Hội thảo nâng cao hiệu lực quản lý công tác tư pháp tại Khu vực phía Nam

08/06/2018
Hội thảo nâng cao hiệu lực quản lý công tác tư pháp tại Khu vực phía Nam
Vừa qua, Cục Công tác phía Nam tổ chức Hội thảo “Nâng cao hiệu lực quản lý công tác tư pháp tại khu vực phía Nam”. Tham dự và đồng chủ trì có ông Nguyễn Quang Thái Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và lãnh đạo Sở Tư pháp trong Khu vực,Tư pháp cấp huyện, đại diện Văn phòng công chứng, thừa phát lại tại TP.HCM.

Các đại biểu tham gia hội thảo đã chia sẻ một cách khách quan, toàn diện những kết quả đạt được của địa phương trong bối cảnh hiện nay, như: công việc nhiều nhưng nguồn nhân lực không tăng; tình hình chuẩn bị sắp xếp tổ chức bộ máy của đơn vị theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII. Bên cạnh đó, các địa phương còn gặp những khó khăn trong triển khai nhiệm vụ tư pháp tại khu vực phía Nam như: Công tác tham mưu, tổng hợp hoạch định chính sách chưa sâu, hiệu quả; Việc xã hội hóa trong hoạt động tư pháp còn gặp nhiều khó khăn nhất là trong lĩnh vực công chứng, thừa phát lại; Chưa có phần mềm quản lý nhân sự trong lĩnh vực bổ trợ; Cơ sở dữ liệu về hộ tịch chưa hoàn thiện; Biên chế thu hẹp, cán bộ pháp chế các sở ngành không còn; Việc kiện toàn tổ chức bộ máy theo chủ trương chung chưa có định hướng cấp trên … Những yếu tố này tác động rất lớn đến hiệu lực quản lý công tác tư pháp tại khu vực phía Nam.
Kết thúc Hội thảo, đại diện lãnh đạo Cục Công tác phía Nam, cơ quan chủ trì Hội thảo có một số ý kiến đề nghị với các Sở Tư pháp trong Khu vực quan tâm:
Thứ nhất, Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp địa phương, trong đó tập trung vào những lĩnh vực trực tiếp gắn liền với người dân, doanh nghiệp như hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp, bồi thường nhà nước, trợ giúp pháp lý, xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật. Chú trọng tham mưu về công tác thẩm định xây dựng văn bản của địa phương, đảm bảo chất lượng các văn bản ban hành đúng trình tự, tránh tình trạng quy định chồng chéo, không khả thi.
Thứ hai, Tham mưu với lãnh đạo UBND cấp tỉnh về công tác cán bộ, đảm bảo bố trí đủ cán bộ, có trình độ chuyên môn đáp ứng được yêu cầu công việc. Gắn với công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ.
Thứ ba, thực hiện triệt để cải cách thủ tục hành chính trong công tác tư pháp, nhất là các lĩnh vực liên quan đến lý lịch tư pháp, hộ tịch, chứng thực…, cán bộ tư pháp phải đặt lợi ích hợp pháp, sự hài lòng, tin cậy của người dân làm trọng tâm, tránh việc gây nhũng nhiểu, phiền hà.
 Thứ tư, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp, thực hiện chuẩn hóa quy trình tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu của người dân, doanh nghiệp liên quan đến thủ tục hành chính trong công tác tư pháp. Cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Thứ năm, mỗi cơ quan tư pháp các cấp trong Khu vực cần đổi mới công tác quản lý chỉ đạo, điều hành, lề lối làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính sao cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của địa phương mình. Đảm bảo cho công tác tư pháp của địa phương đạt hiệu quả cao hơn. Đáp ứng tốt nhất nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện hội nhập quốc tế.
 
Trần Thị Tú - Phòng Công tác Hành chính tư pháp và Bổ trợ tư pháp, Cục Công tác phía Nam