Cán bộ nữ có vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển Ngành Tư pháp

08/11/2016
Cán bộ nữ có vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển Ngành Tư pháp
Chiều ngày 20/10, tại Ninh Bình, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) ngành Tư pháp đã tổ chức Tọa đàm công tác bình đẳng giới trong ngành Tư pháp. Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, Trưởng ban VSTBPN ngành Tư pháp chủ trì tọa đàm. Tọa đàm, nhằm xác định các nội dung, công việc để thực hiện hiệu quả hơn công tác bình đẳng giới của Bộ, ngành Tư pháp. Đây cũng là hoạt động thiết thực của Bộ Tư pháp kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.
Tham dự Tọa đàm còn có Đại diện Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), đại diện các cơ quan Tư pháp của tỉnh Ninh Bình, lãnh đạo Ban Nữ công, Ban VSTBPN của 21 đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và các cán bộ công chức của Sở Tư pháp và Cục thi hành án dân sự tỉnh Ninh Bình.
 
Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ Trưởng Phan Chí Hiếu đã thay mặt Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ Tư pháp gửi lời cảm ơn và chúc mừng tới toàn thể các công chức, viên chức, người lao động nữ của Bộ, Ngành Tư pháp, Thứ trưởng nhấn mạnh: “Tọa đàm diễn ra vào thời điểm hết sức có ý nghĩa, nhân dịp kỷ niệm 86 năm ngày thành lập Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20/10/1930-20/10/2016). Trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, phụ nữ Việt Nam luôn đóng vai trò tích cực trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong mọi thời kỳ và trên mọi lĩnh vực, trong đó có công tác Tư pháp và ngành Tư pháp nói riêng.

Trải qua lịch sử hơn 70 năm xây dựng và phát triển của ngành Tư pháp cách mạng, các công chức, viên chức nữ đã luôn nỗ lực đưa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác tư pháp vào thực tiễn đời sống xã hội, qua đó, khẳng định vị trí, vai trò của ngành Tư pháp trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, cải cách tư pháp, cải cách pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bằng sự lao động không mệt mỏi của mình, phụ nữ của ngành Tư pháp đã và đang đóng góp quan trọng, quyết định cho việc hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của Bộ, Ngành Tư pháp.”
Các đại biểu tham dự đã thảo luận về kế hoạch công tác VSTBPN năm 2017 trên cơ sở thực hiện 5 mục tiêu chính của Kế hoạch hành động bình đẳng giới của Ngành Tư pháp giai đoạn 2016 – 2020. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận về những rào cản đối với công chức, viên chức, người lao động nữ ngành Tư pháp trong tham gia các hoạt động chuyên môn và các vị trí quản lý, lãnh đạo của Ngành. Từ đó, các đại biểu đề xuất các sáng kiến, ý tưởng mới để cải thiện hoạt động bình đẳng giới, cũng như tăng cường vai trò và sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động ngành Tư pháp.
Tất cả các ý kiến chia sẻ và đóng góp tại buổi Tọa đàm sẽ được tổng hợp, chọn lọc và đưa vào đề cương đề xuất sửa đổi, bổ sung luật bình đẳng giới ở Việt Nam.
Bích Liên