Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương – Chuyện cũ nhưng mới

02/10/2018
Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương – Chuyện cũ nhưng mới
Cập nhật những khó khăn, vướng mắc về hoạt động xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương, đồng thời đánh giá cao ý nghĩa và vai trò của công tác quản lý xã hội, vừa qua, vào ngày 28/9/2018, Trung tâm Thông tin, hỗ trợ pháp luật Cục Công tác phía Nam – Bộ Tư pháp đã tổ chức Chương trình tập huấn chuyên sâu “Kỹ năng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật” tại TP. Cần Thơ.
Bà Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng phòng Pháp luật tổ chức bộ máy nhà nước, Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp là báo cáo viên của Chương trình và sự tham gia bồi dưỡng của hơn 80 học viên là công chức, viên chức đến từ Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân, các sở, ban, ngành trong khu vực phía Nam và miền Trung – Tây Nguyên.
Hiểu được những trở ngại, khó khăn của công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương, với những hiểu biết và kinh nghiệm có được bà Nguyễn Quỳnh Liên đã cùng chia sẻ, giải đáp những vướng mắc mà học viên gặp phải trong quá trình công tác của bản thân.
“Nếu chỉ quan tâm đến việc giải quyết vấn đề ngay trước mắt thì đó không phải là người làm chính sách” bà nhấn mạnh. Theo đó, khi đứng trước một vấn đề phát sinh trong thực tiễn, người làm chính sách phải xác định được giải pháp cho cả mục tiêu ngắn hạn và dài hạn mang tính chiến lược trên cơ sở tìm hiểu và giải quyết từ “gốc” của vấn đề.
Ngoài ra, liên quan đến khâu thẩm định bà cũng cho biết “Trong công tác soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, ngành Tư pháp không là “hòn đá tảng” cho sự cản trở mà là cái “phanh” an toàn, hữu hiệu cho sự kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm nâng cao chất lượng của dự án, dự thảo văn bản”.
Với sự tham gia tích cực của học viên, những giải đáp chi tiết của báo cáo viên cho từng vấn đề được đặt ra, Chương trình đã thật sự mang đến những kiến thức và kinh nghiệm hữu ích, đáp ứng được mục tiêu đặt ra cũng như thỏa mãn được yêu cầu của người học. Ngoài ra, thông qua các hoạt động trao đổi, thảo luận thì đây còn là dịp để các học viên có thể giao lưu và chia sẻ thông tin.
Sau khi hoàn thành Chương trình bồi dưỡng, các học viên đã được cấp Giấy Chứng nhận theo quy định./.
Duy Tồn