Nghiên cứu, khảo sát tại Singapore về XD khung pháp lý để quản lý, xử lý tài sản ảo, tiền ảo

30/08/2018
Nghiên cứu, khảo sát tại Singapore về XD khung pháp lý để quản lý, xử lý tài sản ảo, tiền ảo
Thực hiện Quyết định số 2197/QĐ-BTP ngày 15/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc thành lập Đoàn công tác đi Singapore để nghiên cứu, khảo sát việc xây dựng khung pháp lý để quản lý, xử lý tiền ảo, tài sản ảo và thực tiễn thi hành, Đoàn công tác của Bộ Tư pháp đã đến làm việc tại Singapore từ ngày 20/8/2018 đến ngày 22/8/2018 với 08 thành viên, gồm có đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp (Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Văn phòng Bộ, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật) cùng đại diện Bộ Tài chính, và Ngân hàng Nhà nướcViệt Nam.
Trong 03 ngày làm việc tại Singapore, Đoàn công tác đã làm việc với 08 cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực tài sản ảo,  và tiền ảo, cụ thể là: Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS), Cơ quan Thuế Nội địa Singapore (IRAS), Hiệp hội công nghệ tài chính Singapore (SFA), Hiệp hội công nghệ Blockchain và tiền mã hoá Singapore (ACCESS), KyberNetwork (Sàn giao dịch phi tập trung), Huobi (Sàn giao dịch tập trung), Midas Protocol (nhà cung cấp ví tiền ảo) và RTH Law Taylor Wessing (Công ty luật tư vấn cho Cơ quan tiền tệ Singapore trong việc xây dựng Dự án Luật các Dịch vụ thanh toán của Singapore).

Đoàn công tác làm việc với đại diện Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS)
 
Trong ngày làm việc đầu tiên, Đoàn công tác đã trao đổi với MAS về các vấn đề liên quan đến việc xây dựng khung pháp lý để quản lý, xử lý tiền ảo, tài sản ảo và thực tiễn thi hành tại Singapore, tập trung vào 04 vấn đề chính, gồm: bản chất pháp lý của tiền ảo, tài sản ảo; quản lý các hoạt động ICO; quản lý các định chế trung gian (sàn giao dịch và các nhà cung cấp dịch vụ ví điện tử); và Dự án Luật các Dịch vụ thanh toán của Singapore.
Bên cạnh đó, Đoàn công tác cũng trao đổi với IRAS về các vấn đề liên quan đến việc xây dựng khung pháp lý để quản lý, xử lý tiền ảo, tài sản ảo và thực tiễn thi hành tại Singapore, tập trung vào các vấn đề liên quan đến thuế (thuế thu nhập và thuế tiêu dùng/GST) đối với tiền ảo, tài sản ảo và những thách thức trong thực tiễn trong việc thu thuế từ những giao dịch sử dụng tiền ảo.

Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện Cơ quan Thuế Nội địa Singapore (IRAS)
 
Bên cạnh đó, Đoàn công tác cũng trao đổi với IRAS về các vấn đề liên quan đến việc xây dựng khung pháp lý để quản lý, xử lý tiền ảo, tài sản ảo và thực tiễn thi hành tại Singapore, tập trung vào các vấn đề liên quan đến thuế (thuế thu nhập và thuế tiêu dùng/GST) đối với tiền ảo, tài sản ảo và những thách thức trong thực tiễn trong việc thu thuế từ những giao dịch sử dụng tiền ảo.
Trong 02 ngày làm việc tiếp theo, Đoàn công tác tiếp tục trao đổi với (i) SFA về thực tiễn cũng như triển vọng phát triển của công nghệ tài chính tại Singapore và trên thế giới, vai trò của các hiệp hội như SFA trong việc hỗ trợ sự phát triển của FinTech, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ Singapore đối với các doanh nghiệp Fintech, khung pháp lý để quản lý, xử lý tiền ảo, tài sản ảo mà Singapore đang xây dựng và thực tiễn thi hành tại Singapore từ góc độ của SFA; (ii) ACCESS về thực tiễn cũng như triển vọng phát triển của tiền ảo, tài sản ảo cũng như công nghệ blockchain tại Singapore và trên thế giới,  vai trò của các hiệp hội như ACCESS trong việc hỗ trợ sự phát triển của công nghệ blockchain,  các chính sách hỗ trợ của Chính phủ Singapore đối với các doanh nghiệp blockchain,  khung pháp lý để quản lý, xử lý tiền ảo, tài sản ảo mà Singapore đang xây dựng và thực tiễn thi hành tại Singapore; (iii) KyberNetwork về ICO và vận hành sàn giao dịch phi tập trung trên cơ sở công nghệ blockchain; mong muốn, kỳ vọng của KyberNetwork (chủ sở hữu là người Việt Nam) đối với khung pháp lý về tài sản mã hóa, tiền mã hóa ở Việt Nam; Huobi về thực tiễn cũng như triển vọng phát triển của tiền ảo, tài sản ảo, ICO và các vấn đề pháp lý liên quan; trong đó tập trung vào các vấn đề phát sinh từ sàn giao dịch tập trung tài sản mã hóa (token mã hóa); các vướng mắc, bất cập liên quan; (iv) Midas Protocol về ví tiền ảo (tiền mã hóa) và thực tiễn ICO xu (token) MAS của Midas Protocol; (v) RTH về các vấn đề pháp lý liên quan tài sản mã hóa, tiền mã hóa; các khó khăn, thách thức liên quan.

Đoàn công tác làm việc với đại diện Cơ quan Thuế Nội địa Singapore (IRAS)
 
Mặc dù lịch làm việc dày đặc với 08 cơquan, tổ chức trong 03 ngày, Đoàn công tác đã tích cực, chủ động tham gia trao đổi, thảo luận, tìm hiểu kỹ về thực tiễn cũng như việc xây dựng khung pháp lý để quản lý, xử lý tiền ảo, tài sản ảo ở Singapore, tập trung vào các vấn đề chính, gồm: (i) bản chất pháp lý của tiền ảo, tài sản ảo; (ii) quản lý các hoạt động ICO; (iii) quản lý các định chế trung gian; (iv) các vấn đề liên quan đến thuế (thuế thu nhập và thuế tiêu dùng/GST) đối với tiền ảo, tài sản ảo và Dự thảo Luật các Dịch vụ thanh toán của Singapore. Ngoài ra, các thành viên trong Đoàn cũng đã trả lời các câu hỏi từ phía bạn về các vấn đề có liên quan đến khung pháp lý quản lý, xử lý tiền ảo, tài sản ảo và thực tiễn thi hành tại Việt Nam.
Kinh nghiệm xây dựng khung pháp lý để quản lý, xử lý tài sản ảo, tiền ảo và thực tiễn thi hành của Singapore cho thấy: tài sản ảo, tiền ảo cũng như các ứng dụng công nghệ blockchain đang trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển; Singapore nói riêng cũng như thế giới nói chung cũng đang trong quá trình ban đầu xem xét và xây dựng khung pháp lý cho vấn đề rất mới và đầy biến động này. Thực tế, Singapore đang tập trung vào tài sản mã hóa (một loại tài sản ảo được tạo ra từ ứng dụng công nghệ blockchain) và tiền mã hóa (một loại tài sản mã hóa cụ thể được cộng đồng chấp nhận và sử dụng như phương tiện thanh toán). Nếu tài sản mã hóa là chứng khoán thì phải áp dụng pháp luật chứng khoán để điều chỉnh; nếu tài sản mã hóa không phải là chứng khoán thì chỉ nên tập trung nhiều vào vấn đề phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố. Trên nguyên tắc đó, cần tập trung quản lý tài sản mã hóa và tiền mã hóa thông qua quản lý các đầu mối trung gian (các sàn giao dịch) bằng cơ chế cấp phép hoạt động. Ngoài ra, cần đảm bảo tất cả các thông tin về ICO phải công khai, đầy đủ để nhà đầu tư quyết định; và nếu xu phát hành là xu chứng khoán thì phải tuân thủ đầy đủ pháp luật chứng khoán. Về quản lý thuế, về nguyên tắc, các hoạt động kinh doanh tài sản mã hóa và tiền mã hóa phải chịu thuế thu nhập, việc đánh thuế giá trị gia tăng hay không thì cần nghiên cứu để không hạn chế các giao dịch liên quan, không bị trốn thuế.
Chuyến công tác tại Singapore của Đoàn công tác đã thành công tốt đẹp; giúp các thành viên của Đoàn công tác hệ thống hóa các kiến thức về khung pháp lý quản lý, xử lý tài sản ảo (tài sản mã hóa), tiền ảo (tiền mã hóa) nói chung và thực tiễn thi hành tại Singapore. Điều này sẽ hỗ trợ tích cực trong việc hoàn thiện Báo cáo rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng pháp luật, thực tiễn về tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam và quốc tế; nhận diện, đề xuất các định hướng hoàn thiện mà Bộ Tư pháp sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới./.
Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế tổng hợp