Đọc sách là nhu cầu và cũng là hoạt động thường xuyên không thể thiếu của chuyên viên pháp lý trẻ

19/04/2018
Đọc sách là nhu cầu và cũng là hoạt động thường xuyên không thể thiếu của chuyên viên pháp lý trẻ
Để hưởng ứng ngày sách Việt Nam (21/4) và Ngày Sách và Bản quyền thế giới (23/4), Chi đoàn Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật phát động tuần lễ ngày hội đọc sách từ ngày 12 - 24/4/2018, nhằm tiếp tục khơi dậy và duy trì thói quen đọc sách và khuyến khích các công chức trẻ tìm kiếm, khai thác các nguồn tài nguyên thông tin một cách hiệu quả nhất.
Sách là kho tàng tri thức khổng lồ của nhân loại. Từ xưa, cha ông ta đã lưu lại những hiểu biết phong phú về mọi mặt đời sống xã hội và muôn hình vạn trạng trạng thái vận động của tự nhiên. Và như vậy, sách cung cấp cho ta những tri thức về hầu hết các lĩnh vực của đời sống. Nhờ đó, khi tiếp xúc với sách, con người có cơ hội tiếp xúc với toàn bộ kho tàng văn hoá của văn minh nhân loại. Từ hàng nghìn năm trước, khi chưa có chữ in, chưa có máy in, chưa có cả giấy bút nữa, thì nhân loại đã nghĩ đến sách, đã có những hình thức đầu tiên của sách. Sách là cái cần có để con người lưu giữ và truyền lại cho người khác, cho thế hệ khác, những hiểu biết của mình về thế giới xung quanh, những khám phá về vũ trụ, về con người, cả những ý nghĩ, những quan niệm, những mong muốn về cuộc sống cần gửi đến cho mọi người và trao gửi đến đời sau. Trong đời sống thường ngày của chúng ta, những bận rộn trong công việc, các mối quan hệ xã hội, gia đình đã chiếm hết thời gian, lấp đầy cảm xúc để chúng ta có thể nghĩ đến việc dành thời gian để đọc sách. Internet, Facebook, các mạng truyền thông đã chiếm hết quỹ thời gian của chúng ta, trong khi đó sách chứa đựng rất nhiều kiến thức trong cuộc sống, giúp chúng ta tư duy, nhận thức sâu sắc hơn, trưởng thành hơn và tích lũy được vốn từ ngữ phong phú.
Sách - là kho tàng chứa đựng những hiểu biết của con người đã được khám phá, chọn lọc, thử thách, tổng hợp. Vì vậy việc đọc sách không chỉ là nhu cầu mà còn là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và là hoạt động hàng ngày của chuyên viên pháp lý trẻ nói chung và của công chức trẻ Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật nói riêng. Đọc sách, nghiên cứu khoa học là hoạt động không thể thiếu để phục vụ cho hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ trong quá trình xây dựng văn bản, góp ý, thẩm định văn bản. Đọc sách là biện pháp tự học hữu hiệu nhất, thiết thực nhất và ai cũng có thể làm được. Rèn luyện thói quen đọc sách sẽ mang lại những lợi ích vô cùng to lớn; là một thói quen tốt giúp cho bộ não của chúng ta khỏe mạnh và linh hoạt.
Lịch sử của “Ngày hội đọc sách” được ra đời từ hơn 80 năm trước ở Tây Ban Nha, vào ngày lễ Thánh Giooc-giơ 23/4, người ta yêu mến tặng nhau những cuốn sách kèm theo những đóa hoa hồng và bất cứ ai mua sách sẽ được tặng kèm theo một bông hồng đẹp. Sau đó hoạt động văn hóa có ý nghĩa này lan rộng ra nhiều nước ở Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Á, Châu Phi dưới nhiều hình thức. Từ năm 1995, tổ chức UNESCO đã chính thức chọn ngày 23 tháng 4 hằng năm là Ngày Sách và Bản quyền thế giới.
Ngày sách Việt Nam là sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu sách và cả cộng đồng xã hội, là một sự kiện văn hóa rất thiết thực góp phần vào việc thúc đẩy một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc. Nhận thấy được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đọc sách, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 21- 4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam. Sự kiện này mang ý nghĩa khuyến khích phong trào đọc sách trong cộng đồng, nhất là trước nguy cơ mỗi người Việt Nam chỉ đọc 0,8 cuốn sách/năm tại thư viện.
Đ.H.M – Vụ Các vấn đề chung về XDPL