Tọa đàm “Thượng tôn pháp luật trong thời đại công nghệ 4.0”

16/08/2018
Tọa đàm “Thượng tôn pháp luật trong thời đại công nghệ 4.0”
Sáng 16/8, Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Thượng tôn pháp luật trong thời đại công nghệ 4.0”. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ của Cuộc thi viết vinh danh doanh nghiệp, doanh nhân “Thượng tôn pháp luật, phát triển bền vững” lần thứ hai (năm 2018) với mục đích nhân rộng, lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật ra cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội.
Cách mạng 4.0 tạo sức ép tuân thủ pháp luật
Phát biểu khai mạc, Phó Tổng Biên tập thường trực Đặng Ngọc Luyến chia sẻ, trong 33 năm hình thành và phát triển, bên cạnh công tác làm báo, Báo Pháp luật Việt Nam luôn chú trọng tổ chức các chương trình, sự kiện, cuộc thi tìm hiểu pháp luật góp phần vào công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, được Chính phủ, các bộ, ban, ngành và bạn đọc đánh giá cao.
Thực hiện vai trò, sứ mệnh là cơ quan báo chí, truyền thông về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đồng thời khơi gợi khát vọng lập nghiệp, sản xuất kinh doanh, làm giàu chính đáng vì sự phát triển của doanh nghiệp và thiết thực thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, năm 2017, Báo đã tổ chức Cuộc thi viết Vinh danh doanh nghiệp, doanh nhân “Thượng tôn pháp luật, phát triển bền vững” nhằm tuyên truyền, vận động và cổ vũ doanh nhân, doanh nghiệp áp dụng pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm và biểu dương những doanh nhân, doanh nghiệp điển hình, kinh doanh thành đạt, phát triển bền vững trên cơ sở tôn trọng pháp luật vì sự thịnh vượng chung của đất nước.
Tiếp tục thực hiện sứ mệnh đó, trong năm 2018, Báo đã phối hợp với đại diện của Ban Tuyên giáo Trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Tổng cục Thuế, Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức Cuộc thi viết vinh doanh doanh nghiệp, doanh nhân “Thượng tôn pháp luật, phát triển bền vững” lần thứ hai với mục đích đồng hành cùng Chính phủ xây dựng xã hội kiến tạo, khởi nghiệp vì sự phát triển của doanh nghiệp và thiết thức góp phần đưa Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển kinh tế tư nhân vào cuộc sống.
Vì vậy, ông Luyến nhấn mạnh: “Thượng tôn pháp luật chính là xương sống, là “kim chỉ nam” trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Thực tế cũng đã chứng minh: Có “thượng tôn pháp luật” thì “doanh nghiệp mới phát triển bền vững”. Chân lý đó không có gì phải bàn cãi. Bên cạnh việc tuân thủ pháp luật, sức ép đối với các doanh nghiệp, doanh nhân càng lớn hơn khi toàn cầu đang bước vào cuộc cách mạng 4.0”.
Thượng tôn pháp luật là nền tảng của văn hóa doanh nghiệp
Luật sư Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế cho rằng, khi bước vào cuộc cách mạng 4.0, doanh nghiệp Việt Nam có xuất phát điểm thấp, quy mô nhỏ, yếu về năng suất. Mặc dù đồng tình với Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam là nhiệm kỳ Chính phủ này Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt việc cắt giảm thủ tục hành chính nhưng quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, sự phát triển tăng theo cấp số nhân nên chúng ta “không thể ăn ngon ngủ yên được”. Quan niệm cuộc cách mạng 4.0 tác động toàn diện đến chính tri, xã hội, pháp luật, con người, ông Huỳnh kỳ vọng những Cuộc thi viết như Báo Pháp luật Việt Nam sẽ đánh thức được Nhà nước, người dân.
Đối với Chính phủ, theo ông Huỳnh, không thể điều hành như trước, mà phải là Chính phủ mở, Chính phủ hội nhập. Chính phủ phải làm chủ thông tin khi thời đại 4.0 đã “gõ cửa”, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cùng Chính phủ làm ra pháp luật, tích cực tham gia vào các hội đoàn của doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp, phải cải tiến vấn đề quản trị, không thể cứ mãi loay hoay, không thích ứng được.
San sẻ, đồng cảm với mối lo, trăn trở của doanh nghiệp trong thời đại 4.0, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) Nguyễn Văn Cương lại cảm thấy may mắn vì đang sống trong thời đại mở, được trở thành chứng nhân, tác nhân của cuộc chuyển đổi vĩ đại này. Nói về 5 xu hướng chuyển đổi hiện nay, ông Cương nêu đó là chuyển từ xã hội nông nghiệp sang xã hội tốc độ, cạnh tranh, ở đâu cũng phải chạy đua, dừng lại là tụt hậu; chuyển từ đóng sang mở, kết nối và ngày càng mở, kết nối; trước đây là trọng tình thì nay trọng lý, trọng pháp… Cả 5 xu hướng liên quan này đến chủ đề nền tảng là thượng tôn pháp luật.
Đối với thời đại công nghệ 4.0, chưa bao giờ xã hội Việt Nam có độ mở cao như hiện nay, những gì hay, mới, độ thẩm thấu vào chúng ta rất nhanh, tức thời. Sophia sang thì thế giới đang bàn, ta cũng bàn rồi công nghệ blockchain, điện toán đám mây… đều phát triển không ngừng tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển minh từ thủ công sang hiện đại, chúng ta vẫn có những quyết sách chưa hợp lý. Vì vậy, theo ông Cương, câu chuyện “tốc độ, tốc độ, tốc độ” là hàng đầu bởi phương châm mới là “cá nhanh nuốt cá chậm”, chứ không phải “cá lớn nuốt cá bé”, đòi hỏi doanh nghiệp, doanh nhân cần lưu tâm tốc độ.
Các doanh nhân tham dự buổi tọa đàm đều là những người điều hành doanh nghiệp thành công nhiều năm, có thâm niên lăn lộn trên thương trường, tiếp xúc va chạm với rất nhiều cơ quan quản lý, có rất nhiều kinh nghiệm thực tế và quý giá trong việc áp dụng sáng tạo pháp luật vào kinh doanh bền vững. Các doanh nghiệp, doanh nhân cùng nhấn mạnh sự cần thiết và cấp thiết phải thượng tôn pháp luật trong thời đại 4.0.
Nói thêm về văn hóa Samsung trong việc thượng tôn pháp luật, đại diện Samsung cho biết, thậm chí trong công ty, kể cả đi xe quá tốc độ cho phép, cũng bị phạt và không phân biệt nhân viên với Tổng giám đốc. “Nên coi thượng tôn pháp luật là nền tảng của văn hóa doanh nghiệp - của sự phát triển. Nó quan trọng tương đương với việc áp dụng công nghệ tiên tiến của chúng tôi” - đại diện Samsung khẳng định.
Những chia sẻ của các doanh nghiệp tham dự tọa đàm cùng sự tư vấn của các luật sư sẽ được phát và đăng tải trên các ấn phẩm điện tử và báo in của Báo PLVN để các doanh nghiệp trong cả nước có thể tham khảo học hỏi kinh nghiệm và áp dụng nếu phù hợp.
H.Thư