Rà soát tính tương thích pháp luật để thực thi Hiệp định đối tác toàn diện, tiến bộ xuyên Thái Bình Dương

25/09/2018
Rà soát tính tương thích pháp luật để thực thi Hiệp định đối tác toàn diện, tiến bộ xuyên Thái Bình Dương
Vừa qua, Bộ Tư pháp (Vụ Pháp luật quốc tế) phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức tọa đàm quốc tế “Rà soát tính tương thích pháp luật để thực thi hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)”

Tọa đàm thu hút sự tham gia của các đại biểu đến từ các Uỷ ban Pháp luật, Đối Ngoại và Kinh tế, các đơn vị chuyên môn thuộc Văn phòng Quốc hội, các Bộ, ngành tham gia đàm phán và thực thi CPTPP, Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và một số học giả từ các trường đại học.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Bạch Quốc An, Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác rà soát pháp lý, đảm bảo tính tương thích của hệ thống pháp luật đối với việc phê chuẩn và thực thi CPTPP. Theo ông Bạch Quốc An, qua hơn 30 năm mở cửa và hội nhập quốc tế , Việt Nam đã từng bước mở rộng và hội nhập sâu rộng với thế giới, bắt đầu từ các quan hệ kinh tế song phương đến hợp tác khu vực và ra sân chơi toàn cầu, như ASEAN, WTO, tham gia đàm phán các FTAs thế hệ mới như TPP (hiện nay là CPTPP) và EVFTA. Trong toàn bộ quá trình này, công tác rà soát, đánh giá tính tương thích của pháp luật Việt Nam để chuẩn bị cho việc thực thi cam kết quốc tế, trong đó có CPTPP luôn là ưu tiên được Chính phủ giao cho Bộ Tư pháp phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện. Qua kết quả rà soát pháp luật nhằm thực thi BTA, WTO trước đây và hiện nay là CPTPP, số lượng các văn bản cần sửa đổi bổ sung để thực hiện CPTPP đã ít hơn nhiều. Điều này, một lần nữa thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc hoàn thiện pháp luật, từng bước chủ động hơn để chuẩn bị cho quá trình phê chuẩn và thực thi CPTPP.
Trong bài phát biểu chào mừng, ông Achim Fork, Giám đốc nghiệp vụ của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và ông Craig Chittick, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam đều chia sẻ đánh giá về tầm quan trọng của việc ký kết CPTPP đối với sự phát triển kinh tế và mức độ tự do hóa thị trường của các quốc gia thành viên CPTPP. Trong bối cảnh các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam đang hoàn tất quy trình nội bộ để phê chuẩn Hiệp định, sự kỳ vọng, cơ hội và thách thức mà CPTPP mang lại khiến cho việc đảm bảo tuân thủ Hiệp định là yêu tố quan trọng để đảm bảo thực thi và tận dụng hiệu quả Hiệp định này. Hai ông cũng đánh giá cao việc tổ chức tọa đàm là cơ hội để nâng cao nhận thức chia sẻ thông tin về hiệp định CPTPP.
Tiếp theo, 02 Chuyên gia của Ngân hàng thế giới là bà Nguyễn Bích Thảo và ông Giulio Zanetti trình bày các chuyên đề về “rà soát và đánh giá tính tương thích của pháp luật để phục vụ việc thực thi CPTPP của Việt Nam” và “thông lệ tốt để thực hiện hiệp định CPTPP
Cụ thể, trong bài trình bày của mình, chuyên gia Nguyễn Bích Thảo đánh giá: mặc dù phần lớn các cam kết đã tương thích với pháp luật Việt Nam, so với yêu cầu của CPTPP vẫn còn những khoảng trống pháp lý, sự chưa tương thích nhất định của hệ thống pháp luật trong nước, đòi hỏi phải nỗ lực hoàn thiện để thực hiện tốt Hiệp định này. Chuyên gia đã trình bày tóm tắt kết quả rà soát trong một số chương cụ thể của Hiệp định, trong đó bao gồm các chương về: đối xử quốc gia về tiếp cận thị trường hàng hóa, xuất xứ, dệt may, hải quan, phòng vệ thương mại, kiểm dịch động thực vật, hàng rào kỹ thuật trong thương mại, đầu tư, dịch vụ qua biên giới, dịch vụ tài chính, viễn thông, thương mại điện tử, mua sắm chính phủ, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, sở hữu trí tuệ và lao động, môi trường, minh bạch hóa và chống tham nhũng.
