Góp ý dự thảo Khung theo dõi thi hành pháp luật và hệ thống thu thập dữ liệu

16/06/2017
Góp ý dự thảo Khung theo dõi thi hành pháp luật và hệ thống thu thập dữ liệu
Ngày 16/6, trong khuôn khổ Dự án Phát triển lập pháp quốc gia Canada tại Việt Nam (Dự án NLD), Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo góp ý đối với dự thảo Khung theo dõi thi hành pháp luật (THPL) và hệ thống thu thập dữ liệu. Khung theo dõi và hệ thống này được kỳ vọng sẽ là bộ công cụ hỗ trợ hiệu quả để Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương có thể nhận định, đánh giá một cách khoa học, chính xác về tình hình THPL.
Cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức theo dõi THPL hiện nay là Nghị định số 59/2012/NĐ-CP về theo dõi tình hình THPL. Với quy định và tinh thần của Hiến pháp năm 2013 thì theo dõi việc THPL là nhiệm vụ mang tính hiến định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thực tiễn cho thấy, theo dõi tình hình THPL có phạm vi rất rộng, bao trùm mọi lĩnh vực pháp luật từ Trung ương tới địa phương. Đây là nhiệm vụ nặng nề và không phải của riêng Bộ Tư pháp, mà là nhiệm vụ chung của tất cả các bộ, ngành, địa phương trong cả nước. Những năm qua và nhất là trong hai năm 2015 – 2016, công tác theo dõi THPL đã được triển khai bài bản hơn với nhiều đổi mới, bước đầu đạt được kết quả tích cực. Thể chế về công tác theo dõi THPL tiếp tục được xây dựng, hoàn thiện; phương pháp theo dõi THPL tiếp tục được nghiên cứu đổi mới; hoạt động hướng dẫn, tập huấn, kiểm tra công tác theo dõi THPL được chú trọng tăng cường…
 

Bên cạnh đó, công tác theo dõi THPL vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập. Thể chế về theo dõi THPL vẫn còn thiếu, hiệu lực của văn bản chưa cao; hoạt động tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cần tiếp tục được đẩy mạnh. Kinh phí, tổ chức bộ máy, biên chế chưa đáp ứng yêu cầu triển khai có hiệu quả công tác theo dõi THPL; chưa thu hút được sự tham gia, phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân trong xã hội...
Đặc biệt là thực tiễn triển khai thực hiện công tác theo dõi THPL trong hơn 3 năm qua cho thấy sự cần thiết phải có các công cụ, phương tiện hỗ trợ hoạt động theo dõi THPL. Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương hiện thiếu các công cụ, phương tiện hữu hiệu để thực hiện công tác theo dõi, đánh giá việc THPL một cách chính xác, hiệu quả và khoa học. Việc theo dõi, đánh giá chủ yếu dựa trên hành lang pháp lý của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP về theo dõi tình hình THPL với quy định về các tiêu chí theo dõi, đánh giá còn chưa rõ ràng, cụ thể, gây khó khăn cho việc theo dõi, đánh giá tình hình THPL. Vì vậy, Bộ Tư pháp đã hợp tác với Dự án NLD xây dựng dự thảo Khung theo dõi THPL và hệ thống thu thập dữ liệu nhằm giải quyết vướng mắc trên.
 

