Thi hành án dân sự - Vinh quang chặng đường 72 năm

17/07/2018
Thi hành án dân sự - Vinh quang chặng đường 72 năm
Với mục tiêu phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, trên cơ sở nền tảng lý luận của chủ nghĩa C.Mác-Lênin về “biến nhà nước từ cơ quan đứng trên xã hội thành cơ quan hoàn toàn phục tùng xã hội” và tư tưởng Hồ Chí Minh về một nền dân chủ XHCN chân chính “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”, “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng xác định “Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo” là một trong những phương diện căn bản của xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, XI, XII của Đảng [1] và Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định Nhà nước pháp quyền XHCN phải quản lý xã hội bằng pháp luật, thượng tôn pháp luật, giữ vai trò kiến tạo, tạo dựng không gian chính trị-pháp lý nhằm chăm lo hạnh phúc và sự phát triển của mỗi người, bảo đảm và phát huy các quyền cơ bản của con người, trong đó có quyền được sống trong một xã hội trật tự, ổn định, dựa trên nền tảng các giá trị pháp quyền cơ bản.         
Thi hành án dân sự là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ pháp chế XHCN, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, duy trì ổn định, trật tự và an toàn xã hội. Đây cũng là giai đoạn, hoạt động đặc trưng của Nhà nước pháp quyền XHCN nhằm cụ thể hoá yêu cầu thực thi, bảo vệ công lý. Điều 102 Hiến pháp năm 2013 quy định “Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý”. Để thực hiện nhiệm vụ nêu trên, Điều 106 Hiến pháp năm 2013, Điều 4 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) đã nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định “Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực thi hành phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân phải nghiêm chỉnh chấp hành”. Với tầm quan trọng nêu trên, thi hành án dân sự chính là một trong những cơ chế hữu hiệu bảo đảm sự chấp hành, tuân thủ nghiêm túc của các đương sự, hiện thực hoá phán quyết của cơ quan có thẩm quyền, qua đó góp phần đưa các giá trị công lý vào thực tiễn cuộc sống hàng ngày của nhân dân, của đất nước.
1. Thi hành án dân sự - Cơ chế góp phần bảo đảm thực thi công lý
Công lý là kết tinh của những nỗ lực, cố gắng không ngừng của nhân loại để thực hiện lý tưởng công bằng, là giá trị nền tảng, cốt lõi trong việc tổ chức một xã hội trật tự, ổn định và hợp tác. Công lý được chính là “Sự công bằng, sự đúng đắn, lẽ phải. Ban hành công lý là việc Tòa án xác định điều đúng, điều sai trong một vụ việc nhằm thiết lập lại sự công bằng”. 
Công lý là điểm tựa chính trị, đạo lý của mỗi chế độ, thể chế, là giá trị mang lại tính chính danh/chính nghĩa/hợp pháp (legitimacy) của mỗi chính quyền. Nghiên cứu lịch sử Nhà nước cách mạng Việt Nam từ năm 1945, trong hệ thống văn bản pháp lý, các giá trị công lý đã xuất hiện rất sớm, ngay tại Sắc lệnh số 13 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 24/1/1946 quy định cách tổ chức toà án và các ngạch thẩm phán trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, một trong những văn bản đầu tiên đặt nền móng cho việc hình thành nền tư pháp xét xử của chế độ mới. Điều thứ 47 Sắc lệnh quy định “Các vị thẩm phán sẽ chỉ trọng pháp luật và công lý”. Trước đó, ngày 19/9/1945, chỉ hơn 2 tuần sau khi thành lập Chính phủ lâm thời (28/8/1945), công lý cũng đã xuất hiện trên báo Cứu quốc trong bài huấn thị “Chính phủ là công bộc của dân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh với lời tuyên thệ “Uỷ ban nhân dân làng trái với các hội đồng kỳ mục cũ thối nát, sẽ làm những việc có lợi cho dân, không phạm vào công lý, vào tự do của dân chúng. Nó hết sức tránh cuộc bắt bớ đánh đập độc đoán, những cuộc tịch thu tài sản không đúng lý...”. Hai tư liệu nêu trên là “tuyên ngôn chính trị” của chính quyền nhân dân với nghĩa vụ bảo vệ công lý, khẳng định những giá trị cao quý, thiêng liêng của công lý đã được thừa nhận ngay từ những ngày đầu thành lập Nhà nước cách mạng.
