“Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì Tổ quốc”

27/04/2018
“Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì Tổ quốc”
Có đến, có đi Trường Sa, chúng tôi mới cảm nhận được hết cái hay, cái thực của bài hát “Khúc quân ca Trường Sa” của nhạc sỹ Đoàn Bổng: “Ngày qua ngày, đêm qua đêm/ Chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương/ Biển này là của ta, đảo này là của ta, Trường Sa/ Dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ ta vẫn vượt qua/ Chiến sĩ Trường Sa, hát tiếp bài ca/ Về những tấm gương anh Bộ đội Cụ Hồ/ Đem chí trai, giữ vững chủ quyền Tổ quốc Việt Nam ta/ Giữ vững chủ quyền Tổ quốc Việt Nam ta…”.

Đúng 10h30' ngày 25/4/2018, tàu KN290 đưa các đại biểu tham gia Hành trình “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” năm 2018 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức đã cập cảng Cát Lái (TP.Hồ Chí Minh), kết thúc 10 ngày thăm, làm việc, tặng quà, giao lưu với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo Đá Lớn C, Sơn Ca, Sinh Tồn Đông, Len Đao, Tốc Tan B, Phan Vinh A, Trường Sa Đông, Đá Tây B, Đá Lát, Trường Sa, Phúc Tần (Nhà giàn DK1/17).
Qua làm việc, thăm hỏi, giao lưu, chúng tôi cảm nhận sâu sắc ý thức trách nhiệm, tình yêu của người lính biển đối với mỗi hòn đá, mỗi con sóng giữa nắng gió và bão tố biển khơi. Biển cả mênh mông, nơi chỉ có những con sóng bạc đầu, nơi ngày đêm người lính đảo kiên trung giữ vững chủ quyền biển đảo, tiếng cười, giọng nói, cái bắt tay, cái ôm thật chặt và đôi câu trò truyện - Những điều tưởng như thật giản dị, đời thường, nhưng giữa đảo sóng xa xôi ấy lại là niềm mong mỏi, khát khao, chờ đợi và vỡ òa hạnh phúc… Trong bao la sóng dội ấy có tiếng cười đồng đội, có tình quân dân nồng ấm, thân thương và có cả niềm tin vào sự vững bền của chân lý chủ quyền, của những giá trị thiêng liêng cao cả. Sự cao cả ở đây không chỉ là những khẩu hiệu, những chỉ thị, mà là những việc làm rất cụ thể, là ý chí phi thường của những chàng lính đảo trước cái nắng nóng của biển đảo, trước những khó khăn, thiếu thốn nơi đảo xa vây quanh bốn bề sóng nước…
Được đặt chân đến những đảo chìm, đảo nổi thuộc quần đảo Trường Sa, được tận mắt chứng kiến, suy ngẫm, chúng tôi càng trân trọng hơn máu xương, công sức, nước mắt của bao thế hệ người dân đất Việt trong suốt cuộc hành trình lịch sử không ngừng nghỉ để xác lập, quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền đối với các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Mang trong mình tình yêu biển cả da diết, nhưng chỉ khi được đến, trực tiếp nếm vị mặn chát của nước biển, trước những khó khăn, vất vả của các chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa, chúng tôi mới thực sự thấu hiểu và trân quý hơn bao giờ Tổ quốc Việt Nam - Dải đất cong cong hình chữ S luôn sẵn sàng đối diện, vượt qua bão dông, khói lửa, gian khó, tất cả vì sự trường tồn của dân tộc Việt Nam. Đến với Trường Sa, chúng tôi càng cảm nhận được đầy đủ hơn câu nói của Bác Hồ kính yêu: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”.
Trong hải trình, Đoàn chúng tôi cũng đã tổ chức lễ dâng hương tại các đài tưởng niệm, các ngôi chùa và phần mộ liệt sỹ đã hy sinh trong quá trình làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK, tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh tại quần đảo Trường Sa, tại khu vực Len Đao - Cô Lin - Gạc Ma, các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Những người con anh hùng của đất mẹ Việt Nam đã vĩnh viễn nằm lại nơi biển sâu hàng ngàn mét trong lòng đại dương mênh mông, trong sóng vỗ gầm gào, trong nước biển mặt chát… Giữa bốn bề biển cả mênh mông, sự hy sinh của các Anh đã kết thành bản anh hùng ca dạt dào tiếng sóng và chỉ giữa biển cả mênh mông này, chúng tôi mới thấu hiểu sự hy sinh đó thật lớn lao đến nhường nào - “Bao xương máu đắp hình hài Tổ quốc/ Vang vọng về dòng máu Lạc Hồng xưa/ Giữa đảo xa lá cờ bạc nắng gió/ Bỗng trong tôi mắt lệ dâng trào…”.

 Những đảo nổi, đảo chìm, chỉ có nước biển và nước biển, chỉ có một màu xanh tít tắp, chỉ có gió, bão tố, nắng nóng và mây trời mêng mông vô tận…, chúng tôi chứng kiến màu xanh của thiên nhiên hoa trái, những cây bàng vuông, cây phong ba, những vạt rau xanh, những chậu hoa mười giờ đỏ thắm đang bật dậy với sức sống mãnh liệt giữa sóng cồn bão giật. Có đến với Trường Sa, chúng ta mới thấy tình cảm quân dân nơi đây thật ấm áp, chân tình, cởi mở và rất đỗi tự nhiên. Một điều thật kì diệu, nơi đảo xa là thế, khó khăn là thế mà vẫn vang lên tiếng trẻ thơ hò reo nơi sân trường, tiếng giảng bài và học bài của thầy, trò hòa cùng tiếng sóng biển: “Nu na nu nống/ Đánh trống phất cờ/ Biển cả xa mờ/ Có hai quần đảo… Tàu ai đi qua/ Thuyền ai đi lại/ Nước Việt mãi gọi/ Hoàng Sa, Trường Sa…”. Đến với Trường Sa, đến với những người lính đảo kiên trung, những người dân ngày đêm bám biển, những người thầy nhất mực yêu thương con trẻ, những nhà sư nhất tâm thiền viện, đến với những cột mốc chủ quyền, những ngọn hải đăng giữa biển khơi lộng gió, những dãy san hô, những vạt rau xanh, những tán lá bàng vuông và mái chùa cổ kính, linh nghiêm… sao quá đỗi thân quen như chính hình ảnh thân thương từ ngàn đời nay của quê hương đất Việt. 
Tạm biệt Trường Sa, chúng tôi mang trong mình niềm tin son sắt vào những người lính đảo đang ngày đêm chắc tay súng, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Các Anh hãy yên tâm, Trường Sa luôn ở trong tim mỗi chúng tôi, dù cách xa muôn trùng sóng gió, chúng tôi vẫn luôn ở bên các Anh… như chính lời hẹn ước khi còi tàu bắt đầu vang lên, báo hiệu dời đảo Trường Sa - “Trường Sa yêu đất liền/ Đất liền yêu Trường Sa”
                                                                            Hồ Quang Huy