Sẽ sớm trả lời được câu hỏi “làm sao để Bộ, ngành Tư pháp mạnh lên”

24/01/2017
Sẽ sớm trả lời được câu hỏi “làm sao để Bộ, ngành Tư pháp mạnh lên”
Đây là khẳng định của Người phát ngôn Bộ Tư pháp, Chánh Văn phòng Bộ Đỗ Đức Hiển tại cuộc họp báo công tác quý IV/2016 diễn ra ngày 23/01.
Khi phóng viên đặt vấn đề về giải pháp của Bộ Tư pháp để trả lời câu hỏi trên, Chánh Văn phòng Bộ Đỗ Đức Hiển chia sẻ, câu hỏi được Thủ tướng Chính phủ nêu tại Hội nghị triển khai công tác Tư pháp năm 2017 xuất phát từ tình cảm của Thủ tướng qua nhiều năm theo dõi, chỉ đạo Bộ Tư pháp từ khi ông còn là Phó Thủ tướng. Đây là một câu hỏi rất sâu sắc rằng “làm sao để Bộ, ngành Tư pháp mạnh lên, có vị trí xứng đáng trong hệ thống chính trị?”.
Quán triệt câu hỏi này, ông Hiển cho biết, Bộ Tư pháp đã thảo luận, bàn bạc kỹ lưỡng và đề ra 9 nhiệm vụ trọng tâm. Đó là triển khai hiệu quả Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; xây dựng và triển khai Đề án đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hoàn thành các chỉ tiêu thi hành án dân sự được giao; hoàn thành việc cung cấp dịch vụ công mức độ 4 trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm, lý lịch tư pháp…
Theo ông Hiển, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là phát triển được đội ngũ cán bộ ngành Tư pháp vì mọi việc muốn thành công đều phải xuất phát từ con người. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, cần xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh, vừa hồng vừa chuyên, sẵn sàng hội nhập quốc tế để đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước. 
“Chúng tôi hy vọng với sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan thông tấn báo chí cùng sự nỗ lực hết sức mình của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tư pháp sẽ sớm từng bước trả lời câu hỏi của Thủ tướng  Chính phủ” – ông Hiển gửi gắm.
Cũng tại buổi họp báo, nhiều vấn đề khác của ngành Tư pháp đã được các phóng viên quan tâm, đặt câu hỏi và đại diện các đơn vị thuộc Bộ trực tiếp trả lời một cách thỏa đáng. Liên quan đến đề xuất “mỗi người chỉ sở hữu một xe ô tô, một biển kiểm soát” của cán bộ cảnh sát giao thông (Công an TP.Hà Nội), Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thanh Tú phân tích: Từ góc độ pháp luật dân sự - kinh tế, đề xuất này chưa hoàn toàn hợp pháp, chưa bảo đảm quyền con người, quyền công dân về quyền sở hữu tài sản theo Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Dân sự năm 2015.
Tuy nhiên, ở góc độ hợp lý, ông Tú cho rằng, theo kinh nghiệm của các nước thì có thể sử dụng nhiều biện pháp khác nhau để hạn chế xe cá nhân. Chẳng hạn như đánh thuế, phí, lệ phí trên đầu phương tiện, càng sở hữu nhiều phương tiện càng phải đóng thuế, phí, lệ phí cao theo phương thức lũy tiến; thậm chí có nước còn quy định phương tiện lưu thông trong giờ cao điểm phải chịu thuế, phí cao hơn.
Trả lời câu hỏi “liệu sẽ có quy định về tạm ứng tiền bồi thường cho người bị oan sai hay không”, Phó Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp).
Trần Việt Hưng thông tin: Hiện nay, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đang được tiến hành sửa đổi. Dự thảo Luật sửa đổi cơ bản được Ủy ban Thường vụ Quốc hôi đồng ý, trong đó có nội dung về tạm ứng tiền bồi thường.
Theo ông Hưng, nếu được thông qua, nội dung trên sẽ gỡ được nhiều vướng mắc, nhất là cho người bị thiệt hại, thứ nữa là giải quyết khó khăn cho cơ quan nhà nước trong thực hiện công tác bồi thường và những khúc mắc của xã hội mỗi khi phát sinh vụ việc bồi thường. “Chúng tôi sẽ phối hợp để xây dựng Luật sửa đổi hiệu quả nhất với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay của đất nước” – ông Hưng cam kết.