Chuyên gia cũng nêu các khuyến nghị cụ thể để là nguồn tham khảo cho các cơ quan hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật về các giải pháp cho việc “lấp” các khoảng trống pháp lý do sự chưa tương thích của hiệp định CPTPP với quy định pháp luật hiện hành.
Ông Giulio Zanetti với bài trình bày về  “thông lệ tốt để thực hiện hiệp định CPTPP” đem đến Tọa đàm bức tranh về thông lệ của các quốc gia khác trong việc hoàn thiện pháp luật quốc gia để thực thi cam kết quốc tế trong đó có CPTPP. Các vấn đề cần lưu ý đối với một quốc gia trong việc thực hiện điều ước quốc tế như: xây dựng chính sách, lập kế hoạch tổ chức, quản trị và thực thi, xây dựng kiến thức thông tin, quan hệ giữa các đơn vị có liên… đã được đề cập. Chuyên gia cũng trình bày các bước cơ bản để thực thi CPTPP, trong đó có lập quy hoạch, gắn quy hoạch với chiến lược phát triển và xây dựng chish sách, tham vấn, quy trình lập pháp (phân tích khoảng trống pháp lý, dự thảo phương án) và tổ chức thực hiện là những thông lệ mà rất nhiều quốc gia áp dụng cho việc thực thi cam kết quốc tế trong đó có CPTPP.  Các vấn đề về phân bố nguồn lực tài chính và nhân lực, thời điểm thực hiện trong các bước, quy trình để thực thiện cũng được chuyên gia chia sẻ cụ thể. Để làm rõ hơn các thông lệ này, ông Giulio Zanetti đã nêu ví dụ cụ thể về chương sở hữu trí tuệ của Hiệp định CPTPP.
Trong phần thảo luận mở, Tọa đàm đã nghe những câu hỏi trao đổi và thảo luận tích cực của các đại biểu. Phần thảo luận có nhiều vấn đề mang tính thời sự cao như  đánh giá tác động của việc Hoa Kỳ rút khỏi TPP và lợi ích của CPTPP với Việt Nam, nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp để tận dụng lợi thế cạnh tranh của thị trường khi tham gia CPTPP, vấn đề về kỹ thuật lập pháp của việc hoàn thiện pháp luật để thực thi CPTPP vào thời điểm nào… Bên cạnh đó, Tọa đàm cũng đã trao đổi những vấn đề rất kỹ thuật như đánh giá thách thức của việc xác định pháp luật áp dụng trong thực thi CPTPP đối với những vi phạm trong môi trường số, khi các yêu tố truyền thống về biên giới lãnh thổ đã bị mờ đi; vấn đề dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia có vi phạm cam kết trong CPTPP hay không?
Có thể nói, Tọa đàm đã mang lại những thông tin bổ ích và tính thực tiễn cao. Kiến thức và đánh giá của các chuyên gia, diễn giả trong Tọa đàm, các câu hỏi trao đổi, thảo luận đã giúp cho các đại biểu tham cập nhật về kết quả rà soát pháp lý của hiệp định CPTPP, thông lệ quốc tế trong vấn đề này, cũng như những đóng góp và hiệu quả của công tác rà soát pháp lý đối với việc chuẩn bị cho quá trình phê chuẩn và thực thi CPTPP.
Vụ Pháp luật quốc tế