Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương kiểm tra công tác PBGDPL tại tỉnh Thừa Thiên Huế

06/12/2017
Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương kiểm tra công tác PBGDPL tại  tỉnh Thừa Thiên Huế
Thực hiện Kế hoạch hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương năm 2017, ngày 04/12/2017, Đoàn công tác của Hội đồng do đồng chí Đỗ Xuân Lân – Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng làm Trưởng đoàn và thành viên là đại diện lãnh đạo Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp; Vụ Pháp chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Vụ Pháp chế, Bộ Quốc phòng; Đài Truyền hình Việt Nam đã kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Làm việc với Đoàn công tác, về phía địa phương có đồng chí Đinh Khắc Đính – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh, lãnh đạo Sở Tư pháp và lãnh đạo các ban, sở, ngành, Ủy ban Mặt trân Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội tỉnh là thành viên Hội đồng phối hợp tỉnh; lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Quảng Điền, Ủy ban nhân dân thị trấn Sịa và xã Quảng Phú (huyện Quảng Điền).
Tại buổi làm việc, thay mặt Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh, đồng chí Đào Chuẩn – Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng đã báo cáo tóm tắt kết quả hoạt động của Hội đồng năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Năm 2017, tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác PBGDPL, xây dựng xã, phường, thị trấn (cấp xã) đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; sớm ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch công tác. Trên cơ sở hướng dẫn của Ủy ban nhân dân, Hội đồng phối hợp tỉnh, 100% Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế và 97% các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện.
Tỉnh đã quan tâm bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL. Năm 2017, Sở Tư pháp đã phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức 18 lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật, nghiệp vụ PBGDPL, nghiệp vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cho 970 lượt công chức phụ trách công tác này, báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật và cán bộ chủ chốt ở cơ sở; phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho cán bộ, nhân dân các xã biên giới đất liền về một số lĩnh vực như: Hôn nhân và gia đình, hộ tịch, quốc tịch, quy chế khu vực biên giới đất liền, hòa giải ở cơ sở…Sở Tư pháp đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh kiện toàn thành viên Hội đồng. Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Phòng Tư pháp đều bố trí công chức tham mưu công tác PBGDPL. Toàn tỉnh hiện có 92 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 204 báo cáo viên pháp luật cấp huyện và 1.797 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã; 115/152 đơn vị cấp xã bố trí 2 công chức Tư pháp - Hộ tịch; bố trí 269 giáo viên được bố trí giảng dạy môn giáo dục công dân tại 113 trường trung học sơ sở và 39 trường trung học phổ thông. Để tạo cơ sở pháp lý cho việc bố trí kinh phí dành cho công tác PBGDPL, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định quy định các mức chi trên địa bàn tỉnh. Năm 2017, kinh phí dành hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh là 1.130.000.000 đ. Kinh phí PBGDPL ở cấp huyện trung bình từ 50-70 triệu đồng; ở cấp xã từ 2-5 triệu đồng. Một số cơ quan đã huy động sự tham gia, hỗ trợ của doanh nghiệp trong công tác PBGDPL.
Bên cạnh phổ biến các quy định pháp luật cho Nhân dân nói chung, công tác PBGDPL cho đối tượng đặc thù được tỉnh quan tâm thực hiện như: tổ chức hội nghị, tư vấn pháp luật, đối thoại chính sách với người lao động, xã viên hợp tác xã; tổ chức PBGDPL bằng hình thức phù hợp cho người khuyết tật, người đang chấp hành hình phạt tù, nguời đang bị áp dụng các biện pháp giáo dục tại cấp xã; tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động, PBGDPL thông qua các chuyên mục, chuyên đề phát thanh, truyền hình cho đồng bào dân tộc thiểu số, Nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.
 Qua thực tiễn, một số hình thức, mô hình PBGDPL đã được tỉnh áp dụng có hiệu quả là: Tổ chức đối thoại chính sách, pháp luật với doanh nghiệp; lồng ghép PBGDPL qua hoạt động của Hội đồng giải phóng mặt bằng; tổ chức các loại hình thi tìm hiểu pháp luật ; PBGDPL thông qua xét xử lưu động; mô hình Cụm dân cư không có tội phạm và tệ nạn xã hội; các loại hình câu lạc bộ pháp luật; mô hình Tổ nòng cốt ở cơ sở... Các trường học trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều hình thức PBGDPL ngoài giờ lên lớp như: Hội thi sinh viên với pháp luật; tổ chức phiên tòa giả định; ký cam kết không vi phạm pháp luật; xây dựng trường học đạt chuẩn “An toàn về an ninh trật tự”...
Qua công tác PBGDPL, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức và Nhân dân được nâng lên, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phát kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Tại buổi kiểm tra, Đoàn công tác cũng đã phân tích những tồn tại, khó khăn trong công tác PBGDPL tại địa phương và nguyên nhân của tồn tại, khó khăn, trong đó công tác PBGDPL một số nơi chưa đi vào chiều sâu, còn dàn trải, hình thức, chưa tạo được sự chuyển biến rõ rệt trong ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật. Ý thức tự tìm hiểu pháp luật của một bộ phận cán bộ, công chức và Nhân dân còn hạn chế. Hiệu quả hoạt động của báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật còn thấp. Sự phối hợp, gắn kết giữa một số thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL trong công tác PBGDPL chưa chặt chẽ, thường xuyên. Kinh phí được cấp cho công tác PBGDPL các cấp còn ep hẹp, nhất là cấp huyện, cấp xã.
Đoàn công tác của Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương còn giải đáp nhiều ý kiến, đồng thời ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của địa phương để nghiên cứu, tham mưu giải quyết, tháo gỡ.
Theo Kế hoạch, ngày 05/12 và 06/12/2017, Đoàn công tác sẽ kiểm tra công tác PBGDPL tại huyện Đông Hà và tỉnh Quảng Trị.
 
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật