Hội thảo “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác soạn thảo dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật”

03/11/2017
Hội thảo “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác soạn thảo dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật”
Thực hiện Kế hoạch công tác năm 2017, vừa qua, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác soạn thảo dự án dự thảo văn bản quy phạm pháp luật”

Tham dự Hội thảo có đại diện của Vụ pháp luật - Văn phòng Quốc hội; Văn phòng Chính phủ; Tòa án nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đại diện Vụ pháp chế các tổng cục thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, và các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tư pháp.
Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP là hai văn bản quy phạm pháp luật quan trọng trong công tác soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương. Sau hơn một năm thi hành, các quy định của Luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP đã được các bộ, ngành, địa phương tuân thủ và thực hiện tương đối nghiêm trong quá trình xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật như về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản; quy định về thời điểm có hiệu lực của văn bản... Đặc biệt là việc thực hiện quy trình soạn thảo và ban hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được thực hiện tương đối tốt… Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp, nâng cao chất lượng trong công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước ở Trung ương, địa phương thì Luật năm 2015 và Nghị định số 34 cũng đã bộc lộ tồn tại và hạn chế như việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn còn tùy tiện; đăng tải và lấy ý kiến dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật còn hình thức; việc xây dựng văn bản quy định chi tiết còn chạy theo tiến độ mà chưa chú trọng đến chất lượng; vẫn còn tình trạng ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương có chứa thủ tục hành chính…
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã thảo luận về những vướng mắc, bất cập và giải pháp góp phần nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật trong công tác soạn thảo, thầm định, thẩm tra và chỉnh lý dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; Nâng cao chất lượng công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thông qua kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; Bảo đảm nguồn kinh phí, nguồn nhân lực và cơ sở, vật chất cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật…
Các đại biểu tham dự Hội thảo cũng đã đưa ra một số giải pháp khắc phục những hạn chế nêu trên như cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu của bộ, cơ quan ngang bộ theo tinh thần Điều 7 của Luật năm 2015; tiếp tục xác định công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm trong quản lý nhà nước của bộ, ngành, địa phương mình; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật năm 2015 và các văn bản có liên quan theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 1362/TTg-PL ngày 08/9/2017 về việc nâng cao chất lượng công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật…
Trên cơ sở kết quả trao đổi, thảo luận, Bộ Tư pháp sẽ đề xuất những giải pháp, kiến nghị phù hợp góp phần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian tới.
Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật