Đối thoại về hoạt động pháp điển trong lĩnh vực đầu tư

14/10/2017
Đối thoại về hoạt động pháp điển trong lĩnh vực đầu tư
Sáng 13/10, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị đối thoại về những vấn đề pháp lý phát sinh qua hoạt động pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đầu tư.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Cục trưởng Đồng Ngọc Ba cho biết: Hệ thống pháp luật nói chung và quy định pháp luật về đầu tư nói riêng được Đảng và Nhà nước rất quan tâm, từng bước hoàn thiện trong thời gian vừa qua, có những đóng góp rất thiết thực, tích cực vào quá trình đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống pháp luật cũng đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, góp phần thúc đẩy các quan hệ. Bên cạnh những kết quả tốt, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận hệ thống pháp luật còn nhiều bất cập trước yêu cầu, đòi hỏi của đời sống, nhất là trong lĩnh vực đầu tư..., dẫn đến hậu quả cuối cùng là các tổ chức, cá nhân khó tiếp cận pháp luật đầy đủ, chính xác, biết được văn bản nào còn hiệu lực, được áp dụng trong vấn đề cụ thể.

Để hoàn thiện hệ thống pháp luật, chúng ta sử dụng rất nhiều công cụ, giải pháp, trong đó có giải pháp rất mới, mới với cả những người làm công tác pháp luật, khó về mặt kỹ thuật là pháp điển. Đồng thời, để khắc phục những bất cập, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật năm 2012, có hiệu lực từ ngày 1/7/2013.
Sau một thời gian tích cực triển khai, đến nay Chính phủ chính thức thông qua 36/265 đề mục. Trong số các đề mục thì có đề mục quan trọng là đề mục đầu tư, bên cạnh đó có những đề mục khác được xã hội rất quan tâm như đất đai, doanh nghiệp... Ông Ba nhấn mạnh, pháp điển chỉ đơn thuần về mặt kỹ thuật thôi, không làm thay đổi nội dung các quy phạm còn hiệu lực trong Luật, Nghị định, Thông tư. Nhưng bằng việc sắp xếp lại, cấu trúc, mã hóa các điều khoản thì từng lĩnh vực pháp luật sẽ được "gom" lại để đảm bảo tính đầy đủ, chính xác, người đọc dễ tiếp cận, dễ hiểu. Bên cạnh đó, qua công tác pháp điển và kết quả pháp điển, việc phát hiện những quy định còn chưa đồng bộ, thống nhất, còn chồng chéo khi đặt chúng cạnh nhau cũng thuận lợi hơn để đánh giá, thậm chí kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện.

Nêu bật tầm quan trọng, tính thời sự của đề mục đầu tư trong bối cảnh hiện nay khi toàn bộ hệ thống chính trị đang rất quyết tâm, có nhiều hành động nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm có thể thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư mọi nguồn lực để phát triển kinh tế, ông Ba quan niệm một trong những điều kiện đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh tốt chính là pháp luật và hệ thống pháp luật về đầu tư hiện hành cơ bản hoàn chỉnh. Khi tiếp cận với đề mục đầu tư, ông Ba mong muốn người đọc sẽ dần dần sử dụng đề mục thay cho văn bản nguồn cũng như phản hồi nếu phát hiện đề mục đầu tư nói riêng và Bộ pháp điển nói chung có những vướng mắc.
Ngoài ra, ông Ba lưu ý, hiện mới pháp điển văn bản ở Trung ương, chưa tính đến văn bản ở địa phương nên với đề mục đầu tư, trường hợp thấy chính quyền địa phương ban hành những quy định chưa đảm bảo yêu cầu, nhất là tính hợp hiến, hợp pháp như quy định thêm thủ tục hành chính, thêm điều kiện đầu tư kinh doanh, quy định những ngành nghề kinh doanh bị cấm, ngành nghề kinh doanh có điều kiện trái với văn bản cấp trên... thì phản ánh với Bộ Tư pháp và Bộ sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có thẩm quyền kiểm tra, xử lý các văn bản của địa phương.

Chia sẻ cụ thể hơn về kết quả pháp điển đề mục đầu tư, Trưởng Phòng Pháp điển Nguyễn Duy Thắng cho biết phạm vi văn bản thực hiện pháp điển vào đề mục bao gồm 1 Luật, 4 Nghị định và 6 Thông tư cùng 12 văn bản thuộc các lĩnh vực khác có liên quan. Thông qua pháp điển này, đây cũng là lần đầu tiên toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật quy định về hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và hoạt động đầu tư kinh doanh từ Việt Nam ra nước ngoài đang còn hiệu lực được thống kê, tập hợp, sắp xếp vào một chỗ giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật.
Các đại biểu tham dự còn thảo luận với nhau về những tác động tích cực của quá trình pháp điển hóa quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình pháp điển hóa quy phạm pháp luật về cấm đầu tư kinh doanh và đầu tư kinh doanh có điều kiện... Đặc biệt, các vướng mắc giữa quy định của Luật Đầu tư năm 2014 và pháp luật chuyên ngành do các nội dung không thống nhất với nhau cũng được nêu lên để các đại biểu cùng đánh giá...
H.Thư