan Chí Hiếu và ông Nguyễn Thanh Bình - Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, ông Đào Trọng Định - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Ninh Thuận đồng chủ trì Hội nghị.
Sau bài phát biểu chào mừng của đồng chí Lê Văn Bình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận, Hội nghị đã được nghe đồng chí Huỳnh Thị Lệ Thủy - Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam báo cáo tóm tắt công tác tư pháp Khu vực 6 tháng đầu năm 2017.
Qua báo cáo theo dõi công tác tư pháp của Cục Công tác phía Nam cho thấy, các địa phương trong khu vực phía Nam đã bám sát 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, triển khai cơ bản toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ được giao theo Kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thông báo kết luận của Bộ trưởng Lê Thành Long tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2017.
Việc thực hiện chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã được quan tâm thực hiện, cơ bản bảo đảm chất lượng, tiến độ; công tác kiểm soát thủ tục hành chính, quản lý xử lý vi phạm hành chính được chú trọng thực hiện từng bước có sự chuyển biến tích cực; công tác quản lý nhà nước về hộ tịch, lý lịch tư pháp từng bước đã có sự đổi mới, tình trạng cấp phiếu lý lịch tư pháp trễ hạn giảm đáng kể; công tác chuyển đổi mô hình công chứng và phát triển đội ngũ luật sư, quản tài viên, đấu giá viên được đẩy mạnh.
Tuy nhiên, công tác tư pháp trong Khu vực vẫn còn một số điểm hạn chế, bất cập, cần khắc phục như hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật chưa có nhiều hình thức mới, tạo được bước đột phá. Công tác quản lý thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính chưa đạt được kết quả như mong muốn. Chất lượng hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng, bán đấu giá tài sản, giám định tư pháp tại một số địa phương còn chưa tốt.
Phát biểu tại Hội nghị, các đại biểu đã kiến nghị rất nhiều nội dung của công tác tư pháp, trong đó, tập trung thảo luận một số vấn đề nổi bật như: Vướng mắc trong việc triển khai thực hiện Luật Ban hành văn bản năm 2015 do có nhiều cách hiểu khác nhau giữa các địa phương; khó xác định phạm vi theo dõi, phương pháp theo dõi trong công tác theo dõi thi hành pháp luật; việc chuyển đổi từ Phòng công chứng sang Văn phòng công chứng chưa phù hợp với tình hình thực tế của một số địa phương; một số công tác tư pháp không được cấp kinh phí để triển khai nhiệm vụ; khó khăn vướng mắc trong thực tế về đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài nhưng pháp luật chưa có quy định nên chưa được giải quyết một cách triệt để.
Hội nghị giao ban công tác tư pháp Khu vực chính là “diễn đàn” kết nối, trao đổi giữa địa phương với các đơn vị thuộc Bộ nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc. Hội nghị cũng đã nghe các đại diện Lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ trả lời, giải đáp các vấn đề cụ thể do đại biểu nêu ra, đồng thời, tiếp thu kiến nghị, đề xuất của địa phương, đồng thời cũng chia sẻ các khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong Khu vực.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đã đánh giá cao những kết quả đạt được, đặc biệt những sáng kiến, mô hình hay đã được thực hiện tại Khu vực góp phần ngày càng nâng cao vị thế Ngành Tư pháp.
Thứ trưởng khẳng định: “Việc tổ chức Hội nghị giao ban công tác tư pháp Khu vực được coi như một sáng kiến, tạo được sự quan tâm của các địa phương trong Khu vực cũng như các đơn vị thuộc Bộ”. Để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao trong thời gian tới, Thứ trưởng yêu cầu các địa phương cần tập trung vào một số nội dung sau: (i) Phát huy hơn nữa vai trò trong việc tham mưu cho chính quyền địa phương nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật. (ii) Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác PBGDPL, đưa công tác này đi vào chiều sâu, thực chất hơn nữa. (iii) Đẩy mạnh xã hội hóa, siết chặt quản lý nhà nước trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các dịch vụ pháp lý, luật sư, công chứng, bán đấu giá...; thực hiện nghiêm việc chuyển đổi Văn phòng Công chứng theo quy định của khoản 1 Điều 79 Luật Công chứng. (iv) Thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động quốc gia về đăng ký, thống kê hộ tịch giai đoạn 2016 - 2024 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; mở rộng việc áp dụng phần mềm đăng ký hộ tịch gắn với cấp số định danh cá nhân khi thực hiện đăng ký khai sinh. (v) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện những sai phạm để có biện pháp uốn nắn, xử lý kịp thời. (vi) Tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý và giải quyết các công việc của người dân, doanh nghiệp…
Tại Hội nghị, Thứ trưởng cũng chỉ đạo các Cục, Vụ chuyên môn thuộc Bộ Tư pháp tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho các Sở Tư pháp trong các lĩnh vực, sớm trả lời các vấn đề còn vướng mắc do địa phương phản ánh và tham mưu Lãnh đạo Bộ làm việc với các cơ quan liên quan kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quản lý hoạt động tư pháp ở địa phương./.
Lâm Trần