Tích cực hoàn thiện thể chế để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp

25/05/2016
Tích cực hoàn thiện thể chế để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp
Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 vừa mới ban hành được hơn 1 tuần (ngày 16/5/2016) nhưng với tinh thần khẩn trương “vào cuộc”, Bộ Tư pháp đã và đang có nhiều động thái tích cực triển khai Nghị quyết này.
Mới nhất là vào hôm qua (24/5), Lãnh đạo Bộ Tư pháp đã chủ trì cuộc họp nghe đại diện các đơn vị liên quan báo cáo việc chuẩn bị thực hiện Nghị quyết đang được cộng đồng doanh nghiệp phấn khởi đón nhận. Ngoài ra, Lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng nghe báo cáo triển khai một Nghị quyết quan trọng không kém, được ban hành trước đó vài ngày là Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020.
Doanh nghiệp sẽ hoạt động rất thuận lợi
Mục tiêu được Nghị quyết 35 đề ra là đến năm 2020, xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững. Cả nước sẽ có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó, khu vực tư nhân Việt Nam sẽ đóng góp khoảng 50% GDP. Năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5%/năm và hàng năm, hơn 30% doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo. Để đạt được các mục tiêu trên, Nghị quyết 35 đề ra rất nhiều giải pháp như rà soát giảm chi phí cho doanh nghiệp, đơn giản hóa các thủ tục hành chính… với tinh thần lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ.
Nghị quyết nhấn mạnh nguyên tắc, Nhà nước sẽ thực hiện chủ trương Nhà nước kiến tạo, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh và phát triển; Nhà nước bảo đảm sự ổn định, nhất quán, dễ dự báo của chính sách; ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thuận lợi, an toàn và thân thiện. Một trong những nội dung đặc biệt được đánh giá cao của Nghị quyết 35 là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế.
Chia sẻ trên báo chí về Nghị quyết 35, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh nhận xét: Nghị quyết quá đầy đủ, điều quan trọng nhất đối với Chính phủ là hành động, thực hiện tất cả những điều đã viết ra. Theo ông Vinh, đây là Nghị quyết tốt và nếu thực hiện được thì hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp sẽ rất thuận lợi. Tuy nhiên, cần lưu ý thực tế có một khoảng cách không nhỏ giữa các luật đưa ra, các chỉ đạo của Chính phủ với cấp thực hiện.
Cam kết thẩm định văn bản trong 7 ngày
Về nhiệm vụ được giao của Bộ Tư pháp trong Nghị quyết 35, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế Nguyễn Thanh Tú cho biết, Bộ Tư pháp được giao 3 nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan. Cụ thể là rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định về giao dịch bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thế chấp tài sản làm cơ sở tiếp cận nguồn vốn; rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật cho phù hợp với các hiệp định thương mại tự do và điều ước quốc tế có liên quan; nâng cao chất lượng công tác góp ý, thẩm định và kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật. Riêng công tác góp ý, thẩm định và kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật, các đơn vị xây dựng pháp luật quyết tâm nâng cao chất lượng, bảo đảm việc ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính đúng thẩm quyền, thực sự cần thiết, hợp lý, minh bạch và khả thi.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long yêu cầu các đơn vị chức năng tiếp tục thực hiện đúng chỉ đạo “Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ dự thảo Nghị định” như Thông báo số 66/TB-VPCP. Tuy nhiên, một số Nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh được “nâng cấp” từ thông tư mà Bộ Tư pháp đã thẩm định trong thời gian qua cho thấy quy định về điều kiện kinh doanh nhìn chung còn khá giản đơn, phần lớn chỉ dừng lại ở tập hợp các thông tư có quy định về điều kiện kinh doanh và các quy định tương ứng về điều kiện kinh doanh; chưa phân tích, đánh giá sâu về tính cần thiết, tính phù hợp, tính hiệu lực và hiệu quả của các quy định này trong quản lý nhà nước. Vì vậy, theo Bộ trưởng, phải có cơ chế đặc biệt trong tổ chức thực hiện (có thể là quan tâm hỗ trợ kinh phí, huy động chuyên gia…) thì mới đảm bảo chất lượng, tiến độ công tác thẩm định.
Bộ Tư pháp đề nghị các Bộ khẩn trương thực hiện theo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 66/TB-VPCP. Đối với các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, nếu các Bộ rà soát thấy không hợp lý thì Bộ Tư pháp cho rằng, cần nhanh chóng kiến nghị Chính phủ để trình Quốc hội loại bỏ khỏi danh mục 267 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Điều 8 Luật Đầu tư 2014.
Cẩm Vân