Học viện Tư pháp đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế

23/11/2017
Học viện Tư pháp đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế
Chương trình đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế Khóa I tại thành phố Hà Nội của Học viện Tư pháp hiện đang thu hút sự quan tâm của nhiều học viên và các tổ chức hành nghề luật sư (trong nước và nước ngoài) cũng như dư luận xã hội nói chung. Chương trình này có ý nghĩa như thế nào trong việc xây dựng đội ngũ luật sư giỏi, có đủ khả năng tham gia giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế. Học viên tham gia khóa đào tạo này cần có những tiêu chuẩn nào, phương thức đào tạo ra sao?….Về vấn đề này, Báo Pháp luật Việt Nam đã phỏng vấn TS. Đoàn Trung Kiên, Giám đốc Học viện Tư pháp.
    
- Thưa ông, vừa qua, Học viện Tư pháp đã khai giảng Lớp đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế khóa 1 tại thành phố Hà Nội, được biết đây là chương trình Học viện đã “ấp ủ” từ lâu, xin ông cho biết cụ thể hơn về khóa đào tạo này ?
Việc xây dựng đội ngũ Luật sư giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, am hiểu luật pháp và tập quán thương mại quốc tế, thông thạo tiếng Anh, thành thạo về kỹ năng hành nghề luật sư, có đủ khả năng tư vấn các vấn đề liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế cho Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp là một trong những mục tiêu hàng đầu được đề ra trong Đề án “Phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020” ban hành kèm theo Quyết định số 123/QĐ-TTg ngày 18/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 21/6/2010, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 1759/QĐ-BTP về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020”. Ngày 19/02/2014, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 382/QĐ-BTP thành lập Trung tâm liên kết đào tạo luật sư thương mại quốc tế thuộc Học viện Tư pháp. Bộ Tư pháp đã giao cho Học viện Tư pháp thực hiện việc xây dựng và triển khai Chương trình đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế theo hệ thống tín chỉ. Học viện Tư pháp đã xây dựng và trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp ký Quyết định số 2539/QĐ-BTP ngày 6/12/2016 về việc ban hành Chương trình khung đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế. Trên cơ sở Chương trình khung, Giám đốc Học viện Tư pháp đã ban hành Chương trình chi tiết đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế trong nửa đầu năm 2017.
Để chuẩn bị cho khóa đào tạo đầu tiên, Học viện Tư pháp đã xây dựng chương trình môn học; tổ chức các khóa đào tạo tiếng Anh pháp lý để nâng cao trình độ tiếng Anh cho các đối tượng học viên tiềm năng; tổ chức hội nghị tập huấn giảng viên; tổ chức các hội thảo, tọa đàm về các vấn đề chuyên môn liên quan đến Chương trình; xây dựng Quy chế tuyển sinh, Quy chế đào tạo; trang bị một phòng học hiện đại dành riêng cho Chương trình... Đặc biệt, Học viện đã ký thỏa thuận hợp tác với Câu lạc bộ luật sư thương mại quốc tế Việt Nam trong việc hợp tác xây dựng và triển khai Chương trình đào tạo, bồi dưỡng luật sư phục vụ hội nhập quốc tế, đồng thời phối hợp với các công ty luật, văn phòng luật sư của Việt Nam và nước ngoài, trung tâm trọng tài, các trường đại học và cơ sở đào tạo luật, các cơ quan tư pháp, hành chính nhà nước, pháp chế Bộ Ngành liên quan trực tiếp trong lĩnh vực kinh doanh thương 
- Đội ngũ Luật sư của Việt Nam hiện nay rất đông đảo nhưng số lượng luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế, thông thạo ngoại ngữ, có kỹ năng giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài lại rất hạn chế…Việc mở các khóa đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế như đang được tiến hành tại Học viện Tư pháp có ý nghĩa như thế nào trong việc góp phần khắc phục tình trạng nêu trên?
Sau gần 07 năm thực hiện, Đề án “Phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020” ban hành kèm theo Quyết định số 123/QĐ-TTg ngày 18/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định được tầm quan trọng và sự cần thiết đối với công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, đạt những kết quả nổi bật đó là sự phát triển khá nhanh về số lượng và chất lượng đội ngũ luật sư và tổ chức hành nghề luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế, với số lượng 444 luật sư, 28 tổ chức hành nghề luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế.
Tuy vậy, thực tiễn giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế thời gian qua cho thấy,  trong khi các tranh chấp quốc tế ngày càng nhiều, nhu cầu sử dụng luật sư ngày càng lớn thì khó khăn lớn nhất của Việt Nam là số lượng luật sư chuyên sâu phục vụ hội nhập còn rất ít, chất lượng cũng còn nhiều hạn chế. Do vậy, nhiều vụ tranh chấp thương mại quốc tế, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của nước ta phải thuê các công ty luật nước ngoài tư vấn, đại diện trong quá trình giải quyết với chi phí rất cao, lại không chủ động về thời gian và nắm bắt diễn biến giải quyết tranh chấp, vấn đề cung cấp và bảo mật thông tin cũng gây nhiều khó khăn cho các bên. 