Hoạt động thi hành án dân sự có mối quan hệ chặt chẽ, không thể tách rời với hoạt động bảo vệ công lý. Ngay sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, trên cơ sở Sắc lệnh ngày 10/10/1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc tạm thời giữ các luật lệ hiện hành của chế độ cũ ở Bắc, Trung, Nam Bộ nếu “không trái với nguyên tắc độc lập của nước Việt Nam và chính thể cộng hòa”, hoạt động Thừa phát lại được hình thành ở nước ta từ năm 1910 theo Nghị định ngày 9/3/1910 của Toàn quyền Đông Dương với chức năng chính là “phụ tá công lý”, hỗ trợ các cơ quan Tòa án, tư pháp trong hoạt động tố tụng như tống đạt, sưu tập và bổ sung chứng cứ, hỗ trợ hoạt động thi hành án, hỗ trợ luật sư biện hộ trước Tòa đã tiếp tục được duy trì. Song song với đó, Sắc lệnh số 13 ngày 24/1/1946 cũng quy định Ban Tư pháp có quyền thi hành những mệnh lệnh của Thẩm phán cấp trên. Như vậy, trong những năm đầu của Nhà nước cách mạng nhân dân, hoạt động bảo đảm thực thi công lý thông qua thi hành án dân sự đã được Nhà nước hết sức chú trọng, quan tâm.
Ngày 19/7/1946, chiểu lời đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Đình Hòe, Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng đã ký Sắc lệnh số 130 ấn định thể thức thi hành phải ghi trên các bản toàn sao hay trích sao án hoặc mệnh lệnh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Đình Hòe ký Phó thự và được đăng trên Việt Nam Dân quốc Công báo năm 1946 trang 397. Đây là Sắc lệnh quy định những thủ tục riêng, cụ thể và khá độc lập về thẩm quyền, thể thức và quy trình thi hành án, đánh dấu nhận thức sâu sắc hơn của Nhà nước cách mạng, coi thi hành án là công cụ bảo vệ chính quyền nhân dân, bảo vệ công lý. Sắc lệnh quy định thi hành án là mệnh lệnh được “truyền” từ Chủ tịch Chính phủ - người đứng đầu đất nước “Vậy, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa truyền cho…”. Các cấp chính quyền có trách nhiệm chấp hành, tổ chức thi hành mệnh lệnh, bản án “Trong các xã, thị xã hoặc khu phố, chủ tịch, phó chủ tịch và thư ký đều chịu trách nhiệm thi hành những lệnh, mệnh lệnh hoặc án của các tòa án”. Sự cương quyết của hoạt động thi hành án giai đoạn này đã giúp “các giá trị của sự xét xử của thẩm phán Việt Nam được công nhận” và là một “đảm bảo chắc chắn thêm cho công lý và quyền lợi của công dân”. Đặc biệt, hệ thống tư pháp đã “không những dần dần được nhân dân tín nhiệm, mà còn gây được uy tín cả với Ngoại kiều”, một số Pháp kiều “từ chỗ ngoan cố đã đi tới chỗ tuân theo những mệnh lệnh của Tòa án Việt Nam, nhất là khi họ thấy những tòa án đó bảo vệ quyền lợi họ một cách có hiệu lực”. Báo cáo về hoạt động của Bộ Tư pháp từ ngày thành lập chính quyền nhân dân- Nhân dịp Đại hội Việt Minh năm 1949 (Bộ trưởng Vũ Đình Hòe ký ngày 21/8/1949) đã nhận định mặc dù trong bối cảnh thù trong giặc ngoài nhưng “Chúng ta đã bảo toàn được chủ quyền quốc gia về phương diện tư pháp, giữ được uy tín của tư pháp một nước Độc lập”.
Bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, hoạt động bảo vệ công lý tiếp tục được thúc đẩy, gắn với việc bảo vệ các quyền tự do cá nhân “Muốn bảo vệ công lý… thì cần phải cố gắng thi hành triệt để các Sắc lệnh về bảo đảm tự do cá nhân”. Trong giai đoạn này, “cơ quan tư pháp đã cương quyết phụng sự công lý, cố gắng làm cho pháp luật được tôn trọng trong mọi trường hợp, mọi hoàn cảnh của cuộc kháng chiến”, do đó, hoạt động bảo vệ công lý “được dân chúng rất hoan nghênh, làm dân tin tưởng ở nền công lý và gây lại uy tín cho Chính phủ” [3]. Từ năm 1949, trước yêu cầu cấp bách hơn của cuộc kháng chiến, thực hiện chiến tranh nhân dân, toàn diện kháng chiến, hoạt động bảo vệ công lý có những cải cách cho thích hợp với tình thế theo phương châm gần dân, đảm bảo nhanh chóng, từng bước gắn kết tư pháp với chính trị, đảm bảo sự thống nhất chỉ huy về chính trị. Tòa án phải phục vụ nhân dân, phụng sự nhân dân, phải gần dân, “tìm công lý trong nhân dân, của nhân dân”. Dưới ánh sáng của lý luận Mác - Lênin về xây dựng chính quyền nhân dân, bảo vệ công lý là bảo vệ quyền lợi của nhân dân thông qua việc loại bỏ không khoan nhượng mọi hình thức bóc lột giữa người với người. Yêu cầu “hợp công lý” đòi hỏi các quyền dân sự của các tư nhân chỉ có tính tương đối và nó chỉ được chấp nhận nếu hành xử đúng với quyền lợi của nhân dân. Tòa án có thẩm quyền hủy tiêu khế ước khi một bên lập ước lợi dụng sự chênh lệch về địa vị kinh tế giữa hai bên, sự túng quẫn của người lập ước bên kia mà bóc lột người đó [4].
Từ yêu cầu bảo đảm hoạt động thực thi công lý “nhanh chóng và gần dân hơn”, cải cách tư pháp năm 1950 đã chấm dứt sự tồn tại song song hai lực lượng thi hành án là Thừa phát lại và Ban Tư pháp xã. Thay vào đó, với chủ trương “giao cho Tòa án nhân dân huyện quyền ấn định các phương pháp bảo thủ, dù việc xử kiện không thuộc thẩm quyền Tòa án nhân dân huyện”, Điều 19 Sắc lệnh số 85-SL ngày 22-5-1950 cải cách bộ máy Tư pháp và luật Tố tụng quy định “Thẩm phán huyện dưới sự kiểm soát của biện lý có nhiệm vụ đem chấp hành các án hình về khoản bồi thường hay bồi hoàn và các án hộ, mà chính Tòa án huyện hoặc tòa án trên đã tuyên. Việc phát mại bất động sản và phân phối tiền bán được cũng do tòa án huyện phụ trách. Trong trường hợp có nhiều bất động sản rải rác ở nhiều huyện khác nhau thì Biện lý sẽ chỉ định một thẩm phán huyện để việc phát mại đó vừa có lợi cho chủ nợ”. Như vậy, hoạt động thi hành án dân sự có những chuyển biến căn bản, được xác định là nhiệm vụ, trách nhiệm của chế độ. Nhà nước, Tòa án chủ động thi hành án, không thụ động, chờ đợi đương sự có yêu cầu như trước đây.
Từ năm 1960-1986 là giai đoạn đất nước ta thực hiện đầy đủ, triệt để lý luận chuyên chính vô sản trong chế độ xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo, dẫn dắt của Tổng Bí thư Lê Duẩn (1907-1986). Theo Tổng Bí thư, tòa án phải giữ một vị trí, vai trò quan trọng trong hoạt động bảo vệ công lý XHCN, mà trọng tâm là bảo vệ các giá trị tập thể, của nhân dân. Bảo vệ công lý XHCN là “bảo vệ, bảo đảm quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động” và “bảo đảm cho nhân dân lao động là những người làm chủ tập thể” [5]. Ông nhấn mạnh “…đi đôi với việc giải thích, giáo dục pháp luật, phải cưỡng chế thi hành pháp luật, kiểm soát chặt chẽ và xử trí thích đáng đối với hành vi phạm pháp. Các cơ quan có trách nhiệm trực tiếp về việc này như viện kiểm sát nhân dân, các cơ quan thanh tra Nhà nước, công an và tòa án, cần phải tăng cường hoạt động, bảo vệ có hiệu lực pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ công lý và trật tự” [6]. Trong giai đoạn này, hiện thực hóa yêu cầu bảo vệ công lý thông qua hoạt động thi hành án dân sự, Điều 24 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 1960 quy định: “Tại các Tòa án nhân dân địa phương có nhân viên chấp hành án làm nhiệm vụ thi hành những bản án và quyết định về dân sự, những khoản xử về bồi thường và tài sản trong các bản án và quyết định hình sự. Cơ quan công an có nhiệm vụ thi hành những khoản hình phạt trong những bản án và quyết định về hình sự, trừ những khoản phạt tiền”. Như vậy, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 1960 đã luật hóa, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động thi hành án dân sự, đồng thời đề cao vị trí, vai trò chuyên môn của nhân viên chấp hành án. Trên cơ sở đó, ngày 13/10/1972, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định số 186/TC về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên, giao Chấp hành viên các Tòa án cấp huyện thi hành các bản án, quyết định của Tòa án mình và của Tòa án cấp trên hoặc của Tòa án khác ủy thác. Chấp hành viên các Tòa án cấp tỉnh thi hành những bản án, quyết định có nhiều khó khăn như các vụ việc liên quan đến bí mật quốc gia, có yếu tố quốc tế hoặc tài sản thi hành nằm ở nhiều địa phương khác nhau. Tên gọi “Chấp hành viên” đã ra đời và tồn tại từ đó cho đến ngày nay.
Sau khi Hiến pháp năm 1980 ra đời, thực hiện Nghị định số 143-HĐBT ngày 22/11/1981 của Hội đồng Bộ trưởng về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp, từ ngày 1/1/1982, nhiệm vụ quản lý công tác thi hành án được bàn giao từ Tòa án nhân dân tối cao sang Bộ Tư pháp. Việc quản lý, chỉ đạo và tổ chức thực thi nhiệm vụ của Chấp hành viên tiếp tục do Chánh án Tòa án nhân dân đảm nhiệm như đã quy định tại Quyết định số 186/TC ngày 13/10/1972. Trong giai đoạn này, mặc dù hoạt động bảo vệ công lý qua hoạt động thi hành án dân sự có nhiều cố gắng, tiến bộ như “số án đưa ra thi hành đạt nhiều hơn so với năm trước, thu về cho Nhà nước và trả cho đương sự với số tiền lớn” nhưng đây vẫn được đánh giá là “khâu yếu”, cụ thể là “tiền thi hành án cho tạm vay, hoặc đọng ở ngân hàng, nằm trong quỹ cơ quan còn khá lớn và phổ biến, các nguyên tắc về sổ sách, bảo quản tang tài vật không được tôn trọng, việc tổ chức thi hành án thiếu sự phối hợp với các tổ chức Đảng, chính quyền và cơ quan đoàn thể ở cơ sở, coi nhẹ công tác vận động quần chúng, nên thiếu sự đồng tình ủng hộ của nhân dân” [7].
Ngày 28/8/1989, Pháp lệnh Thi hành án dân sự được ban hành tạo sự thay đổi khá căn bản trong cơ chế thi hành án, trong đó nhấn mạnh sự kết hợp nguyên tắc dân chủ, quyền tự định đoạt của đương sự với sự chủ động của Cơ quan Thi hành án dân sự và Chấp hành viên. Nguyên tắc, trình tự, thủ tục thi hành án, quyền và nghĩa vụ của đương sự, các biện pháp cưỡng chế được quy định tương đối chặt chẽ, qua đó tạo nhiều chuyển biến tích cực trong thi hành án dân sự. Tiếp theo, Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993 tiếp tục tạo bước ngoặt về tổ chức và hoạt động của công tác thi hành án dân sự. Quản lý thi hành án được xác định là nhiệm vụ của Chính phủ, qua đó Chính phủ tập trung bảo đảm tốt hơn các nguồn lực cho hoạt động thực thi công lý trong thi hành án dân sự [8].
