Lồng ghép giới trong xây dựng chính sách và soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật

30/11/2017
Lồng ghép giới trong xây dựng chính sách và soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật
Ngày 30/11/2017, Bộ Tư pháp phối hợp với Dự án Phát triển lập pháp quốc gia tại Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Đánh giá vấn đề lồng ghép giới trong xây dựng chính sách và soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật”. Hội nghị thu hút sự tham gia đông đảo của các đại diện đến từ các bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan trung ương: Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, đại diện tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn...), VCCI, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam..., một số cơ quan tư pháp địa phương, đại diện giảng viên một số trường Đại học, Viện nghiên cứu, một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và các báo cáo viên là các chuyên gia độc lập nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực giới và lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật của Việt Nam và Canada.


Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Hồng Tuyến - Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp nhấn mạnh, sau khi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 được thông qua, nhiều quy định mang tính đột phá nhằm bảo đảm thực hiện việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản QPPL được đánh giá là rất thiết thực, hiệu quả đối với toàn bộ hệ thống pháp luật. Để thực hiện có hiệu quả việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng chính sách và soạn thảo văn bản QPPL theo quy định của Luật ban hành văn bản QPPL, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tập huấn để các báo cáo viên và các đại biểu trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về các quy định về đánh giá tác động giới và lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quy trình xây dựng văn bản QPPL theo quy định của Luật ban hành văn bản QPPL năm 2015.
Bà Cheryl Hebert - Chuyên gia cao cấp về giới của Canada chia sẻ kinh nghiệm về phương pháp luận áp dụng trong đánh giá tác động giới và lồng ghép giới, cấc bước xác định vấn đề giới trong nội dung chính sách của Canada trong việc xác định vấn đề giới trong nội dung chính sách có vấn đề giới và trung tính về giới. Chuyên gia cao cấp Dương Thanh Mai - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp chia sẻ với Hội nghị về nội dung Bộ công cụ lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Bộ công cụ này là tài liệu hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật cho những người tham gia trực tiếp vào việc thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới theo tinh thần của Luật bình đẳng giới trong quy trình xây dựng văn bản QPPL phù hợp với Luật ban hành văn bản QPPL năm 2015, qua đó, góp phần hiện thực hóa các nguyên tắc bình đẳng giới, tạo khuôn khổ pháp luật để thúc đẩy việc thực hiện các chỉ tiêu bình đẳng giới theo Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới của Việt Nam đến năm 2020 hướng đến mục tiêu bình đẳng giới thực chất bền vững tại Việt Nam.
Ngoài ra, đại diện của các cơ quan, bộ, ngành như Vụ Pháp chế Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, các cơ quan tư pháp ở Trung ương cũng chia sẻ với Hội nghị các kinh nghiệm của cơ quan mình trong việc xác định vấn đề giới trong các chính sách khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan mình.
Phát biểu kết thúc Hội nghị tập huấn, ông Nguyễn Hồng Tuyến – Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật cho rằng, Hội nghị tập huấn này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, theo đó hội nghị không chỉ là diễn đàn giới thiệu pháp luật và kỹ năng trong đánh giá tác động giới khi xây dựng chính sách và soạn thảo văn bản QPPL mà còn là cơ hội để Bộ Tư pháp lắng nghe những phản ánh vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn thi hành pháp luật về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, để từ đó có cơ sở sửa đổi, hoàn thiện pháp luật trong thời gian tới.
Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp