Bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng trong lĩnh vực tín dụng tại TP. Hồ Chí Minh

31/07/2017
Bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng trong lĩnh vực tín dụng tại TP. Hồ Chí Minh
Ngày 29/7/2017, tại TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Thông tin, hỗ trợ pháp luật (Trung tâm) Cục Công tác phía Nam, Bộ Tư pháp đã tổ chức Chương trình “Bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng trong lĩnh vực tín dụng”. Tham gia chương trình là cán bộ lãnh đạo, quản lý, tín dụng, xử lý tài sản, cán bộ pháp chế, cán bộ các phòng, ban của các ngân hàng thương mại, Quỹ đầu tư phát triển, Quỹ tín dụng nhân dân, Công ty đầu tư tài chính, Văn phòng công chứng và doanh nghiệp khu vực phía Nam.
TS. Hồ Quang Huy - Chuyên gia pháp luật của Bộ Tư pháp, một người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này đã trình bày, chia sẻ các Quy định của pháp luật và kỹ năng trong ký kết, thực hiện hợp đồng bảo đảm, đăng ký giao dịch bảo đảm và xử lý tài sản bảo đảm; kỹ năng giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm như: Pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm và một số kỹ năng cần lưu ý; Pháp luật và một số vấn đề cần lưu ý về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; Quy định của Bộ luật dân sự Việt Nam năm 2015 về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; Những nội dung cơ bản của Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng,…
Bà Huỳnh Thị Lệ Thủy - Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Tư pháp đã đến tham dự và phát biểu khai giảng lớp bồi dưỡng.
Lớp bồi dưỡng diễn ra trong không khí hết sức sôi nổi, trao đổi thẳng thắn, tích cực và thu được kết quả cao do các học viên rất tập trung lắng nghe chuyên đề cũng như liên tục đặt ra các tình huống trong thực tiễn, đưa ra những khó khăn, vướng mắc trong công việc và được báo cáo viên nhiệt tình tư vấn, giải đáp. Dựa vào những đề xuất của các học viên tham gia bồi dưỡng, Trung tâm sẽ tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu của các đơn vị nhằm hỗ trợ các nhà quản lý, các tổ chức hoạt động tín dụng, ngân hàng về mặt pháp lý, kịp thời cập nhật, nắm bắt các chính sách pháp luật hiện hành liên quan để áp dụng vào thực tiễn, nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời hạn chế những rủi ro, vướng mắc pháp lý trong hoạt động kinh doanh./.                                                             
Út Hạnh