Từ năm 1986, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Trường Chinh (1907-1988) và Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1915-1998), đất nước ta thực hiện công cuộc Đổi mới. Nội dung cơ bản của chính sách đổi mới là dân chủ hóa mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội, mà trọng tâm là lĩnh vực kinh tế, chính trị. Đổi mới tư duy pháp lý được xác định là một trong những trọng tâm đổi mới đồng bộ với đổi mới tư duy chính trị và đổi mới tư duy kinh tế. Đổi mới nói chung, đổi mới tư duy pháp lý nói riêng phải bắt đầu từ việc “tôn trọng quy luật khách quan, vận dụng đúng đắn, hành động theo quy luật” [9, 10]. Khi tiến trình dân chủ hóa ngày càng sâu rộng với nhiều thành tựu cải cách quan trọng, các giá trị dân chủ, pháp quyền và tự do cá nhân, trong đó có những giá trị của công lý, như một kết quả tất yếu, đã được ghi nhận và khẳng định trở lại trong cuộc cải cách tư pháp lần thứ ba diễn ra từ năm 2002 cho đến nay.
Có thể nói, đường lối cách mạng của Đảng về thúc đẩy và bảo vệ công lý đang ngày càng được phát triển và hoàn thiện. Công lý được xác định là yếu tố khẳng định sự chính đáng, chính nghĩa của Đảng cầm quyền với vai trò là “lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”, là yêu cầu tôn trọng, bảo đảm quyền con người, quyền công dân và là yêu cầu tổ chức, quản lý xã hội dựa trên nền tảng của sự ổn định, trật tự và hợp tác. Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02 tháng 01 năm 2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới nhận định “chất lượng công tác tư pháp nói chung chưa ngang tầm với yêu cầu và đòi hỏi của nhân dân; còn nhiều trường hợp bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội, vi phạm các quyền tự do, dân chủ của công dân, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và các cơ quan tư pháp” và lần đầu tiên sau Đổi mới, Nghị quyết yêu cầu các cơ quan tố tụng và toàn xã hội thực hiện nhiệm vụ “bảo vệ công lý”. Tiếp theo, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 đã tiếp tục phát triển quan niệm về công lý từ nhiều phương diện, bao gồm: (i) Là mục tiêu cơ bản của nền tư pháp “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý…”, “các cơ quan tư pháp phải thật sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người”, (ii) Là quyền cơ bản của người dân “Đổi mới thủ tục hành chính trong các cơ quan tư pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý”, (iii) Là phẩm chất nghề nghiệp cao quý của mỗi cán bộ tư pháp “bồi dưỡng cán bộ tư pháp có kỹ năng nghề nghiệp và kiến thức thực tiễn, có phẩm chất, đạo đức trong sạch, dũng cảm đấu tranh vì công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa”. Đặc biệt, Nghị quyết số 49-NQ/TW khẳng định mạnh mẽ vai trò của hoạt động thi hành án dân sự trong thực thi công lý “xây dựng cơ chế bảo đảm mọi bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật phải được thi hành, các cơ quan hành chính vi phạm bị xử lý theo phán quyết của tòa án phải nghiêm chỉnh chấp hành”, đồng thời nhấn mạnh chủ trương “xã hội hóa và quy định những hình thức, thủ tục để giao cho tổ chức không phải là cơ quan nhà nước thực hiện một số công việc thi hành án” thông qua chế định thừa phát lại để hỗ trợ tốt hơn cho hoạt động thi hành án dân sự.
Triển khai đường lối nêu trên, nằm trong tổng thể lý luận xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Đảng ta đã lãnh đạo việc thể chế hóa hoạt động bảo vệ công lý tại các văn bản pháp lý quan trọng, rường cột của nước nhà như Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức Quốc hội năm 2014, Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, Luật tổ chức Chính phủ năm 2015, Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Bộ luật dân sự năm 2015, Bộ luật hình sự năm 2015, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Luật tố tụng hành chính năm 2015, Luật luật sư (sửa đổi, bổ sung năm 2012), Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014), Luật Thi hành án hình sự năm 2010…, qua đó, hoàn thiện khung pháp lý vững chắc, đồng bộ, toàn diện thúc đẩy hoạt động bảo vệ và thực thi công lý thông qua công tác thi hành án dân sự.