Trực tiếp tham gia xây dựng dự thảo và qua trải nghiệm thực tế, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) Dương Thị Thanh Mai dẫn chứng: Sau đợt “vào cuộc” ráo riết, Chỉ số hiệu quả hoạt động pháp luật về kinh doanh của các bộ (Chỉ số MEI) năm 2014 của một số bộ, ngành, nổi bật là Bộ Giao thông vận tải, đã được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, Chỉ số MEI năm 2016 sắp công bố tới đây dự kiến cho thấy những tiến bộ trong THPL dường như chững lại sau lần khởi sắc của năm 2014.
Do đó, bà Mai kỳ vọng Khung theo dõi THPL và hệ thống thu thập dữ liệu sẽ là công cụ theo dõi, đánh giá một cách thường xuyên, hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Bộ trưởng, cơ quan địa phương trong tổ chức THPL. Bộ công cụ cần hướng tới việc đạt mục tiêu đặt ra của các đạo luật khi được Quốc hội thông qua, tránh tình trạng như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư quy định phải hạn chế giấy phép, tạo điều kiện thông thoáng cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo quyền tự do kinh doanh nhưng các văn bản dưới luật thì tạo ra nhiều giấy phép “con”, làm khó người dân, doanh nghiệp.
Một trong những điểm mới, mang tính thay đổi đột phá nhất trong phương pháp tiếp cận khi xây dựng Khung theo dõi là việc áp dụng lý thuyết về quản lý dựa trên kết quả, thay vì quản lý dựa trên công việc như trước đây. Cách tiếp cận này giúp Khung theo dõi cụ thể, chi tiết, đầy đủ hơn với các cấp độ theo dõi (đầu vào, đầu ra, kết quả, tác động), tiêu chí, chỉ số, nguồn dữ liệu, cơ quan thực hiện, tần suất đo lường so với các nội dung theo dõi tình hình THPL quy định tại Nghị định 59. Đi kèm các Khung theo dõi là hệ thống thu thập dữ liệu theo dõi THPL với bộ công cụ tương ứng với các cấp độ theo dõi.
Theo Ths Đỗ Đình Lương (Vụ Các vấn đề chung về XDPL) thì Tổ chuyên gia cần tiếp tục theo đuổi phương pháp đánh giá dựa trên kết quả, tuy nhiên nên mạnh dạn “thoát ly” khỏi Nghị định số 59/2012/NĐ-CP nhằm khắc phục bất cập hiện nay, trong đó tập trung theo dõi về tình hình tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xã hội. Về vấn đề này, ông Đỗ Trung Hưng (Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế) cho rằng, với nguồn lực hiện nay sẽ rất khó cho các Bộ, ngành, địa phương có thể thực hiện được theo đúng yêu cầu của dự thảo Khung theo dõi.
Phát biểu ý kiến tại Hội thảo, TS Hồ Quang Huy (Phó Cục trưởng Cục Quản lý XLVPHC và Theo dõi THPL) đồng tình với phương pháp tiếp cận của Tổ chuyên gia nhằm tạo giá trị gia tăng thực sự cho hoạt động theo dõi THPL, tuy nhiên để bảo đảm tính khả thi thì cần rà soát, lựa chọn những tiêu chí cơ bản, quan trọng trong gần 40 tiêu chí được nêu ra, đồng thời trong dự thảo Khung có những tiêu chí không phản ánh đúng, thực chất tình tình thi hành pháp luật nên cần loại bỏ. Cũng theo ông Huy thì giữa các Khung và giữa các chỉ số trong 1 Khung cần phải có mối liên hệ và sử dụng được kết quả của nhau nhằm giảm thiểu chi phí thực hiện và bảo đảm tính logic của vấn đề được theo dõi.  
Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi THPL Đặng Thanh Sơn nhận định, Khung theo dõi THPL và hệ thống thu thập dữ liệu sẽ là một công cụ hữu hiệu giúp theo dõi tình hình THPL, giúp cơ quan, người có thẩm quyền đánh giá, đưa ra được những quyết sách đúng đắn, kịp thời liên quan đến việc đề xuất chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế đưa pháp luật vào cuộc sống, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tổ chức THPL. Sau khi Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức THPL - cũng được giao Bộ Tư pháp soạn thảo – được ban hành, ông Sơn tin tưởng những nội dung trong Khung theo dõi không chỉ là những khuyến nghị mà sẽ là những nghĩa vụ mang tính pháp lý bắt buộc thực hiện.
Vy Anh - H.Thư