Người yếu thế trong quan hệ hợp đồng -Nhận diện để bảo đảm tính khả thi trong quy định của pháp luật

15/10/2018
Người yếu thế trong quan hệ hợp đồng -Nhận diện để bảo đảm tính khả thi trong quy định của pháp luật
Thực tiễn hiện nay ngày càng đặt ra vấn đề bảo vệ người yếu thế trong các quan hệ tư nói chung, quan hệ hợp đồng nói riêng. Vì vậy trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Tư pháp và Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG) của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), tiếp nối Hội thảo vào tháng 5/2018 với nội dung tập trung vào pháp luật bảo vệ người yếu thế do năng lực hành vi dân sự và do định kiến xã hội, ngày 12/10/2018, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế đã tổ chức Hội thảo “Thực thi hiệu quả quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 về bảo vệ người yếu thế trong quan hệ hợp đồng” với nội dung tập trung vào nhận diện người yếu thế trong hợp đồng thương mại, kinh doanh bất động sản, dịch vụ...
Tham dự Hội thảo có sự tham gia của ông Tưởng Duy Lượng, nguyên Phó Chánh án TANDTC, ông Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Cục Công tác phía Nam, đại diện một số Sở Tư pháp, cơ sở đào tạo luật (Đại học Quốc Gia Hà Nội, Đại học Luật Hà Nội, Đại học Luật Huế, Đại học Đà Lạt… Trường Trung cấp Luật Vị Thanh) công ty luật, luật sư, văn phòng công chứng, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản…  Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế chủ trì Hội thảo.
Tại Hội thảo, trên cơ sở các báo cáo dẫn đề, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi tại hội trường hoặc làm việc theo nhóm về nhận diện người yếu thế, bảo vệ người yếu thế trong quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 và pháp luật về thương mại, dịch vụ, kinh doanh bất động sản. Các đại biểu nhất trí rằng, pháp luật tư ở nước ta, trong đó có Bộ luật dân sự năm 2015, pháp luật về thương mại, dịch vụ đã và đang ngày càng hoàn thiện hơn cơ chế pháp lý về bảo vệ người yếu thế trong hợp đồng. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, khác với các quan hệ tư có sự tham gia của người yếu thế do năng lực hành vi dân sự, do định kiến xã hội, việc nhận diện người yếu thế trong hợp đồng thương mại, kinh doanh bất động sản, bảo hiểm, dịch vụ… khó nhận diện và có phức tạp hơn nhiều, nên cần phải có những giải pháp phù hợp để không chỉ bảo đảm nguyên tắc chủ thể bình đẳng, tự do ý chí, tự chịu trách nhiệm, Nhà nước không can thiệp vào hợp đồng mà còn bảo đảm được sự công bằng cho các bên trong hợp đồng, hạn chế nguy cơ làm phát sinh người yếu thế trong hợp đồng, phải gánh chịu những rủi ro pháp lý do bất cân xứng về năng lực tài chính, thông tin, cơ hội thương thuyết do bị giới hạn bởi hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung,…
Bên cạnh việc đề xuất hoàn thiện quy định của pháp luật có liên quan, các đại biểu cũng thảo luận nhiều về vai trò của Nhà nước trong bảo vệ người yếu thế (nếu có), phòng ngừa nguy cơ phát sinh người yếu thế trong hợp đồng thương mại, kinh doanh bất động sản, dịch vụ…, nhất là trong việc kiểm soát mặt trái của hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung…
Kết quả Hội thảo không chỉ có ý nghĩa về thực tiễn mà còn có tính khái quát cao về mặt lý luận, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế sẽ tổng hợp, nghiên cứu để sử dụng trực tiếp vào công tác xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người yếu thế thuộc chức năng, nhiệm vụ của Vụ; tham mưu cho lãnh đạo Bộ trong thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao về xây dựng Đề án “Hoàn thiện pháp luật về hợp đồng và giải quyết tranh chấp dân sự bằng phương thức trọng tài thương mại, hòa giải thương mại và phương thức giải quyết tranh chấp khác ngoài tố tụng theo hướng thống nhất, đồng bộ, đảm bảo hiệu lực thực thi và bảo vệ quyền sở hữu tài sản” (Mục II.3 Nghị quyết số 99/NQ-CP).