2. Thi hành án dân sự - Tiêu chí quan trọng đánh giá mức độ tín nhiệm của nền kinh tế đất nước
Để phát triển sản xuất kinh doanh, mỗi nền kinh tế phải tạo lập một môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, ổn định và có tính tin cậy cao. Trong môi trường đó, ổn định xã hội là điều kiện tiên quyết, có tính chất quyết định để có thể triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp phát triển kinh tế khác. Nhà nước phải bảo đảm thượng tôn pháp luật, các nguyên tắc pháp quyền, thúc đẩy đồng thuận xã hội, phòng chống tội phạm hiệu quả, xét xử công bằng các tranh chấp và thi hành nghiêm túc các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Nói cách khác, Nhà nước phải bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tạo nền tảng ổn định vững chắc để phát triển các quan hệ kinh tế.
Bên cạnh đó, để kiến tạo môi trường cho kinh tế phát triển, Nhà nước cần triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó, phải tập trung giải phóng những nguồn lực kinh tế “mất giá trị tạm thời” do bị kê biên, phong tỏa, “đóng băng” trong các tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại mà hàng năm trị giá lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Đồng thời, phải chú trọng đẩy mạnh xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, góp phần lành mạnh hóa nền kinh tế, giảm lãi suất cho vay, khơi thông dòng chảy tài chính phục vụ phát triển kinh tế. Kết quả thi hành xong về việc, về tiền của các cơ quan thi hành án dân sự những năm gần đây ngày càng tăng, năm 2016 thi hành xong trên 530 nghìn việc và trên 29 nghìn tỷ đồng. Năm 2017, thi hành xong gần 550 nghìn việc và trên 35 nghìn tỷ đồng. Công tác thi hành án hành chính ngày càng đi vào nề nếp. Năm 2017, trong số 361 bản án, quyết định có nội dung theo dõi, đã thi hành xong 276 việc.

Trước yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, Nghị quyết Trung ương Năm khóa XII vừa qua đã ghi nhận và khẳng định Thi hành án dân sự là một trong những hoạt động quan trọng, góp phần tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư và khuyến khích phong trào khởi nghiệp.
Phát triển kinh tế tư nhân yêu cầu Nhà nước khẩn trương hoàn thiện thể chế bảo vệ các nhà đầu tư, trong đó, trọng tâm là hoàn thiện thể chế về sở hữu và bảo vệ quyền sở hữu tài sản. Các quyền sở hữu tài sản của nhà đầu tư phải được tôn trọng và bảo đảm hiệu lực thực thi. Không hình sự hóa các mối quan hệ kinh tế và dân sự. Các quy định về đăng ký và giao dịch tài sản, nhất là bất động sản, phải tiếp tục được phát triển theo hướng minh bạch, liên thông, dễ tiếp cận, bảo đảm cho các quyền tài sản được giao dịch thông suốt, không rơi vào trạng thái ách tắc, trì trệ. Các dịch vụ hành chính công phải được hiện đại hóa để tiết kiệm thời gian, chi phí, không tạo gánh nặng tâm lý đối với người dân và doanh nghiệp.
Trong đời sống kinh doanh, công cụ quan trọng để các nhà đầu tư tiến hành các giao dịch phục vụ hoạt động sản xuất là hợp đồng. Cùng với đó là các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến quyền sở hữu như cầm cố, thế chấp... Hoàn thiện và bảo đảm cơ chế thực thi nghiêm minh, có hiệu quả pháp luật về hợp đồng cùng với việc nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả các thiết chế giải quyết tranh chấp để bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích của người dân và doanh nghiệp là yếu tố quan trọng tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh. Vấn đề các nhà đầu tư quan tâm khi đến làm ăn tại mỗi quốc gia là hiệu lực, hiệu quả bảo vệ quyền sở hữu tài sản trong trường hợp xảy ra tranh chấp, họ sẽ phải mất bao nhiêu thời gian và chi phí để có thể thu hồi thành công tài sản, đồng vốn của họ.
Theo Ngân hàng thế giới, cùng với các yếu tố khác như khởi sự kinh doanh, tín dụng, xây dựng, đăng ký sở hữu, thuế, bảo hiểm, điện năng, cấp thoát nước, thông quan hàng hóa thì hiệu lực thi hành bản án là một tiêu chí hết sức quan trọng cho sự tín nhiệm của mỗi nền kinh tế. “Công lý chậm trễ là công lý bất công”. Một nền kinh tế có hệ thống tư pháp hiệu lực với các thiết chế đủ năng lực bảo đảm việc thực thi các nghĩa vụ hợp đồng sẽ bảo vệ các quyền tài sản, thúc đẩy mạnh mẽ các thị trường tín dụng và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tương tự, một cơ chế phá sản hiệu quả, nhanh và tiết kiệm sẽ giúp tái phân phối các nguồn lực, rút ngắn thời gian thu hồi tài sản, tiền vốn và sớm đưa các nhà đầu tư trở lại sản xuất, kinh doanh bình thường.
3. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành án dân sự trong thời gian tới
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã khẳng định ba mươi năm đổi mới của đất nước là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử qua 30 năm đổi mới khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử. Đặc biệt, những thành tựu và những bài học kinh nghiệm đúc rút từ thực tiễn đã và đang tạo tiền đề, nền tảng quan trọng để đất nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong những năm tới.
Trong thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến nước ta, tạo ra cả thời cơ và thách thức. Ở trong nước, thế và lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước tăng lên, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao. Nước ta sẽ thực hiện đầy đủ các cam kết trong cộng đồng ASEAN và WTO, tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hội nhập quốc tế với tầm mức sâu rộng hơn nhiều so với giai đoạn trước. Thời cơ, vận hội phát triển với đất nước ta sẽ mở ra rộng lớn nhưng cùng với đó, những khó khăn, thách thức và nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn còn đang tồn tại và diễn biến phức tạp. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng khẳng định mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu quan trọng và nhiệm vụ trọng tâm 5 năm 2016-2010 nhằm “phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Trong bối cảnh đó, các cấp, các ngành, các địa phương nói chung, hoạt động thi hành án dân sự nói riêng cần phải không ngừng nỗ lực vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết của cuộc sống, góp phần tích cực bảo đảm an ninh xã hội và thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương.
Ngày 16 tháng 01 năm 2012, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Một số vấn đề cấp bách xây dựng Đảng hiện nay đã khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”. Theo đó, sự giảm sút niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đã trở thành một trong những vấn đề cấp bách, thách thức vai trò lãnh đạo của Đảng và đe dọa sự tồn vong của chế độ. Trong đó, những tồn tại, yếu kém của công tác thực thi, bảo vệ công lý thời gian qua đã và đang gây nhiều hoài nghi, bức xúc từ dư luận xã hội, là một yếu tố góp phần làm giảm sút đáng kể niềm tin và sự gắn bó của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Do đó, có thể nói, trong Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, công tác thi hành án dân sự đang ngày càng có vị trí và ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ pháp chế XHCN, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, thực thi công lý, xây dựng một xã hội trật tự, kỷ cương và ổn định.
Hoạt động thi hành án dân sự đã trải qua chặng đường 72 năm với nhiều đóng góp quan trọng, tích cực đối với sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của đất nước và từng địa phương được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận. Tuy nhiên, nhiệm vụ của hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự trong giai đoạn tới và các năm tiếp theo là rất nặng nề với nhiều thách thức như lượng án có điều kiện phải chuyển kỳ sau còn nhiều và có xu hướng tăng (trên 226 ngàn việc, tương ứng với số tiền trên 83 ngàn tỷ đồng), hiện tượng nhũng nhiễu, vi phạm, làm giảm uy tín của Ngành, Hệ thống còn tiếp diễn, nhiều trường hợp vi phạm về trình tự, thủ tục thi hành án, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh trách nhiệm bồi thường nhà nước, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo có lúc có nơi chưa được quan tâm đúng mức, gây bức xúc trong dư luận xã hội… Do đó, việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thi hành án dân sự, góp phần bảo đảm thực thi công lý là vấn đề hết sức cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Trong thời tới, cần tập trung một số giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, hết sức chú trọng và làm tốt công tác cán bộ, quan tâm xây dựng, kiện toàn đội ngũ công chức bảo đảm cả về số lượng và chất lượng, chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm của đội ngũ công chức thi hành án, nhất là đối với đội ngũ lãnh đạo quản lý và chức danh pháp lý; đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; thực hiện nghiêm túc Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp, Chuẩn mực đạo đức Chấp hành viên gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương IV; đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tăng cường, kỷ luật, kỷ cương; kiên quyết xử lý nghiêm đối với những trường hợp sai phạm để làm trong sạch bộ máy, đẩy mạnh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, phấn đấu xây dựng các cơ quan thi hành án dân sự trong sạch, vững mạnh, toàn diện; đồng thời, quan tâm xây dựng đội ngũ công chức trẻ để tạo nguồn bổ nhiệm thế hệ lãnh đạo kế cận bảo đảm sự phát triển bền vững.
