Triển khai Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm liên ngành

02/02/2018
Triển khai Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm liên ngành
Chiều nay – ngày 01/02, Bộ Tư pháp đã triển khai Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm liên ngành và lĩnh vực trọng tâm của Bộ Tư pháp năm 2018. Đồng chí Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và Theo dõi thi hành pháp luật chủ trì Hội nghị. Đại diện một số Bộ, ngành, đơn vị thuộc Bộ tham dự Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Đặng Thanh Sơn cho biết, Bộ Tư pháp cùng với các Bộ, ngành khác đã đồng hành cùng Chính phủ trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, năm 2017, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành phải tập trung vào điều kiện đầu tư kinh doanh, do vậy việc theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực này là nhiệm vụ trọng tâm liên ngành. Đồng chí cũng vui mừng cho biết, Chương trình theo dõi thi hành pháp luật đặc biệt là trọng tâm liên ngành về theo dõi thi pháp luật trong hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đã trở thành 01 trong 10 sự kiện nổi bật của Ngành Tư pháp... Đồng chí nhấn mạnh, năm 2018, Bộ Tư pháp đã sớm ban hành Quyết định số 2701/QĐ-BTP ngày 29/12/2017 về ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành và lĩnh vực trọng tâm của Bộ Tư pháp năm 2018, điều đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho các Bộ, ngành, địa phương đưa chương trình trọng tâm này vào Kế hoạch công tác để thống nhất thực hiện trên toàn quốc.
Thay mặt Cục QLXLVPHC và theo dõi THPL, Phó Cục trưởng đồng chí Hồ Quang Huy nêu rõ, theo Quyết định số 2701/QĐ-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, trong năm 2018, các bộ, ngành, địa phương sẽ tập trung vào theo dõi thi hành pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; y tế; lao động, thương binh và xã hội. Đồng chí cũng đưa ra dự kiến một số giải pháp thực hiện Kế hoạch, trong đó nhấn mạnh đến giải pháp về tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng để góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện và thúc đẩy hoạt động đầu tư kinh doanh; Tăng cường theo dõi, xử lý thông tin về các vụ việc, phản ứng chính sách một cách kịp thời, hiệu quả; Tổ chức kiểm tra, điều tra, khảo sát liên ngành tình hình thi hành pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh.

Khẳng định theo dõi tình hình thi hành pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nêu trên là cần thiết và hợp lý trong thời điểm hiện nay, các đại diện tham dự Hội nghị  cũng cho rằng, Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ  hơn nữa để thực hiện Kế hoạch. Các đại biểu tham dự Hội nghị cũng chia sẻ những băn khoăn về tiêu chí nào để xác định việc tuân thủ hay không tuân thủ pháp luật; ngoài việc xác định đối tượng điều tra, khảo sát trực tiếp tại một số địa phương, thì nên điều tra qua phiếu để mở rộng đối tượng được điều tra, khảo sát; bên cạnh đó, cần xác định các địa phương đang có “điểm nóng” về đầu tư, lao động, việc làm, y tế để điều tra, khảo sát…
Vy Anh