Hội nghị đối thoại lấy ý kiến góp ý dự thảo nghị định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

24/09/2018
Hội nghị đối thoại lấy ý kiến góp ý  dự thảo nghị định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
Thực hiện Kế hoạch năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Ban Chỉ đạo Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020 (viết tắt là Chương trình 585), ngày 21/9/2018, Bộ Tư pháp (Vụ Pháp luật dân sự - dân sự) phối hợp với Ban Quản lý Chương trình 585 tổ chức Hội nghị đối thoại tại tỉnh Điện Biên với sự tham dự của đại diện Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên, các Sở Ban ngành tỉnh Điện Biên như; Sở Tài chính, Sở Lao động thương binh và xã hội, Sở Ngoại vụ, Sở Công thương, Cục thuế, Công an tỉnh,… các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, Đoàn Luật sư, Hội Luật gia tỉnh Điện Biên và các doanh nghiệp. Hội nghị đối thoại do TS. Nguyễn Thanh Tú – Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp, Ông Phạm Đình Quế - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên và Ths. Phạm Văn Nam – Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên đồng Chủ trì Hội nghị đối thoại.

Phát biểu khai mạc Hội nghị đối thoại, TS. Nguyễn Thanh Tú – Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp cho rằng, dự thảo Nghị định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thay thế Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhằm chi tiết khoản 3 Điều 14 Luật hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2017 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018, với hơn 600.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động hiện nay, trong đó 97,7% là doanh nghiệp nhỏ và vừa rất cần được Nhà nước qua tâm hỗ trợ về pháp lý nhằm nâng cao ý thức, nhận thức pháp lý cho doanh nghiệp và cả chính bản thân các công chức cơ quan nhà nước. Theo Ông Phạm Đình Quế - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên cho rằng, Điện Biên là tỉnh cách thủ đô Hà Nội 500km đường bộ, là tỉnh duy nhất của Việt Nam có chung 02 đường biên giới với 02 Quốc gia là Trung Quốc và Lào, Trên tuyến Biên giới Việt - Lào có 02 cửa khẩu được mở là cửa khẩu Quốc gia Huối Puốc, cửa khẩu quốc tế Tây Trang và 03 của khẩu phụ khác. Trên tuyến biên giới Việt – Trung, cửa khẩu A Pa Chải – Long Phú, là đầu mối giao lưu của Vùng Tây Bắc Việt Nam với các tỉnh Bắc Lào và Tây Nam Trung Quốc. Điện biên là tỉnh có địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, hiện tỉnh chỉ có 250 doanh nghiệp đăng ký và hoạt động, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ, vì vậy, rất cần sự quan tâm hỗ trợ pháp lý của Nhà nước. Ngoài ra, theo ông Phạm Đình Quế, việc Ban Soạn thảo đưa ra 2 phương án lựa chọn đối tượng được hỗ trợ thì ông Quế ủng hộ phương án 1 Điều 19 dự thảo Nghị định về việc hỗ trợ các đối tượng khác không phải là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vì doanh nghiệp lớn, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể cũng rất cần được hỗ trợ.
Theo Ths. Phạm Văn Nam – Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên cho rằng với tỉnh Điện Biên là tỉnh có những nét đặt trưng của đồng bào khu vực Tây Bắc, số lượng doanh nghiệp rất ít, đa số đồng bào đều ở các vùng sâu, vùng xa, vì vậy, Điều 4 dự thảo Nghị định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cần phải được bổ sung đối tượng ưu tiên theo nguyên tắc hỗ trợ ngoài doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ thì cần bổ sung nguyên tắc ưu tiên là doanh nghiệp vùng sâu, vùng xa (chủ yếu ở các tỉnh như Điện Biên), doanh nghiệp kinh doanh các lĩnh vực nhạy cảm.
Bà Nguyễn Thị Phượng – Chủ tịch Hội luật gia tỉnh Điện Biên cho rằng, quy định về mạng lưới tư vấn viên pháp luật cho doanh nghiệp là cần thiết, tuy nhiên, thủ tục hỗ trợ và chi phí hỗ trợ về tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp cần được thiết thực hơn để hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được hiệu quả hơn. Luật sư Lê Đình Thu – Đoàn Luật sư tỉnh Điện Biên, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên cũng cho rằng việc bổ sung đối tượng ưu tiên vào các nguyên tắc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là cần thiết, và cần quy định rõ vấn đề kinh phí dành cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để chính các cơ quan nhà nước có cơ sở rõ hơn trong việc triển khai công tác này trên phạm vi cả nước nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng ngay sau khi Nghị định được Chính phủ ban hành.
Kết luận Bế mạc Hội nghị đối thoại, TS. Nguyễn Thanh Tú - Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp cảm ơn sự tham gia của các cơ quan, tổ chức và các doanh nghiệp trên địa bản tỉnh Điện Biên và các tỉnh lân cận đã tham dự Hội nghị đối thoại và có nhiều ý kiến thiết thực góp ý cho cơ quan soạn thảo nhằm hoàn thiện dự thảo Nghị định hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để trình Lãnh đạo Bộ Tư pháp và trình Chính phủ trong năm 2018 nhằm tạo cơ sở pháp lý hiệu quả nhất cho các cơ quan nhà nước triển khai công tác hỗ trợ pháp lý đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa, thực hiện theo yêu cầu của Chính phủ về việc “Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp” hiện nay và trong thời gian tới./.
Ths. Trần Minh Sơn - Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp
Trần Thanh Tùng – Tổ Thư ký Chương trình 585