Theo thông tin chúng tôi được biết cả nước có hàng trăm vụ việc khiếu nại hoặc tranh chấp liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài đang được các cơ quan hành chính hoặc tố tụng Việt Nam xét xét giải quyết hoặc đã được giải quyết xong. Các vụ việc này liên quan đến nhiều Bộ, ngành và các địa phương. Trong số đó nổi bật là 06 vụ tranh chấp do nhà đầu tư nước ngoài kiện Chính phủ Việt Nam tại trọng tài quốc tế như vụ Trịnh Vĩnh Bình 1 (TVB1), vụ Trịnh Vĩnh Bình 2 (TVB2), vụ South Fork tại tỉnh Bình Thuận, vụ liên quan đến Bệnh viện quốc tế thận và lọc thận tại thành phố Hồ Chí Minh, vụ Recofi, vụ Saigon Metropolitan.
Để phòng ngừa, hạn chế tranh chấp cũng như chủ động trong các vụ kiện khi có tranh chấp xẩy ra, đòi hỏi đất nước chúng ta phải xây dựng được đội ngũ luật sư giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, am hiểu luật pháp và tập quán thương mại quốc tế, thông thạo tiếng Anh, thành thạo về kỹ năng hành nghề luật sư quốc tế, có đủ khả năng tư vấn các vấn đề liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế , đồng thời phải xây dựng các tổ chức hành nghề luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài, có khả năng cạnh tranh với các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài như mục tiêu Đề án phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020 đã chỉ ra.
Với mục tiêu này cũng như vai trò mà Chính phủ giao cho Bộ Tư pháp là đại diện pháp lý cho Chính phủ trong các vụ tranh chấp đầu tư quốc tế và là cơ quan chủ trì giải quyết tranh chấp khi nhà đầu tư nước ngoài khởi kiện Chính phủ theo các điều ước quốc tế về đầu tư, Bộ Tư pháp đã giao nhiệm vụ cho Học viện                    Tư pháp xây dựng và tổ chức triển khai Chương trình đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế. Đây là nhiệm vụ chính trị mới, bên cạnh nhiệm vụ tổ chức các lớp đào tạo nghề luật sư truyền thống của Học viện Tư pháp.
Chương trình đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế nhằm trang bị cho học viên đạo đức nghề nghiệp luật sư, kiến thức, kỹ năng cơ bản và chuyên sâu của luật sự trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài. Với kiến thức, kỹ năng và phẩm chất được trang bị, học viên có thể tham gia tư vấn, tranh tụng và thực hiện các hoạt động khác trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài cho các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam và nước ngoài. Ngoài ra, tham gia khóa đào tạo tại Học viện, các học viên còn có cơ hội thực tập và tiếp cận với nhà tuyển dụng chuyên nghiệp, giúp họ khả năng cọ sát với thực tiễn, nâng cao trình độ, kỹ năng giải quyết tranh chấp quốc tế.
          -Là Khóa đào tạo đầu tiên nên nhiều người, đặc biệt là những người có ý định ứng tuyển trở thành học viên, rất quan tâm đến các tiêu chuẩn đầu vào và những điểm khác biệt của quá trình đào tạo so với các khóa đào tạo nghề luật sư truyền thống của Học viện Tư pháp, xin ông cho biết cụ thể hơn về điều này?
Đối tượng đào tạo của chương trình đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc bao gồm:
- Cán bộ công tác tại các bộ phận pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; tổ chức pháp chế tại các doanh nghiệp;
- Luật sư đang hành nghề tại các tổ chức hành nghề luật sư, doanh nghiệp
- Người tập sự hành nghề luật sư;
- Giảng viên của các cơ sở đào tạo luật, cơ sở đào tạo nghề luật sư;
- Những đối tượng khác có nhu cầu đào tạo.
Người dự tuyển tham gia Chương trình đào tạo phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
- Là công dân Việt Nam, thường trú tại Việt Nam, có lập trường chính trị vững vàng và tư cách đạo đức tốt;
- Có trình độ cử nhân luật trở lên;
- Có trình độ ngoại ngữ tiếng Anh đạt bậc 4 Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam ban hành theo Thông tư 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc IELTS đạt 5,0 trở lên hoặc TOEFL iBT đạt 45 điểm trở lên (chứng chỉ tiếng Anh phải còn hiệu lực) hoặc trình độ ngoại ngữ tương đương.
Đối với những người chưa có bằng cử nhân luật nhưng có nhu cầu tham gia một phần hoặc toàn bộ khóa đào tạo để nâng cao kiến thức, trình độ thì có thể đăng ký học dự thính và được cấp Chứng nhận hoàn thành môn học đã tham gia. 
Chương trình này có những điểm khác biệt so với các khóa đào tạo nghề luật sư truyền thống của Học viện Tư pháp như sau:
Chương trình đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế có những điểm khác biệt so với các khóa đào tạo nghề luật sư truyền thống của Học viện Tư pháp ở  các ưu điểm nổi bật sau:
Về nội dung: Chương trình hướng đến việc trang bị cho học viên đạo đức nghề nghiệp luật sư, kiến thức, kỹ năng cơ bản và chuyên sâu của luật sư trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài. Với kiến thức, kỹ năng và phẩm chất được trang bị, người tốt nghiệp Chương trình đào tạo có thể tham gia tư vấn, tranh tụng và thực hiện các hoạt động khác trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài cho các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam và nước ngoài.
Về phương pháp giảng dạy: Học viện áp dụng các phương pháp giảng dạy tiên tiến; Giảng viên tham gia giảng dạy cho Chương trình là các luật sư hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài đến từ các hãng luật uy tín; các chuyên gia pháp luật, giảng viên luật có kinh nghiệm và chuyên môn sâu về đào tạo kiến thức và kỹ năng nghề luật sư trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương  mại có yếu tố nước ngoài. Các giáo trình, tài liệu có nội dung thiết thực, hữu ích, cập nhật của Việt Nam và nước ngoài.
Chương trình có sự tham gia giảng dạy của nhiều giảng viên nước ngoài, tài liệu dạy và học bằng tiếng Anh nên học viên sẽ có cơ hội để thực hành và nâng cao trình độ tiếng Anh nói chung và tiếng Anh pháp lý nói riêng.
Bên cạnh đó, học viên có cơ hội thực tập ở các tổ chức hành nghề luật sư hàng đầu tại Việt Nam; các cơ quan nhà nước, tập đoàn, công ty và tổ chức có môi trường và đội ngũ chuyên gia có khả năng truyền thụ, đào tạo học viên về các kỹ năng nghề của luật sư trong lĩnh vực tư vấn và tranh tụng về đầu tư, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài. Để phục vụ chương trình đào tạo, Học viện Tư pháp cũng đã trang bị một số phòng học tiêu chuẩn và hiện đại để phục vụ riêng cho Chương trình.
Học viên hoàn thành Chương trình được cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp chương trình đào tạo nghề luật sư (Chương trình đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế), có giá trị như Giấy chứng nhận tốt nghiệp chương trình đào tạo nghề luật sư quy định tại khoản 2 Điều 12 Luật Luật sư.
 -Thưa ông, để triển khai tốt khóa đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế này và các khóa tiếp theo, Học viện Tư pháp cần chú trọng đến vấn đề gì?
Trên tinh thần rút kinh nghiệm từ những khóa đào tạo các chức danh và chương trình khác trong 20 năm qua, cùng với việc cam kết đảm bảo chất lượng đào tạo, Học viện Tư pháp cần tập trung mọi nguồn lực và tạo mọi điều kiện để thực hiện tốt các nội dung trọng tâm Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Tiến Châu đã chỉ đạo nhà trường tại Lễ Khai giảng Lớp luật sư phục vụ hội nhập quốc tế khóa 1 ngày 15/10/2017 vừa qua, cụ thể là:
Một là, tiếp tục rà soát, điều chỉnh, sắp xếp lại nguồn lực và tổ chức của Học viện, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên cả về phẩm chất, trình độ và năng lực ngang tầm với nhiệm vụ mới. Căn cứ vào các quy định hiện hành, Học viện cần có các chính sách để thu hút các luật sư, giảng viên giỏi ở trong và ngoài nước đến giảng dạy, nghiên cứu cho chương trình đào tạo này.
Hai là, chú trọng công tác xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống giáo trình, tài liệu, hồ sơ tình huống theo chương trình các môn học; không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập theo hướng tiếp cận dần với phương pháp đào tạo tiên tiến ở các nước trên thế giới có nghề luật sư phát triển.
Ba là, đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế để tăng cường tiếp nhận sự ủng hộ, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân, tạo điều kiện thuận lợi triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Học viện Tư pháp trong chương trình đào tạo này.
Để chương trình đào tạo khóa 1 và các khóa tiếp theo đạt những kết quả tốt nhất, Học viện Tư pháp rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tư pháp; sự phối hợp chặt chẽ của Cục Bổ trợ Tư pháp, Vụ Pháp luật quốc tế và các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đặc biệt là thành viên Câu lạc bộ luật sư thương mại quốc tế Việt Nam và các tổ chức hành nghề luật sư trong nước và nước ngoài, các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học cũng như các chuyên gia nghiên cứu, giảng dạy, hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại quốc tế cùng đồng hành, sát cánh với Học viện Tư pháp.
-Xin cảm ơn ông!
                                                          PV Thu Hằng
                                                          (Thực hiện)