Thứ hai, tranh thủ được sự quan tâm của Quốc hội, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của cấp ủy, chính quyền địa phương; đồng thời, phải chủ động thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp trong công tác thi hành án dân sự với các bộ, ngành ở Trung ương, các sở, ban, ngành và nhất là chính quyền ở địa phương để tạo sự đồng thuận, ủng hộ của toàn bộ các cơ quan chính trị đối với công tác thi hành án dân sự, nhất là tại cở sở.
Thứ ba, phải có sự chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo, sâu sát với thực tiễn công việc và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh để tổ chức thực hiện thắng lợi những chỉ tiêu, nhiệm vụ về thi hành án dân sự, bảo đảm kết quả thi hành án dân sự thực chất, bền vững, kiên quyết không chạy theo thành tích. Tăng cường công tác kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm các hoạt động thi hành án dân sự được tiến hành đúng trình tự, thủ tục, đồng thời, chủ động phát hiện và khắc phục, xử lý kịp thời những sai phạm, thiếu sót ngay từ cơ sở, trong đó đặc biệt chú trọng kiểm tra công tác xác minh, phân loại án, kiểm tra công tác chuyên môn nghiệp vụ, công tác kế hoạch, tài chính...
Thứ tư, quan tâm giải quyết và chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong đó tập trung chỉ đạo sâu sát, quyết liệt đối với những vụ án lớn, những vụ phức tạp, kéo dài; rà soát, tìm hiểu rõ nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo để có biện pháp giải quyết hiệu quả, kịp thời. Định kỳ tổ chức để lãnh đạo đối thoại, tiếp công dân, kịp thời, giải thích cho đương sự hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật, góp phần hạn chế thấp nhất tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp, kéo dài.
Thứ năm, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ các thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tiến tới cung cấp dịch vụ công mức độ 3, đồng thời hoàn thiện các phần mềm quản lý hoạt động thi hành án, nâng cao trách nhiệm giải trình, tính công khai, minh bạch trong hoạt động thi hành án, chủ động phòng ngừa tham nhũng./.
                             Nguyễn Xuân Tùng
            Chánh Văn phòng Tổng cục Thi hành án dân sự
 Tài liệu tham khảo:
 [1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2006, 2011, 2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Tr.127, lần thứ XI, Tr.250 và lần thứ XII, Tr.178, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
[2] Roger D.Masters Margaret Gruter (editors) (1999), The sense of Justice (Cảm nhận về công lý), Sage Publications, Tr.131.
[3] Bộ Tư pháp (1947), Báo cáo tổng kết của Bộ Tư pháp năm 1947.
[4] Sắc lệnh số 97-SL Cải cách quyền dân sự ngày 22-5-1950 tại Việt Nam Dân quốc Công báo số 6 năm 1950, tr.134.
[5] Bộ Tư pháp (2015), Ngành Tư pháp Việt Nam-70 năm xây dựng và phát triển, Nxb Tư pháp, Tr.475-491.
[6] Lê Duẩn (1976), Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (tập 1), Nxb Sự thật, Tr.594-633.
[7] Bộ Tư pháp (1987), Báo cáo Hội nghị tư pháp lần thứ XI, tr.11.
[8] Viện Nghiên cứu Khoa học pháp lý (1999), Tổ chức và hoạt động thi hành án dân sự, Thực trạng và Phương hướng đổi mới.
[9] Trường Chinh (1987), Đổi mới là đòi hỏi bức thiết của đất nước và của thời đại, Nxb Sự thật.
[10] Nguyễn Văn Linh (1988), Đổi mới để tiến lên, Nxb Sự thật.
[11] Bộ Tư pháp (2015), Báo cáo Kết quả công tác thi hành án dân sự năm 2015 và nhiệm kỳ 2011 - 2015, định hướng nhiệm kỳ 2016 - 2020 và nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu năm 2016.