Cục Kế hoạch – Tài chính, Bộ Tư pháp: Vững bước trưởng thành ở tuổi 25

10/08/2018
Cục Kế hoạch – Tài chính, Bộ Tư pháp: Vững bước trưởng thành ở tuổi 25
Trong không khí cả nước hướng tới kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9; toàn ngành Tư pháp kỷ niệm 73 năm Ngày truyền thống, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Cục Kế hoạch – Tài chính (Bộ Tư pháp) cũng háo hức hướng tới Lễ kỷ niệm 25 năm ngày thành lập (11/8/1993 -11/8/2018) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba - phần thưởng cao quý mà Nhà nước trao tặng vì những công lao đóng góp của Cục trong suốt thời gian qua.
Những mốc son đáng nhớ
Nhớ lại thời điểm sau khi Quốc hội thông qua Luật TAND năm 1992 và Nghị quyết về việc bàn giao công tác thi hành án dân sự (THADS) từ TAND các cấp sang các cơ quan Chính phủ, trong năm 1993, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 266-TTg về triển khai việc bàn giao và tăng cường công tác THADS và Quyết định số 173-TTg về việc giao cho Bộ Tư pháp quản lý ngân sách của các TAND địa phương từ năm ngân sách 1993. Việc giao cho Bộ Tư pháp thực hiện các nhiệm vụ trên là một trong những chủ trương cải cách lớn, có tính đột phá lúc đó nhằm bảo đảm bảo tốt hơn sự độc lập trong thực hiện quyền xét xử của Tòa án, nâng cao hiệu lực thi hành các bản án, quyết định đã tuyên của Tòa án.
Trên cơ sở các nhiệm vụ mới được bổ sung và Nghị định số 38-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp, ngày 11/8/1993, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 531b/QĐ-TC về việc thành lập Vụ Kế hoạch – Tài chính (nay là Cục Kế hoạch – Tài chính) thuộc Bộ Tư pháp. Trải qua quá trình 25 năm xây dựng và phát triển, Cục Kế hoạch – Tài chính đã phấn đấu vượt qua khó khăn, thử thách, vững bước trưởng thành với nhiều mốc son đáng nhớ và có nhiều đóng góp thiết thực vào sự phát triển của Bộ, ngành Tư pháp.
Trong giai đoạn đầu, Vụ Kế hoạch – Tài chính đã tiến hành triển khai đồng bộ các nhiệm vụ được giao, trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý ngân sách, đảm bảo hoạt động cho hệ thống TAND địa phương. Đến năm 2002, thực hiện Luật Tổ chức TAND năm 2002, công tác quản lý ngân sách của các TAND địa phương được chuyển giao từ Bộ Tư pháp sang TAND Tối cao. Bước sang giai đoạn 2003 – 2008, phối hợp với các đơn vị liên quan, Vụ đã tham mưu cho Lãnh đạo Bộ trình cấp có thẩm quyền tập trung tăng cường nguồn lực vật chất đảm bảo hoạt động cho các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, cơ quan THADS địa phương theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW, góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành.
Bên cạnh chức năng, nhiệm vụ là tham mưu, giúp Bộ trưởng thống nhất quản lý về công tác tài chính, kế toán; quản lý, sử dụng tài sản và đầu tư xây dựng cơ bản của Bộ, kể từ ngày 4/12/2008, Vụ Kế hoạch – Tài chính được bổ sung chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý về công tác kế hoạch và thống kê của Bộ, đánh dấu bước ngoặt chuyển từ quản lý tài chính, cơ sở vật chất sang quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Đây là những lĩnh vực công tác mới nên trong quá trình thực hiện gặp không ít khó khăn nhưng đến nay công tác kế hoạch, thống kê của ngành Tư pháp đã từng bước đổi mới, gặt hái được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Với sự ra đời của Nghị định số 96/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp, từ năm 2017, Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ Tư pháp được nâng cấp mô hình tổ chức thành Cục Kế hoạch – Tài chính thuộc Bộ. Giai đoạn này tuy mới chỉ bắt đầu nhưng đã ghi dấu những đổi thay quan trọng, quyết định đường hướng phát triển của Cục trong nhiều năm tới. Theo mô hình mới, Cục Kế hoạch - Tài chính có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý về công tác kế hoạch, thống kê, tài chính, kế toán, quản lý tài sản công và đầu tư phát triển của Bộ Tư pháp; tổ chức thực hiện hoạt động dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực được phân công quản lý theo quy định của pháp luật và phân công của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. 
Đạt kết quả nổi bật trong tất cả các lĩnh vực công tác
Nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp; sự phối hợp tích cực, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Bộ; đặc biệt là sự đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu bền bỉ của tập thể cán bộ, công chức và người lao động qua nhiều thế hệ trong suốt 25 năm qua, công tác của Cục Kế hoạch – Tài chính trong các lĩnh vực chuyên môn đã để lại nhiều dấu ấn.
Cụ thể là trong công tác quản lý ngân sách – tài sản, niềm tự hào của Cục Kế hoạch – Tài chính trong suốt 25 năm qua là Cục đã luôn chủ động tham mưu cho Lãnh đạo Bộ trong công tác lập, chấp hành, quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm theo đúng quy định của pháp luật; kịp thời bố trí ngân sách đáp ứng yêu cầu triển khai nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất của Bộ, ngành. Cùng với việc tăng cường chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp, đến nay, số lượng các đơn vị dự toán thuộc và trực thuộc Bộ quản lý đã tăng lên 809 đơn vị. Thực hiện chủ trương khoán chi hành chính của Chính phủ theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP, ngay từ năm 2006, Cục đã chủ động tham mưu cho Bộ trưởng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí cho 100% đơn vị dự toán thuộc khối quản lý hành chính.
Trong công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, cơ sở vật chất cho các đơn vị thuộc Bộ đến nay từng bước đã được đầu tư đồng bộ, nhiều dự án xây dựng lớn đã, đang hoàn thành và đưa vào sử dụng, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, góp phần quan trọng giúp các đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và tạo bộ mặt khang trang, hiện đại, tương xứng với vị thế mới của Bộ Tư pháp. Đối với khối các cơ quan THADS, Cục Kế hoạch – Tài chính đã chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 05 Đề án về tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ quan THADS theo các giai đoạn. Thực hiện các đề án này, cơ sở vật chất của các cơ quan THADS ngày càng được tăng cường, đảm bảo trang thiết bị làm việc theo tiêu chuẩn. Tính đến cuối năm 2017, trong tổng số 773 cơ quan THADS địa phương đã có 63 Cục THADS và 676 Chi cục THADS được đầu tư xây dựng trụ sở, chiếm tỷ lệ 96%; 261 Cục và Chi cục THADS được đầu tư xây dựng kho vật chứng.
Đối với công tác kế hoạch, Cục đã trình Bộ trưởng phê duyệt Đề án “Đổi mới công tác xây dựng kế hoạch trong ngành Tư pháp”, ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác xây dựng kế hoạch trong ngành Tư pháp, Quy chế xây dựng kế hoạch của Bộ Tư pháp. Trong bối cảnh Nhà nước ta chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh hoạt động xây dựng kế hoạch công tác thì đây được coi là bước đột phá về thể chế trong quản lý công tác kế hoạch ở phạm vi Bộ, ngành Tư pháp; là nền tảng quan trọng để đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng kế hoạch, phục vụ hiệu quả trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn và hoạt động chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo Bộ trong toàn ngành. Có thể nói, đến nay trên công tác kế hoạch và công tác tài chính nói chung đã có sự gắn kết, liên thông hơn trước. Công tác tài chính đã theo sát và phục vụ kịp thời hơn các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của Bộ, ngành Tư pháp. Ngược lại, công tác kế hoạch cũng đã giúp cho hoạt động quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách bảo đảm tính công khai, minh bạch, tiết kiệm và hiệu quả.  
Trong công tác thống kê, với bề dầy chưa đầy 10 năm nhưng Cục đã nỗ lực xây dựng và đặt nền móng ban đầu trong việc triển khai công tác thống kê tại Bộ. Hiện tại, thể chế về công tác thống kê của ngành Tư pháp cơ bản đã hoàn thiện với Thông tư số 10/2017/TT-BTP quy định Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Tư pháp và Thông tư số 04/2016/TT-BTP quy định một số nội dung về hoạt động thống kê của ngành Tư pháp. Hoạt động thu thập, tổng hợp số liệu thống kê đã được chuyên nghiệp hóa. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thống kê được tăng cường với trọng tâm là đưa vào vận hành chính thức trang Thông tin thống kê ngành Tư pháp và nghiên cứu hoàn thiện phần mềm thống kê theo Thông tư số 04/2016/TT-BTP. Có thể nói, công tác thống kê của Bộ đã đi vào nền nếp, chất lượng các thông tin thống kê ngày càng được cải tiến, phục vụ hiệu quả công tác sơ kết, tổng kết, công bố, phổ biến thông tin thống kê của Bộ, ngành; phục vụ báo cáo chỉ tiêu thống kê quốc gia và trở thành một trong những công cụ thiết yếu trong hoạt động quản lý, điều hành của Bộ, ngành Tư pháp.
Gặt hái nhiều “quả ngọt”
Trong suốt 25 năm qua, với sự cố gắng hết mình của cả tập thể, Cục đã nhiều lần được cấp trên khen thưởng với hình thức cao như Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2013, Cờ thi đua Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương năm 2014, 2 Cờ thi đua ngành Tư pháp năm 2012 và năm 2017; nhiều năm đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc và được tặng Bằng khen của Bộ trưởng. Nhiều cá nhân trong đơn vị đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tư pháp công nhận danh hiệu Chiến sỹ thi đua ngành Tư pháp, tặng Bằng khen... Đặc biệt năm nay, Cục vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Đây là phần thưởng cao quý, là món quà tinh thần vô giá đối với đơn vị nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập.
Nhìn lại quá trình 25 năm hoạt động của đơn vị, các thế hệ công chức Cục Kế hoạch – Tài chính  không khỏi bồi hồi, tự hào về những đóng góp của mình vào sự trưởng thành của Cục, về những đóng góp quan trọng của Cục trong việc đảm bảo các nhu cầu tài chính cho toàn ngành và đặt những nền móng vững chắc cho công tác kế hoạch, thống kê ngành. Thời gian tới, Cục Kế hoạch – Tài chính sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh đoàn kết, nâng cao ý thức tự lực, tự cường, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, tạo động lực mạnh mẽ trong toàn đơn vị quyết tâm hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần hơn nữa vào sự phát triển của Bộ, ngành Tư pháp.
Hoàng Thư